Hoãn kỳ thi tuyển dụng
Ngày 10/1, ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam đã ký thông báo về việc tạm hoãn thi tuyển, xét tuyển viên chức giáo dục trên địa bàn.
Việc tạm hoãn nói trên là theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại một cuộc họp diễn ra ngày 9/1.
Hàng ngàn người tham dự kỳ thi tuyển dụng công chức tại Quảng Nam. Ảnh: CTV |
Theo kế hoạch thì kỳ thi tuyển dụng sẽ diễn ra trong các ngày 17 và 18/1. Nay tạm hoãn và dời vào sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu (chưa thông báo thời gian cụ thể).
Thi công chức, 6 người dự, 5 người trượt |
Trước đó, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam có thông báo tuyển dụng 1.193 viên chức giáo viên các cấp gồm: mầm non, Tiểu học và THCS.
Ngoài ra còn tuyển viên chức khác như: lưu trữ, thư viện cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Quảng Nam.
Riêng bậc THPT thì Sở thông báo xét tuyển 110 viên chức giáo viên cho các đơn vị sự nghiệp công lập của Sở.
Sau khi nhận được thông báo kế hoạch thi tuyển, xét tuyển viên chức giáo dục của Sở, nhiều người vui mừng vì có cơ hội được thể hiện khả năng, được vào biên chế.
Tuy nhiên, kỳ thi này cũng đang khiến hàng trăm giáo viên dạy theo dạng hợp đồng với các UBND huyện, thị xã tâm tư, lo lắng.
“Kết thúc kỳ thi sẽ có kẻ đỗ, người rớt. Như vậy, nhiều giáo viên đang dạy hợp đồng sẽ đứng trước nguy cơ bị thất nghiệp (nếu thi trượt).
Họ là những người đã nhiều năm gắn bó với trường, với lớp. Có rất nhiều cống hiến cho sự nghiệp trồng người của địa phương nhưng nay lại bị dồn vào thế bế tắc” một giáo viên dạy hợp đồng cho biết.
Bức “tâm thư” của một giáo viên hợp đồng
Trăn trở trước quyết định tuyển dụng trên, một giáo viên dạy hợp đồng tại một trường tiểu học ở Thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đã viết bức “tâm thư” gửi đến lãnh đạo các cơ quan, chính quyền để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình.
Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đăng tải bức thư này.
Tôi là một trong hàng trăm giáo viên hợp đồng, sắp tới phải trải qua một kỳ thi tuyển công chức theo công văn số 1874/TB-SGĐT của tỉnh Quảng Nam được công bố vào ngày 2/12/2016 và tổ chức thi tuyển vào ngày 17-18/01/2017.
Trước sự kiện có ảnh hưởng lớn đến tâm tư tình cảm cũng như cuộc sống gia đình chúng tôi trong những ngày sắp tới tôi xin gởi đến quý cấp những ý kiến sau đây:
Tôi tốt nghiệp kĩ sư công nghệ thông tin tại trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng niên khóa 2010.
Vì yêu nghề giáo, tôi xin dạy hợp đồng tại trường Trung học Phổ thông Nguyễn Duy Hiệu từ năm 2011 đến năm 2012 với tư cách giáo viên trợ giảng môn tin học.
Nghe thông tin Phòng giáo dục Điện Bàn cần giáo viên dạy tin học, tôi đăng ký tham gia và được nhận dạy tại đây như một giáo viên hợp đồng từ 1/10/2012.
Sau một năm, tôi chính thức thành giáo viên hợp đồng của huyện.
Đành rằng việc tổ chức các kỳ thi tuyển là cách để chọn người đủ điều kiện đảm trách một công việc nào đó.
Nhưng đây không hẳn là biện pháp duy nhất. Nhất là đối với những người như chúng tôi, vốn đã trải qua ba nhân tố quyết định để được đứng lớp.
Một là, tôi được đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, trình độ đại học nay dạy chuyên ngành này cho học sinh tiểu học.
Hai là, trải qua hơn 5 năm trong nghề, kinh nghiệm thực tế đã giúp tôi trưởng thành và biết cách tốt nhất để truyền đạt kiến thức và thực hành cho học sinh.
