Giáo sư Ngô Bảo Châu: Tôi nhức nhối vì nhiều em chọn sai nghề

27/04/2017 07:43
Tấn Tài
(GDVN) - Cả phụ huynh và học sinh lựa chọn nghề nghiệp theo kiểu nghe tên kêu kêu thì thi vào, còn sau đó học gì, làm gì cũng không rõ.

Đó là một vấn đề nhức nhối mà giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ tại buổi giao lưu với các bạn sinh viên, giảng viên Trường đại học Duy Tân (Đà Nẵng) ngày 25/4.

Chọn sai nghề: một vấn đề nhức nhối

Tại buổi giao lưu, một sinh viên Trường đại học Duy Tân đặt câu hỏi, hiện nhiều học sinh không được định hướng đúng về nghề nghiệp trong thời kỳ học phổ thông, dẫn đến tình trạng “học một đàng nhưng ra trường làm một nẻo”, rồi thất nghiệp. Vậy giáo sư có lời khuyên nào để tránh trường hợp trên?

Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ với sinh viên về những kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học. Ảnh: TT
Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ với sinh viên về những kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học. Ảnh: TT

Giáo sư Châu cho rằng, thông tin hướng nghiệp của học sinh cấp 3 ở Việt Nam rất yếu. Dẫn chứng cho điều này, ông kể lại câu chuyện mà chính ông là người trong cuộc.

Giáo sư Ngô Bảo Châu: Tôi nhức nhối vì nhiều em chọn sai nghề ảnh 2

Giáo sư Ngô Bảo Châu: Ở ta, Giáo sư được nhà nước phong, nhưng không có quyền

(GDVN) - Giáo sư ở ta được xem như là một chức danh danh dự được nhà nước phong, được sự trọng vọng của xã hội, nhưng không có quyền hạn rõ ràng.

“Năm ngoái, có một người chị quen biết ở Quảng Ninh có điện thoại nhờ tôi chuyển cho con trai từ khoa A sang khoa B.

Nhưng khi đến nói chuyện với hai mẹ con thì cả hai đều không hiểu biết bất cứ một cái gì về khoa B. Việc lựa chọn nghề nghiệp, tương lai rất quan trọng nhưng cả mẹ và con đều không có thông tin”.

Ông Châu nhận định, đây là một vấn đề khá nhức nhối. Bởi khi họ lựa chọn nghề nghiệp thì chỉ nghe cái tên. Tức là nghe những cái tên (trường hoặc ngành) “kêu kêu” thì thi vào, chứ không biết sau đó là cái gì, việc học cái đó khi ra trường sẽ làm gì?

Về giải pháp, giáo sư Châu đề xuất phải tổ chức việc hướng nghiệp cho các bạn học sinh học từ cấp 2.

Theo đó, tất cả những người lớn yêu nghề, hiểu nghề của mình có thể đứng ra thành lập một câu lạc bộ hướng nghiệp.

Tổ chức 2-3 buổi để nói chuyện để các cháu hiểu về nghề, dẫn các cháu đến cơ quan, bệnh viện để học sinh có thể biết công việc đó cụ thể ra sao.

Rồi một buổi thực hành, làm các động tác hay hành động tương tự như công việc trong thực tế.

“Chỉ cần một vài buổi như vậy, các cháu sẽ hình dung rõ ràng hơn nhiều về công việc chứ không phải suy luận qua những từ ngữ như: kinh tế môi trường, kinh tế tài nguyên... Mà thực tế thì không hiểu kinh tế là gì và tài nguyên là làm gì cả” ông Châu nói.

Việc có thêm những câu lạc bộ hướng nghiệp cho học sinh là hoàn toàn có thể thực hiện được với những khoản chi phí rất ít. Chỉ cần một vài người bỏ ra ít thời gian là giúp được nhiều cháu cấp 2-cấp 3.

Về tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp hiện nay, giáo sư Châu cho rằng, một phần liên quan đến chất lượng đào tạo đại học Việt Nam đang có vấn đề.

Còn lại một phần là do thông tin hướng nghiệp cũng rất có “vấn đề”. Khi mà cả học sinh lẫn phụ huynh đều chọn nghề bằng một lượng thông tin rất ít ỏi.

Hoàn toàn chỉ là nghe. Chỉ nghe là ngành này tốt lắm, ngoài ra không ai biết ngành đó cụ thể như thế nào.

Giáo sư Châu cũng đặt vấn đề, vậy tại sao những thầy cô đã thành công, muốn lôi cuốn học trò theo nghề nghiệp của mình lại không tổ chức những câu lạc bộ hướng nghiệp để cung cấp thông tin, để cho học sinh và phụ huynh lựa chọn?

