"Giá cử nhân" chưa bao giờ rẻ như hiện nay!

24/12/2015 07:37
Ths Trương Khắc Trà
(GDVN) - Không khó để nhận thấy rằng học sinh Việt rất giỏi ở bậc phổ thông nhưng đuối dần khi bước qua cánh cổng đại học.

LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của Ths. Trương Khắc Trà khi nhìn nhận nguyên nhân từ thế hệ sinh viên khiến cái “giá” cử nhân chưa bao giờ rẻ như hiện nay. 

Chúng ta cứ loay hoay đổi mới ấy vậy mà giáo dục đại học lại ngày càng tụt hậu để rồi khi ra trường nhà tuyển dụng phải lắc đầu. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 


Mấy chục năm loay hoay đổi mới nhưng giáo dục đại học Việt Nam vẫn chưa thể tìm ra bản sắc riêng cho mình, đâu là hướng đi và đi như thế nào vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ. 

Không khó để nhận thấy rằng học sinh Việt rất giỏi ở bậc phổ thông nhưng đuối dần khi bước qua cánh cổng đại học. 

Rồi khi ra trường nhà tuyển dụng lắc đầu chê những tân sinh viên còn quá thiếu kinh nghiệm, điều này thật khó có thể đổ lỗi hoàn toàn cho những người mới tốt nghiệp nhưng chính sự thụ động và thiếu ý thức học tập của đa số sinh viên trong suốt 4 năm học khiến cái “giá” cử nhân chưa bao giờ rẻ như hiện nay.

Nhiều phân tích mổ xẻ đã được các chuyên gia giáo dục đưa ra, trong đó có vấn đề ý thức học tập của sinh viên hiện nay đóng vai trò là nguyên nhân không nhỏ làm kìm hãm chất lượng giáo dục đại học. Thử đi tìm một và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Giá “cử nhân” chưa bao giờ rẻ như hiện nay! (Ảnh: vietnamnet.vn)
Giá “cử nhân” chưa bao giờ rẻ như hiện nay! (Ảnh: vietnamnet.vn)

Ý thức học tập được quyết định bởi động cơ và mục đích học tập, hay nói cách khác bản chất việc học trả lời cho các câu hỏi; Học để làm gì? Học để được gì? Thực tế cho thấy rằng không phải sinh viên nào cũng có thể tự tìm cho mình câu trả lời.

Con người Việt Nam vốn thông minh hiếu học, bằng chứng dù là nước nghèo nhưng thành tích trong các kỳ thi Olympic quốc tế luôn ở tốp đầu, vậy mấu chốt vấn đề nằm ở đâu?

Trước hết, thái độ học tập bị ảnh hưởng bởi thói quen học tập, nằm trong vùng văn hóa Nho giáo và chịu ảnh hưởng của nó hàng trăm năm, nhất là triết lý giáo dục. 

"Giá cử nhân" chưa bao giờ rẻ như hiện nay! ảnh 2

Sự thật về con số 45.000 giáo viên dư thừa

(GDVN) - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nghi ngờ con số trên; Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nêu lên nguyên nhân...

Đó là gì? Là học theo kiểu “tầm chương trích cú”, “ôn cố tri tân” người học chỉ thụ động chép lại lời thầy mà thiếu đi sự tương tác tranh luận như phương Tây, rõ ràng ở đây đang thiếu đi tính…dân chủ trong học tập.

Tiếc thay, chế độ phong kiến – Nho giáo đã hết vai trò lịch sử, đã lùi vào hậu trường nhưng tư tưởng giáo dục của nó vẫn hằn in trong cách nghĩ, cách học, cách làm giáo dục của người Việt trong thế kỷ XXI. 

Học sinh Việt Nam rất giỏi ở bậc phổ thông nhưng thường chững lại khi vào đại học, về nguyên nhân của nó là cả một câu chuyện dài nhưng trước hết là do mục tiêu phải vào đại học bằng được khi hết phổ thông vô hình dung tạo ra một áp lực vô hình buộc các em phải chạy đua.

Càng về cuối phổ thông cuộc đua càng căng thẳng, khốc liệt và chính tư tưởng coi đại học là cái đích trong cuộc đua ấy nên khi đạt được thì động lực và mục đích học tập, phấn đấu coi như bị triệt tiêu!?

Thứ nữa, học sinh phổ thông phải ôm đồm một khối lượng chương trình rất lớn nhưng hầu hết là lý thuyết, vắng bóng các môn học mang tính định hướng cho các em về nghiên cứu khoa học. 

