Trước thực trạng bạo lực học đường, xâm hại tình dục học sinh xảy ra trong thời gian qua khiến không ít phụ huynh, giáo viên, dư luận bàng hoàng, xót xa. Một câu hỏi đặt ra là làm sao để học sinh tránh bị bạo lực học đường, xâm hại tình dục học sinh.
Nhằm chung tay phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội cùng đưa ra những giải pháp giáo dục nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nạn bạo lực học đường, ngày 22/12, Trường trung học cơ sở Ngô Quyền (Quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội) tổ chức hoạt động ngoại khóa tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường và kĩ năng sử dụng mạng xã hội.
Nội dung phòng chống bạo lực học đường và kỹ năng sử dụng mạng xã hội không chỉ học sinh, phụ huynh mà các thầy cô giáo cũng rất quan tâm trước câu hỏi làm sao để tham gia mạng xã hội an toàn, có ích? Nguyên nhân của bạo lực học đường và cách xử lý ra sao?
Hơn 1.000 học sinh, phụ huynh cùng các thầy cô giáo của Trường trung học cơ sở Ngô Quyền đã được nghe diễn giả Trung tá Đào Trung Hiếu- chuyên gia tội phạm học Bộ Công an trình bày và giải đáp.
Diễn giả, trung tá Đào Trung Hiếu trả lời giải đáp thắc mắc của nhiều em học sinh về việc làm sao để tham gia mạng xã hội hữu ích cũng như phòng chống bạo lực học đường. Ảnh: Vũ Phương. |
Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường có xu hướng tăng và diễn biến khá phức tạp. Bạo lực học đường đã trở thành điểm nóng báo động không chỉ trong ngành Giáo dục mà còn đối với toàn xã hội.
Theo báo cáo sơ bộ của cơ quan Công an tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước từ năm 2010 đến nay đã có 7735 học sinh, sinh viên tham gia vào vụ đánh nhau, bị xử lý kỉ luật.
Chuyên gia cũng chỉ ra rằng bạo lực học đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó mạng xã hội chính là môi trường nảy sinh nhiều mâu thuẫn gây bất hòa trong giới học sinh hiện nay.
Trung tá Đào Trung Hiếu cũng thừa nhận, mạng xã hội nếu biết khai thác sẽ rất có lợi ích thiết thực như kết nối mọi người, chia sẻ kiến thức, nhưng mạng xã hội cũng nảy sinh nhiều bất cập và có những mặt trái.
Bằng những kinh nghiệm nhiều năm điều tra các vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao, trung tá Đào Trung Hiếu đã phân tích những nguy cơ, hiểm họa của việc học sinh khi tham gia vào mạng xã hội như facebook hiện nay.
Chuyên gia Đào Trung Hiếu hướng dẫn, chỉ một số "tuyệt chiêu" giúp học sinh phòng vệ trước những tình huống đối mặt với nguy hiểm. Ảnh: Vũ Phương. |
Chuyên gia Đào Trung Hiếu giả định tình huống bị đối phương túm cổ tay phải làm thế nào để thoát. Ảnh: Vũ Phương. |
Chuyên gia Đào Trung Hiếu cũng thông tin, theo kết quả một cuộc điều tra xã hội học, trung bình mỗi ngày một người bỏ ra gần 3 giờ đồng hồ chỉ để lướt facebook.
Diễn giải cũng đặt câu hỏi bao nhiêu trong số các em học sinh ngồi đây ai có facebook, gần như tất cả các cánh tay học sinh giơ lên.
Chuyên gia Đào Trung Hiếu không khuyên các em không tham gia mạng xã hội mà tham gia một cách thông minh, hiểu biết. Để các em không trở thành miếng mồi ngon của những kẻ xấu, tội phạm khai thác trên facebook, các cần phải có những kỹ năng sử dụng thông minh như: tuyệt mật với những thông tin cá nhân như địa chỉ nhà, số điện thoại, ngày tháng năm sinh…
Trung tá Đào Trung Hiếu chỉ ra: “Đăng ký tài khoản mạng xã hội không phải là bản khai sơ yếu lý lịch nên các em không phải khai chi tiết từ số nhà, số điện thoại cá nhân…
Nhiều vụ lừa đảo diễn ra một cách dễ dàng bởi thủ phạm luôn nắm rõ được các hoạt động của các em học sinh khi lợi dụng vào tâm lý lứa tuổi mới lớn thích thể hiện cái tôi, nên đi đâu, làm gì cũng cập nhật trên mạng xã hội. Điều này rất nguy hiểm”.
Đặc biệt, chuyên gia nhấn mạnh đến kỹ năng đồng ý kết bạn trên thế giới ảo, phòng chống những nguy cơ bị bắt cóc, lừa đảo.