Xã hội còn ghánh nặng về hư danh, bằng cấp

Một sinh viên khác cũng đặt câu hỏi, hiện xã hội đang có “định kiến” với các bộ môn khoa học xã hội nhân văn.

Trong đó, có quan niệm cho rằng, học các môn khoa học tự nhiên như: Toán, Lý, Hóa mới là thông minh, có giá trị hơn học Văn, học Sử…

Giáo sư Ngô Bảo Châu: Tôi nhức nhối vì nhiều em chọn sai nghề ảnh 3

Giáo sư Ngô Bảo Châu: "Toán học không dễ nhưng không phải quá xa"

(GDVN) - Tại ngày hội Toán học mở “Bản giao hưởng số Pi”, Giáo sư Ngô Bảo Châu cho hay: “Toán học không dễ nhưng không phải quá xa, nếu chúng ta biết cách tiếp cận".

Và trong khâu tuyển dụng, bổ nhiệm thì cũng “chạy” theo bằng cấp, không chú ý đến khả năng thực tế. Giáo sư có ý kiến gì về vấn đề này?

Trả lời câu hỏi này, giáo sư Châu nói, mục đích cơ bản của nền giáo dục nhân văn là để cho những tiềm năng của con người phát triển tốt nhất. Tiềm năng đó có thể là năng khiếu về Toán, Văn, Xã hội, Mỹ thuật...

“Cuộc sống muôn hình, muôn vẽ nên tôi nghĩ không có khả năng, tiềm năng nào được đánh giá cao, có giá trị hơn khả năng khác.

Cái suy nghĩ rằng: những người giỏi toán thì thông minh hơn những người giỏi văn. Nếu so sánh như vậy là sai” ông Châu cho hay.

Cũng chính từ quan niệm này đã khiến xã hội chúng ta nặng về hư danh, nặng về bằng cấp. Dẫn chứng là việc phong chức danh giáo sư ở Việt Nam vẫn còn quá nặng nề.

“Không có nước nào lại coi việc phong giáo sư là một vấn đề đại sự quốc gia như ở ta. Đối với nước ngoài, giáo sư là một chức vụ, chuyện phong giáo sư rất bình thường, chứ không phải như một vấn đề đại sự.

Sự phát triển của hệ thống đại học không phụ thuộc vào việc phong giáo sư như vậy. Tôi tin rằng, việc trọng bằng cấp sẽ ngày càng đi xuống theo thời gian, con người sẽ thực tế hơn, giảm dần sự dựa dẫm vào hư danh, bằng cấp” giáo sư Châu chia sẻ.

Một sinh viên khác cũng đặt câu hỏi, ngay từ cấp 3, chúng em đã phải học những môn toán đại số, hình học, giải phương trình… Lúc vào đại học lại phải tiếp tục học toán C1, C2 (toán cao cấp), được cho là những môn tiên quyết phải học để phục vụ cho điểm số và các kỳ thi.

“Nhưng sau này, khi ra trường thì những môn học đó không thực tế và không áp dụng được vào đời sống. Theo giáo sư, có thể bỏ hoặc giảm bớt những môn này, thay vào đó là các môn toán chuyên cho từng ngành.

Ví dụ như là môn toán trong quản trị kinh doanh thì làm thế nào để quản lý một quán cà phê có doanh thu cao?”.

Trả lời vấn câu hỏi này, giáo sư Châu nói, đã có nhiều ý kiến về việc giảm tải hoặc bỏ những môn cơ sở không cần thiết. Quả thật băn khoăn.

“Nhưng tôi nghĩ môn toán đó là văn minh của nhân loại. Tất cả các đại học ở Mỹ đều học môn Toán, dù cho anh có học Lý, học Hóa, học quản trị kinh doanh nhưng đều phải học Toán. Họ coi đó là môn khoa học bắt buộc, là cơ sở” giáo sư Châu cho biết.

Tôi không tin học đại học chỉ là ‘học những cái chỉ khi đi làm mới áp dụng được’. Đó là quan niệm sai lầm chết người.

Bởi đặc điểm chính xã hội hiện đại là luôn thay đổi. Cái đúng của ngày hôm nay chưa hẳn đã đúng với ngày mai và trong tương lai xa.

Không phải học cái ngày hôm qua để sử dụng cho hôm nay mà còn chuẩn bị cho những thay đổi ngày mai. Đó là cơ sở, nền tảng để chuẩn bị cho những điều về sau – giáo sư Châu chia sẻ thêm.

Tấn Tài