Đó là chia sẻ của giáo sư Ngô Bảo Châu – Giám đốc Khoa học Viện nghiên cứu cao cấp về Toán với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bên lề buổi giao lưu với sinh viên, giảng viên Đại học Đà Nẵng và Đại học Duy Tân.
Dạy toán ở bậc phổ thông còn nặng về lý thuyết
Theo giáo sư Châu, hiện có nhiều cha mẹ phụ huynh chưa bằng lòng với chất lượng của giáo dục phổ thông. Nhưng nếu nhìn khách quan từ bên ngoài vào thì giáo dục phổ thông không đến nỗi tệ như vậy. Chính giáo dục đại học mới có “vấn đề” và chưa đáp ứng được sự mong mỏi cũng như tiềm năng của chúng ta.
Giáo sư Ngô Bảo Châu đã truyền ngọn lửa đam mê Toán học cho các bạn sinh viên Đà Nẵng. Ảnh: TT |
Đánh giá về về việc dạy và học toán ở giáo dục phổ thông so với mặt bằng chung của thế giới, giáo sư Châu nhận định là tốt. Điều này được thể hiện qua các kỳ thi Olympic toán học quốc tế (kỳ thi có uy tín), Việt Nam luôn giành các thứ hạng cao.
Giáo sư Ngô Bảo Châu: Tôi nhức nhối vì nhiều em chọn sai nghề(GDVN) - Cả phụ huynh và học sinh lựa chọn nghề nghiệp theo kiểu nghe tên kêu kêu thì thi vào, còn sau đó học gì, làm gì cũng không rõ. |
“Tuy vậy, toán phổ thông còn nặng về lý thuyết, hàn lâm mà thiếu đi một số kỹ năng thực tế, mô hình.
Trong đó, toán mô hình là dạng toán chưa chắc cần những tính toán cao siêu nhưng phù hợp để giải quyết những vấn đề thực tế hàng ngày”.
Dẫn chứng cho điều này, ông Châu chia sẻ thêm, ví dụ như bài toán đặt ra là phải làm sao để quản lý một quán cafe hiệu quả.
Bài toán về quản lý nguyên liệu đầu vào, đầu ra như thế nào để lúc nào có nguyên liệu vừa đủ bán trong ngày, không bị dư, mốc. Từ những dữ liệu về tiêu thụ, về giá cả để đưa ra một giải pháp tối ưu hóa.
Đấy là những bài toán mô hình, thực tiễn, bên cạnh những bài toán mang tính chất lắt léo.
Trả lời câu hỏi dạy và học Toán ở phổ thông phải thay đổi như thế nào để tốt hơn, giáo sư Châu nhắc lại nhận xét, khác với những suy nghĩ cho rằng giáo dục toán Việt Nam không tốt, tôi thì nghĩ là nó tương đối tốt.
“Còn làm sao để cải thiện hơn nữa thì tôi nghĩ cần bổ sung thêm những bài toán về giải quyết các vấn đề cụ thể trong cuộc sống (ví dụ như tính toán kinh doanh cho một quán cà phê đã nêu ở trên), khả năng tạo lập mô hình.
Chúng ta không chỉ làm toán là giải phương trình với X,Y,Z nữa mà phải làm sao từ một vấn đề cụ thể rồi lập phương trình nó như thế nào? Đó là những kỹ năng mà ở bậc phổ thông và bậc đại học đều cần đến” giáo sư Châu nói.
Học toán cần đam mê
Phương pháp học toán nào tốt nhất để các em nhỏ tiếp cận sâu hơn với môn học này? Trả lời thắc mắc này của sinh viên, giáo sư Châu nói, với phương pháp học toán hay dạy toán thì không thể có một phương án chung, cụ thể cho từng người.
Giáo sư Ngô Bảo Châu: Ở ta, Giáo sư được nhà nước phong, nhưng không có quyền(GDVN) - Giáo sư ở ta được xem như là một chức danh danh dự được nhà nước phong, được sự trọng vọng của xã hội, nhưng không có quyền hạn rõ ràng. |
Có nhiều người cho rằng môn toán quá khó nhưng nhiều người lại có quan điểm ngược lại. “Bản thân của tôi thực sự thích môn toán, nhất là khi gặp những đề toán khó. Hồi đó, vào khoảng lớp 6, tôi cũng không đặc biệt yêu thích môn toán mà cũng chỉ học bình thường.
Khi bố tôi từ Liên Xô về nước và dẫn tôi thi vào chuyên toán nhưng kết quả thi bị trượt. Lúc đó, mình thấy toán khó thật, cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương. Nhưng nó lại như một lời thách thức nên tôi phải cố gắng để làm bằng được” ông Châu nhớ lại.
Chính cảm giác muốn vượt qua khó khăn, thách thức như vậy nên tôi càng làm càng mê toán. Tôi nghĩ rằng, phải đánh đúng sự say mê, tò mò.
Giáo sư Châu nói thêm, học toán bây giờ rất đa dạng, có người thích chứng minh những cái hóc búa, những lập luận lắt léo.
Có người lại thích toán đơn giản, có sự chân phương, thực tế để tạo ra được mục đích của bạn một cách tốt nhất.
“Không có phương pháp chung để học toán giỏi. Tuy vậy, tôi nghĩ việc học Toán cũng giống như những công việc bình thường nào khác.
Có những lúc mình phải làm việc với cô đơn, vùi mặt vào những con số. Nhưng cũng có những lúc ta phải có bạn bè, đồng đội cùng giải những bài toán, cùng đi đến một vấn đề nào đấy. Không có phương pháp chung cho từng người” giáo sư Châu chia sẻ.