Mơ một phòng học vững chãi

10/01/2016 07:39
Thủy Phan
(GDVN) - Ở những lớp học vùng cao, việc có được một căn phòng vững chãi thay thế phòng học tạm bợ đã bị mục là cả một ước muốn xa xỉ.

Hôm nào gió to, cả thầy và trò không dám đến lớp

Xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) có 18 bản với 100% đồng bào người dân tộc Ma-coong sinh sống. Nơi đây chưa có điện, thiếu nước, điều kiện sống của người dân rất khó khăn.

Đường đến các bản làng ngoằn nghèo bò dọc theo núi. Mỗi điểm bản cách nhau một ngọn đồi đến hàng cây số, có nơi phải lội qua suối, đi bộ cả tiếng đồng hồ.

Mơ một phòng học vững chãi ảnh 2
Lớp học ở bản 51 chỉ 4 chiếc bàn ghế đã cũ nát, nền đất bụi chỗ lồi chỗ lõm (Ảnh: Thủy Phan)

Chúng tôi đi từ trung tâm xã đến một số điểm trường thuộc trường tiểu học số 2 Thượng Trạch và nhận ra một điều rằng, ở điểm trường nào, niềm mơ ước của học sinh và các thầy cô giáo đều là có được những phòng học vững chãi hơn để yên tâm học hành.

Hôm chúng tôi đến điểm trường ở bản 51, điều làm chúng tôi không thể quên được đó là phòng học xập xệ. Cả bản chỉ có duy nhất một phòng học tồi tàn rộng chừng 35 m2, là địa điểm học chung của 2 lớp ghép tiểu học.

Phòng học lâu năm nên đã xập xệ, xiêu vẹo (Ảnh: Thủy Phan)
Phòng học lâu năm nên đã xập xệ, xiêu vẹo (Ảnh: Thủy Phan)

Căn phòng được dựng từ những tấm ván ghép lại, hở toác, vì lâu ngày nên đã bị mục mối. Bên trong chỉ có 4 chiếc bàn ghế đơn sơ, mùa hè nắng chói vào đến cháy da, mùa đông gió lại thổi thông thốc khiến cả thầy và trò co ro vì giá rét.

Thầy Đỗ Hồng Thái, giáo viên dạy lớp ghép 3+4 cười buồn: “Thầy và trò ở đây không sợ mưa, cũng không sợ lạnh đâu, mà chỉ sợ gió thôi. Hôm nào có gió to là cả thầy và trò không dám đến lớp vì sợ trường bị... sập.

Bây giờ các thầy còn được người dân cho mượn nhà để ở, chứ cách đây 3-4 năm trước, phòng học này còn phải ngăn đôi một bên trò học, một bên thầy ở
”.

Nghe thầy Thái nói xong, rồi nhìn căn phòng đã rất xập xệ khiến chúng tôi không khỏi ái ngại.

Được biết, phòng học này được Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Bình tặng cách đây khoảng 15 năm trước, vì lâu ngày nên bây giờ gỗ đã bị mục.

Bản 51 có 12 em học sinh bậc tiểu học từ lớp 1 đến lớp 4 và hai thầy giáo. Lớp ghép 3+4 học buổi sáng, lớp ghép 1+2 học buổi chiều. Vì không có điều kiện nên những em mầm non không được đến lớp.

Trời mưa, phải giấu sách vở dưới ngăn bàn

Từ bản 51, muốn đến được hai điểm trường ở bản Nồông cũ và Nồông mới, chúng tôi phải đi bộ hơn 40 phút, lội qua suối. Có những đoạn đường nằm cheo leo bên sườn đồi chỉ rộng độ 3 gang tay, bé đến nỗi hai người đi ngược chiều phải né nhau.

Một đoạn đường đi vào bản Nồông (Ảnh: Thủy Phan)
Một đoạn đường đi vào bản Nồông (Ảnh: Thủy Phan)

Hai bản Nồông có 3 lớp ghép tiểu học và 4 thầy giáo, trong đó một thầy phụ trách dạy những môn chuyên biệt. Bản này cách bản kia chừng 200 mét, nhưng ngày nào thầy Nguyễn Trọng Diềm (giáo viên dạy chuyên biệt) cũng phải đi bộ từ bản này sang bản khác để dạy cho các học sinh.

