Giữa tháng 12/2017, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân ký ban hành Thông tư về đẩy mạnh hợp tác trong tổ chức chương trình đào tạo.
Trong đó, chú trọng liên kết giữa các trường cao đẳng, trung cấp với doanh nghiệp để đào tạo theo đơn đặt hàng.
Thông tư nêu rõ, nhà nước khuyến khích cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp liên kết để tổ chức đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội;
Trong đó doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp tác trong xác định chuẩn đầu ra, xây dựng chương trình, phát triển đội ngũ giảng viên doanh nghiệp, tổ chức tuyển sinh/tuyển dụng, tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp, ký kết hợp đồng đào tạo với người học…;
Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hợp tác để tổ chức và công nhận kết quả đào tạo một số modun, môn học lý thuyết và thực hành (bao gồm cả đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn).
Theo đó, nhà trường và doanh nghiệp có thể liên kết tổ chức đào tạo trong đó doanh nghiệp có thể đảm nhận đến 40% chương trình đào tạo.
Bà Trần Kim Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Cao đẳng ASEAN (Ảnh: Thùy Linh) |
Việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại thời điểm này được bà Trần Kim Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Cao đẳng ASEAN đánh giá là rất hợp lý, phù hợp với thực tiễn.
Theo bà Phương, Thông tư này sẽ tạo điều kiện và cơ hội cho các doanh nghiệp cùng các trường có một hành lang pháp lý rõ ràng, linh hoạt góp phần tích cực vào việc đào tạo nguồn nhân lực cần thiết, kịp thời trong nước và quá trình hội nhập.
Thứ trưởng Lê Quân trả lời phỏng vấn về đào tạo nhân lực thời 4.0 |
Tức là sẽ đào tạo được các nghề theo nhu cầu cần thiết xã hội chứ không phải đào tạo theo đúng khung chương trình nhưng lại ít sử dụng như hiện nay.
Cũng theo bà Phương: “Khi các trường chỉ cần tập trung đào tạo các học phần cơ bản, các modul thực hành cơ bản để tìm ra khung chương trình giảng dạy phù hợp còn các doanh nghiệp chịu trách nhiệm đào tạo các modul kỹ năng nghề tại doanh nghiệp cho sinh viên thì cả doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người học đều được hưởng lợi”.
Cụ thể, theo bà Phương, doanh nghiệp sẽ có nguồn lao động được sử dụng hợp lý, chất lượng cao, cơ sở đào tạo sẽ giảm được chi phí đầu tư trang thiết bị còn người học khi ra trường được làm đúng nghề mà mình đã học.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như mong muốn thì Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Cao đẳng ASEAN cho rằng, doanh nghiệp và nhà trường cần có sự hợp tác, bàn bạc kỹ lưỡng theo đúng tinh thần “Học đi đôi với hành”.
Bởi bản thân doanh nghiệp không có chuyên môn về đào tạo nhưng họ có kỹ năng về thực hành còn nhà trường thì ngược lại.
Đánh giá về chất lượng đào tạo nghề hiện nay, bà Phương nhận định: Lâu nay, chương trình đào tạo của Việt Nam chủ yếu theo chương trình khung đã có từ lâu nên ít cập nhật, ít điều chỉnh do vậy những kiến thức mà các em được học ở trường khi đi vào thực tiễn đã không sử dụng được nhiều. Tức là chúng ta đã lãng phí trong đào tạo.
Ngoài ra, bà Phương cũng cho rằng, nhân công hiện nay của Việt Nam đang rẻ nhất khu vực do lao động của chúng ta chỉ có trình độ kỹ thuật đơn giản, thậm chí là thấp nên dù tốt nghiệp đại học nhưng khi các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài tuyển dụng nhiều em vẫn phải giấu bằng để đi làm công nhân.
Quan trọng nhất lúc này là làm sao để đào tạo ra nguồn nhân lực có kỹ thuật, có chất lượng mà vẫn phù hợp với nhu cầu xã hội đang cần.
Đề xuất cho yêu cầu này, bà Phương mong rằng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ có chính sách công bằng giữa trường tư thục và công lập về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực lao động cho xã hội trong thời gian tới.