Gen học làm người tử tế

16/03/2017 06:30
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Có hay không có “gen học” không còn quan trọng nữa. Quan trọng là chúng ta có dám “tử tế”, có dám thành thật, sống trung thực với mình, với người và với đời?

LTS: Bàn về vấn đề “gen học”, nghiên cứu sinh về giáo dục Hoa Kỳ, Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh đến vai trò của bố mẹ trong việc giáo dục con cái.

Theo tác giả, bố mẹ ham học thì cũng sẽ truyền những cảm hứng đó cho con cái.

Trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện tại, điều quan trọng không còn là việc có “gen học” hay không mà là chúng ta có dám sống tử tế và hướng con trẻ đến việc học làm người tử tế hay không?

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
 
Hơn nửa đời người, đi học và đi làm, tôi thường hay nhận được những phàn nàn từ phụ huynh hoặc người quen biết về con cái mình:

Hình như nhà tôi không có cái gen học. Nó học suốt, mà tôi có từ chối nó tiền học thêm học nếm gì đâu, mà sao vẫn tệ!”.

Ngẫm lại tuổi thơ và thời học hành những năm 1980, tôi rất thắc mắc vì lúc đó, hầu hết cha mẹ đều bận đi làm cả, con cái lúc nhỏ đều phải tự lo từ việc học đến việc gia đình, để lúc bố mẹ về là nhà cửa sạch sẽ, cơm canh đủ đầy. 

Bố mẹ tôi cả đời chỉ biết một năm đi họp phụ huynh một lần và nếu có gì đột xuất thì mới ghé đến trường.  

Vậy, việc tôi thích học là có “gen” từ bố mẹ tôi hay từ cuộc sống tôi được hưởng thụ? 

Gia đình có ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục con trẻ. (Ảnh: Pixabay.com)
Gia đình có ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục con trẻ. (Ảnh: Pixabay.com)

Sau nhiều năm lớn lên, trưởng thành hơn và chiêm nghiệm lại cuộc đời, tôi nhận ra được một điều mà sau này khi sang Mỹ học về giáo dục, tôi nhận thấy những nghiên cứu hàng chục năm của họ [1] cũng rút ra được một kết luận khá tương đồng rằng: “Con cái chúng ta thích học khi chúng ta thích học”. 

Và tinh thần học hỏi này nên được nuôi dưỡng từ nhỏ, bất chấp mức sống của chúng ta đang thấp đến mức nào.  

Nhớ đến những năm 80-90, hầu hết cả xã hội đều không có ai khá hơn ai, bố mẹ tôi, mặc dù đi “Tây” học, khi về lại mang sách vở về, trong khi ai cũng khuyên phải mang một số thứ bán được để còn sống! 

Những cảnh các “trí ngủ” của Việt Nam thời đó thật kỳ lạ, tiền không có để ăn, nhưng lại ôm sách đọc thâu đêm suốt sáng và cuối cùng, như bố tôi một lần có buột miệng nói ra:

Những gì mình cho là đúng thì có ai đó không hiểu. Những gì mình không thể hiểu thì được cho là đúng. Không ngăn cản được tình yêu với đọc sách, với âm nhạc, với những “giấc mộng đêm hè”

Chúng tôi đã lớn lên trong bầu không khí mà khi tôi viết bản “mô tả tuổi thơ” cho chương trình học của mình, các thầy cô giáo Mỹ không thể hiểu được.

Họ không hiểu được làm sao những đứa trẻ ăn không no, ngủ chưa đủ, nhưng vẫn có thể say sưa với những tiểu thuyết lớn và vĩ đại của thế giới như “Anna Karenina”, “Tội ác và Trừng phạt”, “Người Mẹ”, “Những dòng sông đều chảy”, “Chiến tranh và Hòa bình”…

Họ cũng không hiểu được tại sao bố tôi nhất quyết không bán máy, loa nghe nhạc cũ kỹ, chỉ vì mẹ tôi rất thích các tác phẩm của Tchaikovsky (Trai-cốp-xki), Beethoven, Mozart và đặc biệt ca sỹ người Ý Luciano Pavarotti.  

Với tôi, sống trong căn nhà đầy sách và âm nhạc giống như hơi thở, và tôi luôn cảm ơn bố mẹ tôi đã cho tôi một tuổi thơ như vậy, đẹp và giản dị.
Ba mươi năm trôi qua, cuộc sống của chúng ta đã được cải thiện hơn nhiều.

Gen học làm người tử tế ảnh 2

Giáo Thứ thời "thế giới ảo”

Những tiểu thuyết từng là một thời ước mơ của tôi được bán ở các góc phố Hà Nội, những bản nhạc cổ điển hay hiện đại ngày nay có thể nghe được ở bất kỳ điện thoại di động nào.

Vậy, tại sao thế hệ trẻ không thích đọc sách? Không hứng thú với âm nhạc cổ điển? Không ưa gì đến trường, phải học đêm ngày? Hay “gen” cha mẹ ngày nay không khích lệ con cái học hành?

