Đại học đa lĩnh vực thành công trên thế giới, nhưng sao gặp "sự cố" ở ta?

15/09/2017 08:45
Giáo sư Lâm Quang Thiệp
(GDVN) - Các trường thành viên phản đối khi được sáp nhập, vì mất nhiều “ghế” quản lý, và “trường” bị hạ cấp thành khoa.

LTS: Được biết, thập niên đầu tiên của quá trình đổi mới giáo dục đại học (1987-1997) là giai đoạn khởi đầu cơ bản và phức tạp nhất, vì đó là giai đoạn phải thay đổi nhiều khái niệm, triết lý và thể chế, chuyển từ hệ thống cũ sang hệ thống mới. 

Cho nên muốn hiểu sâu sắc các đổi mới trong giáo dục đại học cần bắt đầu tìm hiểu giai đoạn khởi đầu đó.

Tiếp theo bài viết Đại học Việt Nam 1987, Hội nghị Nha Trang và "bốn tiền đề", Giáo sư Lâm Quang Thiệp - Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) giai đoạn 1988 đến 1997, phân tích cụ thể về đặc điểm của hệ thống giáo dục đại học giai đoạn này. 

Tòa soạn mời quý bạn đọc theo dõi và trân trọng cảm ơn Giáo sư Lâm Quang Thiệp. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.


Hệ thống nhà trường bậc đại học 


Vì theo mô hình Liên Xô nên trước thời đổi mới giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục đại học nước ta không có loại trường đa lĩnh vực. 

Theo kinh nghiệm của các hệ thống giáo dục đại học phương Tây, mô hình trường đại học có hiệu quả nhất chính là mô hình đại học đa lĩnh vực (university), vì 2 lý do cơ bản sau đây: 

Một là, các đại học đa lĩnh vực sẽ đào tạo sinh viên tốt ở phần giáo dục đại cương, phần rất quan trọng của kiến thức đại học, vì chỉ ở các trường đó mới có đội ngũ giáo sư có trình độ cao để giảng dạy mảng kiến thức này. 

Hai là, đại học đa lĩnh vực có ưu thế về nghiên cứu, vì ngày nay các đề tài nghiên cứu lớn đều là các đề tài có tính liên ngành. 

Giáo sư Lâm Quang Thiệp, ảnh: Thùy Linh / giaoduc.net.vn.
Giáo sư Lâm Quang Thiệp, ảnh: Thùy Linh / giaoduc.net.vn.

Vì ưu thế của mô hình đại học đa lĩnh vực nên các đại học trọng điểm của đất nước được xây dựng theo mô hình đa lĩnh vực: hai đại học quốc gia và các đại học vùng. 

Quá trình thành lập các đại học đa lĩnh vực này bị hai “sự cố”, có thể nói là rất đáng tiếc. Đó là: 

Một là có việc điều chỉnh nhập rồi tách một số trường, hai là các đại học đa lĩnh vực được thành lập không còn giữ đúng mô hình university như dự kiến. 

Về điểm thứ nhất có thể hiểu như sau. Vào đầu thời kỳ đổi mới, khoảng năm 1988, quy mô các trường đại học nước ta đều rất nhỏ bé, thường dưới một ngàn sinh viên, nên các phương án nhập nhiều trường đại học đơn ngành thành trường đại học đa lĩnh vực đã được đề xuất. 

Tuy nhiên, cho đến khi thực hiện các phương án này vào khoảng năm 1993 thì quy mô các trường đại học đơn ngành đã lớn hơn nhiều, do đó việc nhập quá nhiều trường đại học đơn ngành sẽ tạo nên một đại học đa lĩnh vực quá lớn (đặc biệt đối với Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). 

Đó là lý do phải điều chỉnh quy mô của đại học đa lĩnh vực mới thành lập bằng cách giảm bớt một số trường thành viên. 

Về điểm thứ hai, việc các đại học đa lĩnh vực không giữ được mô hình university như dự kiến, chính là do khó khăn về tổ chức.

Các trường thành viên phản đối khi được sáp nhập, vì mất nhiều “ghế” quản lý, và “trường” bị hạ cấp thành khoa. 

Các nhà tổ chức phải thỏa hiệp bằng cách hứa hẹn giữ nguyên vị trí các trường thành viên, do đó các quy chế được xây dựng cho ra đời mô hình các đại học hai cấp. 