Ba là, chính việc học có hệ thống, dạy theo bài bản và kinh nghiệm, kỹ năng tôi được rèn luyện ngày càng ổn định và nâng cao.
Một cuộc thi tuyển lý thuyết diễn ra một hai ngày, thậm chí một tuần có thể nào thay thể cho 5 năm hoạt động trong ngành nghề được đào tạo chính quy và được thực hành trong năm năm dài đằng đẳng.
Vả lại, chúng tôi dạy tốt hay tồi thì có cả một tập thể giáo viên của trường biết đến, có sự quản lý và giám sát của Ban Giám hiệu.
Đây không phải là chỗ dựa để xét năng lực giáo viên thì quý cấp dựa vào đâu? Tại sao bắt chúng tôi thi viên chức?
Hơn nữa, thời điểm thi tuyển rơi vào thời điểm chúng tôi đang phải miệt mài lên lớp, chuẩn bị giáo án, kiểm tra cuối học kỳ I, ôn tập, chấm bài kiểm cuối kỳ I.
Chúng tôi làm sao có thời gian ôn tập để thi với một tập kiến thức dày cộm?
Phải chăng đây là một sự cố ý loại bỏ công sức, tâm huyết bao năm trong nghề của chúng tôi.
Thêm nữa, có nhiều người như tôi phải tham gia cuộc thi với tỉ lệ 1 chọi 10.
Một tỉ lệ cao cho những người đang giành thời gian cho ngành, cho con cái, gia đình và phải đang thấp thỏm lo cho kế sinh nhai của gia đình có thể mất.
Tôi đã 33 tuổi rồi, cơ quan nào có thể nhận tôi đây. Qua bao năm gắn bó với ngành và giờ đây ngành chuẩn bị đẩy tôi vào thế bế tắc...
Giờ đây, trong thâm tâm chúng tôi mong mỏi ngành, quý cấp nên tổ chức một trong ba phương án sau:
Thứ nhất: thi tuyển phải phân luồng thành các đợt khác nhau. Giáo viên đang dạy hợp đồng dài hạn tại các địa phương thì nên tổ chức thi trước. Sau đó, thiếu bao nhiêu chỉ tiêu thì thi tuyển vào bổ sung.
Bởi lẽ giáo viên đang phải đứng trên bục giảng thì bận rộn bao công việc như: soạn giáo án, chấm bài, tổng kết. Ngoài ra, còn phải tham gia các hoạt động khác của nhà trường, địa phương….
Bên cạnh đó còn con cái và gia đình của họ phải chăm lo nên thời gian không đảm bảo còn để họ phải ôn luyện lại kiến thức cũ).
Thứ hai, thi tuyển tập trung tổ chức một lần nhưng phải chọn thời gian nhàn rỗi nhất của giáo viên trong năm. Và nên cộng thêm điểm ưu tiên cho các giáo viên có giấy khen của ngành, của cấp (để nhằm tăng chất lượng và niềm tin, khuyến khích và sự phấn đấu của họ trong những năm trước đó).
Thứ ba, quý cấp nên dành cho chúng tôi chế độ miễn thi mà đặc cách vào biên chế.
Vì cứ tính sòng phẳng đi, một sinh viên mới ra trường nếu về giáo dục có bằng cấp ngang chúng tôi nhưng kỹ năng và kinh nghiệm làm sao sánh được với những người đã trải qua mấy năm kinh nghiệm.
Nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng thường thêm điều kiện: trải qua hai năm kinh nghiệm.
Phải chăng kinh nghiệm trở thành yếu tố khá quan trọng trong tuyển chọn, điều mà chúng tôi đang có sao lại không lưu tâm?
Theo đuổi ngành giáo dục đã năm, bảy năm, nếu rời khỏi ngành chúng tôi gặp không ít khó khăn để tìm việc khác.
Phải chăng xã hội thêm một gánh nặng trong việc tạo công ăn việc làm mới cho bao nhiêu con người.
Tôi trân trọng đề nghị: xét vào biên chế cho chúng tôi dựa vào sự xác nhận thời gian cống hiến, bằng cấp, kỹ năng và kinh nghiệm của chúng tôi qua sự xác nhận của tập thể nhà trường. Đấy là sự công bằng.