Gian nan đường đến trường
Muốn đến thôn Công Hòa, xã Quảng Trung (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) để dạy chữ cho các em học sinh, nhiều năm nay các thầy cô giáo của trường Tiểu học Quảng Trung và trường Mầm non Quảng Trung phải thay phiên nhau qua sông trên những chuyến đò ngang nhỏ bé.
Hàng ngày các thầy cô giáo qua sông "gieo" chữ trên những chuyến đò ngang. (Ảnh: Thủy Phan) |
Từ trung tâm xã Quảng Trung qua điểm trường lẻ ở thôn Công Hòa chỉ hơn 3 cây số, nhưng hàng ngày các giáo viên chạy xe, ngồi đò rồi đi bộ mất gần 30 phút mới đến nơi, đem con chữ đến với học sinh vùng sông nước.
Chỉ cho tôi thấy khúc sông hàng ngày các thầy cô phải chờ đò để sang thôn Công Hòa dạy học, cô Đinh Thị Thanh Bình - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Quảng Trung cho biết, từ thôn Công Hòa đi sang điểm trường trung tâm các em phải đi bằng đò, nguy hiểm nên các ban ngành chức năng đã đầu tư kinh phí để xây dựng phòng học dành cho học sinh từ bậc học mẫu giáo đến lớp 3 tiểu học tại khu vực lẻ này.
Việc này vừa giúp các em nhỏ không phải qua sông nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa lũ, vừa đảm bảo cho các em được học chữ ngay tại thôn của mình.
Những đợt lũ liên tiếp cuối năm 2016 là thời điểm vất vả nhất của các thầy cô giáo nơi đây khi dưới sân thì bùn 2-3 lớp, còn trong lớp học lại đầy phân trâu, bò. (Ảnh: các thầy cô cung cấp) |
Điểm trường ở thôn Công Hòa có một dãy nhà hai tầng, tầng 1 dành cho 3 lớp học mầm non, tầng 2 dành cho 3 lớp tiểu học. Vì vậy, các em học sinh từ lớp 4 đến lớp 12 hàng ngày vẫn phải qua sông đến trường học.
Đường đến trường trên những chuyến đò ngang |
Bên cạnh đó, hàng ngày nhiều thầy cô giáo mầm non và tiểu học phải qua sông trên những con đò nhỏ nhoi, cũ kỹ để đến lớp dạy học cho các em học sinh.
Mùa nắng hạn, sông Gianh cạn nước, việc đi lại ở đây tương đối dễ dàng. Nhưng vào mùa mưa lũ, nước sông lên nhanh, chảy xiết, con đò chở thầy cô và các em học sinh chòng chành đầy hiểm nguy.
Tính mạng của cả thầy và trò trông chờ cả vào tay nghề chèo đò của của những người bản xứ.
Cô Hoàng Thị Hằng (giáo viên tiểu học ở điểm trường thôn Công Hòa) tâm sự, ở điểm trường này có 3 thầy cô phụ trách 3 lớp, gồm: lớp 1, lớp 2 và lớp 3.
Để đến trường, hàng ngày các thầy cô chạy xe đến bến đò gửi, sau đó ngồi đò sang sông. Từ bến đò bên kia sông đến điểm trường, các thầy cô phải đi bộ khoảng 700 mét, con đường khúc khuỷu, rất khó đi, trời nắng còn khô ráo chứ trời mưa thì như lội dưới bùn lầy. Cứ như vậy, mỗi ngày hai buổi các thầy cô phải qua lại bốn lượt cả đi lẫn về.
Năm nay, các thầy cô giáo và nhiều học sinh Tiểu học ở điểm trường trung tâm qua sông để tổ chức các hoạt động vui chơi nhân dịp 26/3 cho học sinh ở điểm trường lẻ thôn Công Hòa. (Ảnh: Thủy Phan) |
“Trang phục thường xuyên của các thầy cô ở đây là ủng và áo mưa. Trời mưa là đường lầy lội lắm, nên đi ủng cho đỡ bẩn, còn ngày nắng thì cũng đi dép lê cho tiện vì phải đi đò, mà còn cả quãng đường đi bộ từ bến đò vào trường nữa.
Không chỉ vậy, khi đò hỏng thì chúng tôi phải chờ cả tiếng. Nhiều khi 10 giờ là tan học rồi nhưng 11 giờ chúng tôi mới qua sông được”, cô Hằng nói.
Ước có một cây cầu
Có những đợt nước lũ dâng cao, ngập hết nhà cửa và trường học. Những ngày này, người dân dắt tất cả trâu bò lên dãy tầng hai của điểm trường để tránh trú.
Trang phục thường xuyên của các thầy cô là ủng, áo mưa, dép lê (Ảnh: Các thầy cô cung cấp) |
Khi nước rút, để lại cho các thầy cô những phòng học với đầy phân trâu, bò. Lúc đó, các thầy cô chỉ biết ngậm ngùi dọn dẹp sạch sẽ để các em học sinh nhanh chóng được quay lại lớp.
“Mấy đợt lũ liên tiếp ở kỳ học trước, chúng tôi phải dọn liên tục. Dưới sân bùn 2 - 3 lớp, trên phòng học thì đầy phân trâu, bò. Qủa thật, đó là những ngày vất vả, khổ cực nhất của chúng tôi. Giờ nghĩ lại mà vẫn thấy sợ”, cô Hằng chia sẻ.
Để các thầy cô trong trường không ai phải qua
Hàng trăm học sinh hàng ngày đạp xe chờ đò sang sông đến trường từ 5 giờ sáng |
sông dạy học nhiều năm, trường Tiểu học Quảng Trung đã cử giáo viên thay phiên nhau, mỗi người một năm đi dạy ở khu vực lẻ.
Ông Hoàng Lương Yên - Hiệu trưởng trường Tiểu học Quảng Trung cho biết: “Trường chúng tôi có tất cả ba điểm trường, một điểm trung tâm và hai điểm lẻ. Nhưng khó khăn nhất là điểm trường lẻ ở thôn Công Hòa vì ở đó thầy cô và học sinh phải đi đò qua sông”.
Theo thầy Yên, thầy và trò qua sông dạy, học rất nguy hiểm, vất vả nhưng điều kiện không có nên đành phải chấp nhận.
Từ nhiều năm nay, các thầy cô giáo, học sinh và cả người dân nơi đây đều ao ước có một cây cầu bắc qua thôn Công Hòa để việc đi lại của họ đỡ vất vả hơn. Nhưng ao ước đấy mãi vẫn chỉ là ước ao, không biết đến khi nào niềm ao ước nhỏ nhoi đó mới thành hiện thực.
Chia tay các thầy cô giáo cũng là lúc các cô thầy đã hạ cánh an toàn để chuẩn bị về nhà. Rồi ngày mai, ngày kia và những ngày kia nữa..., các thầy cô lại vượt sông trên những con đò nhỏ nhoi sang bên kia “gieo” chữ. Rồi những em học sinh từ lớp 4 trở lên nữa cũng lại hành trình xuyên suốt trên những chuyến đò ngang đến trường.
Dù gian nan, vất vả đấy, nhưng họ không hề lùi bước mà vẫn tiếp tục những bước đi thật vững chãi, để tiến tới một tương lai tốt đẹp hơn.