Xét dưới góc độ thành công cá nhân, chúng ta đã từng chào đón rất nhiều trường hợp các em gia cảnh rất khó khăn, cha mẹ cũng không có nhiều thời gian cho các em. 

Nhưng với những nỗ lực bản thân và cùng với hỗ trợ của thầy cô, một số em đã vượt lên gian khó và khẳng định được năng lực của chính mình.  

Với chính những gia đình ở thành phố, có điều kiện nhiều hơn so với các thành phố nhỏ hay ở các tỉnh lẻ, có vẻ cuộc sống chạy đua với học hành đã làm các em mệt mỏi đến “chán” học? 

Xét về chương trình học, rõ ràng chúng ta phải thừa nhận là chương trình bây giờ khiến con trẻ phải học nhiều quá.

Điều này không phải chỉ là vấn đề của chương trình mà bản thân tri thức nhân loại đã phát triển vượt bậc trong vài thập kỷ qua.  

Việc dạy cho hết kiến thức ở phổ thông đã và vẫn sẽ là một thách thức đòi hỏi chúng ta phải thay đổi phương pháp dạy, phải chuyển sang làm sao học sinh biết cách học, chứ không phải học đủ để biết. 

Xét về hệ thống giáo dục, chưa khi nào hết thử thách cho những ai lựa chọn làm nghề giáo vô cùng cực nhọc. Nỗi cực không chỉ trong cuộc sống dạy học mà nó lan suốt cả đời sống hàng ngày.

Những mưu sinh “cơm áo gạo tiền” đi cùng với các hoạt động khác khi thì thi học sinh giỏi, khi thì giáo viên giỏi, và rất nhiều thứ phù phiếm khác trong đời sống của trường học.

Xét về xã hội học, theo nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm, giáo dục Việt Nam đã bị 4 trọng bệnh [2]:

Gen học làm người tử tế ảnh 3

Ba câu chuyện bàn về sự tử tế trong giáo dục của Mỹ hôm nay

1. Bệnh thành tích
2. Bệnh cào bằng
3. Bệnh suy dinh dưỡng
4. Bệnh gian dối

Theo tôi, những vấn nạn này hoàn toàn đúng và đã được phản ánh rõ trong bài viết “Giáo dục: Xin cho tôi nói thẳng” của Giáo sư Hoàng Tụy từ những năm 2009 [3].

Giáo sư Hoàng Tụy đã nêu rõ về việc nếu gian dối, nếu cứ tiếp tục không trung thực với những thực trạng đi xuống của giáo dục, chúng ta khó thay đổi được xã hội và ngược lại, sẽ gây ra những vấn nạn cho đất nước. 

Những con người dối trá không thể giúp chúng ta xây dựng đất nước này to đẹp hơn, đàng hoàng hơn được!

Như vậy, bản chất những phân tích về gia đình, về "gen học", về đầu tư dạy thêm học thêm, hay chương trình nặng nhẹ, có lẽ chưa là bản chất của vấn đề làm sao cho học sinh thích học, ham học và phấn đấu cho những mục tiêu cao đẹp như phục vụ gia đình, phục vụ đất nước.

Chúng ta có lẽ đã bắt bệnh đúng rồi, và cần bắt tay vào chữa bệnh.  

Câu chuyện chữa bệnh “gian dối” rõ nhất gần đây có lẽ là trường hợp của trường Tiểu học Nam Trung Yên vừa qua.  

Sự dũng cảm từ gia đình, từ học sinh, từ giáo viên, các lãnh đạo và tất cả các thành phần tham gia vào công việc giáo dục trực tiếp cũng như gián tiếp, trong gia đình, nhà trường và ở mọi nơi của môi trường công cộng.

Vậy, có hay không có “gen học” không còn quan trọng nữa. Quan trọng là chúng ta có dám “tử tế”, có dám thành thật, sống trung thực với mình, với người và với đời hay không.

Xin phép nhà làm phim Trần Văn Thủy được trích dẫn lại quan điểm sống của dân tộc Việt trong hàng nghìn năm qua về việc học làm người tử tế, trước khi học bất kỳ kiến thức nào như một tâm sự cho giáo dục Việt Nam:

Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của Quốc gia.

Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. 

Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm...” [4].

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.ipr.northwestern.edu/about/news/2016/white-house-report-2016.html; https://www.sesp.northwestern.edu/news-center/news/2015/07/guryan-schanzenbach-white-house-report-disadvantaged-youth.html; https://my.vanderbilt.edu/developmentalpsychologyblog/2014/05/parental-influence-on-the-emotional-development-of-children/

[2] http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/gstskh-tran-ngoc-them-giao-duc-hong-chinh-la-do-triet-ly-giao-duc-sai-lam-566901.bld

[3] http://giaitri.vnexpress.net/sach/giao-duc-xin-cho-toi-noi-thang-1005.html

[4]https://vi.wikipedia.org/wiki/Chuy%E1%BB%87n_t%E1%BB%AD_t%E1%BA%BF

Nguyễn Thị Lan Hương