Tổng chủ biên dùng "chuyện ngược đời" để giải thích sự thay đổi quan điểm

10/06/2018 06:44
Hồng Thủy
(GDVN) - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết gọi quy trình ban hành Nghị quyết 88 là "chuyện ngược đời", giờ lại dùng chính nghị quyết này để giải thích, tại sao ông thay đổi.

Ngày 2/6 Báo Tuổi Trẻ phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới về thông tin ông tham gia viết một bộ sách giáo khoa cho Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC, ông Ngô Trần Ái làm Chủ tịch Hội đồng quản trị).

Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: "Theo ông thì người biên soạn chương trình có được tham gia viết sách không?" Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trả lời:

"Không có quy định nào cấm người biên soạn chương trình viết sách giáo khoa sau khi đã hoàn thành công việc biên soạn chương trình. 

Thậm chí người biên soạn chương trình tham gia viết sách sẽ có thuận lợi vì hiểu chương trình thì viết sẽ tốt hơn. Dĩ nhiên là họ phải được các tổ chức biên soạn sách giáo khoa mời. 

Tác giả viết sách giáo khoa không thể là thành viên của hội đồng thẩm định sách giáo khoa." [1]

Ngày 7/5, ông Ngô Trần Ái giới thiệu với Đoàn giám sát sách Tiếng Việt lớp 1 tập 1, Tiếng Việt lớp 1 tập 2 mà Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) mới soạn dựa trên cuốn Tiếng Việt cũ, gáy sách ghi rõ: Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên kiêm chủ biên). Ảnh: GDVN.
Ngày 7/5, ông Ngô Trần Ái giới thiệu với Đoàn giám sát sách Tiếng Việt lớp 1 tập 1, Tiếng Việt lớp 1 tập 2 mà Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) mới soạn dựa trên cuốn Tiếng Việt cũ, gáy sách ghi rõ: Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên kiêm chủ biên). Ảnh: GDVN.

Chúng tôi đã có phân tích và trao đổi lại với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về câu trả lời nói trên của ông về việc xung đột lợi ích khi một nhóm người vừa tham gia viết chương trình, vừa viết sách giáo khoa.

Nội dung phân tích này được chúng tôi trình bày trong bài "Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có còn là Tổng chủ biên?"

Đến nay, chúng tôi không thấy Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đưa ra bình luận nào về các ý kiến chúng tôi đã phản biện, dù là trực tiếp hay gián tiếp.

Thừa nhận sự "tiền hậu bất nhất"

Trong bài trả lời phỏng vấn Báo Tuổi Trẻ mà chúng tôi dẫn ở trên đây, trả lời câu hỏi, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa có ảnh hưởng đến sự cạnh tranh công bằng giữa các nhóm làm sách giáo khoa hay không, Giáo sư cho biết:

"Trước đây, tôi cũng đã có ý kiến là Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước, không nên gánh vác các công việc nghiệp vụ. 

Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ được nghị quyết số 88 của Quốc hội giao để bảo đảm chắc chắn khi triển khai chương trình có đầy đủ sách giáo khoa tất cả các môn học."

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã thừa nhận sự tiền hậu bất nhất trong quan điểm của mình. Có điều, khẩu khí của thầy trước đây khi phản đối Bộ Giáo dục và Đào tạo làm sách giáo khoa, là rất mạnh mẽ.

Trong bài Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: 'Bộ Giáo dục sản xuất sách giáo khoa là vô lý' đăng trên Báo VnExpress ngày 24/9/2014, Giáo sư nói thẳng:

"Cơ quan chuyên môn của Bộ đã lao vào tổ chức thi cử, làm dự án, nay kiêm cả việc biên soạn sách giáo khoa nữa thì còn thời giờ đâu thực hiện chức năng quản lý nhà nước? 

Hãy tưởng tượng sự phi lý của việc Bộ Công Thương đứng ra sản xuất đinh ốc, Bộ Y tế trực tiếp khám, chữa bệnh, sẽ thấy phương án Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp sản xuất sách giáo khoa vô lý như thế nào." [2]

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam Ngô Trần Ái giới thiệu bản thảo cuốn sách Tiếng Việt 1 mà Công ty đang biên soạn. Cuốn sách này trên bìa ghi: Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên kiêm chủ biên). Ảnh: daibieunhandan.vn.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam Ngô Trần Ái giới thiệu bản thảo cuốn sách Tiếng Việt 1 mà Công ty đang biên soạn. Cuốn sách này trên bìa ghi: Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên kiêm chủ biên). Ảnh: daibieunhandan.vn.

