Đào tạo đại học không nên được quan niệm chỉ là đào tạo nghề

19/09/2017 06:54
Giáo sư Lâm Quang Thiệp
(GDVN) - Bậc đại học không chỉ đào tạo con người như một công cụ, mà còn cần giáo dục con người như một mục đích, đó là con người nhân văn.

LTS: Tiếp theo bài viết “Đại học đa lĩnh vực thành công trên thế giới, nhưng sao gặp "sự cố" ở ta?”, Giáo sư Lâm Quang Thiệp - Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) giai đoạn 1988 đến 1997 tiếp tục phân tích cụ thể chương trình và quy trình đào tạo của hệ thống giáo dục đại học giai đoạn này. 

Tòa soạn mời quý bạn đọc theo dõi và trân trọng cảm ơn Giáo sư Lâm Quang Thiệp. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

Chương trình và quy trình đào tạo

Về chương trình đào tạo liền một mạch theo chuyên ngành hẹp như mô hình Liên Xô chỉ thích hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, người sinh viên ra trường được sắp xếp chỗ làm việc theo “kế hoạch”, không phải lo tìm việc trong thị trường lao động. 

Trong kinh tế thị trường, để dễ tìm việc, người có bằng cử nhân phải được đào tạo theo diện rộng, sau khi có chỗ làm việc và có định hướng chuyên môn họ mới có thể quay lại trường để học chuyên sâu hơn. 

Mặt khác, đào tạo đại học không nên được quan niệm chỉ là đào tạo nghề, dù là một nghề cao cấp. 

Nói cách khác, bậc đại học không chỉ đào tạo con người như một công cụ, mà còn cần giáo dục con người như một mục đích, đó là con người nhân văn.  

Với quan niệm đó, chương trình đại học cần có hai thành phần: phần giáo dục đại cương (general education) và phần giáo dục chuyên nghiệp (professional education). 

Việc xác định phần giáo dục đại cương trong chương trình cử nhân đã được nhiều nhà giáo dục phương Tây thảo luận trong nhiều thế kỷ, và nói chung được cộng đồng giáo dục đại học rộng rãi chấp nhận. 

Theo Giáo sư Lâm Quang Thiệp, đào tạo đại học không nên được quan niệm chỉ là đào tạo nghề (Ảnh: Xuân Trung)
Theo Giáo sư Lâm Quang Thiệp, đào tạo đại học không nên được quan niệm chỉ là đào tạo nghề (Ảnh: Xuân Trung)

Một số hiệp hội trường đại học Hoa Kỳ đưa yêu cầu có phần giáo dục đại cương trong chương trình đào tạo như là điều kiện để trở thành hội viên, tức là được xem có tư cách là một trường đại học. 

Ý tưởng về cấu trúc chương trình giáo dục đại học gồm hai thành phần như trên biểu hiện rõ nhất ở Quyết định 2677/GD-ĐT năm 1993. 

Khi hướng dẫn các trường đại học xây dựng chương trình đào tạo gồm hai thành phần, Vụ Đại học thường bị phản ứng từ những người đã quen xây dựng chương trình theo kiểu Liên Xô, bao gồm các kiến thức “cơ bản – cơ sở và chuyên ngành”, với quan niệm tất cả kiến thức cơ bản và cơ sở chỉ phục vụ cho việc học kiến thức chuyên ngành. 

Các nhà giáo dục phương Tây cho rằng trong các chương trình đại học của Liên Xô không có phần giáo dục đại cương (chỉ có các môn giáo dục ý thức hệ) vì mục tiêu đào tạo của các chương trình này chỉ là con người-công cụ.

Trong mấy thập niên đầu thế kỷ 21, có lẽ do tiếp xúc nhiều hơn với giáo dục ở các nước phương Tây, nhiều người bắt đầu nhấn mạnh đến thành phần giáo dục đại cương trong chương trình đại học với những tên gọi khác: giáo dục tổng quát, giáo dục khai phóng (liberal arts) …

Đào tạo đại học không nên được quan niệm chỉ là đào tạo nghề ảnh 2

Sửa Luật Giáo dục đại học phải bỏ được phân biệt đối xử trường công - trường tư

Thực ra, như đã nói trên đây, thành phần này đã được đưa vào chương trình đại học nước ta từ thập niên đầu của đổi mới giáo dục đại học.

