Khao khát một con đường đến trường
Xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) có hai trường Tiểu học. Trường Tiểu học số 1 đóng tại trung tâm xã, còn trường Tiểu học số 2 đóng tại bản Cờ Đỏ, cách trường số 1 khoảng 20km.
Chông chênh đường đến trường của các em tiểu học ở bản Cờ Đỏ, xã Thượng Trạch (Ảnh: H.M) |
Đây là một địa bàn vùng sâu vùng xa, lại rất rộng nên sự nghiệp trồng người còn rất nhiều khó khăn và thiếu thốn.
Đến Thượng Trạch, xem phụ huynh và giáo viên rào trường chuẩn bị đón năm học mới |
Trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch có 10 điểm trường gồm những bản : sâu nhất, xa nhất, khó khăn nhất của xã. Trong 10 điểm trường này chỉ có 3 nơi được phủ sóng điện thoại, bản này cách bản kia cả chục cây số, có những bản thầy cô phải đi bộ gần cả ngày trời mới đến nơi.
Tất cả các điểm trường có 20 phòng học, nhưng chỉ có 3 phòng kiên cố, 5 phòng bán kiên cố, 11 phòng tạm bợ và một phòng phải mượn nhà dân.
Điểm trường trung tâm ở bản Cờ Đỏ có tất cả 49 em học sinh, trong đó có 11 lớp 1; 11 em lớp 2; 9 em lớp 3; 9 em lớp 4 và 5 em lớp 8.
Nếu trời mưa liên tục, dòng nước suối rất lớn, chạy hỗn loạn nên các em buộc phải nghỉ học (Ảnh: H.M) |
Từ đường 20 đi vào khoảng 2km là điểm trường tiểu học, từ trường đến bản thêm gần 2km nữa mới đến bản Cờ Đỏ.
Trước đây, đã có một đoạn đường bê tông để người dân đi vào bản, các em học sinh thuận lợi hơn trong việc đến trường. Thế nhưng, trận lũ năm 2013 đã khiến con đường này trở nên tan hoang, sụt lún, từng mảng bê tông bị đổ sập nằm rải rác dọc suối.
“Vào mùa mưa, nước lũ từ khe suối lên xuống thất thường nên thầy trò chẳng biết đường nào mà lần. Chỉ cần một trận mưa vừa là thầy phải ra tận suối dắt các em qua. Còn nếu trời mưa to thì các em phải nghỉ học vì nước suối rất lớn, chạy rất hỗn loạn không thể nào qua được”, thầy Hoàng Bảo Tăng, một giáo viên cắm bản cho biết.
Gian bếp của các thầy cô giáo (Ảnh: H.S) |
Theo các thầy giáo ở đây, 3 năm qua từ khi đoạn đường bị sập do lũ, cứ mỗi buổi sáng, tất cả các em học sinh tiểu học bản Cờ Đỏ lại rồng rắn rủ nhau đi men qua suối đến trường. Đến buổi trưa lại rồng rắn đi về nhà rồi chiều lại đến trường.
Trẻ vùng cao tím tái trong cái rét |
Mỗi ngày đều đặn hai lượt đi và hai lượt về như thế, đường đến trường của các em thật chông chênh, đầy sỏi đá và trơn trượt.
“Nhiều khi đang học thì trời đổ mưa lớn, thầy đành phải đưa trò về nghỉ sớm để đảm bảo an toàn. Có lần, vừa đưa các em qua suối xong thì nước lớn ào về. Nếu chậm một chút nữa thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, thầy Tăng kể.
Khó khăn, thiếu thốn thì nhiều lắm, nhưng mong muốn lớn nhất của thầy trò nơi đây là có được con đường để học sinh đi học đỡ vất vả và nguy hiểm.
“Cái chữ gieo nơi miền biên viễn còn chông chênh lắm!”
Trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch có 38 giáo viên, 3 cô giáo làm công tác văn phòng, còn lại đều là thầy giáo chia nhau luân chuyển đi cắm bản.
Vì thiếu thốn, các thầy cô giáo linh động vào rừng tìm lá về lợp căn nhà bếp (Ảnh: H.S) |
Thầy Võ Anh Tuân - Hiệu trưởng nhà trường nói: “Trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch đảm nhận sự nghiệp trồng người trên một địa bàn rộng lớn của xã gồm 10 điểm trường thuộc các bản “ba nhất”: sâu nhất, xa nhất, khó khăn nhất. Cái chữ gieo nơi miền biên viễn này vẫn còn chông chênh lắm!”.
Chuyện ăn ở, sinh hoạt, cắm bản dạy học của những giáo viên Trường TH số 2 Thượng Trạch còn rất nhiều gian nan.
Mơ một phòng học vững chãi |
Thầy giáo Hoàng Đức Cường, có 13 năm cắm bản ở nhiều điểm trường chia sẻ: “Khi đường tắc, học sinh nghỉ học, thầy giáo cũng phải xin “neo lại” với bà con đến khi trời hết mưa. Dân bản ăn gì, mình ăn đấy. Vì không sóng điện thoại nên không thông báo được cho Ban giám hiệu nhà trường, cho gia đình.
Cũng vì lý do này mà lãnh đạo nhà trường có sáng kiến luân chuyển thường xuyên các thầy cắm bản, từ bản xa đến bản gần, từ bản phủ sóng điện thoại đến bản chưa phủ sóng... Nhưng toàn trường có 10 điểm trường thì chỉ có 3 điểm phủ sóng điện thoại. Vì vậy, để đến lượt thì các thầy phải chờ khá lâu”.
Chưa nói đến những điểm trường lẻ, ngay điểm trung tâm tại bản Cờ Đỏ, ngoài dãy nhà hai tầng ra thì nhìn đâu cũng thấy thiếu thốn. Thiếu nhà nội trú cho giáo viên, thiếu phòng chức năng, thiết bị dạy học... Tạm bợ nhất là khu nhà bếp và nhà vệ sinh.
Ở đây cũng không có sóng điện thoại, không nước sạch, không dịch vụ y tế, đường đi lại hết sức khó khăn.
Vì cơ sở vật chất thiếu thốn, nhà trường không thể tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Vì vậy, dù đường đi rất khó khăn nhưng các em vẫn phải ngày hai buổi đến trường.
“Ban giám hiệu nhà trường nhiều lần kiến nghị về bữa ăn bán trú cho học sinh. Nếu học sinh ăn bán trú thì các em sẽ đến trường chuyên cần hơn, an toàn hơn, chất lượng giáo dục cũng cản thiện hơn nhưng hiện tại, cơ sở vật chất, bếp ăn như thế nên chúng tôi không thể đáp ứng nhu cầu của học sinh được”, thầy Hiệu trưởng Võ Anh Tuân cho biết.