Gặp gỡ người thầy tâm huyết, sáng tạo giữa lòng Thủ đô

09/11/2017 06:56
Thùy Linh
(GDVN) - Chia sẻ với tôi, thầy Cường kể: “Vừa là giáo viên giảng dạy môn Toán đồng thời là giáo viên chủ nhiệm, tôi cố học tập, trau dồi các phương pháp dạy học mới…”.

Thầy giáo Nguyễn Cao Cường (sinh năm 1982), hiện đang là giáo viên trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa là một trong 100 nhà giáo tiêu biểu được ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội tuyên dương và nhận giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm học 2016 - 2017.

Đây là năm đầu tiên, ngành giáo dục Hà Nội xét tặng danh hiệu này nhằm ghi nhận thành tích của các thầy cô trên địa bàn Thủ đô. 

15 năm trong nghề dạy học, thầy Cường luôn có ý thức tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.  

Chia sẻ với tôi, thầy Cường kể: “Vừa là giáo viên giảng dạy môn Toán đồng thời là giáo viên chủ nhiệm, tôi cố học tập, trau dồi các phương pháp dạy học mới, tìm hiểu thêm tâm lí học lứa tuổi trung học cơ sở và áp dụng vào công tác chủ nhiệm, công tác giảng dạy. 

Nhờ đó, lớp tôi chủ nhiệm luôn là một trong những lớp dẫn đầu về các hoạt động của nhà trường, tỉ lệ học sinh đỗ vào trung học phổ thông đạt tỉ lệ cao, nhiều học sinh đạt giải như giải Quốc gia bài thi liên môn, giải toán Hoa Kỳ AMC8, thử thách tư duy Bebras….”. 

Thầy giáo Nguyễn Cao Cường (sinh năm 1982), hiện đang là giáo viên trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa là một trong 100 nhà giáo tiêu biểu được ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội tuyên dương và nhận giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm học 2016 - 2017. (Ảnh: Thùy Linh)
Thầy giáo Nguyễn Cao Cường (sinh năm 1982), hiện đang là giáo viên trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa là một trong 100 nhà giáo tiêu biểu được ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội tuyên dương và nhận giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm học 2016 - 2017. (Ảnh: Thùy Linh)

Năm học 2016 - 2017 là năm học đầu tiên mà các nhà trường thực hiện nhiều giải pháp nhằm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trong đó dạy học là một trong những hoạt động đi đầu. 

Thầy Cường tiết lộ, trong giai đoạn giáo dục đang chuyển mình mạnh mẽ theo định hướng đổi mới như hiện nay, để bắt kịp với xu hướng đó thì bản thân các thầy cô cũng đã tự chuyển mình trong việc thay đổi phương pháp dạy học, thay đổi ở mỗi tiết dạy. 

Nhận thấy xu hướng học tập đang hướng tới là học sinh không chỉ học tập trong lớp học truyền thống, do đó thầy Cường suy nghĩ rằng, làm sao để bài giảng của mình đến được với học sinh một cách dễ dàng, dễ tiếp cận và hiệu quả. 

Vậy là, người thầy này đã thực hiện thiết kế bài giảng điện tử E-learning
Bài giảng của thầy giúp cho học sinh có thể tương tác với thầy cô để các em học bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào bằng các thiết bị kết nối internet một cách hiệu quả, hứng thú. 

Gặp gỡ người thầy tâm huyết, sáng tạo giữa lòng Thủ đô ảnh 2

Tấm gương nữ hiệu trưởng Trường Chuyên của đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội

Được biết, bài giảng này của thầy Cường đã đạt giải Ba cấp Quốc gia, giải Nhì cấp Thành phố và giải Nhất cấp Quận trong cuộc thi Thiết kế bài giảng E-Learning lần thứ 4, năm học 2016 - 2017.

Bên cạnh đó, với vai trò là chủ tịch công đoàn, thầy đã lập kế hoạch, tổ chức thực hiện thành công chương trình “Áo ấm mùa đông” năm 2016. 

Chương trình đã quyên góp, may mới 100% áo ấm tới học sinh khó khăn vùng cao huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang, trao 367 áo tới học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Mĩ;

293 áo tới trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bình Phú là 2 trường khó khăn nhất của huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang. 

Năm học 2017 - 2018 là năm học thứ 5, chương trình “Áo ấm mùa đông” của trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, trước đó, chương trình đã thực hiện tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Sơn La. 

Tổng giá trị quy đổi của 5 năm thực hiện chương trình là gần 400 triệu đồng.

Thầy Cường kể: “Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, đoàn giáo viên nhà trường gồm khoảng 10 người chở quần áo tới tận nơi trao tặng các em học sinh vùng khó khăn. 

Chương trình “Áo ấm mùa đông” được nhà trường khởi động từ năm học 2013-2014 khi ban giám hiệu, giáo viên nhà trường có dịp gặp học sinh vùng biên giới A Mú Sung (tỉnh Lào Cai) trông thấy cuộc sống giáo viên, học sinh nơi đây quá khó khăn. Và giáo viên chúng tôi đã rơi nước mắt. 

Ngoài việc dạy chữ, hàng ngày các thầy cô nơi A Mú Sung còn phải đi vận động các con tới trường.

Kỳ thực, khó khăn tới mức không có từ ngữ nào trong từ điển có thể diễn tả được”. 

Mặc dù đã làm được những việc như vậy nhưng khi nói chuyện với tôi, thầy Cường khiêm tốn và nhận thấy những kết quả mà mình đạt được còn rất nhỏ bé, vì vậy trong những năm học tiếp theo thầy tự đặt ra cho mình mục tiêu phấn đấu cụ thể, không ngừng học hỏi, sáng tạo để đáp ứng được những yêu cầu mới của ngành giáo dục và đào tạo của Thủ đô. 

Đặc biệt khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng đặt ra nhiều yêu cầu đối với ngành giáo dục do đó thầy Cường tự nhủ hàng ngày, hàng giờ học hỏi hướng tiếp cận bài giảng mới, phải xây dựng bài giảng tích hợp với công nghệ thông tin để có nguồn thông tin đa dạng giúp học sinh chủ động trong việc học tập. Chỉ khi làm được như vậy thì Việt Nam mới có lớp thế hệ chủ động, sáng tạo hơn. 

Một số thành tích tiêu biểu mà thầy Nguyễn Cao Cường đã đạt được: 

- Liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở từ năm học 2012-2013 đến năm học 2016-2017

- Có Sáng kiến kinh nghiệm loại B, C cấp Ngành năm học 2011 - 2012 đến năm học 2013-2014

- Giải Nhất cấp Thành phố môn Công nghệ trong hội thi giáo viên dạy giỏi năm học 2011-2012.

- Giải Nhất cấp Thành phố Hội thi giáo viên dạy giỏi chuyên đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" năm học 2010-2011.

Thùy Linh