Vậy các đại học hai cấp ở nước ta là các giải pháp tình thế về tổ chức, nhưng mô hình này đã không phát huy được hai thế mạnh của university đã nêu trên đây, vì các trường thành viên liên kết với nhau rất lỏng lẻo, các chương trình đào tạo thực chất là độc lập với nhau, và việc liên kết trong nghiên cứu cũng khó thực hiện.

Đại học đa lĩnh vực thành công trên thế giới, nhưng sao gặp "sự cố" ở ta? ảnh 2

Đại học Việt Nam 1987, Hội nghị Nha Trang và "bốn tiền đề"

Đại học Quốc gia Hà Nội có người cho rằng mô hình đại học quốc gia của ta giống mô hình UC (University of California) và CSU (California State University) của bang California, Hoa Kỳ.

Nhưng thực ra UC và CSU là các hệ thống university, mỗi một university của hệ thống mang đủ tính ưu việt của loại hình đó. 

Còn các đại học quốc gia và đại học khu vực của ta là tập hợp các đại học đơn ngành, mỗi đại học thành viên tách biệt sẽ không còn tính ưu việt như đã nói trên đây. 

Vì quan niệm mô hình đại học quốc gia giống hệ thống UC, CSU nên Đại học Quốc gia Hà Nội tự đặt tên cho mình theo kiểu UC, CSU, tức “Đại học quốc gia Việt  Nam, Hà Nội”, và sau đó đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cũng buộc phải đặt tên tương tự là “Đại học Quốc gia Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh”. 

Kiểu đặt tên này hoàn toàn không hợp lý, vì rằng hai đại học quốc gia tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chẳng có mối liên hệ nào về mặt tổ chức. 

Tóm lại, “mô hình đại học hai cấp” chỉ là một giải pháp tình thế trong quá trình xây dựng các đại học đa lĩnh vực chứ không phải mô hình của những người thiết kế mong muốn, và mô hình này không giữ được thế mạnh của mô hình đại học đa lĩnh vực.

Ngoài việc thành lập các đại học quốc gia và đại học vùng theo mô hình university, Chính phủ còn triển khai một số hoạt động để sáp nhập hệ thống các viện nghiên cứu lớn và các đại học quốc gia. 

Thời kỳ đó chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã họp bàn với Hội đồng tư vấn Khoa học và Công nghệ quốc gia trong nhiều buổi về chủ trương này. 

Ở các hội nghị mọi người đều thống nhất với chủ trương của Chính phủ, nhưng khi thực hiện thì chính một số người đó lại chống lại chủ trương. 

Từ đó các viện khoa học Việt Nam đã nhiều lần đổi tên, khi thì là trung tâm, khi thì là viện, nhưng về tổ chức thì vẫn y nguyên. 

Và mọi người đều biết, đến cuối năm 2012, các viện đó được đổi tên thành “Viện Hàn lâm khoa học” giống như các tổ chức của Liên Xô cũ.  

Liên quan với việc đổi mới hệ thống nhà trường đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đặt vấn đề đổi mới hệ thống đào tạo giáo viên, khắc phục xu hướng đào tạo giáo viên bằng một hệ thống sư phạm khép kín. 

Ý tưởng đào tạo giáo viên theo mô hình nối tiếp trong các đại học đa lĩnh vực được nêu ra: hai năm đầu sinh viên sư phạm được học chương trình khoa học cơ bản chuyên sâu chung với sinh viên khoa học, hai năm sau mới được đào tạo về sư phạm.  

Đại học đa lĩnh vực thành công trên thế giới, nhưng sao gặp "sự cố" ở ta? ảnh 3

Thủ tướng ra hiện trường, quyết tâm xây dựng đô thị đại học mang tầm cỡ quốc tế

Giáo viên đào tạo theo mô hình này sẽ vững về chuyên môn hơn nên sẽ phát triển tốt hơn trong quá trình giảng dạy về sau. 

Mô hình này cũng giúp nhà trường dễ thích nghi hơn khi nhu cầu về giáo viên thay đổi.
 
Việc thay đổi hệ thống đào tạo giáo viên được tóm tắt trong phương châm:

“Các trường sư phạm không chỉ đào tạo giáo viên, và giáo viên không chỉ được đào tạo ở các trường sư phạm”

Tuy nhiên ý tưởng về đào tạo giáo viên trong các đại học đa lĩnh vực bị phản đối rất nhiều bởi những người đã quen với mô hình đại học chuyên ngành theo kiểu Liên Xô. 

