Ngày 2/11, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Xung quanh vấn đề này, ngày 1/11, bên lề kỳ họp, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quân (đoàn Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Theo đại biểu Lê Quân: “Chính phủ đã đề xuất lùi thời gian, 1 năm với tiểu học, 2-3 năm với trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Tôi cho rằng, lùi là một quyết định đúng, quyết định mang tính chất quyết đoán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ”.
Đại biểu Lê Quân đoàn Hà Nội (ảnh quochoi.vn). |
Giải thích về nhận định của mình, đại biểu Quốc hội Lê Quân cho rằng: “Khi cần thời gian để chuẩn bị tốt hơn, đặc biệt trong bối cảnh sự đồng thuận trong xã hội chưa cao thì nên lùi thời gian áp dụng và có sự chuẩn bị kỹ hơn.
Lộ trình Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất rất là khả thi khi thực hiện cuốn chiếu. Với giáo dục trung học phổ thông lùi 3 năm tôi cũng hoàn toàn yên tâm.
Ngoài lý do phải lùi, tôi cho rằng việc quan trọng đối với giáo dục phổ thông trung học phải quan tâm rất nhiều đến việc phân luồng, hướng nghiệp.
Lùi thời gian 3 năm với giáo dục trung học phổ thông là cần thiết để chúng ta làm kỹ hơn và chuẩn bị kỹ hơn về chương trình. Đặc biệt liên quan đến vấn đề phân luồng”.
Nhiều đại biểu thấu cảm với Bộ trưởng Nhạ |
Đánh giá về quyết định lùi thời gian triển khai chương trình phổ thông và sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Lê Quân nhấn mạnh: “Tôi đánh giá ở sự mạnh dạn, quyết đoán của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng đồng chí Bộ trưởng thấy cái gì yên tâm thì mới làm.
Chương trình phổ thông mới và sách giáo khoa là vấn đề liên quan rất lớn đến cả một thế hệ, đến chất lượng nguồn nhân lực trong một khoảng thời gian dài sắp tới.
Khi chưa rõ sự chuẩn bị, chưa chắc về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên, đặc biệt sự đồng thuận của xã hội nên xin lùi là điều cần thiết. Qua đây, tôi mong muốn xã hội đồng thuận hơn trong đổi mới giáo dục”.
Vị đại biểu của đoàn Hà Nội còn cho rằng: “Đổi mới lần này là thay đổi từ đào tạo nặng về kiến thức chuyển sang đào tạo về năng lực.
Mà năng lực ở đây rất nhiều nhóm, từ năng lực tự học tập, năng lực sống, năng lực công dân… ngoài ra còn đổi mới về phương pháp dạy học, các hoạt động phối hợp…”
Trưởng ban Dân nguyện - Bà Nguyễn Thanh Hải (ảnh quochoi.vn). |
Cũng liên quan đến vấn đề này, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội - bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng: “Việc lùi chương trình sách giáo khoa mới một năm đã thể hiện sự tính toán cẩn trọng của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bởi, nhận thấy việc áp dụng ngay có thể chưa đạt được chất lượng”.
Theo bà Nguyễn Thanh Hải: “Việc áp dụng chương trình còn phải tập huấn cho giáo viên, phải đảm bảo cơ sở vật chất để thực hiện chương trình.
Việc lùi lần này thể hiện sự cẩn trọng, tính toán để đảm bảo việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho giảng dạy là hợp lý”.
Làm nhanh, nóng vội với giáo dục thì không thể hiệu quả được! |
Trưởng ban Dân nguyện cho biết thêm: “Thực ra trong đề án Chính phủ trình đã đánh giá nguyên nhân rất là kỹ.
Khi trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến còn cho rằng nên cân nhắc có thể cho lùi thêm 2 -3 năm triển khai chương trình phổ thông mới để chuẩn bị cho kỹ, đảm bảo việc tránh lùi một lần rồi lại lùi lần nữa.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đánh giá, thực chất có khả năng hoàn thành và áp dụng chương trình mới theo đúng tiến độ.
Nhưng để đảm bảo thành công cần thận trọng, đánh giá đầy đủ những tác động, cũng như việc thử nghiệm chương trình đạt hiệu quả cao nên lùi thời gian.
Tôi cho rằng, việc lùi một năm, lùi theo bậc thang như đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đảm bảo hoàn thành và có thể đạt hiệu quả tốt”.
Trước nghi ngại về việc đã lùi thời gian triển khai áp dụng chương trình phổ thông mới nhưng vẫn không đảm bảo được về mặt chất lượng, bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng:
“Chúng ta cần tin vào các nhà chuyên môn, các chuyên gia khi đã có sự trao đi, đổi lại, nghiên cứu khoa học trên thực tiễn, từ sự đánh giá nhận thức của học sinh rồi công tác chuẩn bị vật chất.
Tôi đánh giá việc lùi một năm thể hiện được tính thận trọng và đảm bảo tính hiệu quả của việc lùi này”.