Ngày 1/6/2018 Báo VietnamNet đặt câu hỏi với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới (dù cuối bài phỏng vấn, Giáo sư Thuyết lưu ý, ông không còn là thành viên Ban phát triển chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo):
"Ông là tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng gần đây có thông tin ông viết sách giáo khoa cho Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản – thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC). Điều này có hợp lý không?"
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trả lời:
"Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, để chủ động trong công việc, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã mời một số chuyên gia tham gia các đề tài xây dựng chương trình giả định, nghiên cứu mô hình sách giáo khoa và biên soạn thử một số bài soạn và bản thảo sách.
Là một chuyên gia về giáo dục phổ thông, tôi được mời tham gia các công việc trên.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, ảnh đăng trên GDVN. |
Tôi đã hoàn thành các đề tài nghiên cứu về mô hình sách giáo khoa môn Tiếng Việt - Ngữ văn cho Viện Nghiên cứu sách giáo khoa và học liệu của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam;
Hoàn thành bản thảo sách Tiếng Việt lớp 1 theo mô hình mà tôi đề xuất cho một đơn vị thành viên được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giao nhiệm vụ là Công ty VEPIC.
Tuy nhiên, từ khi nhận lời làm Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, tôi không còn thời gian để tiếp tục các công việc trên.
Chương trình giả định đang phác thảo cũng được “đóng băng” từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông vì nó không còn ý nghĩa nữa." [1]
Câu trả lời trên đây của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết là sự thừa nhận 2 cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 tập 1, Tiếng Việt lớp 1 tập 2 mà ông Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty VEPIC trình Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội hôm 7/5 đúng là do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm "tổng chủ biên kiêm chủ biên".
Chỉ có điều, khoảng thời gian Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết biên soạn 2 cuốn sách này được ông khẳng định là trước khi nhận nhiệm vụ Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông (tổng thể) của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tổng chủ biên dùng "chuyện ngược đời" để giải thích sự thay đổi quan điểm |
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho đến nay không đưa ra được bằng chứng nào thuyết phục chứng minh cho điều này. Ngược lại, thông tin thầy Thuyết cung cấp có nhiều mâu thuẫn với các nguồn tin khác.
Trong lúc chờ đợi Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, ông Ngô Trần Ái, Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng, trả lời những câu hỏi chúng tôi đã đặt ra trong bài Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết và ông Ngô Trần Ái, ai trung thực?, chúng tôi xin phân tích một số mâu thuẫn trong các thông tin mà thầy Thuyết, thầy Ái đã đưa ra.
Mâu thuẫn thứ nhất
Về thời điểm Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết bắt đầu hợp tác với Viện Nghiên cứu sách và học liệu giáo dục thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nghiên cứu đề tài Mô hình sách giáo khoa Tiếng Việt - Ngữ văn, thầy Thuyết cho biết là:
"Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông."
Tức hoạt động hợp tác giữa Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong việc xây dựng "chương trình giả định", nghiên cứu mô hình sách giáo khoa và biên soạn bản thảo sách được tiến hành sau tháng 11/2014.
Tuy nhiên, ngày 20/10/2015 Viện Nghiên cứu sách và học liệu giáo dục thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đưa tin kết quả dạy thử nghiệm của đề tài "Mô hình sách giáo khoa môn Tiếng Việt tiểu học".
Đề tài Nghiên cứu mô hình sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học được tiến hành từ tháng 6/2013.
Đến giữa tháng 1/2014, nhóm Nghiên cứu đã phối hợp với Trường Tiểu học Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) dạy thử nghiệm bài soạn theo mô hình sách giáo khoa mới. [2]
Như vậy, đề tài Nghiên cứu mô hình sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học được Viện Nghiên cứu sách và học liệu giáo dục bắt đầu từ 2013, trước thời điểm ban hành Nghị quyết 88/2014/QH13 hơn 1 năm, chứ không phải sau khi có nghị quyết này, như khẳng định của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.
Ảnh chụp màn hình thông tin trên website Viện Nghiên cứu sách và học liệu giáo dục, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về đề tài "mô hình sách giáo khoa môn tiếng Việt tiểu học". |
Điều này phù hợp với nội dung ông Ngô Trần Ái báo cáo trực tiếp Đoàn giám sát hôm 7/5, rằng:
"Hỏi là tác giả làm chương trình rồi làm chỗ chúng tôi, nó có khách quan không?