Chuyên gia khuyên các em trước khi nhấn nút đồng ý kết bạn, các em nên vào trang cá nhân của người gửi lời mời kết bạn để xem facebook đó là động hay tĩnh. Tài khoản động là tài khoản có hình đại diện, những sự kiện, hoạt động của họ có thường xuyên được cập nhật hay không. Còn tài khoản tĩnh là họ không hoạt động, facebook ảo đó họ lập nhằm mục đích xấu, các em không nên đồng ý khi chưa biết gì về hộ.
Bởi vậy, các em học sinh cần thận trọng khi kết bạn trên mạng xã hội, hãy tìm hiểu kĩ những người trong Friend list của mình. Hãy hướng tới việc giao lưu, tương tác với nhau “trên mặt đất” chứ không chỉ bằng những tin nhắn qua lại, bởi sử dụng quá nhiều mạng xã hội còn dễ khiến trẻ em mắc nguy cơ về trầm cảm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Diễn giả Đào Trung Hiếu khuyến cáo học sinh chỉ tin tối đa 50% các thông tin trên mạng xã hội. Ảnh: Vũ Phương. |
Cũng theo chuyên gia Đào Trung Hiếu, cần phải kiểm soát chặt chẽ học sinh trong việc dùng mạng xã hội, nhất là trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, để mua chiếc điện thoại thông minh không phải khó, rất phổ biến.
Phụ huynh, thầy cô nên giới hạn thời gian lên mạng xã hội của các con, chỉ trong một giờ nhất định, ngoài ra cần luôn theo sát các con để kịp thời điều chỉnh những hành vi lệch chuẩn, những cách ứng xử thiếu lịch sự giữa các con trên thế giới ảo.
Chuyên gia Đào Trung Hiếu cũng chia sẻ các kiến thức về các kĩ năng phòng chống bạo lực học đường, một vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay.
Diễn giả cho hay, để tránh những hậu quả của bạo lực học đường, các em cần chủ động ứng phó ngay từ khi có dấu hiệu mình hoặc bạn bè sắp bị bạo lực. Khi phải đối diện với bạo lực, trước tiên các em cần tìm sự giúp đỡ của thầy cô, tránh mặt đối tượng, phải biết thoát thân khi bị bao vây.
Một trong những bài học đầu tiên của việc bị bạo lực học đường là không được đứng im chịu đòn. Các em cần phải chủ động phòng vệ, bảo toàn bản thân khỏi những tình huống nguy hiểm như bị đánh hội đồng.
Một kỹ năng quan trọng đó là “chạy”, chạy không phải là hèn mà chạy để bảo vệ mình. Các em có thể vào nhà người dân rồi hô cứu hoặc chạy vào cơ quan công sở, đồn công an, hay bất cứ tiệm tạp hóa hoặc siêu thị, nơi có bảo vệ để cầu cứu.
Tại buổi giao lưu, chuyên gia Đào Trung Hiếu cũng biểu diễn những “miếng võ” giúp các em học sinh có thể khống chế và đào thoát khỏi đối tượng. Việc học võ là rất cần thiết để bảo vệ mình, đồng thời có thể giúp cho bạn bè của mình chẳng may bị các đối tượng xấu bắt nạt.
Nhà giáo Nguyễn Thị Tuyết Minh cho rằng, ngoài tuyên truyền, dạy kỹ năng sống, nhà trường luôn chú trọng môi trường học tập thân thiện, năng động để các em có đủ kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục. Ảnh: Vũ Phương. |
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Tuyết Minh - Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Ngô Quyền cho biết: “Thời gian gần đây rất nhiều vụ việc đau lòng, xót xa xảy ra trong nhà trường như bạo lực học đường, xâm hại tình dục học sinh, học sinh đánh nhau quay clip đưa lên mạng xã hội...
Để trang bị thêm những kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức tránh bạo lực học đường, bị xâm hại tình dục học sinh, ứng xử văn minh lịch sự, sử dụng mạng xã hội ra sao thì ngoài hoạt động chuyên môn, nhà trường rất chú trọng tổ chức các hoạt động ngoại khóa như buổi tuyên truyền ngày hôm nay.
Buổi chia sẻ kiến thức, kỹ năng của diễn giả, trung tá Đào Trung Hiếu các em học sinh đều rất hào hứng, chăm chú lắng nghe, đặt câu hỏi và đã có những trải nghiệm thú vị. Chúng tôi hi vọng học sinh sẽ học tập được nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết để tự biết cách bảo vệ mình”.
Hàng nghìn học sinh, thầy cô, phụ huynh Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền cùng lắng nghe, trao đổi, đặt câu hỏi với diễn giả về các vấn đề bạo lực học đường, kỹ năng sử dụng mạng xã hội. Ảnh: Vũ Phương. |
Nhà giáo Nguyễn Thị Tuyết Minh tặng hoa cảm ơn diễn giả, trung tá Đào Trung Hiếu. Ảnh: Vũ Phương. |