Lời cuối cho VNEN

25/09/2017 06:25
Nguyễn Đình Anh
(GDVN) - Có lẽ không có một dự án, mô hình nào được đưa vào thử nghiệm, triển khai tại các trường học ở Việt Nam lại tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông như VNEN.

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của Thạc sĩ Nguyễn Đình Anh - nguyên Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An về mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN).

Tôn trọng tính khách quan và đa chiều trong thảo luận về một vấn đề nóng được phụ huynh, giáo viên quan tâm, Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này.

Văn phong, nội dung và tiêu đề bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả. Trân trọng cảm ơn thày giáo Nguyễn Đình Anh!

Có lẽ không có một dự án, mô hình nào được đưa vào thử nghiệm, triển khai tại các trường học ở Việt Nam lại tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông như VNEN. 

Mọi việc tưởng xong xuôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp thu ý kiến chân thành, thẳng thắn của các nhà giáo và dư luận xã hội, sẽ chấm dứt VNEN.

Thế nhưng mọi việc không phải như vậy.

Trong Chỉ thị triển khai nhiệm vụ năm học 2017- 2018 Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn định hướng các địa phương tiếp tục triển khai mô hình VNEN.

Ông Nguyễn Vinh Hiển dự giờ một lớp VNEN ở Vũng Tàu khi còn là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ảnh: Đông Hà / Báo Tuổi Trẻ.
Ông Nguyễn Vinh Hiển dự giờ một lớp VNEN ở Vũng Tàu khi còn là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ảnh: Đông Hà / Báo Tuổi Trẻ.

Trước tình hình này chúng tôi xin làm những người cuối cùng nói thêm ít điều về VNEN như sau:

Thứ nhất, quy trình triển khai thực hiện VNEN có vấn đề

Thông thường cơ quan xây dựng chương trình dạy học và biên soạn sách giáo khoa phổ thông của Việt Nam là Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Còn Vụ Giáo dục Tiểu học chỉ là một cơ quan chỉ đạo triển khai thực hiện. 

Nhìn lại toàn bộ quá trình triển khai thực hiện Dự án VNEN trong thời gian qua chúng ta thấy:

Vụ Giáo dục Tiểu học đã hoàn toàn lấn sân làm thay công việc của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam dưới danh nghĩa nghiên cứu và tổ chức triển khai một dự án. 

Một dự án tiêu tốn 84,7 triệu đô la Mỹ. Vì sao Vụ Giáo dục Tiểu học lại lấn sân thì mọi người đã rõ.

Thứ hai, Vụ Giáo dục Tiểu học đã nhân danh đổi mới để chọn phương pháp dạy học mới đưa vào cấp tiểu học

Thực chất phương pháp dạy học mới này không phù hợp với lúa tuổi học sinh tiểu học và trung học cơ sở (đặc biệt là học sinh miền núi). 

Phương pháp tổ chức cho học sinh tự khám phá bài học thực chất là phương pháp dạy học chỉ phù hợp với đối tượng học sinh lớp lớn. 

Đó chính là phương pháp phát huy năng lực "tự học, tự nghiên cứu" của sinh viên đại học. 

Chúng tôi không ngần ngại nói rằng, phương pháp dạy học theo VNEN mà  giáo viên áp dụng để dạy học ở bậc tiểu học là chưa phù hợp với tâm lý lứa tuổi, nhận thức của học sinh tiểu học. 

Học sinh tiểu học đang nặng về tiếp nhận. Hơn ai hết quá trình nhận thức của các em phải đi từ 'trực quan sinh động động đến tư duy trừu tượng". 

Hay nói rõ ra người thầy phải làm mẫu trước sau đó học sinh mới trao đổi thảo luận để chiếm lĩnh nội dung bài học một cách đầy đủ sâu sắc.

Phần tự trao đổi thảo luận để chiếm lĩnh kiến thức nội dung bài học có thể được tiến hành, nhưng chỉ nên chiếm một thời gian nhất định và được nâng lên dần ở các lớp cuối của bậc trung học cơ sở trở lên. 

