Dạy học sinh phải bằng cả tấm lòng
Vừa bước chân vào Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), chúng tôi đã nghe thấy những tiếng la hét phát ra từ phòng học.
Thấy được sự tò mò của chúng tôi, thầy Nguyễn Xuân Triển, Giám đốc Trung tâm giải thích: “Ở đây là vậy đó!. Những em học sinh tự kỷ thỉnh thoảng lại la hét, có em còn tự làm mình bị thương. Các giáo viên phải canh chừng liên tục, dạy cho các em làm được những điều cơ bản nhất là vất vả lắm rồi”.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Dung dạy cho các em học sinh khiếm thính bằng ngôn ngữ ký hiệu. (Ảnh: T.P) |
Theo thầy Triển, dạy các em học sinh bình thường đã khó, dạy các em khuyết tật còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Để làm được việc này, các giáo viên cần phải kiên trì, phải có tấm lòng, có tình yêu thương, sự thông cảm... đối với các em, nếu không sẽ rất khó có thể làm tốt được công việc này.
Theo chân thầy Triển đến từng lớp học, chúng tôi phần nào hiểu được những vất vả và khó khăn của các thầy cô ở trung tâm. Không đơn giản chỉ là dạy học, các thầy cô làm công tác giáo dục học sinh khuyết tật còn phải kiêm thêm rất nhiều công việc mà có lẽ họ chỉ có thể hoàn thành với tấm lòng yêu thương vô bờ bến của người mẹ, người cha.
Nhiều học sinh đến học tại trung tâm đã tiến bộ hơn rất nhiều so với trước đó. (Ảnh: T.P) |
Tại lớp phục hồi chức năng, chỉ có 6 học sinh nhưng 2 cô giáo phụ trách lớp này phải liên tục di chuyển, để mắt đến các em. Một em bất ngờ hét lên khiến chúng tôi giật mình.
Cô Hồ Thị Mai Hà, phụ trách lớp cho biết, em vừa la hét là Hoàng Trần Đức, bị mắc bệnh tự kỷ nặng. Khi đến lớp em chỉ ngồi một góc, không làm chủ được hành vi của mình, đi vệ sinh tại chỗ. Thỉnh thoảng Đức lại la hét, hoặc vùng dậy chạy ra ngoài.
“Mới đầu đến lớp, Đức còn không nhận biết được tên của mình, ai gọi gì hay nói gì em cũng không biết. Nhưng bây giờ, khi các giáo viên gọi tên em đã biết trả lời, và nhận thức được một số điều mà các cô nói”, cô Hà cho hay.
Học nghiệp vụ từ học trò
Qua lớp học giành cho các em khiếm thính, cô Nguyễn Thị Ngọc Dung đang dùng những ngôn ngữ ký hiệu để dạy học.
Các giáo viên ở lớp phục hồi chức năng chỉ mong các em nhận thức được những điều đơn giản nhất. (Ảnh: T.P) |
Cô Dung chia sẻ, muốn dạy được các em học sinh này thì giáo viên phải hiểu được những hành vi lệch của từng em để khắc phục dần dần.
Ví dụ, có em vì không nói được mà bị ức chế, có em lại hay nổi nóng, và nhiều hành vi khác nữa. Khi hiểu được các em rồi, các giáo viên dần dần sẽ khắc phục được những hành vi lệch đó và việc dạy dỗ các em cũng trở nên dễ dàng hơn.
“Trước đây, tôi học ngôn ngữ ký hiệu nhưng chỉ trên sách vở. Đến khi tiếp xúc với các em rồi mới thấy thật sự khó khăn, thấy khả năng của mình còn hạn chế. Tôi phải làm quen dần dần, rồi học từ học trò của mình nữa mới thành thảo được như bây giờ”, cô Dung chia sẻ.
Từng có 20 năm gắn bó với học sinh bình thường tại trường Tiểu học Vạn Ninh, (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), cách đây 3 năm, cô Võ Thị Huế chuyển về công tác tại trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật thành phố Đồng Hới.
Em Hoàng Trần Đức, bị mắc bệnh tự kỷ nặng, không làm chủ được hành vi. Thỉnh thoảng em lại la hét, thậm chí tự làm mình bị thương. (Ảnh: T.P) |
Khi mới về đây công tác, nhiều bạn bè, người thân của cô hỏi tại sao lại vào dạy ở trường khuyết tật với giọng điệu không đồng tình.
Nhưng cô Huế vẫn kiên định với suy nghĩ, dạy học sinh khuyết tật hay học sinh bình thường cũng không quan trọng bằng việc phải có cái tâm với nghề, phải dạy bằng tất cả tình yêu thương của mình giành cho học sinh.
“Các bậc phụ huynh khi sinh con ra, ai cũng mong muốn con mình được mạnh khỏe, phát triển bình thường. Nhưng giờ họ có con như vậy, mình càng phải chia sẻ với họ.
Đối với học sinh khuyết tật, khi dạy cho các em làm được cái gì đó là mình cảm thấy rất vui. Có thể đối với người khác đó là một điều hết sức bình thường, nhưng đối với các em, với chúng tôi thì lại là điều rất to lớn, vì các em phải rất khó khăn mới làm được”, cô Huế nói
Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) hiện có 98 em học sinh, với các dạng tật như: khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật phát triển trí tuệ, tự kỷ, tật vận động và các khuyết tật khác.