Đậu đại học, bị bố bỏ rơi, không có tiền đến lớp

14/08/2014 06:27
Xuân Hòa
(GDVN) - Bị bố bỏ rơi từ nhỏ, nay thi đậu đại học với điểm số khá cao nhưng Mai không có tiền nhập học nên ước mơ con chữ của em có thể phải dừng lại.

Bị bố bỏ rơi khi đứa em còn đỏ hỏn trong tay mẹ

Biết thông tin em Lê Thị Mai (SN 1996, trú tại xóm 4, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) thi đậu vào Khoa sư phạm Địa Lý, Trường Đại học Vinh nhưng không có tiền nhập học, PV Báo Giáo dục Việt Nam đã tìm về gia đình em. Nằm sâu trong ngõ nhỏ của vùng quê nghèo căn nhà nhỏ của ba mẹ con Mai rộng chỉ khoảng 30m2 tối mịt như cuộc đời của em. Khi chúng tôi tới, chỉ có cô em gái của Mai là em Lê Thị Trúc (SN 1999) mới đi chăn bò về ở nhà. Hỏi ra mới hay, Mai đang đi làm công nhân chưa về, còn chị Nguyễn Thị Thảo (SN 1968, mẹ Mai) đi cửu vạn cũng chưa về.

Đến lúc trời đã xẩm tối thì chúng tôi mới gặp được Mai khi em đi làm về bằng chiếc xe đạp đã sờn cũ. Sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt, khi Mai chưa tròn 3 tuổi, người em gái của Mai sinh ra mới được vài tháng còn đỏ hỏn trong tay mẹ thì người bố của em đã vô tâm bỏ rơi 3 mẹ con em đi vào miền Nam với một người phụ nữ khác.

Sau một ngày đi làm công nhân mệt nhọc, khi thấy mẹ về, Mai phụ mẹ tháo đồ
Sau một ngày đi làm công nhân mệt nhọc, khi thấy mẹ về, Mai phụ mẹ tháo đồ

Bị người chồng phụ bạc bỏ rơi nên chị Thảo đã đưa hai con về nhà mẹ đẻ nương tựa. Thương mẹ con chị Thảo, anh em họ hàng đã dựng cho mẹ con chị căn nhà nhỏ trên mảnh đất vườn của gia đình.

Biết hoàn cảnh gia đình cùng với thương mẹ khi bị bố bỏ rơi, Mai và em gái đã chăm ngoan, học giỏi. Với Mai việc học thêm với em được xem là điều xa xỉ bởi gia đình không có điều kiện và thời gian rảnh rỗi của em còn phải tranh thủ phụ giúp mẹ việc đồng áng. Nhưng 12 năm học liền Mai đều là học sinh tiên tiến của trường. Noi theo gương chị cô em gái tên Trúc cũng đạt học sinh tiên tiến 9 năm liền.

Biết tính Mai ham học nên bạn bè, thầy cô đều giúp đỡ em, thường xuyên cho em mượn thêm sách vở mà em không có điều kiện mua để em về nhà tự học thêm. Với ước mơ trở thành một cô giáo nên trong kỳ thi đại học vừa qua em đã đăng ký dự thi vào Khoa Địa lý, Trường ĐH Vinh. Nhưng biết không có tiền cho con học đại học nên khi em nộp hồ sơ dự thi chị Thảo đã can ngăn. 

Với em ước mơ trở thành cô giáo có thể phải dừng lại vì không có tiền nhập học.
Với em ước mơ trở thành cô giáo có thể phải dừng lại vì không có tiền nhập học.

Thương em bạn bè người giúp sức một ít để em nộp hồ sơ dự thi. Thời gian ôn thi cũng không như các bạn mà Mai hàng ngày vẫn phải đi phụ giúp mẹ làm ruộng. Đêm đến không muốn mẹ lo khi em vẫn dự định thi đại học nên Mai đã tự mò mẫm ôn thi. Thương cảm hoàn cảnh của em lại có đức tính ham học cô giáo Lê Thị Hợi (giáo viên Địa Lý lớp 12 em Mai) đã gọi em đến nhà ôn thi miễn phí.