Như vậy chỉ có học sinh các lớp lớn mới có thể học được phương pháp dạy học của VNEN.

Thứ ba, đòi hỏi cơ sở vật chất

Lời cuối cho VNEN ảnh 2

Lợi nhuận bán sách VNEN chảy vào túi ai?

Học theo kiểu VNEN đòi hỏi phải có phòng học rộng rãi mới bố trí cho học sinh ngồi được theo nhóm và tạo thuận lợi cho giáo viên đi lại quan sát và hướng dẫn cho học sinh học tập. 

Có hai vấn đề được đặt ra: hoặc là xây lại các trường học hoặc giảm bớt sỹ số học sinh.

Cả hai điều này đều không khả thi, bởi ngay từ đầu dự án xác định "không xây dựng cơ bản".

Hiện tại hoàn cảnh nước ta khó có thể thực hiện được một trong hai điều kiện đó. 

Không hiểu các chuyên gia VNEN và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính toán đến các yêu cầu này chưa? 

Để giảm sỹ số học sinh trên lớp thì cuộc thay đổi lớn về cơ sở vật chất sẽ diễn ra rầm rộ và tốn kém tài chính đến mức nào?

Tại sao Bộ nói rằng VNEN là một mô hình tốt, đáp ứng định hướng đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, nhưng do đang thiếu thốn cơ sở vật chất nên việc triển khai gặp khó khăn?

Chúng tôi mong Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ ngoài các lớp học rộng rãi bảo đảm cho việc học nhóm trao đổi thảo luận theo phương pháp chủ đạo của VNEN thì các lớp VNEN còn cần các loại trang thiết bị kỹ thuật nào?

Các trang, thiết bị kỹ huật đó có khó đến mức các địa phương không đáp ứng được không?

Thứ tư, cái gì cũng tại giáo viên

Tại sao đội ngũ giáo viên tiểu học và trung học cơ sở đã được đào tạo bài bản như lâu nay tại sao không tiếp thu nổi phương pháp dạy học VNEN?

Để đến nỗi bất cứ báo cáo nào của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng năng lực của giáo viên khi tiếp thu phương pháp dạy học VNEN còn hạn chế?

Có thật vậy không, hay là vì giáo viên thiếu đồng thuận nên việc triển khai VNEN chưa đạt được như mong muốn?

Trong khi kinh phí của Dự án dành cho công tác tập huấn bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý để triển khai VNEN không phải là ít.    

Thứ năm, nhiều địa phương duy trì VNEN có phải vì nó vượt trội hơn các mô hình khác?

Lời cuối cho VNEN ảnh 3

Các chuyên gia xin đừng vội đánh đồng VNEN với đổi mới giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có kế hoạch áp dụng triển khai VNEN trong thời gian tới với lý do, ngoài những mặt chưa tốt VNEN vẩn có một số ưu điểm lớn. 

Trong thời gian qua có điều kiện đến làm việc với các phòng giáo dục và đào tạo, chúng tôi được biết hầu hết các cơ sở này đều không mặn mà với VNEN, nhưng họ không dám nói ra.

Bởi hiện nay đã có một tâm lý xuất hiện trong cán bộ quản lý và giáo viên là: cấp dưới tuân thủ cấp trên. Cấp dưới không dám phản biện với cấp trên.

Nhiều nơi sợ không được xếp bậc thi đua cuối năm như ý muốn.    

Thứ sáu, trách nhiệm

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại trách nhiệm của Bộ và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. 

Bởi theo chúng tôi nghĩ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam được Nhà nước cấp kinh phí, có nhiệm vụ chính là phải lo nghiên cứu soạn thảo chương trình cho bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.

Đây là những lời cuối cùng của chúng tôi và cũng có thể là những lời cuối cùng của những người quan tâm tới giáo dục nước nhà dãi bày và thỉnh cầu với Bộ Giáo dục và Đào tạo về câu chuyện VNEN. 

Chúng tôi mong Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm đến ý kiến của chúng tôi.

Nguyễn Đình Anh