Giáo dục khai phóng của Hoa Kỳ được áp dụng tại Đông Á như thế nào?

17/10/2017 06:00
Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh
(GDVN) - So với Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục đã áp dụng mô hình giáo dục đại cương của Hoa Kỳ một cách tự nguyện và không chính thức vào cuối những năm 2000

LTS: Lãnh đạo Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam (Hiệp hội) đang tích cực phối hợp với các ban ngành trung ương chuẩn bị cho Hội nghị đầu năm 2018.

Hội nghị nhằm tổng kết thực tế triển khai cải cách giáo dục đại học theo tinh thần Nghị quyết số 29/2013 của Đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới triệt để và căn bản hệ thống giáo dục và đào tạo ở Việt Nam.

Trong bài viết này, Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh, Phó Trưởng Ban nghiên cứu và phân tích chính sách của Hiệp hội sẽ giới thiệu một khía cạnh của hệ thống giáo dục mở.

Hệ thống này đã được đề xuất như một trong các giải pháp của Nghị quyết số 29, với nội dung trao đổi thông tin về mô hình giáo dục đại học đại cương bậc cử nhân trên thế giới nói chung và ở Đông Á nói riêng.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Những ý tưởng về giáo dục đại học của Hoa Kỳ, bao gồm giáo dục đại cương, hay còn gọi là giáo dục khai phóng (liberal art), giáo dục tổng quát (general education), đã được xuất khẩu sang các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan kể từ khi kết thúc Thế chiến II.

Do đó, ít nhất là ở cấp độ nhà trường, giáo dục đại học trình độ cử nhân trong các hệ thống này về cơ bản bao gồm các phần giáo dục đại cương và các chương trình giáo dục chuyên ngành.

Trong những năm gần đây, mô hình giáo dục đại cương của Hoa Kỳ cũng đã xuất hiện với tỷ lệ đáng ngạc nhiên và có được vị trí cao ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.

Mô hình giáo dục đại học của Hoa Kỳ đã được xuất khẩu sang một số nước ở Đông Á. (Ảnh minh họa: educationusa.state.gov)
Mô hình giáo dục đại học của Hoa Kỳ đã được xuất khẩu sang một số nước ở Đông Á. (Ảnh minh họa: educationusa.state.gov)

Trường hợp Trung Hoa đại lục

Sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949, việc cải cách chương trình đào tạo đại học trình độ cử nhân đã mô phỏng theo mô hình giáo dục đại học của Liên Xô cũ và tạo ra một ví dụ hoàn chỉnh về mô hình giáo trình chuyên nghiệp.

Tương tự như ở Liên Xô cũ, ở cấp độ hệ thống, phần lớn các cơ sở giáo dục đại học Trung Quốc được chia thành nhiều nhóm trường tùy theo lĩnh vực nghiên cứu tương ứng.

Thông thường những loại nhóm trường này có liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực chuyên môn hoặc nghề nghiệp khác nhau và tập trung vào đào tạo các cán bộ chuyên nghiệp hoặc nhân viên dạy nghề.

Mặc dù khó biết được chính xác về thời gian hoặc theo hình thức nào mà mô hình giáo dục đại học Hoa Kỳ được chuyển sang Trung Quốc đại lục, nhưng nhìn chung người ta đồng ý rằng:

Tác động của những ý tưởng giáo dục đại học đại cương của Hoa Kỳ đối với các trường đại học Trung Quốc là rõ ràng và đáng kể từ đầu những năm 2000.

Điều này đặc biệt đúng với các trường đại học định hướng sâu vào nghiên cứu ở Trung Quốc.

Để minh họa, Đại học Bắc Kinh, một trong những trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc, là một ví dụ điển hình.

Ngoài ra, Đại học Bắc Kinh đã thành lập Chương trình đào tạo Yuanpei vào năm 2001 để nhấn mạnh cung cấp giáo dục phi chuyên môn (non-professional education).

Giáo dục khai phóng của Hoa Kỳ được áp dụng tại Đông Á như thế nào? ảnh 2

Giáo dục khai phóng là ước mơ của bất cứ dân tộc nào

Trong năm 2009, nó đã được đổi tên thành chương trình Cao đẳng/đại học Yuanpei và mang một số đặc điểm mới.

Ví dụ, sinh viên được ghi danh vào đại học mà không theo chuyên ngành, nhập học theo một trong hai lĩnh vực học tập rộng lớn (nhân văn và khoa học) và tham gia chủ yếu vào các khóa học giáo dục đại cương là "các khóa học nền tảng" (platform courrse) trong suốt một năm rưỡi đầu tiên.

Từ cuối năm học thứ hai, các sinh viên có cơ hội lựa chọn các khóa học chuyên ngành theo nhu cầu và sở thích riêng của mình và chuyển sang nghiên cứu các chương trình chuyên ngành hóa.

