Thảo luận về Luật Giáo dục Đại học, Đại biểu Trí nêu “Tại khoản 3 Điều 54 có quy định: Giảng viên dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ” và nói thẳng: “Tôi cho quy định này là được vì không chỉ là trình độ mà còn là phương pháp nghiên cứu khoa học, tham khảo tài liệu, viết luận văn, luận án...
Còn quy định giảng viên dạy đại học là thạc sĩ nên xem lại, vì chưa hẳn thạc sĩ đã giỏi hơn người có trình độ đại học.
Rất nhiều người trình độ đại học họ chưa có điều kiện để làm thạc sĩ, vì nhà nghèo, chưa có thời gian. Đặc biệt, với cách học thạc sĩ như bây giờ ở Việt Nam rất đáng lo ngại.
Nhiều ý kiến hôm nay cũng đã trình bày, thạc sĩ tên tiếng anh là Master, Master có nghĩa là nắm vững nghề nghiệp. Có nắm vững nghề nghiệp mới làm thạc sĩ để công nhận bằng đó.
Trong khi ở mình, học đại học xong, thậm chí nhiều trường hợp học đại học rất bình thường nhưng chưa xin được việc thì học thạc sĩ luôn, như vậy chưa nắm vững công việc đã có bằng thạc sĩ.
Về nguyên tắc phải nắm vững công việc, thậm chí giỏi rồi mới có bằng thạc sĩ mới đúng.
Rất nhiều ý kiến đã phát biểu vấn đề học thạc sĩ của chúng ta, tạo ra một phong trào phổ cập thạc sĩ, rất tốn kém thời gian và kinh phí cho cá nhân và xã hội, học thạc sĩ ở khắp nơi, thậm chí về đến huyện cũng đua nhau để học thạc sĩ, rất nên xem lại”.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí: "Thạc sĩ chưa chắc đã giỏi hơn trình độ đại học". ảnh: Trung tâm thông tin quốc hội. |
Cũng theo Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Chính phủ phải ban hành tiêu chuẩn và có kiểm tra, giám sát, cơ sở đào tạo phải xây dựng vị trí chức danh Giáo sư, Phó giáo sư cho các đơn vị trực thuộc theo quy định của Chính phủ.
Ông Trí đề nghị sửa lại ở Điều 71 Luật Giáo dục nói về Giáo sư, Phó giáo sư như sau: "Giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học". Tôi đề nghị sửa lại và bổ sung chữ "và", vì dấu dấu phẩy (,) ở đây sẽ gây ra hiểu nhầm muốn phong Giáo sư, Phó giáo sư là vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học.
“Giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành đạt chuẩn quy định là cơ sở giáo dục đại học. Lý do, trong nhiều ngành nhưng đặc biệt là trong y khoa thì thực hành là vô cùng quan trọng.
Thực hành quan trọng hơn nhiều, cần thiết hơn nhiều so với việc chỉ học lý thuyết trên giảng đường. Có thể nói, tất cả những thầy thuốc giỏi, những giáo sư, phó giáo sư giỏi, nổi tiếng đều gắn bó mật thiết với bệnh viện, với các cơ sở thực hành”, ông Trí nói.
Đề cập tới vai trò thực hành trong đào tạo, Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết: Thực hành, thực tập có vai trò hết sức quan trọng, như y khoa, thú y, nghệ thuật... Giảng dạy đào tạo thực tập là rất khó, soạn một bài giảng lý thuyết không khó đối với cán bộ giảng dạy, có thể dùng nhiều năm, nhưng soạn để giảng một ca bệnh khó, mới đòi hỏi trình độ phải rất tổng hợp.
Vì vậy cần quy định chặt chẽ để có cơ sở đào tạo thực hành, thầy giáo dạy thực hành đúng chuẩn, đầy đủ cho đào tạo, giờ giảng thực hành cần được đánh giá đúng với giá trị của nó.
“Nhân đây tôi tha thiết mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quốc hội hết sức lưu ý đối với các trường đại học nhất là đào tạo về vấn đề chăm sóc sức khỏe mà không quan tâm đến cơ sở thực hành thì rất đáng lo ngại”, ông Trí nói.
Nhiều luận án, luận văn không thể ứng dụng vào cuộc sống
Đại biểu Lê Quang Trí (đoàn Tiền Giang) nhận định, nghiên cứu khoa học là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm của các cơ sở giáo dục đại học.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, sự gắn kết giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ khoa học còn lỏng lẻo.
Còn nhiều giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học hướng dẫn sinh viên đại học, học viên cao học cũng như là nghiên cứu sinh để thực hiện các đề tài tốt nghiệp nhưng các đề tài này không xuất phát từ các yêu cầu của doanh nghiệp cũng như thực tiễn.
"Sinh viên ra trường kỹ năng tối thiểu không có nhưng hay đòi hỏi này nọ" |
Kết quả là, mặc dù có rất nhiều luận văn, luận án được điểm cao nhưng không thể ứng dụng vào trong cuộc sống.
Trong khi đó, các trường đại học uy tín trên thế giới đã mời gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu trong khuôn viên của trường. Cả doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học đều có lợi.
Các nhóm nghiên cứu là giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học tham gia thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu phát triển sản phẩm cho các doanh nghiệp đó ở tại trung tâm nghiên cứu trong khuôn viên của trường.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) thì cho rẳng, các trường phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước và đặc biệt chúng ta biết tài sản giá trị lớn nhất không phải chỉ là tài sản vật chất mà quan trọng hơn là tài sản vô hình như danh tiếng, uy tín.
“Tôi đề nghị trong luật này cần phải quy định rất rõ trách nhiệm giải trình của các trường đại học đối với người học, cựu học viên và đối với những đơn vị sử dụng lao động về chuẩn đầu ra, sản phẩm đào tạo để xã hội thực hiện vai trò giám sát”, ông Cường nêu quan điểm.