Trong bài viết "Bốn câu hỏi về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa" mà Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết gửi Báo VnExpress, đăng ngày 10/11/2014, ông tiếp tục nhắc lại lập luận này. [3]

Ở cả 2 bài này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đều "hướng" Bộ Giáo dục và Đào tạo giao việc biên soạn bộ sách giáo khoa mới cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, nơi ông Ngô Trần Ái vẫn đương quyền Chủ tịch Hội đồng thành viên và chưa thành lập VEPIC.

Lạm dụng Nghị quyết 88/2014/QH13 làm bình phong?

Nay Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trên cương vị Tổng chủ biên trả lời Báo Tuổi Trẻ và viện dẫn Nghị quyết 88/2014/QH13 để biện minh cho sự thay đổi quan điểm 180 độ của mình:

"Trước đây, tôi cũng đã có ý kiến là Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước, không nên gánh vác các công việc nghiệp vụ. 

Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ được nghị quyết số 88 của Quốc hội giao để bảo đảm chắc chắn khi triển khai chương trình có đầy đủ sách giáo khoa tất cả các môn học."

Chúng tôi thấy giải thích như trên của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết rất thiếu thuyết phục. Hãy xem ông bình luận thế nào về "quy trình" ban hành Nghị quyết 88/2014/QH13:

Trong bài viết đăng trên Báo VnExpress ngày 10/11/2014, Giáo sư dường như "băn khoăn" về quy trình ban hành Nghị quyết:

"Tại kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội sẽ xem xét và biểu quyết thông qua nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (đề án đổi mới). 

Với số tiền dự chi từ ngân sách nhà nước khoảng 800 tỷ đồng, đề án đổi mới không thuộc loại dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Có thể vì vậy mà lần này, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng chỉ được giao nhiệm vụ thẩm tra bản dự thảo Nghị quyết của Quốc hội - một văn bản theo lẽ thường, do chính Ủy ban này soạn thảo, chứ không phải thẩm tra đề án mà Chính phủ trình. 

Và có lẽ cũng vì vậy mà lần đầu tiên, Quốc hội xem xét một chủ trương quan trọng, liên quan đến hàng chục triệu người (giáo viên, học sinh phổ thông và phụ huynh học sinh) mà không có báo cáo đánh giá tác động kèm theo." [3]

Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: VTV.vn.
Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: VTV.vn.

Trước đó ngày 23/4/2014 trả lời Báo An ninh Thủ đô về đề án 34 nghìn tỷ thay sách giáo khoa, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết tỏ vẻ gay gắt hơn về "quy trình":

"Còn về Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên thiếu niên và Nhi đồng, theo tôi biết, Uỷ ban sẽ không làm báo cáo thẩm tra đề án mà làm báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. 

Chuyện này là chuyện ngược đời. Vì theo quy định, dự thảo Nghị quyết Quốc hội về đề án nói trên phải do chính Uỷ ban này viết. Như thế có nghĩa là Uỷ ban lại tự thẩm tra văn bản do mình khởi thảo. 

Nhưng điều tôi quan tâm hơn là, nếu “anh” chỉ chú ý đến lời văn của Nghị quyết mà không xem xét Đề án thì anh báo cáo Quốc hội để thông qua chủ trương trên cơ sở nào? 

Và nếu số tiền đến hơn 34.000 tỉ đồng được tiêu mà không có sự thẩm định của Quốc hội thì rõ ràng là không đúng trách nhiệm với dân!" [4] 

Thậm chí Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết còn "muốn cảnh báo để Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và cả cơ quan trình đề án không bị “ru ngủ” vì câu chữ."

Cảnh báo này được Giáo sư đưa ra ngày 30/8/2014 khi bình luận Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông Chính phủ trình Quốc hội để xin ban hành nghị quyết (số 88/2014/QH13 sau này). [5]

Ngoài ra, tìm hiểu các quan điểm của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về "tích hợp", về "thực nghiệm" chương trình, sách giáo khoa thời điểm trước và sau khi làm Tổng chủ biên, cũng dễ nhận thấy sự thay đổi đột ngột, chóng vánh.

Lẽ nào Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết lại có thể lấy "chuyện ngược đời" theo góc nhìn của ông, để giải thích cho sự thay đổi 180 độ quan điểm của mình mà không hề cảm thấy nói như vậy thật "ngược đời"?

Nguồn:

[1]https://tuoitre.vn/tham-dinh-chuong-trinh-viet-sach-giao-khoa-con-nhieu-viec-de-lo-20180602101332807.htm

[2]https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/gs-nguyen-minh-thuyet-bo-giao-duc-san-xuat-sach-giao-khoa-la-vo-ly-3083932.html

[3]https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bon-cau-hoi-ve-de-an-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-3104517.html

[4]http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/se-co-nhieu-de-an-34-nghin-ty-dong-nua/547764.antd

[5]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Toi-muon-canh-bao-de-Quoc-hoi-khong-bi-ru-ngu-vi-cau-chu-post149258.gd

Hồng Thủy