Lãnh đạo các trường ngoài công lập phản đối chỉ tuyển công chức học công lập

22/10/2016 06:25
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Lãnh đạo các cơ sở giáo dục ngoài công lập cho rằng, việc địa phương chỉ tuyển công chức hệ công lập là phân biệt, đối xử, vi phạm quy định tuyển dụng...

Liên quan tới việc một số đơn vị tuyển dụng công chức ra điều kiện sinh viên phải có bằng Đại học hệ công lập, nhiều ý kiến cho rằng, đây là tư duy định kiến, phân biệt đối xử đối với nguồn nhân lực được đào tạo tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

GS.TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường Đại học dân lập Hải Phòng: Tuyển dụng như vậy là bất ổn!

Việc ra thông báo tuyển dụng tại một số cơ quan nhà nước là không đúng tinh thần của Luật Giáo dục... 

Dù là cơ quan công quyền hay doanh nghiệp, nếu muốn tuyển chọn người tài thì phải tổ chức thi tuyển. Việc tổ chức thi công chức mà không tuyển sinh viên trường ngoài công lập thì có điều gì đó khá bất ổn. Bởi lẽ, bằng cấp của thí sinh tại các trường ngoài công lập cũng được nhà nước công nhận như các sinh viên trường công lập.

Do đó, để các em có điều kiện thể hiện tài năng, nên tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong tuyển dụng.

GS.TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường Đại học dân lập Hải Phòng (ảnh: Vnexpress.net).
GS.TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường Đại học dân lập Hải Phòng (ảnh: Vnexpress.net).

Việc kiểm tra, đánh giá năng lực đối tượng dự tuyển, đơn vị tuyển dụng có thể áp dụng các câu hình thức tuyển chọn khác nhau (phỏng vấn, thi tuyển) để chọn người tài.

Quan trọng nhất là phải xem xét kỹ lưỡng thí sinh đó có khả năng đáp ứng được công việc hay không.

Xin nói thêm rằng, năm 2008, thời điểm khủng hoảng

Lãnh đạo các trường ngoài công lập phản đối chỉ tuyển công chức học công lập ảnh 2

Nam Định quyết chỉ tuyển công chức học trường công lập

kinh tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện kiểm tra, khảo sát việc làm của sinh viên sau khi ra trường. Kết quả cho thấy trường Đại học dân lập Hải Phòng là một trong 25 trường có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao nhất (hơn 93% sinh viên có việc làm và hơn 75% số sinh viên làm đúng ngành nghề đào tạo).

Thậm chí mới đây Tập đoàn vingroup đã đánh tiếng tuyển dụng sinh viên tại trường. 

Điều đó cho thấy rằng, không chỉ riêng trường Đại học dân lập Hải Phòng mà nhiều trường ngoài công lập khác cũng có chất lượng đào tạo tốt và không thua kém gì các trường công lập.

Do vậy, khi tuyển chọn nhân lực phải căn cứ vào chất lượng của nguồn lao động đã qua đào tạo. Vấn đề chất lượng đào tạo phụ thuộc quá trình đào tạo của từng cơ sở giáo dục và việc kiểm soát đầu ra sản phẩm. Ngược lại, không phải sinh viên vào trường với số điểm cao thì ra trường sẽ tốt hết.

Tiến sĩ Phan Huy Phú, Hiệu trưởng trường Đại học Thăng Long: Đó là quan điểm kỳ thị, định kiến, phân biệt đối xử

Về mặt bằng chung thì sinh viên trường công lập có thể tốt hơn thật. Nhưng sinh viên xuất sắc của trường này (ngoài công lập) cũng chẳng kém những sinh viên khá của trường kia (trường công lập).

Do đó, việc đưa ra điều kiện tuyển dụng tại một số địa phương rõ ràng là sự kỳ thị đối với sinh viên trường ngoài công lập.

Vấn đề đặt ra không phải nằm ở chỗ anh là sinh viên trường công lập hay ngoài công lập. Điều quan trọng nhất là sinh viên đó có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không?

Còn nếu việc tuyển dụng chỉ căn cứ vào bảng điểm của sinh viên sau khi tốt nghiệp lại càng không ổn. Bởi lẽ điểm thì có trường chấm chặt, có trường chấm rộng, nên không thể đánh giá hết được chất lượng nguồn nhân lực thông qua hồ sơ dự tuyển.

Tiến sĩ Phan Huy Phú, Hiệu trưởng trường Đại học Thăng Long (ảnh: Vieetnamnet.vn).
Tiến sĩ Phan Huy Phú, Hiệu trưởng trường Đại học Thăng Long (ảnh: Vieetnamnet.vn).

