Đề xuất bỏ cơ quan chủ quản, xóa công chức viên chức trong trường đại học

20/10/2017 11:15
Trinh Phúc
(GDVN) - Nhóm nghiên cứu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Chính phủ cần xây dựng, công bố lộ trình, điều kiện để dần xóa bỏ cơ chế “cơ quan chủ quản”.

Ngày 20/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo nghị quyết 77 của Chính phủ, giai đoạn 2014 – 2017.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: "Tự chủ đại học đã xuất hiện như là một tất yếu, phù hợp với xu hướng chung của giáo dục đại học thế giới.

Tự chủ là thuộc tính của các trường đại học, không tự chủ thì các trường rất khó sáng tạo, khó phát huy nội lực và khó thích ứng với sự thay đổi nhanh của thế giới ngày nay.

Tuy nhiên, tự chủ đại học là quá trình đầy khó khăn, thách thức nên thực hiện tự chủ đại học cần có lộ trình phù hợp".

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ điều hành hội nghị (ảnh Trinh Phúc).
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ điều hành hội nghị (ảnh Trinh Phúc).

Để đánh giá khách quan hơn về kết quả tự chủ đại học ở Việt Nam, một nhóm nghiên cứu độc lập của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đánh giá tổng kết ưu và nhược điểm của quá trình tự chủ hóa đại học vừa qua.

Theo báo cáo do nhóm nghiên cứu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá kết quả hoạt động của 12 cơ sở giáo dục đại học có thời gian thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết 77 từ 2 năm trở lên cho thấy, các trường có nhiều chuyển biến tích cực trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính.

Đề xuất bỏ cơ quan chủ quản, xóa công chức viên chức trong trường đại học ảnh 2Hội đồng trường cũng có thể tham nhũng, ám ảnh nỗi lo gia đình trị!

Nhóm nghiên cứu cho rằng, về công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học khi tự chủ thời gian mở ngành nhanh chóng hơn giúp các trường chủ động trong đào tạo, tận dụng cơ hội mở ngành đào tạo để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của xã hội.

Quy mô tuyển sinh giảm, đào tạo chính quy đại trà có phần suy giảm trong khi quy mô các chương trình tiên tiến, chất lượng cao tăng nhanh đặc biệt từ năm 2015.

Đề tài khoa học cấp trường gia tăng thể hiện sự định hướng rõ ràng về nghiên cứu khoa học cũng như tính chủ động của nhà trường trong việc phân bố và sử dụng ngân sách của trường cho nghiên cứu khoa học.

Số lượng các bài báo viết trên các tạp chí chuyên môn nước ngoài tăng nhiều, năm 2016 so với 2013 tăng gần gấp đôi.

Số lượng hội thảo quốc tế được tổ chức nhiều hơn so với số hội thảo quốc gia. Số hợp đồng chuyển giao công nghệ năm 2016 tăng gần gấp 1.33 so với năm 2013.

Việc tự chủ đại học cũng mang lại tích cực cho bộ máy nhân sự, các trường chủ động hơn trong thành lập mới, sát nhập, chia, tách, giải thể, nâng cấp các đơn vị trong trường, nhà trường.

Tự quyết định chức năng nhiệm vụ, quy chế hoạt động của tổ chức trực thuộc.

Cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý hơn do lực lượng lao động trực tiếp (giảng viên) tăng lên trong khi đội ngũ lao động gián tiếp (chuyên viên và nhân viên) giảm xuống.

Tỉ lệ giảng viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư tại các trường tự chủ trên 2 năm chiếm 9,2% tổng số giảng viên của các trường, và lớn hơn khá nhiều so với tỉ lệ 6% trong toàn bộ hệ thống giáo dục đại học.

Đề xuất bỏ cơ quan chủ quản, xóa công chức viên chức trong trường đại học ảnh 3Không thành lập Hội đồng trường thì không được mở ngành đào tạo

Về tài chính, thu từ học phí và lệ phí tăng 4,29% so với thời điểm trước tự chủ và là nguồn thu chính của các trường đại học chiếm trên 70% trong tổng số các trường.

Tỉ lệ chi cho mua sắm, cho con người, học bổng cho sinh viên tăng lên trong khi tỉ lệ cho nghiệp vụ chuyên môn lại giảm đi.

Qua nghiên cứu, nhóm nghiên cứu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Chính phủ cần xây dựng, công bố lộ trình, điều kiện để dần xóa bỏ cơ chế “cơ quan chủ quản”.

Về lâu dài, các trường cần trở thành pháp nhân độc lập, không có cơ quan chủ quản.

Hội đồng trường phải thực sự là đại diện sở hữu, có năng lực quản trị cơ sở giáo dục đại học qua việc xây dựng chiến lược, bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.

Đề xuất xóa biên chế đối với giảng viên, giáo viên trong các trường đại học. Người làm việc trong các trường đại học được điều chỉnh theo Bộ luật Lao động không theo Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức như hiện nay.

Triển khai, hướng dẫn thực hiện phương thức nhà nước đặt hàng đào tạo, từng bước tiến tới thực hiện phương thức đấu thầu đào tạo từ ngân sách nhà nước.

Trinh Phúc