Không có tâm thì có mười năng lực siêu hạng cũng bỏ

09/04/2018 07:05
Phan Tuyết
(GDVN) - Thay vì cứ cố ra hết thông tư này đến thông tư khác, rồi chuẩn nọ đến chuẩn kia, ngành giáo dục nên quan tâm đến những việc gần ngay trước mắt...

LTS: Thời gian gần đây đã xảy ra không ít chuyện buồn liên quan đến nghề giáo viên mầm non.

Trong bài viết này, cô giáo Phan Tuyết nhấn mạnh đến cái tâm của người giáo viên mầm non chứ không phải là đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định này khác.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non đã được áp dụng khá lâu rồi. Hàng năm, giáo viên cũng được soi vào đấy để đánh giá xếp loại.

Nhìn vào bảng tổng kết cuối năm ở các trường dám chắc không có giáo viên nào không đạt chuẩn.

Thế nhưng, nạn bạo hành trẻ em mẫu giáo lại vẫn luôn gia tăng. Nguyên nhân do đâu?

Một trong những nguyên nhân do chúng ta đang đặt nặng chuyện bằng cấp mà bỏ qua đạo đức của con người cũng như đạo đức nghề nghiệp cần có của người giáo viên.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại tiếp tục cho ra dự thảo Thông tư quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non.

Thông tư lần này được xây dựng thêm với nhiều điều không hợp lý cho bậc học này.

Ảnh minh hoạ: TTXVN
Ảnh minh hoạ: TTXVN

Quy định về chuẩn ngoại ngữ trong Thông tư mới

Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non gồm 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí.  

Trong đó, tiêu chuẩn 2 quy định: Năng lực chuyên môn; năng lực ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc ở vùng dân tộc thiểu số) và ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ chăm sóc, giáo dục trẻ.

Có kiến thức, kĩ năng chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc; có khả năng sử dụng ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc ở vùng dân tộc thiểu số) và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. 

Tiêu chí 4. Năng lực sử dụng ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc): Sử dụng tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác ở mức tương đương theo quy định; hoặc giao tiếp bằng tiếng dân tộc (ở vùng dân tộc thiểu số) phục vụ hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.

Giáo viên mầm non có thật sự cần ngoại ngữ?

Không có tâm thì có mười năng lực siêu hạng cũng bỏ ảnh 2Mỗi thầy cô mầm non chuẩn phải đạt 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí 

Ngoại trừ một số giáo viên dạy ở vùng dân tộc ít người cần phải học thêm tiếng dân tộc để giúp trẻ hòa nhập với môi trường học tập, sinh hoạt nhanh chóng.

Còn những giáo viên mầm non khác có biết ngoại ngữ cũng chẳng bao giờ có cơ hội sử dụng dù chỉ một lần.

Một số giáo viên mẫu giáo cho biết “Thông tư về Chuẩn giáo viên mẫu giáo vừa ban hành đang lấy ý kiến đóng góp.

Thế nhưng cả năm nay, người ta đã bàn tán về chuyện này nên giáo viên chúng tôi phòng xa ai nấy cũng đã đi học lấy chứng chỉ ngoại ngữ rồi.

Những chứng chỉ ngoại ngữ B1, B2 hẳn hoi được đem về xếp vào tủ hồ sơ lưu trữ.

Riêng những giáo viên có biết ngoại ngữ chút ít lại nói rằng:

Trước mình học ngoại ngữ cũng khá nhưng về dạy tại trường, hằng ngày chỉ tiếp xúc với những đứa trẻ nói chưa sõi tiếng mẹ đẻ. Vì thế “vốn liếng” ngôn ngữ cũng bay hết rồi".

Chữ tâm luôn là quan trọng nhất

Điều thắc mắc mà không ít người đặt ra “giáo viên dạy mầm non có thật sự cần ngoại ngữ hay không?”.

Đã có nhiều người phải thốt lên “Người ta cứ xây dựng những điều cao xa vời vợi mà bỏ quên những vấn đề cốt lõi nằm ngay trước mắt”.

Điều cốt lõi mà giáo viên nói đến là cái tâm của nghề giáo mà đặc biệt với giáo viên mầm non.

Không có tâm thì có mười năng lực siêu hạng cũng bỏ ảnh 370 trẻ trong một lớp mầm non, trông cũng không xuể, nói gì đến chăm sóc

Nói đến chữ “Tâm” thì bất kì ngành nào cũng cần.

Nhưng với những đứa trẻ đang tuổi ẵm bồng, tuổi bi bô tập nói thì chữ tâm của người thày lại vô cùng quan trọng.

Công việc chăm trẻ và dạy dỗ học sinh ở lứa tuổi này chưa bao giờ là dễ dàng cả.

Trẻ nhỏ, một cô phụ trách hàng chục cháu với đủ thứ việc bao quanh.

Nào bú sữa, cho ăn, vệ sinh, tắm rửa, thay đồ, dỗ dành… trẻ lớn hơn còn phải bảo ban, dạy dỗ một số kiến thức và kĩ năng cơ bản.

Dạy bằng tình yêu thương sẽ khác xa với dạy cho xong trách nhiệm.

Nhưng người thày mà thiếu tình thương với trẻ, thiếu lòng nhiệt huyết với nghề thì dù bằng cấp có cao bao nhiêu, chứng chỉ có đầy đủ đến thế nào những đứa trẻ vô tội kia cũng chỉ là công cụ để họ nhận lương, nhận bổng lộc (từ phụ huynh) hàng tháng và các em sẽ dễ trở thành “bị bông” cho nhà giáo thiếu tâm sẵn sàng trút giận khi cần.

Trong thực tế đã xảy ra biết bao sự việc bạo hành trẻ mầm non.

Một hiệu trưởng và một số giáo viên ở Lào Cai đã dốc trẻ 4 tuổi vào máy vặt lông gà dọa nạt khi trẻ khóc.

Một số vụ bạo hành khác đã làm rúng động dư luận trong thời gian qua mà xuất phát cũng do người thày thiếu đi cái tâm.

Vậy nên, thay vì cứ cố ra hết thông tư này đến thông tư khác, rồi chuẩn nọ đến chuẩn kia, ngành giáo dục nên quan tâm đến những việc gần ngay trước mắt là ổn định đời sống giáo viên để thu hút người tài, người đủ tâm và giàu lòng nhân ái.

Có như thế mới mong giáo dục ngày một tốt đẹp hơn.

Phan Tuyết