Vì vậy khi bước vào môi trường mới là đại học, buộc phải nghiên cứu và tự học, thì khái niệm về tự học và nghiên cứu khoa học là hoàn toàn xa lạ với những tân sinh viên.

Những nguyên nhân đó đã trược tiếp và cả gián tiếp làm cho thái độ học tập của sinh viên Việt Nam hiện nay xuống cấp thảm hại, ngoài thời gian học trên giảng đường  hầu hết không biết làm gì hơn là…ngủ và nhậu nhẹt, chơi game…

Bởi vậy mà trong giới sinh viên lưu truyền câu nói đáng suy ngẫm “sinh viên là những tỷ phú…thời gian”.

Giáo dục bậc THPT của ta vẫn tồn tại những bất cập:

Một là học sinh học hết THCS phần lớn đổ xô học tiếp lên THPT, chỉ một số nhỏ vào các trường trung cấp kỹ thuật hay kinh tế, văn hoá; 

Hai là chương trình THPT mang tính đồng loạt, rất ít chú ý đến năng khiếu sở thích, coi trọng các môn khoa học cơ bản mà xem nhẹ năng khiếu hội họa, âm nhạc, thể thao…

"Giá cử nhân" chưa bao giờ rẻ như hiện nay! ảnh 3

Đại học là học đại, đủ đầy ý nghĩa xót xa!

(GDVN) - Để đại học hết “học đại” cần rất nhiều nỗ lực từ ngành giáo dục và toàn xã hội, đã đến lúc phải quyết liệt hơn với “quốc sách hàng đầu”.

Cho nên học sinh THPT học rất nặng, vì mỗi học sinh đều phải học nặng nhiều môn họ không cần, lại không được chuẩn bị những kỹ năng cần thiết để sau này khi lên đại học hoặc nếu phải ra đời, tìm việc làm sau 12 năm đèn sách. 

Cách thi cử đổ dồn hết vào kỳ thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh vào đại học khiến hai kỳ thi này quá nặng nề, trở thành một khổ dịch vắt kiệt sức học sinh mà hiệu quả rất kém. 

Và hệ quả đương nhiên tiếp tục di hại ảnh hưởng ở đại học, khiến đa số sinh viên cũng sẵn sàng cùng thầy giáo tiếp nhận đại học như một kiểu trung học… cấp 4!

Điều đó giải thích vì sao sinh viên ta khi du học thường học khá, giỏi một vài năm đầu nhưng sau đó đuối sức khi đòi hỏi độc lập và sáng tạo nhiều hơn.

Đâu là lối thoát?

Không còn cách nào khác hơn là phải nâng cao ý thức học tập của sinh viên, một phần sẽ được tác động từ cải cách chương trình theo hướng hiện đại, “tương thích” mạnh với nhu cầu xã hội, làm “mềm hóa” những môn học khô khan, nhưng đó chỉ là những tác động biện chứng có điều kiện ở bên ngoài.

"Giá cử nhân" chưa bao giờ rẻ như hiện nay! ảnh 4

199.400 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp - lạ lùng càng học càng dễ...đứng đường

(GDVN) - Nền giáo dục của ta đi ngược so với thế giới vì hiện Bộ GD&ĐT kiểm soát đầu vào rất chặt chẽ nhưng đầu ra lại không kiểm soát, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết.

Về nội tại, như đã nói là phải đổi tư duy là giáo dục, bỏ việc dạy và học theo lối phong kiến “đọc”-“chép”, giảm tải chương trình học phổ thông, đưa các môn khoa học thường thức vào giảng dạy (điều này Phương Tây đã làm từ rất lâu) tạo thói quen nghiên cứu, phản biện và tranh luận, thực hiện dân chủ trong học thuật.

Đã đến lúc phải bỏ quan niệm học để thi thố, học để làm quan…, thay vào đó là học để biết, học để làm, học để tồn tại, học để hiểu, học để chung sống…học để thành người, triết lý giáo dục hiện đại cần được hiện thực hóa chứ không thể mãi là khẩu hiệu giương cao nhưng…đánh khẽ!

Tóm lại, nâng cao ý thức học tập không gì khác hơn là giúp người học thông đạt được hai câu hỏi; Học để làm gì? Học để được gì? một khi trả lời được hai câu hỏi đó thì bản chất việc học tự nhiên trở thành động lực nội tại của mỗi cá nhân người học.

Ths Trương Khắc Trà