Tiêu cực có, nhưng ít?
Thi tốt nghiệp THPT, tại sao đỗ 99% mà vẫn có thể coi là căn cứ xét tuyển vào Đại học? Ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải: "Một quy trình nào mà đưa ra nhiều phế phẩm quá thì đều không chấp nhận được, đó là nói chung. Yêu cầu là phải đạt, sản phẩm đưa ra đỗ 99% áp vào chuyện này tôi cho cũng là bình thường, chẳng ai muốn con mình trượt. Nhưng 99% này có sự phân hóa, có những môn chỉ có 80%, thậm chí là 50% đạt điểm trung bình trở lên. Sở dĩ học sinh đỗ được là cộng môn nọ với môn kia.
Các trường đại học cần gì? Cần tuyển sinh viên giỏi hơn người khác một cách tổng quát thì điểm tổng quát cũng phân hóa. Chúng tôi đã xây dựng phổ điểm hình chuông, từ đó có thể nhìn được học sinh yếu, học sinh kém".
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, thi tốt nghiệp đỗ 99% nhưng có sự phân hóa. Ảnh: Ngọc Quang. |
Theo ông Hiển, học sinh có phân hóa trong kỳ thi tốt nghiệp và chính từ cái phân hóa đấy các trường muốn môn toán, môn hóa, môn sinh quan trọng hơn thì nhìn vào điểm của từng môn ấy để chọn. Còn nhìn vào tổng quát thì cũng như vậy, đỗ 99% nhưng không tới 3% đỗ loại giỏi, 18-19% đỗ loại khá, còn lại là học sinh đỗ loại trung bình. Nói như vậy để thấy rằng không phải đỗ tốt nghiệp là ào ào, một mạch như nhau.
"Nếu chấm thi không nghiêm, coi thi không nghiêm thì điểm sẽ dồn hết vào một bên chứ không thể là hình chuông được. Có biểu hiện không nghiêm chỗ này chỗ khác, có sai phạm chỗ này chỗ khác, nhưng so với tổng số thì nó là số ít", ông Hiển nói.
Vị Thứ trưởng Bộ Giáo dục cũng cho biết, các trường đại học có xét kết quả tốt nghiệp THPT hay không là tùy các trường, chứ không phải bắt ép.
Bao giờ kết quả tốt nghiệp THPT mới đáng tin?
Trả lời Báo Giáo dục Việt Nam về 3 phương án thi tốt nghiệp THPT, rất nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng cảnh báo việc sử dụng kết quả THPT làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lật lại câu chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường đại học tuyển sinh riêng với tiêu chí căn cứ vào học bạ lớp 12 và điểm thi tốt nghiệp với cơ số chiếm 50% trong tổng điểm vào đại học là một sai lầm.
“Tôi chỉ đồng ý về mặt tư tưởng, nhưng cách làm thì chưa đúng về mặt kỹ thuật. Cụ thể, tôi đề nghị đánh giá cả 3 năm học THPT, chứ không chỉ có riêng lớp 12, như vậy vừa đảm bảo kiến thức toàn diện mà cũng giảm thiểu tiêu cực ở giai đoạn hiện tại. Thứ hai nữa là kỳ thi tốt nghiệp PTTH hiện nay cũng chưa nghiêm túc, còn rất nhiều tiêu cực, cho nên phải trong quá trình đổi mới mà chưa thể ngăn chặn hết tiêu cực thì ở thời điểm hiện tại kết quả học tại phổ thông chỉ nên chiếm 20% tổng số điểm vào đại học. 80% số điểm còn lại hãy để cho các trường chủ động đưa ra tiêu chí tuyển phù hợp với ngành nghề đào tạo và mục tiêu riêng.
Khi nào chấn chỉnh được việc dạy và học thật sự nghiêm túc như các quốc gia tiên tiến thì ta lại nâng tỷ lệ đánh giá ở bậc PTTH lên, và nếu làm tốt đến như Anh, Mỹ, Đức thì học đến đâu đánh giá đến đấy, không còn thi tốt nghiệp và cái tỷ lệ 20% hay 50% nữa mà các trường đại học chủ động tuyển sinh dựa vào kết quả học kết hợp với phỏng vấn”.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, gộp hai kỳ thi (tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng) làm một cũng không giảm bớt được sự căng thẳng, cồng kềnh lâu nay dư luận đã nêu.
“Nhiều trường đại học sẽ chỉ coi kết quả của kỳ thi quốc gia “2 trong 1” là căn cứ để sơ tuyển và sẽ tổ chức thêm 1 kỳ thi tuyển sinh riêng. Như vậy là vẫn có kỳ thi thứ hai, tốn kém là chuyện không tránh khỏi. Thậm chí, nếu các trường không liên kết thành cụm thi để sử dụng kết quả chung thì có khả năng thí sinh còn phải thi nhiều lần hơn, nếu các em đăng ký vào nhiều trường”, GS Thuyết chia sẻ.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã - nguyên Trưởng Ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội (Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi) đặt vấn đề: Kỳ thi này để nhằm mục đích gì? Nó là cái sàng để lọc được trấu và sạn để giữ được những hạt gạo trong lành. Thế nhưng cái sàng ấy đã không hoàn thành được nhiệm vụ, mà bằng chứng là tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tới 99%, tiêu cực thì khắp nơi. Vậy nên có nhiều người bức xúc đòi bỏ kỳ thi này, nhưng nếu bỏ thi bây giờ thì sẽ không tạo ra động lực học tập, các em sẽ chỉ học những môn để vào chuyên ngành đại học, như vậy sẽ rất nguy hiểm, bằng chứng là kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua môn Sử bị học sinh quay lưng một cách thê thảm.
"Rốt cuộc làm thế nào thì Bộ Giáo dục cũng phải đảm bảo được sự nghiêm túc ở kỳ thi này thì mới mong đất nước sẽ xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong tương lai, khi nền giáo dục đã đổi mới thực sự và ổn định như Mỹ, Anh, Đức... thì lúc ấy chúng ta không cần phải đau đầu với kỳ thi tốt nghiệp nữa, vì học môn nào sẽ kiểm tra kết thúc môn ấy một cách hết sức nghiêm túc”, PGS Nhã nói.