Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

Ngoài công lập khiến trường công cũng phải đổi mới

14/03/2014 21:11
Xuân Trung
(GDVN) - Bằng tất cả tấm lòng, Phó thủ tướng cảm ơn, đánh giá cao sự tâm huyết của toàn bộ hệ thống ngoài công lập trong thời gian vừa qua.
Ngày 14/4, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tiến hành tổng kết 20 năm hoạt động mô hình giáo dục đại học ngoài công lập. Hội nghị tổng kết diễn ra sôi nổi, với nhiều ý kiến đánh giá, nhận định xác đáng về mô hình ngoài công lập. Do nhiều ý kiến làm nóng hội trường, Hội nghị diễn ra kéo dài ngoài dự kiến tới hơn 2 giờ đồng hồ. 

Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, sau nghi lắng nghe các ý kiến tham luận tại Hội nghị Phó Thủ tướng cho biết, hiện xã hội hóa là một chủ trương đúng đắn, được minh chứng không chỉ trong giáo dục mà thấy rõ hiệu quả tác động tích cực đến kinh tế- xã hội 

Tự hào từ các trường ngoài công lập

Phó Thủ tướng cho biết, xã hội hóa khu vực giáo dục ngoài công lập mang lại lợi ích rất lớn, ông đồng tình với quan điểm thực hiện xã hội hóa không chỉ vì nhà nước không có tiền mà là nhà nước nhận ra rằng có những điểm ở khu vực công lập dù muốn mà không làm được ngay, mà ở khu vực ngoài công lập có thể làm được vì có những thế mạnh rất riêng của mình. Ví dụ như bỏ 1,5 triệu USD mua một chương trình giảng dạy, hay mạnh dạn mời giáo viên nước ngoài vào, những thế mạnh đó khu vực trường công không làm được.

Phó Thủ tướng cũng nhận định, thành tựu của ngoài công lập còn nhiều điều đáng tự hào, đến nay đã chiếm 20% tổng số trường trong cả nước, số sinh viên xấp xỉ 14%. Đặc biệt, sự có mặt của các trường ngoài công lập cũng làm cho hầu hết các trường công lập phải đổi mới. Kết quả của giáo dục ngày hôm nay có sự  đóng góp của khu vực ngoài công lập, kết quả này rất đáng trân trọng, tự hào. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đám phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết 20 năm mô hình giáo dục ngoài công lập. Ảnh Xuân Trung
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đám phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết 20 năm mô hình giáo dục ngoài công lập. Ảnh Xuân Trung

Bằng tất cả tấm lòng, Phó Thủ tướng cảm ơn, đánh giá cao sự tâm huyết của toàn bộ hệ thống ngoài công lập trong thời gian vừa qua. 

Trước nhiều ý kiến phát biểu hâm nóng hội trường, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi, vì sao lại gọi Hội nghị này là tổng kết khi mà có quá nhiều ý kiến tâm huyết, hay là ít tổng kết quá chăng? Thứ hai, đây là vấn đề còn nhiều nhận thức khác nhau. Chúng ta biết cái gì là khó khăn, cái gì không hợp lý, sau đây nhất định phải tháo gỡ.

Thực hiện triệt để công bằng công - tư

Phó Thủ tướng đề nghị, trên tinh thần chung, nhất định phải quán triệt triệt để công bằng, bình đẳng, từ chính sách nhỏ đến lớn đều phải bình đẳng, không được có sự phân biệt. Nhưng cần lưu ý bình đẳng giữa một người 15 tuổi và 40 tuổi thì còn tương đối, nhưng với một cháu bé thì khó, hướng tới bình đẳng nhưng những khu vực trường mới phải có một sự ưu tiên. 
Phó Thủ tướng lấy ví dụ, trước đây có địa phương nói cấm không cho nhận người tốt nghiệp ngoài công lập vào làm. Việc ấy tuy không phải trách nhiệm của ngành giáo dục, nhưng ngành phải lên tiếng đầu tiên, phải công bằng, bình đẳng.

Nói đến giải pháp để đảm bảo công bằng, Phó Thủ tướng lấy ví dụ về chỉ tiêu, thay vì đơn thuần tăng chỉ tiêu cho trường công, giờ không tăng nữa, mà hợp tác với các trường tư thục để đào tạo. Chỉ một động tác như vậy có thể tạo điều kiện cho các trường tư thục phát triển. 

“Tôi cho rằng có nhiều thứ chưa công bằng. Nhưng ngược lại, về phía các trường ngoài công lập, tất cả đã cố gắng, nhưng có phải ai cũng tốt chưa? Tất nhiên trong trường công có nhiều trường hợp không tốt, con sâu làm rầu nồi canh, nhưng sâu thì ít thôi, nên phải cùng nhau nhặt cho sạch” ông Đam cho hay.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng, việc ra đời Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập là rất hay, cần tiếp tục phát huy vai trò của Hội. Và trong lĩnh vực giáo dục, Phó Thủ tướng cho rằng Hội nên tổ chức nhiều hội nghị như hôm nay để Chính phủ, Bộ GD&ĐT được lắng nghe nhiều hơn. 

Vướng chính sách, sẵn sàng mời các bộ liên quan đối chất

Về việc bất cập trong cơ chế chính sách với các trường ngoài công lập, Phó Thủ tướng cho biết, tại sao Hiệp hội không giúp để phân tích từ trên xuống dưới, vướng luật thì cần thời gian mới sửa được, nhưng có những thứ không cần như vậy.

Qua hội nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chính thức đặt hàng cho GS. Trần Hồng Quân (Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập) rằng: “Các đồng chí cứ kiến nghị, tôi sẵn sàng mời Bộ GD&ĐT, mời Bộ Tài chính, các bộ liên quan giải quyết từng vấn đề một”.

Đại biểu trao đổi trong giờ giải lao. Ảnh Xuân Trung
Đại biểu trao đổi trong giờ giải lao. Ảnh Xuân Trung
Về vốn đầu tư, Phó Thủ tướng cho biết, những gì lên quan đến thuế rất khó giải quyết, bởi đó là luật, những thứ đợi luật rất lâu, cần kiến nghị những chính sách dưới luật thì giải quyết trước. Vấn đề về thuế, Phó Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm làm việc với các bộ ngành liên quan. Phải tăng cường và hỗ trợ cho các trường ngoài công lập, vai trò của Hiệp hội và Bộ GD&ĐT cần rõ hơn như chương trình nào có tính chất chung mà cho tất cả các trường được hưởng lợi thì làm trước. 

Ông Đam cũng cho biết, một năm ngân sách nhà nước cho ngành giáo dục là rất lớn, dành riêng cho các trường đại học cũng rất lớn. Nếu làm tốt vấn đề này cũng là khuyến khích bằng vật chất rất lớn đối với các trường ngoài công lập. 

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT cùng Văn phòng Chính phủ rà soát những chính sách liên quan đến sinh viên, vì sinh viên của trường ngoài công lập và công lập đều như nhau, nếu còn những gì bất bình đẳng với sinh viên trong quá trình học thì nhất định phải xóa bỏ.

Tiến tới thành lập Hiệp hội các trường đại học Việt Nam

Chưa hết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, các trường ngoài công lập nguyện vọng lâu nay chủ yếu kiến nghị bỏ điểm sàn và bỏ thi ba chung, vậy lý do thật là gì? Uy tín của từng trường mà tốt thì không sợ tuyển thiếu. Phó Thủ tướng ví von, một ngôi trường mới với chỉ 4-5 tuổi không thể so với một trường 40-50 tuổi, cần phải có bước cân đối. 

Trước kia phải có điểm sàn vì lí do đơn giản rằng các trường tốt, sẽ tuyenr được sinh viên tốt và ngược lại, điều ấy gây nghi ngại về chất lượng nguồn nhân lực trong xã hội. Nhưng nay đúng là điểm sàn đã không còn phù hợp.

Về việc này, Hiệp hội đã có những đề xuất lên Chính phủ, theo Phó Thủ tướng, cần có phương án tháo gỡ cho các trường nhưng vẫn phải đảm bảo công bằng xã hội. Và một lần nữa, vai trò của Hiệp hội trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo từ đầu vào đến đầu ra là rất quan trọng.

Đặc biệt, “để thể hiện sự công bằng, bình đẳng thật sự, đề nghị Bộ, Hiệp hội nên nghiên cứu thay vì có Hiệp hội các tường ngoài công lập, nên chăng tiến tới thành lập Hiệp hội các trường đại học Việt Nam để cùng một sân chơi” Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Cũng theo gợi ý trên, nếu có Hiệp hội các trường đại học Việt Nam thì khi ấy Hiệp hội sẽ đóng vai trò là cơ quan đánh giá chất lượng giáo dục. Lúc đó Bộ GD&ĐT không nhất thiết phải tham gia vào nữa.
Xuân Trung