Hai việc đổi mới giáo dục Chính phủ nên làm ngay

06/10/2014 06:38
Hoàng Vĩnh Giang
(GDVN) - Chưa Bộ trưởng nào chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tình trạng mất cân đối cơ cấu trình độ nguồn nhân lực còn phân luồng thì tắc nghẽn.

LTS: Trong hàng loạt các nhiệm vụ và giải pháp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà, việc chọn lựa ra những nhiệm vụ, giải pháp nào cần làm trước hết mang tính chiến lược cần phải tập trung nỗ lực để thực hiện, không thể dàn hàng ngang ra thực hiện cùng một lúc trong điều kiện nguồn lực có giới hạn. Với tinh thần trên, Báo Giáo dục Việt Nam xin gửi tới độc giả chia sẻ của thầy giáo Hoàng Vĩnh Giang - người đã có hơn 30 năm cống hiến trong ngành giáo dục.

Hiện nay ngành giáo dục đang chọn việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa ở giáo dục phổ thông và lựa chọn đổi mới thi cử là khâu đột phá, nhưng kinh nghiệm đổi mới chương trình SGK, phân ban, phân luồng trong giáo dục của chúng ta trong thời gian qua cho thấy thành công thì ít mà sự thất vọng thì dường như nhiều hơn.

Bên cạnh đó, một cơ cấu hệ thống giáo dục thiếu tính chuẩn hóa, thiếu ổn định đặc biệt là giáo dục sau trung học đã tạo lên những lãng phí rất lớn trong đào tạo nhân lực. Hiếm có quốc gia nào mà đào tạo trình độ cao đẳng kéo dài đến 3 năm sau khi người học tốt nghiệp trung học phổ thông 12 năm. Lại còn hiếm hơn khi chẳng có quốc gia nào vừa có các trình độ cao đẳng nghề lại tách bạch khỏi cao đẳng không nghề. Một chuyên gia giáo dục nói trong một hội nghị rằng chúng ta đã tùy hứng vỗ trán ra chinh sách giáo dục mà thiếu đi sự nghiên cứu. Cho đến nay, vẫn theo chuyên gia giáo dục ấy cho rằng chưa bao giờ Việt Nam định nghĩa thế nào là trình độ cao đẳng theo vị trí việc làm từ thị trường lao động.

Một số người nói triết lý giáo dục là Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện. Nói như vậy là đúng, nhưng chưa đủ. Ngành giáo dục chưa bao giờ xây dựng được mô hình con người Việt Nam sau khi tốt nghiệp THPT để có một triết lý phát triển giáo dục đầy đủ và đúng đắn. Tương tự như khi chúng ta xây dựng một công trình kiến trúc, điều đầu tiên cần làm là phải có thiết kế kiến trúc tổng thể về công trình ấy. Nếu không có thiết kế khoa học, thì mọi đổi mới dễ đi vào ngõ cụt do phải sửa thiết kế hoặc rất khó khăn cho thi công.

Thiết kế hệ thống giáo dục phổ thông rối rắm, trong khi chất lượng đầu ra giáo dục đại học không được siết chặt.
Thiết kế hệ thống giáo dục phổ thông rối rắm, trong khi chất lượng đầu ra giáo dục đại học không được siết chặt.

Mô hình nào cho người lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập?

Chúng ta muốn, chúng ta kỳ vọng gì về thanh niên của chúng ta sau 12 năm học ở THPT trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng? Cần phải có sự mô tả khoa học, rất chi tiết về năng lực của người học mà nền giáo dục cần hướng đến và phấn đấu đạt đến để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, xã hội cũng như các nhu cầu về an ninh quốc phòng. Trong quá trình bàn thảo về Đề án Đổi mới chương trình và sách giáo khoa, dường như chưa thấy tiếng nói đại diện của các ngành kinh tế đối với Đề án này. Các nhà thiết kế đề án thiếu quan tâm đến đóng góp của nhà sử dụng nhân lực trong tương lai nên Đề án này rất có thể lại ném tiền qua cửa sổ ngay cả khi Quốc hội có bấm nút thông qua.

Những thập kỷ trước đây, trong mỗi thời kỳ chúng ta đều xây dựng được mô hình con người Việt Nam từ anh bộ đội Cụ Hồ trong chiến tranh chống Pháp, đến con người mới ở miền Bắc sau giải phóng, đến anh chiến sĩ giải phóng quân trong chiến tranh chống Mỹ và nền giáo dục khi ấy mặc dù trong hoàn cảnh rất khó khăn chúng ta vẫn luôn hướng đến và đào tạo ra những thế hệ rất xứng đáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nhưng đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, tác dụng mặt trái của kinh tế thị trường đã làm đảo lộn nhiều giá trị ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và mô hình con người Việt Nam trong thế kỷ này sẽ như thế nào chưa ai chỉ ra cả.

Vì thế, rất có thể chúng ta sẽ lại mò mẫm trong việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa ở bậc THPT. Nhớ lại nền giáo dục phong kiến có nhiều cái hạn chế nhưng phải nói nền giáo dục phong kiến ấy với thầy đồ làm trung tâm vẫn giáo dục và đào tạo ra những con người yêu nước gắn bó với truyền thống yêu nước hun đúc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Chính mô hình ấy, chính nền giáo dục ấy đã giúp cho Việt nam trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc vẫn giữ được bản sắc văn hóa bất diệt.