“Hoàn cảnh em ấy đáng thương lắm. Bố thì bỏ rơi cả 3 mẹ con em ấy từ khi em ấy còn nhỏ mà em Mai thì ham học. Đợt thi đại học vừa rồi thương em không có tiền đi ôn thi nên tôi đã gọi em đến nhà tôi để ôn thi cho em ấy. Tôi cùng chồng mình là giáo viên dạy Lịch Sử đã giúp em ấy ôn thi. Em cứ tâm sự với tôi muốn được làm một giáo viên. Nay em thi đậu, điểm cao tôi cũng mừng cho em nhưng vì hoàn cảnh gia đình mà Mai không tiếp tục thực hiện được ước mơ thì tội em quá”, cô Hợi chia sẻ.

Ngày Mai đi thi đại học cũng thật cám cảnh, các em khác được bố mẹ đưa đón. Còn Mai sau khi chị Thảo biết em đã đăng ký dự thi, thương con ham học chị cũng tranh thủ lúc đi cửu vạn chở con đi thi trên chiếc xe đạp cộc của mình. Chở con đến điểm thi thì chị lại đạp chiếc xe cùng với bộ đồ nghề cửu vạn đi kiếm việc. Cuối ngày thi chị lại qua đón con về.

Em muốn trở thành 1 cô giáo nhưng cũng không muốn em gái nghỉ học

Kết thúc kỳ thi Mai lại quay về với việc đồng áng thường ngày nhưng em tin mình sẽ đậu với bài làm của mình. Rồi niềm hạnh phúc cũng đến với em khi bài thi của em đạt 19 điểm (Mai dự thi Khối C, điểm chuẩn vào Khoa Địa Lý, ĐH Vinh là 15 điểm). Nhưng niềm vui lớn chẳng tày gang khi Mai báo tin vui của mình cho mẹ thì chị Thảo đã khuyên Mai nên nghỉ học để đi làm. Bởi đơn giản chị biết với 3 sào ruộng khoán và cái nghề cửu vạn của chị không thể đủ nuôi Mai ăn học. Cùng lúc đó em gái của Mai cũng thi đậu vào lớp 10, Trường THPT Nguyễn Duy Trinh.

Sau những buổi đi làm công nhân để mong kiếm đủ tiền nhập học, Mai lại về phụ giúp công việc nhà cùng mẹ và em gái
Sau những buổi đi làm công nhân để mong kiếm đủ tiền nhập học, Mai lại về phụ giúp công việc nhà cùng mẹ và em gái

Vừa rơi nước mắt chị Thảo vừa giãi bày: “Là người mẹ con thi đậu đại học mà không nuôi được con ăn học là tôi có tội lớn. Nhưng nay với cái nghề cửu vạn của tôi lại ốm đau thường xuyên thì tôi không đủ sức nuôi nó học đại học. Lại thêm con gái thứ 2 của tôi cũng vừa đậu lớp 10 trường huyện thì tôi phải lo cho nó học. Nếu giờ Mai học đại học thì em gái nó phải nghỉ học đi làm phụ tôi nuôi Mai. Mà làm vậy thì không đành với nó, bởi nó còn nhỏ cần được học hành. Chỉ mong ai đó giúp đỡ được con tôi học đại học thì tôi xin cảm ơn. Chứ cho nó nghỉ học lúc này tôi cũng thương nó lắm chú ạ ”.    

“Ngày em biết mình đậu em cũng mừng lắm nhưng khi mẹ khuyên em nghỉ để nuôi em gái ăn học em buồn lắm. Chẳng lẽ em lại phải dừng lại ước mơ làm cô giáo lại đây hả anh? Mà em cũng không muốn em gái mình phải nghỉ học vì em. Biết mẹ không đủ sức nuôi em nên khi biết kết quả đậu em đã đi làm công nhân để mong kiếm đủ tiền nhập học. Nhưng có lẽ cũng không đủ được anh ạ!”, Mai sụt sùi nói trong nước mắt.

Biết con đậu đại học, nhưng chị Thảo cảm thấy có lỗi bởi với công việc và sức khỏe hiện tại, chị khó mà nuôi cả 2 đứa con ăn học
Biết con đậu đại học, nhưng chị Thảo cảm thấy có lỗi bởi với công việc và sức khỏe hiện tại, chị khó mà nuôi cả 2 đứa con ăn học

Chúng tôi chia tay mẹ con Mai khi bóng chiều đã muộn, chị Thảo đã nổi lửa nấu bếp, dưới ánh sáng le lói, là niềm tin và hy vọng của cả ba mẹ con vào tương lai tươi sáng hơn...

Xuân Hòa