Những hệ lụy khủng khiếp từ "hoạt động đối ngoại" của thủ trưởng nhà trường

28/08/2017 14:04
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Người thường đôi khi phải đánh đổi cả nhiều tiền, nhiều tình để được việc. Nhưng nhờ có "chính sách đối ngoại" bất thành văn giữa các sếp mà việc khó mấy...

LTS: “Thương mại hóa hoạt động đối ngoại trong các nhà trường" hiện nay đang trở thành vấn nạn. Thày giáo Nguyễn Văn Lự đã gửi đến báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết phản ánh trực diện vấn đề này.

Nội dung và văn phong bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt, trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi. 

Hoạt động đối ngoại trong xã hội hiện đại vô cùng cần thiết. Trong lĩnh vực giáo dục, cơ quan và cá nhân nào làm khéo đối ngoại sẽ thu nhiều lợi ích.

Mấy năm nay, việc đối ngoại của các cơ quan hành chính công nói chung và cơ quan giáo dục nói riêng có chiều hướng thương mại hóa, đôi bên cùng được lợi.

Nhu cầu đối ngoại 

Xu thế chung giao lưu, hợp tác, giúp đỡ giữa các đơn vị, cá nhân là nhu cầu thực tế, rất quan trọng. Giải quyết mối quan hệ giữa các cơ quan, tổ chức và cá nhân là câu chuyện không có hồi kết.

Bên cạnh sự công tâm và hợp tác, giúp đỡ vì tập thể, vì lợi ích lâu dài, việc giao lưu, đối ngoại ấy còn vì cái riêng, tư lợi.

Hình minh họa: VTV.vn.
Hình minh họa: VTV.vn.

Khi mọi thứ khó khăn và cần sự trợ giúp, người Việt bao giờ cũng nghĩ ngay đến quan hệ nhân thân.

Và những người có thể giải quyết được việc đó không ai khác là những quan chức nhà nước, người được quyền quyết định cuối cùng trong mọi việc. 

Người đứng đầu các cơ quan công quyền sẽ lựa và "vận dụng linh hoạt" chính sách và pháp luật, quy định cơ quan để đạt được thỏa thuận giải quyết được việc mau chóng.

Riêng lĩnh vực giáo dục, thủ trưởng nhà trường nào cũng làm đối ngoại, dù không muốn hay chủ động làm thì đối ngoại cũng đem lại nhiều lợi ích. 

Lợi ích trước mắt và cả lợi ích về sau theo nguyên tắc “không ai giúp không nhau cái gì”.

Chúng ta không lạ gì với những lời ngụy biện về đối ngoại như: giúp tạo sự gắn kết, tương trợ giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân;

Tạo cơ hội cho những chính sách giáo dục phát huy tác dụng và lan tỏa; tạo tạo quan hệ thân thiện cho sự tài trợ, ủng hộ về tinh thần và vật chất;

Tạo tiền đề cho công việc riêng tư về sau anh giúp tôi, tôi giúp anh; tạo thêm thu nhập cho cá nhân…

Có lợi là làm

Hiệu trưởng không thể từ chối các cuộc nhờ vả từ cấp trên trực tiếp và gián tiếp. Không có mùa có đợt như thời tiết, nên việc “giúp đỡ” cứ quanh năm suốt tháng. 

Từ chuyện xin điểm học bạ, lên lớp hay ở lại, chuyển trường, chuyển lớp đến kỷ luật học sinh;

Từ chuyện nội bộ sắp xếp phân công trong hội đồng giáo dục đến những thứ “chuyện lớn hơn” tạo điều kiện nâng đỡ để cơ cấu lãnh đạo nguồn;

Chuyện điều động, thuyên chuyển đến chuyện bố trí dạy hợp đồng; chuyện thi và phúc khảo thi; kinh doanh mua bán…

Những hệ lụy khủng khiếp từ "hoạt động đối ngoại" của thủ trưởng nhà trường ảnh 2

Giáo dục không đơn thuần là vấn đề xã hội mà còn là vấn đề kinh tế!

Đơn vị nào cũng thừa mứa nhân sự, thế nhưng “vì con, cháu đồng chí A, B ở trên nên trường ta bố trí thêm…môn này môn kia”. 

Giáo viên hợp đồng theo cơ chế “một cửa” của người trả tiền lương từ ngân sách (Giám đốc sở/ Chủ tịch huyện/Trưởng phòng giáo dục) và cả giáo viên hợp đồng do chính chủ tài khoản nhận phần lớn đều qua một bức thư tay, cú điện thoại hoặc một cuộc giao lưu nhỏ.

Không ít trường hợp, hiệu trưởng chỉ còn biết gãi đầu: “ai chứ, cháu về chỗ em chắc chắn sẽ phát triển tốt…”. 

Điều ngạc nhiên nhất là việc có thể quá khó với người khác nhưng lại chỉ trong một vài ngày vài giờ nó được giải quyết ngon lành. 

Người thường đôi khi phải đánh đổi cả nhiều tiền, nhiều tình để được việc. Nhưng nhờ có "chính sách đối ngoại" bất thành văn giữa các sếp mà việc khó mấy cũng làm được.

Xưa nay, không có tài liệu chứng cứ nào để lại về việc riêng đối ngoại của các lãnh đạo. Những việc dễ thấy nhất như chấm điểm phúc khảo các cuộc thi chỉ dành cho “con giời”. 

Bài thi và biên bản chấm, cán bộ, giám khảo chấm phúc khảo cho đến cả nhân dân, đều hiểu việc phúc khảo bài thi theo luật là đảm bảo sự công bằng khi có sự sai sót.

Nhưng thực tế nó chủ yếu là dành cho các "suất đối ngoại". Bài nào lên điểm đều có chủ cả, có địa chỉ, có chức danh cả.

Người ta làm được việc đó đơn giản vì dù có chấm thi lại, phúc tra mấy lần thì vẫn người trong một nhà làm cả, chúng ta làm cả.

(Ở ta, việc gì sai lộ ra có đơn kiện gửi lên trên, trên gửi xuống giải quyết tại nơi xảy ra là chuyện ngày thường).

Việc ở lại lớp hay kỷ luật, việc chữa học bạ, chữa điểm, việc chuyển trường, chuyển lớp, việc liên quan đến giáo viên, việc tiếp thị trong nhà trường đều không còn bí mật nữa.

Dường như tất cả đều công khai, trong hội đồng nhiều người biết. 

Những hệ lụy khủng khiếp từ "hoạt động đối ngoại" của thủ trưởng nhà trường ảnh 3

“Cháu vợ của anh đấy, cố gắng giúp anh nhé...”

Khi sổ điểm điện tử được dùng như bây giờ, việc con điểm chỉ là cú gõ bàn phím, còn chữ ký của giáo viên ai cũng ký được.

Nhiều việc khác mà người viết không kể các vị cũng biết tỏng tòng tong.

Nhờ quan hệ người nhà của sếp mà không ít người đã đạt được công việc nhanh chóng ngoài sự mong đợi.

Dường như trong các việc công và nhất là việc tư, khó mấy người ta thu xếp cũng xong. 

Phải chăng cơ chế của quyền lực hiện nay đã tạo cho người đứng đầu quyền làm việc và chịu trách nhiệm về mọi việc của cơ quan mà không sợ thanh kiểm tra? 

Đối với nội bộ, những việc có màu sắc riêng đó đều được người đứng đầu trực tiếp hay gián tiếp giải thích: việc đối ngoại đấy!?

Đặc ân trong chế độ xã hội và tổ chức, cơ quan nào cũng có. Ở ta, đặc quyền đặc lợi phần lớn chỉ dành cho một số cá nhân có quyền lực. 

Trong thế giới quyền lực hữu hình và quyền năng vô biên, người ta có thể giúp nhau theo nhiều cách.

Có những việc người ta không cần tiền bạc cảm ơn; có việc người ta không dám nhận; có việc tự xin làm…Muôn nẻo đường quan nhờ vả nên người thường chỉ biết chi cho thêm khổ.

Đời sống nhà giáo chật vật, nhưng việc tiếp thị thương mại trong nhà trường thường được tạo điều kiện hết mức.

Vì người này người kia kèm với quan hệ, nhà trường sẵn sàng cắt giờ họp, giờ học để việc giới thiệu sản phẩm đến tay người dùng giáo viên và học sinh. 

Có trường mua hai ba loại bảo hiểm thân thể; có trường tháng nào cũng có chương trình tiếp thị (nhất là khối lớp 12). Dù biết không chắc có ai quan tâm hay không nhưng vì để đối ngoại, hiệu trưởng nào cũng vui vẻ giúp cả!

Lợi thì có lợi

Không phải việc làm đối ngoại nào cũng đem về cho tập thể nhà trường lợi ích, cho cái chung cơ quan, phần nhiều chỉ là cái cớ để xoa dịu dư luận. 

Không ai còn nghi ngờ lợi ích riêng cá nhân người lãnh đạo nhưng cũng không có cơ sở nào để phản đối hay góp ý.

Ngậm ngùi than thở và thực hiện là suy nghĩ và tâm trạng của hầu hết các quan.

Những hệ lụy khủng khiếp từ "hoạt động đối ngoại" của thủ trưởng nhà trường ảnh 4

“Chống lạm dụng quyền lực phải làm từ trên xuống dưới”

Lợi dụng những kẽ hở của luật pháp và cơ chế quyền lực, quy chế giám sát và cơ chế dân chủ, người ta đã biến cái quyền năng của cơ quan, tập thể thành thứ có thể trao đổi, mua bán và hưởng lợi cho riêng mình.

Có những mối lợi vật chất trước mắt; có khi là trao đổi ngang giá tôi giúp anh, anh giúp tôi; có khi lại là chuẩn bị cho ngày mai quan lộ…

Hiện nay, chúng ta cũng chưa có chính sách, quy định nào rõ ràng xử lý vụ việc các sếp nhờ vả nhau và giải quyết các vụ việc theo lối tắt trái luật;

Mặt khác, hoạt động giúp nhau đó chỉ trong phạm vi hẹp, ít người biết nên nhân viên quần chúng không biết đâu mà lần.

Có việc anh em cảm thông với sếp do trên đưa xuống; có việc anh em chán ngán khi nhận ra phần ăn chia;

Cũng có việc mọi người đồng tình vì sự trong sạch, vô tư… Nhưng hầu hết lợi chung đem làm lợi riêng cho người đứng đầu. 

Trong ngôn từ chính trị bây giờ, những việc kiểu như thế được gọi là “tham nhũng vặt”, nhưng nó lại ảnh hưởng lớn đến đời sống và công việc của hàng triệu người, tạo nên sự bất bình, sự vô lý không thể chấp nhận. 

Trong nhà trường, thêm người dạy hợp đồng là bớt việc, nghĩa là bớt thu nhập thêm; em này bị lưu ban, bị kỷ luật còn em kia thì không;

Điểm bài thi chữa, học bạ làm lại đẹp như ý… tạo nên sự bất công làm cho giáo viên không biết giải thích thế nào cho phụ huynh và học trò. 

Đối ngoại luôn cần rộng mở và linh hoạt trong môi trường giáo dục, nhưng cần thận trọng và làm đúng quy định trong phạm vi được linh hoạt. Lợi ích và thiệt hại thuộc về các bên.

Bao giờ các vị quan chức quyền năng làm đối ngoại mà không nghĩ đến tư lợi, bỏ bớt nhờ vả để dành cho cái lợi ích chung, lúc đó, công tác đối ngoại mới phát huy được vai trò và ý nghĩa.

Đối ngoại hay là lợi ích riêng của người có quyền lực bao giờ được loại bỏ trong nhà trường và các cơ quan nhà nước phụ thuộc vào sự chung tay lên tiếng và đấu tranh của mỗi người chúng ta!

Năm học mới sắp bắt đầu, chuyện lạm thu trong các trường học ngày càng trở nên tinh vi là nỗi ám ảnh, bức xúc của phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo chân chính.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời quý độc giả gửi thông tin phản ánh tình trạng lạm thu và tiêu cực ở các trường, các hội phụ huynh để chung tay góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục nước nhà.

Chúng tôi cũng rất mong muốn nhận được các câu chuyện tấm gương người tốt việc tốt, những bài viết phản ánh hơi thở cuộc sống học đường từ các thày cô, các nhà quản lý giáo dục và các bạn học sinh sinh viên trên cả nước.

Các thông tin và bài viết, quý bạn đọc vui lòng gửi về hòm thư điện tử 

toasoan@giaoduc.net.vn

Ngoài ra, vui lòng cung cấp thông tin cá nhân (số chứng minh thư nhân dân, số tài khoản ATM, địa chỉ liên hệ / nơi công tác) để Tòa soạn tiện liên hệ xác minh và chi trả nhuận bút, nếu bài được đăng.

Các thông tin cá nhân của người cung cấp nguồn tin được chúng tôi cam kết bảo mật theo pháp luật nhà nước.

Trân trọng cảm ơn!

Nguyễn Văn Lự