Không đánh vật với các kì thi, lấy đâu ra thành tích?

07/12/2016 08:17
Thuận Phương
(GDVN) - Nhà trường, giáo viên nhờ thành tích của học trò mà cũng được đánh giá cao, vì vậy cả thầy và trò phải đánh vật với những kì thi.

LTS: Đồng cảm với bài viết “Ở trường, cả thầy và trò đang đánh vật với các kì thi” của thầy Nguyễn Cao, cô giáo Thuận Phương cho rằng việc xóa bỏ các kì thi ở bậc Tiểu học là cần thiết.

Theo tác giả, như vậy, học sinh mới tránh được tình trạng nhồi nhét kiến thức kiểu "gà nòi".

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Đọc bài viết “Ở trường, cả thầy và trò đang đánh vật với các kì thi” của thầy Nguyễn Cao, tôi thật sự đồng cảm. 

Đồng cảm bởi chính tôi cũng là người hàng ngày cùng đám học trò “gà nòi” đánh vật với bài vở để chuẩn bị cho các em “đem chuông đi đánh xứ người”.

Nếu chỉ tính riêng về các cuộc thi của học sinh tiểu học hàng năm, bất kì ai nghe cũng thấy choáng ngợp. 

Nào là thi vở sạch chữ đẹp, thi ViOlympic Toán, tiếng Anh, thi hùng biện, thi kể chuyện tiếng Anh, thi giao thông thông minh, vượt vũ môn, sáng tạo tuổi thơ…

Càng những trường có tiếng tăm hoặc những trường muốn có danh tiếng, số lượng các cuộc thi tham gia càng nhiều. 

Học sinh Tiểu học đang phải đánh vật với những kì thi. (Ảnh: infonet.vn)
Học sinh Tiểu học đang phải đánh vật với những kì thi. (Ảnh: infonet.vn)

Nhưng tham gia thi lại phải gắng có giải, giải càng cao, học sinh đậu càng nhiều thì danh tiếng, vị thế của trường càng nổi. 

Thế là trong cuộc đua khẳng định vị thế của trường (thực chất là vị thế của ban lãnh đạo) lại càng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Muốn đạt được điều đó, hiệu trưởng các trường quán triệt đến giáo viên chủ nhiệm trách nhiệm phải bồi dưỡng cho học sinh có kiến thức để đi thi đấu. 

Đây cũng là tiêu chí để xếp hạng lớp chủ nhiệm cuối năm cũng như xếp danh hiệu cho chính giáo viên chủ nhiệm nên không ai dám lơ là.

Thế rồi, các thầy cô giáo bắt đầu chọn học sinh theo từng mảng. Nhưng nghẹt nỗi học sinh tiểu học thường học rất đều. Em học giỏi Toán thì chữ viết cũng đẹp, tiếng Anh cũng hơn nhiều bạn khác. 

Bởi thế, thay vì mỗi em chịu trách nhiệm một môn thi, thầy cô thường chọn một em dự thi nhiều môn cho thuận lợi việc kèm cặp, bồi dưỡng.

Nhưng cũng có lớp lại chẳng tìm đâu ra nhân tố nổi trội, thầy cô cũng đành lấy bó đũa so cột cờ và nỗ lực đánh vật với các em hàng ngày.

Không đánh vật với các kì thi, lấy đâu ra thành tích? ảnh 2

Đi học ở Việt Nam, nghịch lý càng học cao càng nhàn và rảnh việc

Để luyện cho học sinh có kiến thức đi thi đấu, thầy cô tranh thủ mọi lúc, mọi nơi. 

Có giáo viên còn bỏ công sưu tầm những đề thi của các năm trên mạng về hướng dẫn cho học sinh của mình để các em làm quen mong chờ khi thi có sự may mắn. 

Trong tiết học, sau khi giảng bài cho cả lớp, giáo viên thường ra thêm bài tập cho những học sinh này làm.

Giờ ra chơi, ra về, thầy cô cũng phải ở lại để hướng dẫn cho các em thêm nhiều dạng Toán, những bài tập Tiếng Anh trên máy vi tính…

Không ít lần, thầy cô miễn cho các em những môn học khác để dành thời gian tập trung cho mấy môn thi.

Nhiều khi học sinh làm không kịp các vòng thi trên máy, giáo viên phải vào làm dùm để các em qua vòng tiếp theo cho kịp tiến độ.

Ở trường học không xong, về nhà, những học sinh này vẫn tiếp tục miệt mài đánh vật với một lượng bài tập khổng lồ như luyện viết chữ đẹp, tiếp tục giải Toán, Tiếng Anh trên mạng. 

Thấy con học vất vả, không ít phụ huynh lên trường đề nghị cho con rút khỏi đội tuyển làm khổ giáo viên phải trổ tài năn nỉ hết sức.

Không đánh vật với các kì thi, lấy đâu ra thành tích? ảnh 3

Có nên “thương” học trò như thế?

Cuộc thi này vừa xong, thầy trò chưa kịp nghỉ xả hơi lại tiếp tục quay mòng mòng với cuộc thi khác. Không chỉ trò mệt mỏi bơ phờ, thầy cô đôi khi cũng phải bỏ lớp, bỏ giờ dạy để đánh vật cùng các em đội tuyển.

Ngày trò vào phòng thi, cô thầy như ngồi trên đống lửa, bởi hồi hộp, mong chờ kết quả cuối cùng được công bố.

Tuy trò đậu giải nhất cấp thị được thưởng giấy khen và 100 ngàn đồng, giải nhất cấp tỉnh tờ giấy khen và 200 ngàn đồng nhưng nhà trường lại được nhiều hơn thế. 

Trong bản thành tích gửi cấp trên không thể thiếu những thành quả ấy, giáo viên cũng nhờ thế mà thêm điểm cộng cho danh hiệu thi đua của mình…

Mọi người cũng nhìn thấy những kết quả đó mà đánh giá trường có bề dày thành tích về dạy tốt và học tốt. Còn thực tế thì sao? Đôi khi chỉ là cái vỏ rỗng tuếch, bên ngoài thì hào nhoáng bóng bẩy, bên trong lại chẳng có gì. 

Lo đầu tư cho một số “gà nòi” tham gia thi đấu, thời gian, tâm huyết của thầy cô cũng chẳng còn trọn vẹn cho nhiều học sinh của lớp. Một số em chỉ lo luyện thi cũng bỏ bê nhiều môn học khác nên sự hiểu biết cũng cạn vơi phần nào.

Xóa bỏ những cuộc thi ở tiểu học là cần thiết, học sinh đỡ bị nhồi nhét kiến thức kiểu “gà nòi”, các trường sẽ không còn ganh đua thành tích với nhau, thầy cô cũng chẳng mất nhiều thời gian cho việc luyện tập, tập dượt mà chuyên tâm hơn vào công tác giảng dạy hơn.

Thuận Phương