Như vậy, trước khi bàn việc đổi mới chương trình và SGK phổ thông ngành giáo dục rất cần xác định đúng triết lý của việc đổi mới giáo dục và mô hình người Việt Nam sau khi tốt nghiệp lớp 12 phải như thế nào, điều này rất quan trọng hướng đến sự đồng thuận trong xã hội trong việc hinh thành con người Việt Nam trước bối cảnh mới. Trên cơ sở đó mới có thể nói đến định hướng, mục tiêu đổi mới chương trình và SGK ở bậc THPT.

Chưa Bộ trưởng nào chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tình trạng mất cân đối cơ cấu trình độ nguồn nhân lực còn phân luồng thì tắc nghẽn
Chưa Bộ trưởng nào chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tình trạng mất cân đối cơ cấu trình độ nguồn nhân lực còn phân luồng thì tắc nghẽn

Cơ cấu hệ thống phức tạp, kém hiệu quả

Vấn đề thứ hai đó là cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đang là vấn đề nổi cộm trong việc điều hành hệ thống hiệu quả và hội nhập với quốc tế. Một cơ cấu hệ thống giáo dục luôn được thể hiện bởi các đặc trưng về cấu trúc trình độ giáo dục, thời gian giáo dục, cơ cấu mạng lưới tương ứng với trình độ giáo dục, hệ thống cơ quan quản lý, mối quan hệ giữa các cấp bậc học và cơ quan quản lý nhà nước vận hành hệ thống đó.

Kinh nghiệm về giáo dục của Phần Lan cho thấy: để đổi mới chương trình giáo dục, người ta chọn Giám đốc cao cấp của hãng Nokia là người đứng đầu của nhóm  chương trình giáo dục các môn khoa học quốc gia. Người này đã từng nói:" Nếu chúng ta thuê một người trẻ tuổi hơn mà không biết về toán và vật lý những kiến thức cần để làm việc, tôi sẽ có các đồng nghiệp dạy những thứ đó cho họ một cách dễ dàng.

Nhưng nếu chúng ta thuê những người nào đó mà không biết cách thức làm việc với những người khác, không biết suy nghĩ một cách khác (đi) hoặc không biết cách tạo ra những ý tưởng và những người thường sợ làm sai, mắc lỗi thì chẳng có gì để làm ở hãng này cả. Hãy làm những điều gì đó để giữ cho hệ thống giáo dục của chúng ta luôn được mới mẻ nhưng không lấy mất đi sự sáng tạo và tư duy mở...".

Xét những thuộc tính trên dễ nhận ra rằng cơ cấu hệ thống của ta rất phức tạp do các trình độ không thống nhất và không được định nghĩa minh bạch gắn với đòi hỏi từ thị trường lao động. Điều đó đã làm cho hệ thống giáo dục và đào tạo kém hiệu quả. Hầu như không có quốc gia nào đào tạo trình độ cao đẳng đến 3 năm sau THPT. Đây là là một sự lãng phí ghê gớm nếu ta so sánh với các quốc gia châu Âu thì người học đã có bằng cử nhân (Bachelor) sau 3 năm tốt nghiệp THPT.

Một hệ thống trường nghề mỗi năm được đầu tư hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng, chồng chéo lẫn lộn với các trường trung cấp, cao đẳng...dẫn đến mỗi tỉnh có hàng chục trường đào tạo từ dạy nghề TC, CĐN đến TCCN và CĐ, ĐH nhưng rất khó khăn trong tuyển sinh. Cung thì nhiều mà cầu thì ít, dẫn đến sự lãng phí do đầu tư nhiều mà ít người học. Đầu tư dàn trải từ nguồn ngân sách như vậy lấy đâu ra sức mạnh tạo nên sự đột phá về chất lượng đào tạo nhân lực.

Sự lãng phí này theo một số chuyên gia giáo dục đã chỉ ra rằng không chỉ thể hiện ở tiền bạc, mà còn lãng phí cả sức người, nguồn lực đất đai quý hiếm nơi đô thị.

Sự lãng phí này còn gây ra bởi cơ quan quản lý nhà nước về GDĐT chồng chéo chức năng nên khó hình thành sự liên thông trình độ trong hệ thống, khó thống nhất về công nhận, sử dụng văn bằng giáo dục quốc gia nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế.

Điều quan trọng hơn, sự mất cân đối về trình độ giữa dạy nghề và đại học (theo Báo cáo điều tra lao động và việc làm 2011 của Bộ KHĐT, tỷ lệ lao động có trình độ ĐH và trên ĐH là 6,1%, TCCN và CĐ là 5,5%, dạy nghề cả 3 trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề 4%, lao động chưa có chuyên môn kỹ thuật là 84,4%), con đường phân luồng sang giáo dục nghề nghiệp đang tắc nghẽn mà không có Bộ trưởng nào chịu trách nhiệm trước Chính phủ chẳng qua là do sự chồng chéo trong quản lý nhà nước về GDĐT. Mạnh Bộ nào Bộ ấy làm, thiếu sự điều phối quốc gia, phối hợp hiệu quả và dẫn đến câu chuyện của trên 150.000 cử nhân thất nghiệp còn trường dạy nghề thì lại vẫn vắng như "chùa Bà Đanh" sẽ là lẽ thường tình.

Vì thế, việc thứ hai Chính phủ cần xử lý sớm là việc thống nhất cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo (mà không phải chỉ thống nhất về giáo dục nghề nghiệp), ràng buộc trách nhiệm cho người đứng đầu ngành nhằm tăng cường sức mạnh của hệ thống, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn và điều quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tránh cho Việt Nam có năng suất lao động thấp như hiện nay.

Hoàng Vĩnh Giang