Vào những năm sau đó chỉ một số trường đại học sư phạm chuyển thành đại học đa lĩnh vực (Đại học Vinh, Đại học Quy Nhơn, Đại học Hải Phòng), còn các trường sư phạm lớn khác vẫn giữ mô hình đại học sư phạm đơn lĩnh vực khép kín. (1)

Một loại hình nhà trường khác được chấp nhận trong bậc giáo dục đại học là cao đẳng cộng đồng. 

Loại hình này đã bắt đầu được hình thành ở miền Nam nước ta từ năm 1971 (Viện Đại học cộng đồng Duyên hải). 

Sau năm 1975 các viện đại học cộng đồng ở miền Nam bị giải tán vì lúc đó cấp lãnh đạo nước ta chưa hiểu hết ý nghĩa của mô hình này. 

Tuy nhiên, đến năm 1996 Nghị quyết 02-NQ/HNTW của Hội nghị Trung ương Đảng khẳng định lại việc “Xây dựng một số trường cao đẳng cộng đồng ở các địa phương để đào tạo nhân lực tại chỗ”

Từ đó một số trường cao đẳng cộng đồng được thành lập ở một số địa phương, và một số dự án của nước ngoài (Canađa, Hà Lan) hỗ trợ cho nhiệm vụ này. 

Tuy hệ thống các trường cao đẳng cộng đồng được hình thành nhưng cơ chế chuyển tiếp (tức là cho phép sinh viên đã hoàn thành chương trình đại học hai năm ở các trường cao đẳng cộng đồng lên học tiếp phần giáo dục chuyên nghiệp ở các trường đại học khác) chưa được thiết kế trong hệ thống giáo dục đại học, nên ưu thế của mô hình cao đẳng cộng đồng bị hạn chế. 

Một loại hình trường đặc biệt cũng được xây dựng trong giai đoạn đổi mới giáo dục đại học này là các đại học mở (Viện Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh được thành lập năm 1993), nhằm phát triển giáo dục mở và đào tạo từ xa. 

Đối với nhiều nước đang phát triển, các đại học mở đóng vai trò rất quan trọng để phát triển giáo dục đại học, đặc biệt là để “đại chúng hóa giáo dục đại học” và giữ chất lượng của các hệ thống giáo dục đại học không chính quy cũng như hệ thống đại học tư. (2)

Rất tiếc là các đại học mở của nước ta chưa phát triển đúng tầm, thua kém các đại học mở trong khu vực, vì không được đầu tư ban đầu thích đáng của Nhà nước. 

Một loại hình trường quan trọng khác cũng được hình thành trong giai đoạn này là các trường đại học ngoài công lập. 

Thực ra có nhiều viện đại học tư hoạt động ở miền Nam nước ta trước năm 1975, nhưng sau năm 1975 đã bị giải thể vì trước thời kỳ đổi mới thành phần kinh tế tư nhân ở nước ta không được thừa nhận. 

Đại học ngoài công lập đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất là “Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long”, được thành lập thí điểm vào tháng 12 năm 1988. 

Sau đó được công nhận vào năm 1993 với tên “Trường đại học dân lập Thăng Long”, và được công nhận chính thức là một trường đại học tư thục vào năm 2007 với tên “Trường đại học Thăng Long”. 

Từ năm 1993 một loạt trường đại học dân lập khác ra đời, đến năm 2000 có tổng số 30 trường đại học và cao đẳng ngoài công lập.

[1] Mùa tuyển sinh năm 2007 gặp khó khăn lớn trong việc tuyển vào các trường sư phạm, vì nhu cầu về giáo viên trong những năm sắp tới giảm mạnh, sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm. Thế là nhược điểm của mô hình đại học sư phạm đơn lĩnh vực khép kín đã bộc lộ rõ. 

[2] Trung Quốc có khoảng 1400 trường đại học tư nhưng chưa đến 200 trường có quyền cấp bằng vì đã được công nhận qua kiểm định chất lượng. Sinh viên các trường khác muốn lấy bằng phải thi và lấy chứng chỉ mọi môn đã học nhờ các kỳ thi của Đại học mở Trung Quốc. Bằng cách này chất lượng đào tạo của các đại học tư được đảm bảo.

Kỳ 3 , tác giả sẽ tiếp tục phân tích cụ thể về chương trình và quy trình đào tạo bậc đại học.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp