Nghị lực của người thầy khuyết tật nặng 27 kg

23/09/2012 06:42
Theo Gia đình & Xã hội
Tới xã Đại Thịnh, Mê Linh, Hà Nội hỏi nhà thầy giáo Chu Quang Đức thì ai cũng biết. Năm nay đã 29 tuổi, thầy chỉ cao 1,1m và nặng 27 kg. Hiện nay thầy là giáo viên bộ môn Tin học Trường THPT Mê Linh.
Thầy Chu Quang Đức là một tấm gương sống về nghị lực, ý chí cho biết bao người noi theo. Bị tật nguyền từ nhỏ, nhưng không đầu hàng số phận, thầy đã vượt lên nghịch cảnh để trở thành người thầy dìu dắt rất nhiều thế hệ học trò vào đại học.

Vượt lên số phận
Nhìn những nét chữ run rẩy trên bảng tính điện tử, được viết bởi bàn tay của một người hằng ngày vẫn phải làm bạn với chiếc xe lăn, mới hiểu hết được nghị lực và tấm lòng của người thầy ấy.
Thầy giáo Chu Quang Đức sinh năm 1984, là con trai của cựu chiến binh Chu Quang Chiến (Đại Thịnh, Mê Linh, Hà Nội) hiện nay thầy là giáo viên bộ môn Tin học tại Trường THPT Mê Linh. Điều không may đối với thầy là khi sinh ra thầy đã bị nhiễm chất độc da cam. Vì thế mà năm nay đã 29 tuổi, thế nhưng thầy chỉ cao 1,1m và nặng 27 kg. Bà con trong làng ngoài xã vẫn thường gọi đó là "thầy giáo tí hon".

Người thầy trên xe lăn Chu Quang Đức.
Người thầy trên xe lăn Chu Quang Đức.

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Với những người có hoàn cảnh không may như thế thì đa số thường rất tự ti, bi quan về bản thân. Thầy Đức ban đầu cũng không ngoại lệ. Thầy bảo những ngày còn nhỏ cảm thấy rất mặc cảm với bạn bè, nhiều lúc xuất hiện ý nghĩ buông xuôi. Thế nhưng kể từ ngày thầy bắt đầu bước chân đi học thì cái ý nghĩ bi quan ấy đã được thầy xua tan đi hồi nào không hay. Thầy đã bắt đầu có những ý nghĩ mới về bản thân mình, về cuộc sống đang tiếp diễn.

Ý thức được sự thiệt thòi của bản thân mình, ngay từ ngày chập chững đi học cấp 1, cấp 2 thầy đã đặt ra cho mình một con đường duy nhất: đó là học và học. "Chỉ có học mới có thể giúp tôi chống lại được với sự thiệt thòi mà số phận đã dành cho mình. Và cũng chỉ có học mới giúp tôi có thể thay đổi được cuộc sống” - thầy tâm sự. “Từ ngày đi học không bao giờ tôi có ý định chán nản, bi quan nữa. Mọi nỗi buồn, thất vọng tôi đều dồn tất cả hết vào việc học, nhờ việc học mà tôi đã xua tan đi được những ám ảnh số phận, và có thêm nghị lực để thay đổi cuộc sống".

Với thầy thì điều thích nhất và cảm thấy thú vị nhất đó chính là mỗi ngày được đi học cùng người cha của mình. Ước mơ thay đổi cuộc sống của thầy đã được tiếp lửa bởi một người cựu chiến binh đầy tâm huyết và luôn sẵn lòng vì con cái. Đó là ông Chu Quang Chiến - cha của thầy Đức. "Nếu không có tình thương, sự chăm sóc ân cần của cha thì ước mơ của tôi cũng khó lòng thực hiện được. Bởi hơn ai hết, cha là người bạn đồng hành cùng tôi trên mọi nẻo đường của sự học".
Từ ngày học phổ thông, đều đặn ngày nào cũng như ngày nào, ông Chiến 2 buổi chở con đi học, về học. Cho đến khi thầy Đức đậu Đại học sư phạm Hà Nội II thì ông Chiến lại đồng hành cùng con đi hết quãng đời sinh viên. Rồi bây giờ, khi thầy Đức đã đi dạy học, ông Chiến lại tiếp tục cùng con gieo sự nghiệp trồng người.
Sinh ra đã không được may mắn, thầy Đức thiếu quá nhiều thứ để làm một con người bình thường. Thế nhưng ở thầy lại có một thứ mà nhiều người bình thường không có được. Đó chính là sức mạnh của lòng quyết tâm. Chính nhờ sự quyết tâm này mà thầy đã giành cho mình những thành tích mà nhiều người bình thường cũng phải kính nể. Những năm học phổ thông, thầy luôn là học sinh xuất sắc. Sau 4 năm hai cha con ở trọ đèn sách, thầy đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu. Bây giờ khi đang gánh trên vai trọng trách lớn, đó là ươm mầm những tài năng cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà thì thầy Đức vẫn luôn được mọi người đánh giá cao bởi khả năng và sự nhiệt huyết của mình. Điều thầy luôn tâm niệm và truyền cho học sinh đó chính là phải học để có thể thay đổi cuộc sống như chính thầy đã từng làm với bản thân mình.