Các trường đại học hàng đầu khác như Đại học Fudan và Đại học Sun Yatsen ở Trung Quốc cũng đã thành lập các đơn vị đào tạo mới dựa theo mô hình thực tiễn của Đại học Yale (Hoa Kỳ) hoặc các trường đại học khác của Hoa Kỳ từ đầu những năm 2000.

Do ảnh hưởng của các trường đại học hàng đầu này, phần lớn việc học tập trình độ cử nhân của sinh viên Trung Quốc bao gồm cả phần giáo dục đại cương hay Tongshi Jiaoyu trong các chương trình đào tạo chuyên ngành bằng tiếng Trung Quốc.

Trong hầu hết các trường hợp, giáo dục đại cương đặt trọng tâm đặc biệt vào mở rộng chương trình giáo dục cơ bản và nuôi dưỡng các khả năng và tiềm năng khác nhau.

Nói cách khác, đào tạo trình độ cử nhân đại học không chỉ giới hạn trong truyền tải kiến thức chuyên ngành hẹp, mà còn bao gồm quá trình phát triển năng lực tinh tế của sinh viên.

Trường hợp Hồng Kông

Truyền thống giáo dục của Anh quốc được thiết lập ở Hồng Kông từ đầu thế kỷ 19 với phần giáo dục chuẩn bị cho vào đại học nằm ở hệ giáo dục phổ thông.

Tất cả các trường đại học tuyển sinh dựa theo lĩnh vực chuyên môn hóa hoặc theo các môn chuyên ngành;

Thời gian học đại học là ba năm; mục tiêu của giáo dục đại học là đào tạo ra những sinh viên tốt nghiệp theo chuyên ngành hẹp để được tuyển dụng vào thị trường lao động ở Hồng Kông.

Giáo dục khai phóng của Hoa Kỳ được áp dụng tại Đông Á như thế nào? ảnh 3

Bức tranh cải cách giáo dục đại học, chuyên nghiệp ở Việt nam

Tuy nhiên, từ năm 2012, với sự chuyển đổi từ hệ thống đại học 3 năm sang hệ thống 4 năm, tất cả các trường đại học ở Hồng Kông đã được chính quyền trung ương Hồng Kông yêu cầu phải đưa vào và phát triển các chương trình giáo dục đại cương.

Các chương trình giảng dạy này tập trung phát triển những cấu phần trí tuệ rộng lớn, bao gồm:

Học suốt đời thông qua học cách học tập; tăng cường nhận thức toàn cầu; đánh giá cảm nhận tốt hơn về di sản văn hóa Trung Hoa;

Hiểu biết tốt hơn về bản chất liên kết nội tại giữa tri thức với nhau và trong phạm vi liên môn;

Hiểu rõ giá trị các hoạt động của doanh nhân như các môn nghệ thuật, văn học; và kiến thức về vai trò ngày càng tăng của công nghệ và khoa học trong cuộc sống hàng ngày.

Tuy nhiên, vì mỗi cơ sở đào tạo được tự do thiết kế chương trình đào tạo riêng với phần giáo dục đại cương chung của mình, kết quả thuần túy là phần giáo dục đại cương có một số đặc điểm Hồng Kông độc đáo, cũng như sự đa dạng đáng kể giữa các cơ sở đào tạo.

Một trong các đặc điểm nổi bật nhất của Hồng Kông là sự nhấn mạnh về chiều rộng và tính đa ngành.

Đây như một cơ chế để chống lại xu thế chuyên ngành hẹp liên quan đến mô hình giáo dục của Anh.

Theo đó, Hồng Kông chấp nhận rộng rãi hơn sự tham gia của các chương trình giáo dục khác, bao gồm các môn học nằm ngoài các môn giáo dục khai phóng truyền thống hay các môn khoa học khác;

Nhấn mạnh vào yếu tố giáo dục công nghệ trong phạm vi các môn của giáo dục khai phóng hay giáo dục đại cương và buộc phải sử dụng phương pháp dạy và học dựa trên kết quả đầu ra như một khung cấu trúc chung.

Ví dụ, trường đại học Hồng Kông đã thiết kế một chương trình đào tạo mới, cốt lõi chung vào năm 2012.

Với việc thực hiện chương trình đào tạo cử nhân đại học 4 năm, đại học Hồng Kông đã phát triển một cấu trúc linh hoạt mềm dẻo hơn cho việc học trình độ cử nhân bậc đại học của mình.

Mặc dù các kỹ năng chuyên ngành vẫn chiếm phần tỷ trọng lớn nhất trong tổng số tín chỉ, nhưng 36 môn học được dành cho các khóa học bắt buộc thuộc chương trình cơ bản cốt lõi chung.