Tôi xin thưa là, làm với chúng tôi rồi Bộ mới bắt đầu mời lên chương trình. Hai (cái) này nó khác á, làm với chúng tôi trước, phải không nào?"
"Mình cứ làm thôi. Khi mình làm thử như thế, thì sau đó thì, tôi nói trước hồi Bộ trưởng Luận cũng có người viết chương trình rồi chứ không.
Bộ trưởng Nhạ về thì làm một cái, mời giáo sư Thuyết làm Tổng chủ biên.
Trước đó, trước khi ở Nhà xuất bản tôi đã mời làm rồi.
Tôi đã mời trước, thì cái này nó cũng có cái thuận lợi, nhưng mà không phải vì thế mà không có công bằng đâu á. Nó cũng khách quan á."
Danh sách tác giả viết sách giáo khoa cho VEPIC tính đến 7/5/2018 mà ông Ngô Trần Ái báo cáo Đoàn giám sát, thời điểm này Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết vẫn còn là Tổng chủ biên theo thông tin về hợp đồng với Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông. Ảnh: GDVN. |
Ông Ngô Trần Ái được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam từ 2011 đến 2013 theo Quyết định số 2253/VPCP-TCCV ngày 13/4/2011.
Từ năm 2014-2015 ông Ngô Trần Ái thôi chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để giúp Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong chỉ đạo hoạt động xuất bản và các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng phân công, theo Quyết định số 1068/QĐ-BGDĐT ngày 31/3/2015.
Như vậy, khẳng định của ông Ngô Trần Ái rằng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cộng tác (nghiên cứu mô hình sách giáo khoa Tiếng Việt - Ngữ văn) từ khi ông Ái "còn ở Nhà xuất bản" (2013) là phù hợp với thông tin trên website Viện Nghiên cứu sách và học liệu giáo dục chúng tôi vừa dẫn.
Điều đó có nghĩa, không phải sau khi có Nghị quyết 88/2014/QH13 Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (ông Ngô Trần Ái mời) mới hợp tác với nhau trong việc nghiên cứu mô hình sách giáo khoa tiếng Việt - Ngữ văn, mà sự hợp tác này có từ năm 2013.
Mâu thuẫn thông tin thứ 2
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết viết sách giáo khoa cho VEPIC vào khoảng thời gian nào?
Thày Thuyết khẳng định là ông đã "hoàn thành bản thảo sách Tiếng Việt lớp 1 theo mô hình mà tôi đề xuất cho một đơn vị thành viên được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giao nhiệm vụ là Công ty VEPIC" trước khi ông làm Tổng chủ biên.
Ngày 13/4/2017 Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết được Trung tâm Truyền thông giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo dẫn lời, cho biết:
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chọn cách im lặng? |
"Thủ tục để bổ nhiệm các thành viên trong Ban Phát triển Chương trình cũng không diễn ra nhanh chóng. Danh sách ứng viên phải được lọc và gửi sang Ngân hàng thế giới để hiệp y.
Mãi đến ngày 8/12/2016 mới có thư của Ngân hàng Thế giới chấp thuận Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông; cuối tháng 12/2016 mới có quyết định bổ nhiệm." [3]
Ngày 1/6 Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói với Báo VietnamNet rằng:
"Khi triển khai, 18 thành viên Ban phát triển chương trình tổng thể (bao gồm Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết, người viết chú thích) đã ký với Dự án hợp đồng giai đoạn 1 (18 tháng).
Tới nay, kết thúc giai đoạn 1, các ban phát triển chương trình đã hoàn thành chương trình, báo cáo các hội đồng thẩm định. Sau giai đoạn 1, Dự án sẽ xem xét nguyện vọng và năng lực để ký tiếp hợp đồng giai đoạn 2 (24 tháng).
Những ai có nguyện vọng và sẽ được ký hợp đồng tiếp, nội dung công việc như thế nào, tôi chưa được rõ.
Nhưng có điều rõ nhất là tôi và các thành viên khác của Ban soạn thảo chương trình đã hoàn thành nhiệm vụ, không còn là thành viên Ban phát triển chương trình tổng thể hay Ban phát triển chương trình môn học nữa." [1]
Có nghĩa là, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết ngồi ghế Tổng chủ biên từ tháng 12/2016 đến tháng 5/2018.
Theo công văn ông Ngô Trần Ái báo cáo Đoàn giám sát, thì 2 cuốn Tiếng Việt lớp 1 tập 1, Tiếng Việt lớp 1 tập 2 của VEPIC do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm tổng chủ biên kiêm chủ biên được biên soạn từ tháng 9/2017, đến ngày 7/5/2018 hoàn thành bản thảo.
Sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 đang được viết tiếp.
Tức là Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã viết 2 cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 cho VEPIC hoàn toàn trong khoảng thời gian ông làm Tổng chủ biên.
Chồng bản thảo sách giáo khoa lớp 1 mới biên soạn xong được ông Ngô Trần Ái đặt trên bàn làm việc sau khi giới thiệu, báo cáo với Đoàn giám sát hôm 7/5, ảnh: GDVN. |
Công văn số 09/CV-VEPIC gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội mà ông Ngô Trần Ái ký ngày 2/5 nêu rõ:
(VEPIC đã) "Tổ chức cho tác giả biên soạn sách giáo khoa mới từ khi bắt đầu có Chương trình tổng thể đã ban hành và sau đó là dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới (tháng 9/2017)."
Và: "Đến nay (ngày 7/5/2018, người viết chú thích), bản thảo sách giáo khoa mới của tác giả đã được biên soạn xong bộ sách giáo khoa lớp 1 (Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm) dựa trên cơ sở Chương trình tổng thể, ban hành và dự thảo Chương trình môn học để góp ý."
Ít nhất cho đến ngày 7/5/2018 khi báo cáo Đoàn giám sát, ông Ngô Trần Ái khẳng định VEPIC vẫn tổ chức cho quý thầy viết sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 dựa trên "chương trình giả định" - cái mà Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khẳng định đã "đóng băng".
Thậm chí là quý thầy lôi sách cũ ra viết lại "theo phương pháp mới".
Thời điểm VEPIC bắt đầu biên soạn sách giáo khoa mới như nêu trong công văn số 09/CV-VEPIC hoàn toàn phù hợp với thời điểm hạn chót nộp hồ sơ dự tuyển viết sách giáo khoa cho VEPIC theo thông báo tuyển dụng cán bộ biên tập sách giáo khoa, sách tham khảo các môn học đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại, cơ quan ngôn luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Hồ sơ ghi rõ: Họ tên. vị trí dự tuyển, địa chỉ liên hệ, số điện thoại và email (nếu có);
Gửi hồ sơ theo đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam:
Tầng 1, tòa nhà GREEN PARK, đường Dương Đình Nghệ, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Hạn nộp hồ sơ (theo dấu bưu điện): trước ngày 30/9/2017. [4]
Như vậy, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã xác nhận mình là tác giả 2 cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 tập 1, Tiếng Việt lớp 1 tập 2 của VEPIC mà ông Ngô Trần Ái đưa ra hôm 7/5;
Tuy nhiên, Giáo sư không chứng minh được khoảng thời gian thầy biên soạn chúng là trước khi đảm nhiệm ghế Tổng chủ biên trong khi những thông tin khác lại cho thấy rõ khả năng này.
Nếu Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Giáo sư Đỗ Đức Thái, Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn cùng 43 vị "chưa bị lộ" không thể đưa ra bằng chứng thuyết phục bác bỏ các nội dung ông Ngô Trần Ái đại diện VEPIC báo cáo Đoàn giám sát, thì đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần vào cuộc xác minh, làm rõ và trả lời công luận:
Nhà giáo Ngô Trần Ái và Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, ai đang nói dối?
Hướng xử lý tiếp theo của Bộ Giáo dục và Đào tạo như thế nào trong trường hợp ông Ngô Trần Ái báo cáo sai sự thật?
Hoặc nếu ông Ngô Trần Ái nói đúng, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xử lý 46/56 thành viên Ban phát triển chương trình "bắt cá hai tay", vi phạm nguyên tắc tránh xung đột lợi ích cũng như luật cạnh tranh ra sao?
Chương trình tổng thể và chương trình môn học mới thông qua có còn đảm bảo tính khách quan, minh bạch, công bằng hay không, khi được biên soạn bởi một đội ngũ như vậy?
Nguồn:
[1]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-da-duoc-tham-dinh-454315.html
[2]http://ritem-nxbgd.edu.vn/ket-qua-day-thu-nghiem-cua-de-tai-mo-hinh-sgk-mon-tieng-viet-tieu-hoc-26.html
[3]https://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=4617
[4]http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/cong-ty-co-phan-dau-tu-xuat-ban-thiet-bi-giao-duc-vn-thong-bao-tuyen-dung-lao-dong-3741061.html