LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của thầy giáo Trần Thanh Tuấn, Giáo viên Trường THPT Long Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
Thầy Tuấn là giáo viên dậy Văn, nhưng hôm nay, thầy chỉ ra nhiều vấn đề liên quan đến dạy Sử, học Sử và thi Sử.
Mọi chuyện đều có nguyên nhân của nó, cho nên, học trò không chọn học và thi sử, không hẳn là chỉ nên phê phán các em...
Trong kì thi tốt nghiệp THPT năm học 2013 -2014, thầy Văn Như Cương cho biết Trường Lương Thế Vinh có tỷ lệ học sinh đăng ký môn thi tốt nghiệp tự chọn. Theo đó, Lý 75,6%, Tiếng Anh 56,3%, Hóa 50,8%, Địa 11,4%, Sinh 5,3% và Sử 0%.
Tình hình trên ở trường chúng tôi cũng không khác lắm, cả trường chỉ có 3 học sinh chọn môn Sử là môn thi Tốt nghiệp (các em chọn vì các em đăng kí thi Đại học Khối C). Cứ theo cái đà này, không khéo tỉ lệ chọn môn Sử của học sinh năm nay chỉ dừng lại ở con số 1% như GS Văn Như Cương đã phỏng đoán cũng nên!
Nguyên nhân do đâu mà học sinh Việt Nam lại sợ Sử như thế? Lâu nay báo chí vẫn chỉ "bắt bệnh" trên qua những số liệu. Bản thân tôi cho rằng bệnh này trong thực tế còn trầm trọng hơn nhiều. Tôi tuy không phải là một thầy giáo dạy Sử nhưng từ khi đi học phổ thông tôi đã có một tình cảm đặc biệt dành cho môn học này.
Khánh Linh (học sinh duy nhất của trường THPT Quang Trung –Hà Nội) tự tin thi môn lịch Sử năm học 2013-2014. ( Ảnh: Internet) |
Hơn thế nữa, môn học mà tôi đang đảm trách, môn văn, cũng có ích nhiều liên quan đến môn Sử. Trong quá trình hướng dẫn các em tiếp cận những bài Văn học sử cũng như tiếp cận từng tác phẩm văn học cụ thể, tôi phải liên hệ đến những kiến thức căn bản bên Sử để làm rõ bài dạy của mình.
Qua những lần liên hệ như thế, tôi đau lòng khi nhận thấy những chủ nhân tương lai của đất nước trong đầu là một khoảng trống về kiến thức Lịch sử khó lấp đầy.
Khi dạy văn học trung đại Việt Nam, tôi chỉ yêu cầu các em trả lời một câu hỏi rất đơn giản: Hãy kể tên những triều đại phong kiến ở Việt Nam? Trong lớp học chỉ có 2 cánh tay đưa lên và hai ý kiến ấy đều không chính xác hoàn toàn!
Một học sinh bậc THPT mà không nhớ nổi tên của các triều đại phong kiến Việt Nam thì hoàn toàn không chấp nhận được.
Tôi đã phải lấn sân qua Sử, bổ khuyết những thiếu hụt ấy bằng một "sơ đồ tư duy" đơn giản khái quát các triều đại phong kiến ở Việt Nam. Tôi thấy các em thích thú với những chia sẽ của tôi.
Việc các em gán ghép tác giả này vào triều đại kia là chuyện "thường ngày ở huyện".
Tôi nhớ có lần lên lớp, để tạo sự hấp dẫn cho bài học, trước khi đi vào bài mới, bài "Hưng Đạo đại Vương Trần Quốc Tuấn" tôi hỏi các em: Nước ta có hai danh tướng được thế giới xếp vào danh sách mười vị tướng tài bậc nhất của lịch sử nhân loại, hai vị tướng tài ấy là ai?
Cả lớp chẳng những không học sinh nào biết mà còn ngạc nhiên phán rằng: "Việt Nam có tướng tài đến thế sao?".
Dạy bài "Bạch Đằng giang phú" của Trương Hán Siêu, tôi phát hoảng khi học sinh không biết được cột mốc quan trọng lịch sử nước nhà là năm 938, Ngô Quyền đã đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng mở ra thời kì độc lập tự chủ cho nước nhà sau gần một ngàn năm Bắc thuộc.
