Theo thông tin từ Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới – Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản báo cáo Chính phủ xin giãn tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 1 năm.
Theo đó, chương trình - sách giáo khoa mới sẽ được thực hiện từ năm học 2019 - 2020 thay vì năm học 2018 - 2019 như Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Bên cạnh đó, theo nguồn thông tin riêng mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam được biết Bộ cũng có đề xuất thay đổi phương thức thực hiện. Thay vì thực hiện đồng loạt cả 3 lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10) thì sẽ chỉ thực hiện từ lớp 1 trong năm đầu tiên đổi mới.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Trần Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tán thành ý kiến xin lùi 1 năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo Giáo sư Trần Hồng Quân, Thời gian giãn 1 năm thực hiện chương trình mới chúng ta có quá nhiều việc phải làm nhưng yếu tố quan trọng nhất chính là chuẩn bị tốt đội ngũ giáo viên. (Ảnh: Thùy Linh) |
Nguyên tư lệnh ngành giáo dục cho rằng, đổi mới chương trình, sách giáo khoa là vấn đề lớn nên lùi 1 năm như vậy sẽ có thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho việc xây dựng, biên soạn, thẩm định, thực nghiệm chương trình, sách giáo khoa mới cũng như các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất - kỹ thuật.
Tuy nhiên, Giáo sư Trần Hồng Quân cũng nhắn nhủ rằng, thời gian 1 năm đó chúng ta lại có quá nhiều việc phải làm nhưng yếu tố quan trọng nhất chính là chuẩn bị đội ngũ giáo viên vừa đào tạo vừa bồi dưỡng thường xuyên vừa tiến hành tập huấn.
Điều này giúp nâng cao chất lượng thích ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới bởi lẽ chương trình này có nhiều nội dung, phương pháp khác so với chương trình hiện hành.
Cũng theo ghi nhận của phóng viên, bản thân các thầy cô hiện đang giảng dạy cũng đồng ý với kế hoạch xin lùi thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo Thạc sĩ Đặng Danh Hướng - giáo viên trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) nhìn nhận, hiện nay tại ở nhiều địa phương hiện vẫn chưa tiến hành thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để đáp ứng yêu cầu chương trình phổ thông mới.
Hơn nữa, khi lùi thời gian thực hiện thì khâu thẩm định tính khả thi chương trình, sách giáo khoa mới cũng như các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất - kỹ thuật...sẽ được kỹ càng hơn.
Tuy nhiên, thầy Hướng cũng chỉ rõ những nhiệm vụ cấp thiết mà trong thời gian tới Ban xây dựng chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên cần thực hiện để khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đạt hiệu quả cao.
Theo Thạc sĩ Đặng Danh Hướng, Ban xây dựng chương trình và Bộ cần ra các văn bản đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường tổ chức các hội nghị, hội thảo cấp cụm trường về chuẩn bị năng lực chuyên môn, năng lực giảng dạy đáp ứng chương trình phổ thông mới. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Thứ nhất, Ban xây dựng chương trình và Bộ cần ra các văn bản đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường tổ chức các hội nghị, hội thảo cấp cụm trường về chuẩn bị năng lực chuyên môn, năng lực giảng dạy đáp ứng chương trình phổ thông mới.
Và tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên tham gia các lớp tập huấn chuyên môn, các hội thảo khoa học về chuyên môn để giáo viên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong việc chuẩn bị dạy theo chương trình phổ thông mới.
- Thiết kế website hỗ trợ giáo viên dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
- Tổ chức các lớp bồi dưỡng năng lực chuyên môn đối với cán bộ quản lý, giáo viên (không chỉ với các tổ trưởng, nhóm trưởng mà còn đối với tất cả các giáo viên khác) vào ngày nghỉ (chủ nhật, thứ 7) để cán bộ quản lý, giáo viên có thể yên tâm tham dự đầy đủ các đợt bồi dưỡng mà không phải lo lắng ảnh hưởng đến kế hoạch giảng dạy tại trường.
“Tôi hi vọng Chính phủ sẽ chấp nhận ý kiến của Bộ Giáo dục" |
Thứ hai, về phía cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên cần:
- Khắc phục khó khăn, để tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng chuyên môn về chương trình phổ thông mới do Bộ, Sở, trường tổ chức.
- Cần phải nhận thức được vai trò trách nhiệm của mình, tầm quan trọng của công tác tự bồi dưỡng năng lực chuyên môn của mình nhằm nâng cao chất lượng dạy học bộ môn, góp phần nâng cao chất lượng dạy học của nhà trường, đáp ứng yêu cầu chương trình phổ thông mới.
- Tích cực tham gia dự giờ đồng nghiệp (không chỉ trong trường mà cả các trường khác trong cụm thông qua hình thức hội giảng, thao giảng do cụm trường tổ chức); chủ động tìm kiếm các thông tin có liên quan trên các phương tiện thông tin để kịp thời cập nhật, trang bị những kiến thức cần thiết để chuẩn bị thích ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới.
- Mỗi giáo viên cần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp dạy học và phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mình trước yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thứ ba, về điều kiện cơ sở vật chất:
Phải có kế hoạch mua sắm các thiết bị, đồ dùng dạy học để tiến hành các thí nghiệm, tìm tòi nghiên cứu để khám phá kiến thức khoa học, rèn luyện kĩ năng, phát triển các năng lực... phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đặc biệt ưu tiên mua sắm các thiết bị các môn học mới (Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Nghệ thuật)...
Rà soát lại các đồ dùng và thiết bị của các môn học (Toán, Văn, Hóa, Sinh, Sử...) đồ dùng nào không còn phù hợp với chương trình phổ thông mới lên kế hoạch thanh lí và mua bổ sung đồ dùng cần thiết.