Hơn cả một Người thầy
Nếu ai lần đầu mới gặp sẽ rất ái ngại cho thầy bởi vì lo sợ rằng sức khỏe của thầy sẽ không thể đảm bảo cho công việc trồng người. Bởi việc dạy học phải hao tổn rất nhiều sức lực về cả trí óc lẫn tinh thần.

Ấy vậy mà thầy Đức đã không nghĩ thế, bên cạnh giờ dạy chính ở lớp thì thầy cũng thường xuyên mở các lớp dạy thêm ở tại nhà vào thứ Bảy và Chủ nhật. Thầy chia sẻ: "Việc dạy các em không hề khiến tôi mệt mỏi mà ngược lại còn mang đến cho tôi rất nhiều niềm vui vì được đóng góp chút công sức để chắp cánh ước mơ cho các em. Tôi luôn nghĩ rằng mỗi người thầy nên tự xem mình như một người công nhân, phải làm việc miệt mài vì những thế hệ học sinh. Dù sức khỏe của tôi không được tốt như người bình thường, nhưng ít nhất mỗi ngày tôi vẫn phải làm việc đủ 8 tiếng".
Trong căn nhà nhỏ của mình, thầy Đức đã mở lớp dạy thêm ở bên ngoài hành lang. Với vài chiếc bàn học, một chiếc bảng điện tử và một chiếc máy chiếu, thầy Đức cứ miệt mài viết lên những con số và dòng chữ để truyền đạt lại kiến thức. Có một điều đặc biệt rằng thầy dạy nhiều lớp cùng một lúc. Khi chúng tôi đến thì thầy chỉ rằng: Đây là lớp 11, kia là học sinh 12... Thầy bảo đang giảng bài cho học sinh lớp 11 và giao bài tập cho học sinh lớp 12. Cứ thế thầy luân phiên giảng và chữa bài tập cho 2 lớp.
Trong lúc tiếp chuyện chúng tôi, thầy Đức cũng rất bận rộn bởi có rất nhiều phụ huynh gọi điện tới hỏi thăm tình hình học tập của con em họ. Thầy luôn tạo cho phụ huynh các em học sinh một sự tin tưởng. Thầy bảo với những phụ huynh đó rằng phải khai thác khả năng của học sinh, chứ không nên ép buộc học sinh phải theo một khuôn khổ nhất định nào đó, phải từ từ rèn luyện, khổ luyện nhiều thì mới nên được.
Lớp học của thầy Đức chủ yếu là học 4 môn Toán, Lý, Hóa, và Tin học. Những học sinh học ở lớp của thầy thường được kèm xuyên suốt 3 năm, từ lớp 10 cho tới lớp 12. Học sinh ở đây có rất nhiều người ở xa, khác xã và khác huyện nhưng vẫn đến lớp của thầy Đức để học. Những học sinh ấy luôn có một niềm tin mãnh liệt đối với người thầy đặc biệt này.
Trong quá trình giảng dạy tại nhà, thầy luôn hiểu hoàn cảnh từng học sinh, để tư vấn giúp các em cũng như gia đình chọn khối, chọn trường thi phù hợp. Em nào hoàn cảnh gia đình khó khăn thầy còn không thu học phí.
Kể từ năm 2009 tới nay, mỗi năm lớp học của thầy Đức đều có 9 -10 học sinh đỗ vào các trường đại học lớn. Như năm học 2011- 2012 vừa rồi, số lượng học sinh đậu đại học còn lên tới con số 15. Trong đó có những trường đại học lớn như Đại học Luật, Ngoại Ngữ, Sư phạm... Ngoài ra còn nhiều em đậu vào các trường Cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Nói về sự thành công của các học sinh, thầy không giấu khỏi niềm vui: "Hạnh phúc của tôi là được thấy các em đặt chân vào giảng đường đại học, để sau này thoát cảnh lam lũ...".
Thầy bảo: "Mình không làm được gì nhiều đâu, đơn giản là không có sự khác biệt nào hết. Nhiều người cũng có hoàn cảnh không may như mình, thế nhưng họ còn làm được nhiều hơn mình".


NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Việt Nam đã mấy lần đổi mới giáo dục?

Đại học Quốc Gia có thực sự lọt vào top 700 của thế giới?

'Thật bi hài! Cả đời làm giáo dục, tôi chưa gặp chuyện như ĐH Tây Đô'

Thiếu tướng Nguyễn Đức Tỉnh nói về thu hút nhân tài ở Bộ Quốc Phòng

Những hình ảnh độc của Barack Obama thời sinh viên

SV gửi tâm thư tới Bộ trưởng Giáo dục: "Em bị biến thành Chí Phèo..." 

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Theo Gia đình & Xã hội