Trong việc đổi mới quy trình và chương trình đào tạo đại học có một yếu tố gây tranh cãi, đó là việc phân chia hai giai đoạn đào tạo ở chương trình cử nhân. 

Mục tiêu chính của việc phân chia hai giai đoạn là: 

1) Hợp lý hóa và nâng cao chất lượng đào tạo phần giáo dục đại cương ở các đại học đa lĩnh vực (tổ chức một trường đại học đại cương chung để mọi sinh viên học giai đoạn đầu); 

2) Tạo điều kiện để sinh viên có thể học chuyển tiếp sau giai đoạn 1 trong hệ thống giáo dục đại học, đặc biệt là giữa các trường cao đẳng cộng đồng và các trường đại học khác. 

Mô hình đào tạo nhiều giai đoạn đã được nhiều nước thực hiện: Pháp, Nhật, Mỹ…Ở Pháp, sau giai đoạn đầu sinh viên được cấp bằng Đại học đại cương DEUG (diplôme d’ études universitaires générales - DEUG). 

Ở Nhật, hiện nay ở một số trường đại học có tổ chức trường đào tạo giai đoạn 1, chẳng hạn Tokyo University có College of Liberal Arts giảng dạy chung phần giáo dục đại cương cho sinh viên mọi ngành học trong hai năm đầu. 

Ở Mỹ, trong từng trường đại học không có phân chia 2 giai đoạn vì hệ thống tín chỉ được áp dụng, nhưng trong cả hệ thống giáo dục đại học có khoảng 1700 trường cao đẳng cộng đồng đào tạo chương trình đại học 2 năm cấp bằng American Asociate Degree, tạo cơ hội để mọi sinh viên có bằng đó có thể học hai năm giáo dục chuyên nghiệp ở các trường đại học có đào tạo cử nhân [1].

Khi áp dụng quy trình đào tạo hai giai đoạn, vì một số trường đại học tổ chức thi chuyển giai đoạn quá căng thẳng gây nhiều phản ứng trong xã hội nên Chính phủ đã ra văn bản quy định “bỏ kỳ thi chuyển giai đoạn như một kỳ thi quốc gia” và bỏ mô hình trường đại học đại cương.

Đây là một điều đáng tiếc cho một chủ trương đúng của quá trình đổi mới giáo dục đại học [2]

Tuy chủ trương xây dựng phần giáo dục đại cương và quy trình hai giai đoạn trong chương trình cử nhân gặp nhiều trở ngại do có sự khác nhau về nhận thức, nhưng ở một số bộ phận nó đã bắt đầu phát huy tác dụng. 

Rõ nhất là đối với các trường quân đội: vào thập niên 1990 hai Đại học mở đã đào tạo một vài khóa giáo dục đại cương cho các trường quân đội, giúp đảm bảo chất lượng đào tạo giai đoạn 1 và tạo điều kiện giúp các trường quân đội đại học hóa trong các thời kỳ sau. 

Đào tạo đại học không nên được quan niệm chỉ là đào tạo nghề ảnh 3

Đại học đa lĩnh vực thành công trên thế giới, nhưng sao gặp "sự cố" ở ta?

Ngoài ra, từ một số trường cao đẳng và đại học ở Thanh Hóa cũng đã tổ chức được việc chuyển tiếp liên thông với Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Ở phía Nam, quy trình chuyển tiếp liên thông giữa một số trường cao đẳng và đại học ở đồng bằng sông Cửu Long với Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đang được tổ chức thì bị ngưng lại do sự thay đổi về chủ trương. 

Về Quy trình đào tạo theo học chế học phần đã được đưa vào hệ thống giáo dục đại học nước ta từ năm 1998. 

Thực chất học chế học phần dựa vào việc tích lũy kiến thức được môđun hóa của chương trình học cũng như học chế tín chỉ của Mỹ, tuy nhiên các lớp học được tổ chức theo khóa học chứ không phải theo môn học. 

Từ niên khóa 1993-1994 học chế tín chỉ kiểu Mỹ được áp dụng trong một số trường đại học, mở đầu là Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh. 

Việc áp dụng học chế tín chỉ trong giáo dục đại học nước ta cũng không suôn sẻ. 

Chẳng hạn có lần chủ tịch Hội Sinh viên phát biểu trên báo Nhân dân rằng học chế tín chỉ phá vỡ các tổ chức đoàn thể trong trường đại học “mà chúng ta đã kỳ công xây dựng”.
 