Hai lớp ghép ở bản Nồông mới có 26 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Các em học sinh ở đây khi sinh ra đều nói tiếng dân tộc, lại không được học mầm non, vì thế các thầy giáo phải học tiếng dân tộc thì mới có thể dạy được học sinh lớp 1. 

Bản Nồông cũ chỉ có 10 hộ với khoảng 30 nhân khẩu (Ảnh: Thủy Phan)
Bản Nồông cũ chỉ có 10 hộ với khoảng 30 nhân khẩu (Ảnh: Thủy Phan)

Thầy Nguyễn Văn Thăng, giáo viên dạy ở bản Nồông mới cho biết: “Mỗi lần đi từ quê lên, chúng tôi phải gửi xe ở bản 51, rồi đi bộ lên đây. Đường đi trời khô ráo đã khó khăn như thế, chỉ cần một trận mưa lớn nữa là không thể đi được, khổ nhất là khi đau ốm”.

Còn ở bản Nồông cũ chỉ có một lớp ghép 7 học sinh từ lớp 2 đến lớp 5. Vì không có phòng học nên phải mượn nhà dân để làm phòng học, căn nhà này cũng phải ngăn đôi ra để một bên cho thầy giáo ở.

Vì một lớp đến 4 trình độ, nên thầy Nguyễn Văn Lai, dạy ở bản Nồông cũ phải chia bảng làm đôi để dạy, một bên cho học sinh lớp 5 và một bên cho lớp 2,3,4.

Trời mưa, học sinh ở bản Nồông cũ phải cho sách vở vào ngăn bàn không là bị ướt (Ảnh: Thủy Phan)
Trời mưa, học sinh ở bản Nồông cũ phải cho sách vở vào ngăn bàn không là bị ướt (Ảnh: Thủy Phan)

Ở đây, không chỉ chia đôi phòng học mà còn phải chia đôi bảng. Căn phòng này là nhà ở của dân, họ không dùng nữa nên mình mượn làm phòng học. Tuy nhiên, căn nhà vách nứa lâu ngày cứ trời mùa mưa là bị dột, mà mùa hè thì lại nắng nóng. 

Mỗi lần mưa dột, các em học sinh phải bỏ sách vở vào ngăn bàn không là bị ướt. Dù thế, các em học sinh vẫn rất thích đi học, tiếp thu bài cũng nhanh, nhưng nếu nghỉ mấy ngày là các em lại quên
”, thầy Lai tâm sự.

Mơ một phòng học vững chãi ảnh 7
Mượn tạm nhà dân đề làm phòng học, căn nhà vách nứa cứ trời mưa là bị dột nhưng vẫn phải ngăn đôi để thầy giáo có chỗ ở (Ảnh: Thủy Phan)

Với những em học sinh ở đây, cái ăn để no bụng còn thiếu huống chi nói tới việc mua quần áo, sách vở. Mùa đông cũng như mùa hè, các em chỉ có một manh áo mỏng, một đôi dép lê cũ, nhiều đứa còn phải đi chân đất vì không có dép... 

Điều kiện sống vốn đã khó khăn, nên các thầy cô, học sinh và người dân nơi đây chỉ có một mong ước thật giản dị là sẽ có một lớp học kín gió, đủ để che mưa, che nắng. 

Mơ một phòng học vững chãi ảnh 8
Không chỉ ngăn đôi phòng, mà giáo viên bản Nồông cũ còn phải ngăn đổi bảng để dạy (Ảnh: Thủy Phan)

Thầy Võ Anh Tuân, Hiệu trưởng trường tiểu học số 2 Thượng Trạch cho biết:

Toàn trường có 1 điểm trung tâm và 9 điểm lẻ với 212 em học sinh. Tất cả có 21 lớp học thì có tới 20 lớp ghép, trong đó có 6 lớp ghép 3 trình độ, 1 lớp 4 trình độ, còn lại là 2 trình độ.

Phần lớn, phòng học ở các điểm trường lẻ còn rất thiếu thốn, xập xệ, nhất là điểm trường bản 51 và Nồông mới. Tuy nhiên, do địa hình vùng núi có quá nhiều điểm trường, nên việc xây dựng phòng học rất khó khăn
”.

Thủy Phan