Thông tin trên vừa được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại hội nghị toàn quốc bàn về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Đại học tổ chức tại Đà Nẵng mới đây.
Phải rà soát đánh giá, chất lượng Hiệu trưởng
Tại hội nghị lần này, Bộ trưởng Nhạ đã đưa ra nhiều chỉ đạo nhằm kiện toàn bộ máy nhân sự trong ngành giáo dục. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng, xây dựng “chuẩn Hiệu trưởng”.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, đã giao Học viện Quản lý giáo dục tiến hành xây dựng các chuẩn dành cho đội ngũ lãnh đạo trường đại học. Ảnh: An Nguyên |
Theo ông Nhạ, một trong những giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng giáo dục đại học là phải xây dựng chuẩn nghiệp vụ cho giáo viên và đội ngũ lãnh đạo các trường.
Đặc biệt, đội ngũ lãnh đạo phải chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy quản trị Đại học.
Chi phí đào tạo thấp sao đòi chất lượng cao? |
Sắp tới, Bộ sẽ làm công tác rà soát kỹ càng chỉ số đánh giá Hiệu trưởng. Theo đó, sẽ thông qua năng lực quản trị rồi mới đánh giá cơ sở vật chất của nhà trường, chất lượng chương trình đào tạo và sinh viên.
“Không chỉ chuẩn về đội ngũ giảng viên, đội ngũ lãnh đạo nhà trường cũng phải được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý đạt chuẩn” Bộ trưởng yêu cầu.
Cũng theo Bộ trưởng Nhạ, hiện Bộ GD&ĐT đã giao cho Học viện Quản lý giáo dục xây dựng các chuẩn dành cho đội ngũ lãnh đạo các trường đại học.
Riêng đối với trường công lập, đội ngũ cán bộ kế cận phải qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, được cấp chứng chỉ mới đưa vào quy hoạch nhân sự lãnh đạo.
“Người làm chuyên môn giỏi chưa chắc đã là người làm quản lý giỏi. Để một trường Đại học hoạt động hiệu quả, người đứng đầu phải có năng lực quản lý, tư duy quản trị chứ không chỉ mỗi năng lực chuyên môn” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hiệu trưởng kém sẽ làm thui chột nhiều nhân tài
Nhấn mạnh về vai trò, tầm quan trọng của Hiệu trưởng, Bộ trưởng Nhạ cho biết thêm, một trường đại học dù quy tụ nhiều người giỏi đến đâu mà thiếu một người lãnh đạo có năng lực quản trị thì người tài ở trường đó cũng dần thui chột.
“Bộ Giáo dục và đào tạo giống như Bộ thi vậy” |
Lối tư duy cứ hễ là Giáo sư, Tiến sĩ thì sẽ làm lãnh đạo tốt. “Cái quan điểm Giáo sư, Tiến sỹ khoa học đặt đâu cũng được qua rồi”.
Bộ trưởng Nhạ đặt vấn đề: “Hiệu trưởng có nhất thiết phải có bằng cấp cao không?”.
Ông cho rằng, Hiệu trưởng không nhất thiết phải học lên Giáo sư, Tiến sĩ mới làm tốt mà chỉ cần Thạc sĩ có năng lực quản lý giỏi cũng thành công.
Nhiều chuyên gia cũng nêu lên thực trạng rằng, xã hội thường tôn vinh những nhà khoa học giỏi chứ ít khi tôn vinh một Hiệu trưởng, lãnh đạo có tài. Như vậy là không công bằng.
“Một ông Hiệu trưởng giỏi sẽ làm cho nhiều nhà khoa học giỏi lên. Sẽ có khả năng kiến tạo, thu hút và giữ chân người giỏi. Từ đó, tạo nên nhiều người giỏi cùng phát triển.
Còn một nhà khoa học giỏi nếu không có năng lực quản trị thì có khi lại khiến nhiều nhà khoa học khác bỏ đi hoặc năng lực của họ bị thui chột.
Học hàm, học vị, chức danh cao là rất tốt, nhưng điều quan trọng hơn là nhà khoa học đó làm được gì, đóng góp được gì cho trường” Bộ trưởng chia sẻ.
Đột phá trong quản trị đại học
Đối với quản trị đại học hiện nay, “tư lệnh” ngành giáo dục cho rằng, các trường đại học đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về sự thay đổi của xã hội.
Lãnh đạo các Trường đại học lớn trên cả nước đến tham dự "hội nghị Diên Hồng" của giáo dục đại học. Ảnh: An Nguyên |
Tuy nhiên, để vượt qua những thách thức khó khăn đó thì người lãnh đạo trường phải biết chèo lái con thuyền và thay đổi.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ khai tử những trường đại học không đạt chuẩn |
Bộ trưởng nêu rõ: "Đố trường đại học nào tồn tại được mà không thay đổi. Đặc biệt là hiện trạng về đội ngũ giảng viên. Phải thay đổi cách quản trị.
Phải làm sao phải tập hợp được đội ngũ giảng viên chất lượng. Nhiều trường, có các ngôi sao (các Giáo sư, Tiến sĩ đầu nghành) nhưng trường đó lại không phải là “trường ngôi sao”. Lý do vì các ngôi sao đó lại tỏa sáng ở chỗ khác".
Nguyên nhân chính là họ không có môi trường thuận lợi để phát huy hết tài năng, kiến thức của mình.
Bộ trưởng Nhạ thông tin thêm, chủ trương sắp tới, ngân sách nhà nước (dành cho giáo dục) sẽ có sự cơ cấu lại.
Trong đó, chủ yếu chi tập trung cho vùng khó khăn, mầm non, tiểu học. “Lĩnh vực giáo dục đại học đã tự chủ thì phải tự chịu trách nhiệm và đi theo cơ chế thị trường. Còn kinh phí ấy (ngân sách) là dành cho các lĩnh vực khó khăn”.
Bộ trưởng nói thêm, đối với đại học, không phải không đầu tư, mà đầu tư có hiệu quả để các trường chớp lấy sự cạnh tranh.
"Chúng ta phải thay đổi quan hệ với doanh nghiệp, chứ không phải ngồi đây cho rằng đại học có uy tín là người ta tự tìm đến. Phải đổi từ quản lý sang quản trị, đó là một đột phá trong đại học” Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.