Nếu họ khách quan, trung thực, tổ chức thi tuyển thì ngại gì đối tượng tham gia thi tuyển?

Trường hợp đơn vị tuyển dụng sợ nhiều người đăng ký dự tuyển, có thể làm bước sàng lọc ban đầu, sau đó chọn thí sinh giỏi nhất thông qua các vòng thi tuyển.

Xin nói thêm và chất lượng đào tạo tại các trường ngoài công lập và cơ sở giáo dục công lập rằng, điểm thi đầu vào ở hai khối này không quyết định được gì về chất lượng sinh viên sau khi ra trường.

Ví dụ, điểm đầu vào của trường công lập là 18 điểm, điểm đầu vào trường tôi là 15 điểm, nhưng thực tế trường Đại học Thăng Long sẽ có người 18 hoặc 19 điểm chứ không phải tất cả đều 15 điểm.

Thậm chí có những trường ngoài công lập lấy điểm đầu vào rất cao nhưng nhiều sinh viên vẫn nộp hồ sơ xét tuyển. 

Tuy nhiên, để thay đổi được tư duy tuyển dụng, đặc biệt

Lãnh đạo các trường ngoài công lập phản đối chỉ tuyển công chức học công lập ảnh 4

Chọn người tài không nên phân biệt đối xử về bằng cấp

là việc tuyển dụng tại các cơ quan công quyền, không phải điều dễ dàng.

Chúng tôi thường động viên sinh viên rằng, các em phải học thật giỏi và không nên bức xúc về chuyện tuyển dụng “một chiều” như vậy.

Các em cứ tìm chỗ nào người ta cần mình làm việc, chứ không nên quan trọng đó là đơn vị công hay tư.

Nhưng trong xu hướng phát triển giáo dục như hiện nay, dần dần các trường (không kể trường công hay trường tư) không đáp ứng được chất lượng đào tạo, nhu cầu thực tế, không sớm thì muộn cũng bị đào thải hoặc tự “chết”. 

Còn hiện tại, chúng tôi chấp nhận định kiến của xã hội về chất lượng đào tạo của trường ngoài công lập, nhưng không vì thế mà nhà trường bức xúc với dư luận.

Vấn đề được nhà trường quan tâm là nâng cao chất lượng giáo dục. Thực tế chất lượng, tỷ lệ sinh viên trường Đại học dân lập Thăng Long ra trường, xin được việc đạt khá cao.

PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Hiệu trưởng Đại học Bình Dương: Ở phía Nam, người ta rất thực dụng khi tuyển dụng 

Theo tôi việc tuyển dụng công chức theo kiểu "ưu ái" đối với sinh viên trường công lập, hoàn toàn không có trong luật...

Tôi không nắm rõ cơ chế tuyển dụng công chức ngoài miền Bắc, nhưng việc tuyển dụng trong miền Nam (kể cả việc tuyển dụng vào cơ quan nhà nước) hoàn toàn không có sự phân biệt sinh viên trường công lập hay ngoài công lập.

Bởi lẽ, trong điều kiện của Việt Nam, các trường đào tạo theo khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do vậy, trình độ của sinh viên các trường là ngang nhau. 

Do đó, việc tuyển dụng sẽ xuất phát từ nhu cầu thực tế ở các vùng miền. Trường hợp sinh viên giỏi thì nhà tuyển dụng "xin" ngay từ lúc đào tạo chứ không cần sinh viên cầm hồ sơ đi xin việc.

Còn ở miền Bắc, có thể tại một số địa phương tập trung đông đảo các trường Đại học, nhưng số lượng tuyển dụng (công chức) thuộc lĩnh vực cần tuyển rất ít, nên họ phải đưa ra chiêu chí để sàng lọc.

PGS.TS Nguyễn Văn Thành – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bình Dương (ảnh: bdu.edu.vn).
PGS.TS Nguyễn Văn Thành – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bình Dương (ảnh: bdu.edu.vn).

Việc tuyển dụng ở miền Nam thì thực dụng hơn. Họ (đơn vị tuyển dụng) không quan tâm đối tượng tuyển sinh học trường nào đâu. Bất kỳ là sinh viên trường nào cũng phải qua phỏng vấn, thi tuyển.

Do đó, ngoài kiến thức chuyên ngành, các em còn phải trang bị cho mình kỹ năng mềm (ngoại ngữ...) để thích nghi, hoàn thiện bản thân. Về việc này, các trường ngoài công lập phía Nam làm rất tốt.

QUỐC TOẢN