Và lẽ tất nhiên, tôi sẽ không dại dột mà hỏi tiếp: Có bao nhiêu trận đánh lớn đã diễn ra trên sông Bạc Đằng? Vì có hỏi nữa cũng chỉ bằng thừa, làm mất thời gian của tiết học, giáo viên đành phải ngậm ngùi cung cấp lại kiến thức ấy.
Không chọn thi sử, đâu có nghĩa là không yêu nước và lịch sử dân tộc?
(GDVN) - Có quan điểm còn cho rằng, các em không yêu sử, nghĩa là không yêu nước! Xin đừng vội vã khi kết luận các bạn trẻ đang quay lưng lại với lịch sử dân tộc.
Với lịch sử thời trung đại đã như thế, lịch thời hiện đại cũng không khá hơn.
Học sinh 12 được tiếp cận với một lượng khá lớn kiến thức lịch sử cách mạng Việt Nam.
Ở môn Ngữ văn, học sinh cũng được học những tác phẩm văn học ra đời từ năm 1945 đến hết thế kỉ XX. Trong quá trình giảng dạy những tác phẩm này để tìm hiểu hoàn cảnh sáng tác của từng tác phẩm, bao giờ giáo viên cũng liên hệ với lịch sử.
Những lúc như thế, qua nhiều năm giảng dạy, tôi đã rút ra cho mình kinh nghiệm: Hãy chỉ độc thoại thôi vì có hỏi cũng ít khi học sinh trả lời được.
Điều đáng buồn rằng đây là những kiến thức mà học sinh đang học hằng ngày chứ không phải là những kiến thức mà các em đã học trong những năm trước.
Nhiều giáo viên Sử đã ngậm ngùi thổ lộ: các em học rồi quên ngay sau đó, quên tức thì! Đây chính là nguyên nhân căn cơ dẫn đến việc học sinh sẽ không bao giờ chọn môn học này để đánh cược với tương lai của mình.
Khi hỏi thăm tình hình lớp chủ nhiệm của tôi về việc tại sao các em lại sợ Sử, không chọn môn Sử. Nhiều học sinh đã thổ lộ: với các em Sử không hơn không kém chỉ là môn học để trả bài thuần túy.
Do lượng kiến thức quá lớn, để dạy kịp chương trình, giáo viên phần nhiều là đọc chép ít có thời gian giảng giải. Học sinh thì chép - học và trả bài (mà trả bài Sử đối với HS là cả một nổi ám ảnh). Quy trình ấy diễn ra bất tận cho đến hết năm học.
Tôi không dám lạm bàn chuyện bếp núc của môn học này bởi tôi hiểu tôi là người ngoại đạo. Nhưng tôi vẫn tin tưởng một điều: HS chúng ta chưa bao giờ quay lưng lại với lịch sử nước nhà, bởi thông qua những tiết dạy văn, tôi đã lồng vào đấy những câu chuyện lịch sử, tôi xúc động khi bắt gặp những ánh mắt say mê chăm chú của các em.
Rõ ràng nếu khơi đúng nguồn mạch, các em sẽ lại về tắm mình trong dòng chảy hào hùng của lịch sử dân tộc để chiêm nghiệm quá khứ mà phấn đấu trong tương lai để làm rạng rỡ thêm truyền thống lịch sử nước nhà.
Thầy Văn Như Cương đã chia sẻ trên VnExpress: "Tôi rất buồn khi Bộ đề ra chủ trương cho học sinh tự chọn môn thi. Họ đã không suy xét được hậu quả sẽ như thế nào. Tôi được biết, nhiều trường khác cũng không có học sinh nào đăng ký dự thi môn Sử" và rồi ông còn nhấn mạnh thêm: "Nếu cả nước chỉ dưới 1% học sinh đăng ký thi Sử thì vô tình môn Sử lại bị giáng một đòn chí mạng".
Tôi nghĩ khác ông, chúng ta nên xem lần chọn lựa này cũng là điều tốt để những môn khoa học xã hội nhìn lại vấn đề của mình để có định hướng thay đổi. Nếu cứ ép các em thi để rồi các em sẽ quên ngay sau đó, thì việc thi cử vất vả kia phỏng có ích lợi gì?