LTS: Việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành văn bản can thiệp trực tiếp vào hoạt động của một số nhà trường đang tạo ra hiệu ứng dư luận không tốt.
Xung quanh vấn đề này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Vũ Thái Hà - Chủ tịch Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Youme.
Phóng viên: Những ngày qua dư luận đặc biệt quan tâm tới sự việc một số phụ huynh rút hồ sơ cho con tại trường nhưng không được trả lại các khoản đã nộp trước đó.
Phía nhà trường đã có thông báo công khai trước đó và nói rõ phụ huynh cân nhắc kĩ trước khi nộp hồ sơ, không trả lại kinh phí khi nhập học mà sẽ đưa vào quỹ khuyến học của trường.
Luật sư có đánh giá gì về thỏa thuận này giữa phụ huynh và nhà trường?
Luật sư Vũ Thái Hà: Trường tư thục xét cho cùng là một tổ chức, kinh doanh dịch vụ giáo dục dựa trên quy định của pháp luật nói chung, quy định về giáo dục nói riêng.
Nếu pháp luật không cấm, thì thỏa thuận của họ với bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào đều được pháp luật bảo hộ. Sự thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh cũng nằm trong nguyên tắc đó.
Các quy định pháp luật về giáo dục không cấm nhà trường được thỏa thuận với phụ huynh về việc nộp hồ sơ, việc giữ lại kinh phí sau khi đã nhập học.
Vì vậy, các thỏa thuận dân sự này giữa nhà trường và phụ huynh học sinh là có giá trị pháp lý, việc hủy bỏ hay thay đổi thỏa thuận này phải được sự đồng ý của cả hai bên.
Phụ huynh học sinh không có quyền đơn phương hủy bỏ thỏa thuận và đòi lại kinh phí sau khi đã nhập học mà không được nhà trường đồng ý.
Ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản. |
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ra văn bản yêu cầu 2 trường trả lại các khoản đã đóp góp trước đó của phụ huynh. Sở có được phép làm như vậy không, thưa luật sư?
Luật sư Vũ Thái Hà: Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở địa phương theo quy định của pháp luật và theo phân công hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Ông Chử Xuân Dũng cố tình bảo vệ cái sai của Sở hay lơ mơ về pháp luật? |
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ có thẩm quyền ra các văn bản trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của Sở được quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV hướng dẫn nhiệm vụ cơ cấu tổ chức Sở Giáo dục Đào tạo.
Việc Sở ra các văn bản mang tính mệnh lệnh hành chính, can thiệp vào các thỏa thuận giữa trường tư thục và phụ huynh học sinh khi chưa xác minh rõ ràng là không thuyết phục và không có giá trị pháp lý.
Các thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh và trường tư thục, được xem là các thỏa thuận dân sự.
Việc quyết định đúng sai, trách nhiệm hoàn trả hay không, hoàn trả như thế nào thuộc thẩm quyền của tòa án, Sở Giáo dục và Đào tạo không có chức năng, nhiệm vụ hay quyền hạn ra phán quyết đối với các thỏa thuận dân sự.
Nếu Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội ra văn bản sai, theo luật sư phải xử lý ra sao? Trách nhiệm của Giám đốc Sở và những cán bộ có liên quan trực tiếp khi ban hành văn bản được xác định như thế nào?
Luật sư Vũ Thái Hà: Về phía các trường tư thục nhận được văn bản, các trường này có thể không thực hiện các yêu cầu trái pháp luật, có thể khiếu nại đề nghị Sở thu hồi lại các văn bản này.
Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng có thể ban hành văn bản xin lỗi, thu hồi các văn bản đã gửi tới các trường.
Đó là những việc tôi cho là cần làm ngay.
Còn trách nhiệm của lãnh đạo và những cán bộ liên quan thì cần phải xem xét đến năng lực, mục đích của họ khi ra các văn bản không đúng thẩm quyền.
Các biện pháp xử lý cần phải được căn cứ vào quy định của pháp luật, hành vi cũng như hậu quả của việc ra văn bản sai.
Trân trọng cảm ơn Luật sư Vũ Thái Hà!