Những ý kiến không thuận chiều như vậy đã cản trở việc áp dụng học chế tín chỉ trong toàn hệ thống giáo dục đại học, nên mãi cho đến năm 2005 mới được khởi động lại.  

Về hệ thống đảm bảo chất lượng

Từ năm 1997 Vụ Đại học Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa các khái niệm về hệ thống đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học vào nhiều chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo chức đại học, đặc biệt là chương trình “Giáo dục học Đại học” cấp chứng chỉ cho giáo chức.

Sự chuẩn bị về lý luận đó cùng với việc trao đổi với các tổ chức kiểm định chất lượng quốc tế đã tạo thuận lợi cho sự ra đời của “Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng” của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào năm 2003, từ đó hệ thống đảm bảo chất lượng được hành thành và triển khai hoạt động trong giáo dục đại học nước ta. 

Vấn đề tuyển sinh đại học

Từ năm 1955 đến năm 1970 từng trường đại học ở miền Bắc tự tổ chức tuyển sinh.

Từ năm học 1970-1971 Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp dưới thời Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã tổ chức các kỳ thi tuyển quốc gia chung ở các tỉnh cho tất cả các trường đại học, một mục tiêu quan trọng là nhằm tăng tính công bằng về cơ hội vào đại học cho học sinh trên cả nước.

Đào tạo đại học không nên được quan niệm chỉ là đào tạo nghề ảnh 4

Đại học Việt Nam 1987, Hội nghị Nha Trang và "bốn tiền đề"

Tuy nhiên, từ ngay đầu thời đổi mới giáo dục đại học, vào năm học 1988-1989, việc thi tuyển sinh được giao cho các trường thực hiện, với nhận định rằng chủ trương đó nhằm đảm bảo quyền tự chủ của các trường đại học.

Thực ra ở các nước có nền giáo dục đại học phát triển, việc thi tuyển sinh đều được tổ chức chung, hoặc do các tập đoàn tư nhân (như Hoa Kỳ) hoặc các tổ chức đặc biệt của Bộ Giáo dục, để các trường đại học dựa vào đó tự chủ tuyển sinh.  

Ở đây có sự nhầm lẫn quyền tự chủ tuyển sinh với việc tổ chức một dịch vụ thi chung để các trường đại học dựa vào kết quả đó thực hiện tự chủ xét tuyển.

Với nhận định đó trong một thời gian dài, từ năm 1988 đến 2001 không có kỳ thi chung nào được tổ chức để phục vụ việc tuyển sinh của các trường đại học.

Tuy việc tuyển sinh lúc đó do Vụ Công tác chính trị và Sinh viên chịu trách nhiệm, nhưng Vụ Đại học đã nghiên cứu các phương pháp đánh giá có thể phục vụ cho tuyển sinh.

Vào năm 1986, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo - Trần Hồng Quân đã giao cho Vụ Đại học chỉ đạo và phối hợp với trường Đại học Đà Lạt thí điểm tuyển sinh đại học bằng phương pháp trắc nghiệm.

Thành công của thí điểm này đã được khẳng định trong hội nghị tổng kết sau đó, tuy vậy, chỉ đến năm 2002, khi bắt đầu kỳ thi tuyển sinh đại học “3 chung” thì kinh nghiệm về phương pháp trắc nghiệm mới được bắt đầu áp dụng. 

Chú thích: 

[1] Vào khoảng năm 1995 một vị Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi đi Mỹ về có hỏi tác giả bài viết này: Ở Mỹ đâu có đào tạo 2 giai đoạn, dựa trên cơ sở nào mà các anh áp dụng mô hình đó? Tác giả giải thích như đã viết trên.

[2] Trong dịp kỷ niệm 100 năm Đại học quốc gia Hà Nội năm 2005, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu có gặp tác giả và nói đại ý: mô hình về giáo dục đại cương và đào tạo 2 giai đoạn rất hay, qua nghiên cứu giáo dục đại học Mỹ ông thấy đó là một chủ trương rất đúng. Tiếc rằng lúc đó Bộ Giáo dục và Đào tạo không làm cho xã hội hiểu rõ chủ trương này. Có thể ông sẽ áp dụng mô hình này ở trường Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi mà lúc đó ông phụ trách.  

Kỳ cuối, tác giả sẽ tổng kết lại quá trình đổi mới giáo dục đại học trong thập niên đầu tiên. 

Giáo sư Lâm Quang Thiệp