Trong buổi góp ý này có 15 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, với 16 ý kiến đóng góp cho dự thảo tự chủ tuyển sinh. Các ý kiến tập trung nêu ra thực trạng và phân tích cụ thể tính bất cập trong công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Lãnh đạo các trường bày tỏ quyết tâm cao khi không đồng ý việc Bộ GD&ĐT vẫn duy trì hai kỳ thi quốc gia quá gần nhau (kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng).
Các trường đề nghị Bộ GD&ĐT cần xem xét lại quy định “tự chủ” trong năm 2014, dứt khoát các trường không phải trình đề án nếu muốn tuyển sinh riêng, vì theo các trường việc tự chủ là điều vốn có của các trường, các trường thực hiện đúng theo Luật GDĐH, không ai có thể can thiệp vào quyền tự chủ của các trường.
GS. Trần Hồng Quân cho biết, tự chủ trong tuyển sinh là quyền đương nhiên của tất cả các cơ sở giáo dục đại học. Bộ chỉ cần đưa ra các quy định về công tác tuyển sinh, không nên bắt từng trường phải trình duyệt đề án tuyển sinh thì mới công nhận quyền tự chủ tuyển sinh của họ. Ảnh Xuân Trung |
Theo GS. Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam, thì tự chủ trong tuyển sinh là quyền đương nhiên của tất cả các cơ sở giáo dục đại học. Bộ chỉ cần đưa ra các quy định về công tác tuyển sinh, không nên bắt từng trường phải trình duyệt đề án tuyển sinh thì mới công nhận quyền tự chủ tuyển sinh của họ. Cách làm có thể tương tự như cách Bộ đã cho các trường từ năm 2011 được tự quyết định cho mình chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ chỉ thực hiện hậu kiểm.
Lãnh đạo Hiệp hội cũng khẳng định, Bộ chỉ nên xem kỳ thi chung do Bộ tổ chức (cả hiện nay cũng như sau này) như là một dịch vụ công ích cần thiết để hỗ trợ cho các cơ sở GDĐH để giúp họ thể hiện quyền tự chủ tuyển sinh của mình, như Điều 34 Luật GDĐH quy định.
Do đó, tất cả các cơ sở GDĐH phải được quyền hưởng dịch vụ công ích này, tức là phải được quyền sử dụng hoàn toàn, sử dụng một phần hay không sử dụng các kết quả của kỳ thi đó. Bộ không nên ép các trường nếu muốn sử dụng các kết quả của kỳ thi chung thì phải đăng ký với Bộ và phải chấp nhận "luật chơi riêng" (điểm sàn, khối thi,…) của Bộ như đã nêu tại mục a) Khoản 3 Điều 1 của Dự thảo quy định này. Bộ cũng không nên tuyên bố sẽ chấm dứt chức năng trên từ sau năm 2016.
GS. Trần Hồng Quân cũng cho biết, về lâu dài để giảm phiền hà và tốn kém cho người học, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam ủng hộ đề án của Bộ trước đây (thời kỳ ông Nguyễn Thiện Nhân là Bộ trưởng) về nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng làm một và thực hiện trao quyền tự chủ xét tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học.
“Bộ nên sớm triển khai đề án; nhưng để làm được điều đó Bộ phải đổi mới mạnh mẽ hơn về tư duy, phải có quyết tâm cao hơn và đội ngũ chuyên gia tham gia chuẩn bị cho kỳ thi phải được tập huấn kỹ về chuyên môn. Kinh nghiệm Việt Nam và thế giới cho thấy thời gian 2 năm đủ để triển khai công việc này (vừa qua chúng ta chuẩn bị cho kỳ thi PISA cũng chỉ khoảng 2 năm)” GS. Quân đề nghị.
Trong 16 ý kiến tham luận góp ý cho dự thảo tự chủ tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, hầu hết đều ủng hộ quan điểm năm 2014 phải tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông thật nghiêm túc, tạo tiền đề để năm 2015 bỏ thi đại học, tập trung làm tốt thi phổ thông, đó là điều kiện để các trường tự chủ trong việc xét tuyển thí sinh vào trường mình.
Qua đây, lãnh đạo Hiệp hội và các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập thống nhất kiến nghị với Bộ GD&ĐT thực hiện nay 5 vấn đề sau:
Thứ nhất, kỳ tuyển sinh 2014 đề nghị Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn.
Thứ hai, đề nghị Bộ GD&ĐT bỏ khối.
Thứ ba, đề nghị Bộ GD&ĐT không bắt buộc các trường nộp đề án tuyển sinh (vì đã có Luật GDĐH về tự chủ tuyển sinh).
Thứ tư, đề nghị Bộ GD&ĐT bỏ quy định cấm các trường thi riêng không được lấy kết quả của trường thi chung.
Thứ năm, đề nghị Bộ GD&ĐT chuẩn bị năm tới chỉ có một kỳ thi quốc gia nghiêm túc(bỏ kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng) để làm cơ sở cho các trường tự chủ tuyển sinh.