Trường hợp Việt Nam

Ngay từ năm 1993 với các Quyết định số 1677 và 1678/GDĐH, Vụ Đại học Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn toàn hệ thống cao đẳng, đại học áp dụng chương trình giáo dục đại cương.

Tiếc rằng, đến năm học 1997-1998 do một số thay đổi nhất định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xóa bỏ mô hình trường đại học đại cương có mục tiêu phục vụ đào tạo hai giai đoạn ở các trường đại học.

Giáo dục khai phóng của Hoa Kỳ được áp dụng tại Đông Á như thế nào? ảnh 4

Đào tạo đại học không nên được quan niệm chỉ là đào tạo nghề

Có thể nói, Việt Nam đã đi trước Trung Quốc gần một thập kỷ trong việc áp dụng mô hình giáo dục đại học đại cương Hoa Kỳ vào chương trình đào tạo cử nhân.

Cho đến gần đây, khi mà Chính phủ Việt Nam cho phép mở trường Đại học Việt-Nhật trong Đại học Quốc gia Hà Nội, mô hình giáo dục đại học đại cương và giáo dục chuyên ngành đã được nhấn mạnh ở trường này.

Ấy vậy mà, thật đáng tiếc, năm 2016 Bộ Giáo dục và Đào tạo lại trình Chính phủ ban hành Quyết định số 1982/TTCP nhằm mục đích rút ngắn thời gian đào tạo đại học từ 4 năm xuống 3 năm và không hề nói rõ việc cung ứng phần giáo dục đại học đại cương trong chương trình đào tạo cử nhân.

Hướng tới mô hình giáo dục đại học Hoa Kỳ?

So với Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục đã áp dụng mô hình giáo dục đại cương của Hoa Kỳ một cách tự nguyện và không chính thức vào cuối những năm 2000.

Tác động của nó đối với giáo dục bậc cử nhân đại học của Trung Quốc còn hạn chế về quy mô.

Có rất ít bằng chứng cho thấy mô hình giáo dục đại cương của Hoa Kỳ, đặc biệt là tài liệu hay nội dung giảng dạy của Mỹ, đã được Chính phủ Trung Quốc hoặc các trường đại học cá lẻ chấp nhận chính thức và toàn bộ.

Ở Hồng Kông, ngược lại, việc giới thiệu giáo dục đại cương của Hoa Kỳ đã được giới thẩm quyền địa phương, các trường đại học và các ngành công nghiệp ủng hộ mạnh mẽ.

Một mặt, việc vay mượn mô hình giáo dục đại cương của Hoa Kỳ đã bị ảnh hưởng một phần bởi xu thế toàn cầu hoá cải cách giáo dục đại học;

Mặt khác, nó cũng được coi là một cách kết nối các hệ thống giáo dục đại học ở Trung Quốc.

Kết quả là, các chương trình giáo dục đại cương ở hầu hết các trường đại học ở Hồng Kông dường như là sự pha trộn của triết lý giáo dục Hoa Kỳ với các giá trị văn hoá truyền thống của Trung Quốc đại lục.

Thật khó mà tiến hành nghiên cứu trường hợp cho rằng một trong hai hệ thống Trung Quốc đại lục hoặc Hồng Kông đã đi theo giáo dục đại học đại cương Hoa Kỳ một cách đủ lông đủ cánh.

Tuy nhiên, việc kết hợp chặt chẽ triết lý giáo dục đại cương của Hoa Kỳ vào hai hệ thống này đã dẫn đến việc cung cấp nhiều chương trình giáo dục rộng hơn hoặc cung ứng đào tạo phi chuyên ngành trước cho sinh viên.

Quan trọng hơn, nó đã khuyến khích các trường đại học cá lẻ nâng cao chất lượng sinh viên mà nó mang lại - những sinh viên có kỹ năng và năng lực toàn diện trong kỷ nguyên toàn cầu hoá và bước vào xã hội dựa trên tri thức.

Mặc dù có sự khác biệt rất lớn về chương trình học tập trình độ cử nhân đại học giữa Trung Quốc lục địa và Hồng Kông, nhưng dường như cả hai hệ thống đều cố gắng cải cách giáo dục đại học theo mô hình của Hoa Kỳ.

Còn ở Việt Nam, lịch sử cải cách giáo dục đại học hình như đang đi ngược lại xu thế này.

Tài liệu tham khảo:

Universities look to the US general education model

Theo tác giả Futao Huang, ngày 13/10/2017, Issue No:478, University World News

Ghi chú: Futao Huang là giáo sư của Viện Nghiên cứu Giáo dục Đại học tại Đại học Hiroshima, Nhật Bản và là đồng điều tra nghiên cứu của Trung tâm Giáo dục Đại học Toàn cầu - chương trình nghiên cứu toàn cầu của CGHE có trụ sở tại Học viện Giáo dục UCL, Vương quốc Anh.

Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh