Học phí năm nào cũng tăng, giảng đường 13 năm chưa xây xong!

24/07/2016 08:06
Linh Hương
(GDVN) - Kinh tế Quốc dân là trường Đại học mơ ước của nhiều thí sinh nhưng nếu trường không điều chỉnh mức học phí hiện nay, nhiều khả năng sinh viên sẽ phải bỏ học.

Thông tin về việc tăng 30% học phí của Đại học Kinh tế Quốc dân năm học 2016 – 2017 lên mức 530.000/tín chỉ ở một số nhóm ngành đang khiến nhiều sinh viên hoang mang. 

Học phí tăng 30% trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình

Phản ánh với Báo điện tử giáo dục Việt Nam, nhiều sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân bày tỏ lo lắng về việc học phí năm học 2016-2017 tăng quá cao.
 
Cụ thể, mức tăng học phí sắp tới của sinh viên K57 (năm thứ hai) và K58 sắp vào trường lần lượt là:

375.000 đồng/tín chỉ với các ngành nhóm 1 (gồm Tin học kinh tế, Hệ thống thông tin quản lý, Công nghệ thông tin, Kinh tế học, Kinh tế tài nguyên, Kinh tế bất động sản và địa chính, Kinh doanh bất động sản, Luật kinh doanh, Luật kinh doanh quốc tế, Thống kê kinh tế xã hội và Thống kê kinh doanh);
 
450.000 đồng/tín chỉ (gồm các chuyên ngành còn lại không thuộc nhóm 1 và nhóm 3);

530.000 đồng/tín chỉ với các ngành nhóm 3 (gồm Kế toán tổng, Kiểm toán, Kinh tế đầu tư và Kinh tế quốc tế, Tài chính doanh nghiệp).

Năm ngoái, mức học phí lần lượt đối với ba nhóm ngành này là 295.000 đồng, 355.000 đồng và 415.000 đồng/tín chỉ.

Em N.T.T (sinh viên K57) cho biết, ngành học của em thuộc nhóm chịu học phí điều chỉnh cao nhất 530.000 đồng/tín chỉ, mức học phí này sẽ là gánh nặng với những sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn. 

Sinh viên này tâm sự: “Nhà có vài sào ruộng, bố mẹ phải đấu thầu thêm để được 1 mẫu, nếu không mất mùa thì mỗi vụ thu hoạch được 2 tấn thóc, bán đi lấy tiền cho em ăn học. 

Để có được 2 tấn thóc, bố mẹ phải lam lũ trong 4 tháng ròng rã giờ học phí tăng mỗi năm thế này, em thấy bố mẹ khổ quá
”. 

Mức học phí đối với sinh viên K57 (in đậm) của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Mức học phí đối với sinh viên K57 (in đậm) của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Một sinh viên chuẩn bị bước sang năm thứ 2 (xin được giấu tên) trăn trở: “Bố mẹ em làm nông dân nên gia đình không có điều kiện, năm ngoái, nhập học được 2 tháng, em đã bắt đầu đi gia sư kiếm tiền để giúp đỡ bố mẹ phần nào. 

Ngoài ra, thời gian rảnh em còn làm thêm 1 ca bưng bê, mỗi giờ được trả 12.000 đồng. 

Tiền công mỗi tháng em nhận được khoảng gần 3 triệu đồng. Toàn bộ số tiền đó em dành ăn uống, đóng tiền nhà, còn học phí thì phải xin bố mẹ hoàn toàn.

Giờ nhìn khoản học phí tăng đều hàng năm, em không biết có trụ nổi đến khi ra trường hay không. Mức học phí tăng, em muốn đi làm thêm nhiều để đỡ bố mẹ mà đi làm nhiều thì kết quả học tập sẽ kém
”. 

Một sinh viên K57 theo học ngành quản trị du lịch (thuộc nhóm 2) chia sẻ: 

Cả năm học 2015-2016, em đăng ký 45 tín chỉ (học kỳ I: 22 tín chỉ, học kỳ II: 23 tín chỉ) thì tổng học phí là hơn 15 triệu đồng/năm. 

Nhưng ngày 21/7 vừa qua, em đăng ký 24 tín chỉ cho học kỳ thứ III thì số tiền phải nộp đã lên tới 10.800.000 đồng, gấp rưỡi năm ngoái
”. 

Học phí cứ tăng…công trình xây dựng phòng học cho sinh viên 13 năm vẫn chưa xong

Khi “bị đối mặt” với mức học phí mới, nhiều sinh viên còn bức xúc vì học phí tăng lên mỗi năm nhưng điều kiện học tập của sinh viên thì chưa tăng. 

Một sinh viên tâm sự: “Học phí cao nhưng chúng em không được học tại giảng đường của trường mà phải đi học nhờ trường Trung cấp Công Thương Hà Nội tại 54 Vũ Trọng Phụng, một số phòng học không có điều hòa. Tòa nhà trung tâm đào tạo xây hơn 10 năm chưa hoàn thiện”. 

Học phí cứ tăng…công trình xây dựng phòng học cho sinh viên hơn 10 năm vẫn chưa xong (Ảnh: T.L)
Học phí cứ tăng…công trình xây dựng phòng học cho sinh viên hơn 10 năm vẫn chưa xong (Ảnh: T.L)

Một sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân ra trường 1 năm chia sẻ: “Mặc dù là cơ sở đào tạo hàng đầu về kinh tế và Nhà nước cho tự chủ về tài chính nhưng theo lộ trình mỗi năm tăng 30% học phí thì làm sao nhiều sinh viên, gia đình trụ nổi. 

Hồi tôi còn là sinh viên, năm học nào cũng phải học ở cơ sở thuê. 

Vì phải “chạy” cả 2 địa điểm học khiến việc đi lại khó khăn đặc biệt sinh viên năm 2, năm 3 thì lịch học theo kiểu tuần học 1-2 buổi ở trường, còn lại là địa điểm thuê. Mà nhiều phòng học không có điều hòa
”. 

Thừa nhận điều này, lãnh đạo nhà trường – ông Phạm Hồng Chương (Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết:

Có thực tế là năm học 2013-2014 nhà trường đã phải thuê ngoài tới 72 phòng học tại 3 cơ sở ngoài trường do đang thi công Nhà trung tâm đào tạo. Đến nay, nhà trường chỉ còn thuê ngoài tại 1 địa điểm (54 Vũ Trọng Phụng) với 35 phòng học”.
 
Được biết, ngày 28/1/2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 124/QĐ-TTg phê duyệt dự án xây dựng Nhà trung tâm đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thuộc dự án nhóm A, là một công trình hiện đại nhất của ngành giáo dục và đào tạo, Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng) là nhà thầu. Thời gian thực hiện dự án được xác định đến năm 2010 sẽ hoàn thành. 

Tuy nhiên, đến ngày 23/7/2016, chúng tôi có mặt tại công trường và chứng kiến công trình vẫn đang trong quá trình thi công. 

Lãnh đạo Nhà trường dự kiến đến năm 2017, nhà trường không còn phải thuê giảng đường bên ngoài. Như vậy có nghĩa là, sinh viên và phụ huynh cứ “sốc” với học phí tăng lên mỗi năm, còn công trình bao giờ sẽ hoàn thành để sinh viên có điều kiện học tập tốt nhất thì vẫn phải chờ.

Linh Hương