Như vậy là cắt đi quyền tự chủ của các trường và trách nhiệm giám sát của xã hội.
Lo ngại có “giấy phép con”?
Tối ngày 12/3, trả lời phỏng vấn VTV, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 sẽ không còn điểm sàn. Thay vào đó sẽ có những tiêu chí để xác định đầu vào được coi là mềm dẻo hơn, tạo điều kiện cho các trường tuyển sinh được thí sinh đúng với năng lực và yêu cầu của cơ sở đào tạo.
Ông Ga cũng cho biết thêm, không phải bỏ điểm sàn các trường muốn lấy bao nhiêu cũng được, mà vẫn phải có ngưỡng tối thiểu, ngưỡng này không phải là tổng điểm bình quân như trước đây, Bộ sẽ nêu ra các nguyên tắc trong việc xác định các tiêu chí này, định lượng cụ thể phải chờ thí sinh thi xong, lúc đó có phổ điểm mới xác định được.
TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, nếu không thận trọng, điều đó rất có thể sẽ tái diễn lại cơ chế xin – cho. |
Lo ngại trước những “nguyên tắc” mà Bộ sẽ đưa ra sau khi thí sinh thi xong, trao đổi với chúng tôi TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, nếu không thận trọng, điều đó rất có thể sẽ tái diễn lại cơ chế xin – cho.
Trước đó, quan điểm của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã thể hiện trong Công văn số 07A/HH-VP do PGS. Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội ký, trả lời Bộ GD&ĐT về đề nghị Hiệp hội nêu đề xuất tiêu chí thay thế điểm sàn trong kỳ thi "ba chung".
Cụ thể, ở đây Bộ chỉ cần đưa ra điều kiện cần để vào đại học, cao đẳng là tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ là do từng trường quyết định. Để đảm bảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT được tin cậy thì Bộ phải làm chặt, cả về chất lượng đề thi, cả về kỷ cương thi. Bộ không thể để năm nào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cũng 98-99%; kỳ thi đó phải mang tính chất tiêu chuẩn, điểm đạt phải tương ứng với chuẩn đầu ra của chương trình phổ thông. Ngoài ra, bộ phải nắm lấy chỉ tiêu tuyển sinh, giám sát chỉ tiêu này, chỉ tiêu tuyển sinh phải xuất phát từ năng lực đào tạo của các trường. Các trường phải công khai minh bạch các điều kiện đầu vào của mình để cho xã hội giám sát. Như vậy là đủ, bộ không cần phải đưa ra thêm tiêu chí gì khác.
TS. Lê Viết Khuyến cho hay: “Chúng tôi không biết Bộ đã nghĩ ra tiêu chí nào chưa, nhưng nếu không cẩn thận lại rơi vào cơ chế xin – cho, lại tạo ra một giấy phép con nữa”. TS. Khuyến thẳng thắn, chúng ta phải bỏ “giấy phép con” này, và chấp nhận để xã hội giám sát. Nếu như chừng nào bộ chưa mạnh dạn cho xã hội giám sát thì vẫn còn tồn tại cơ chế xin – cho. Nếu đưa cho xã hội giám sát thì hết tiêu cực. TS. Khuyến lấy dẫn chứng: “Nếu báo chí lên được một bảng xếp hạng về chất lượng đầu vào của các trường từ số 1 đến số 400, thì những trường xếp cuối sẽ không có học sinh theo học. Còn nếu vẫn nói chung chung là đảm bảo theo chất lượng giáo dục của Bộ thì mới còn có trường đánh lừa được xã hội”.
PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay, việc xác định một bộ tiêu chí không có gì khó khăn để phải chờ thí sinh thi xong mới đưa ra. Việc bỏ điểm sàn Bộ đã đứng ra thay mặt cho các trường tổ chức kỳ tuyển sinh theo ba chung, tất nhiên điều này các trường hoan nghênh.
“Việc giao quyền tự chủ cho các trường như là Bộ có nguyên liệu, giờ chỉ cần gọi các trường đến đưa ra các tiêu chí và công khai. Như vậy quả bóng đã đá về các trường và bộ không cần phải đưa ra thêm điều gì nữa. Phải chăng Bộ chỉ đưa ra rằng, nguyên liệu này “sâu”, “mục” quá thì bỏ đi. Vậy thì bộ có thể nói ngay được chứ không phải chờ sau khi thí sinh thi xong” PGS. Nhĩ nói.
Nói thêm, PGS. Trần Xuân Nhĩ cho biết, việc Bộ đứng ra làm thay công việc cho các trường ở kỳ tuyển sinh chẳng khác nào tự nhận mình là trường đại học: “Kể ra ông bố này cũng thương con, ông hy sinh thân mình để làm cho mấy đứa con ngồi chơi. Mà nếu có 480 đứa con (480 trường đại học, cao đẳng – PV) mà người bố này phải chỉ bảo từng đứa thì tôi chắc ông bố này điên mất”.
Theo PGS. Trần Xuân Nhĩ, hãy để cho các trường đại học, các ngành đào tạo tự xác định lấy cặp môn liên quan tới chất lượng đào tạo của ngành mình. Với cặp môn này khi đào tạo đã được phân hóa thành từng ngành và bao giờ cũng liên quan tới môn trực tiếp thi, thí dụ vào ngành Sinh vật thì quan tâm tới môn sinh, xem thí sinh được bao nhiêu điểm.
“Nếu tôi là hiệu trưởng tôi sẽ tuyển môn sinh chắc chắn phải từ trung bình, nếu có nhiều thí sinh điểm cao thì có thể lấy từ cao xuống dưới, nếu thiếu chỉ tiêu mà xã hội đang cần ngành này thì vẫn có thể lấy xuống dưới điểm trung bình, nhưng không cho học chính thức và chỉ cho học dự bị. Trường sau đó tổ chức lại kỳ thi để kiểm tra những thí sinh này.
Vậy trong quá trình đào tạo ngành sinh vật sẽ liên quan tới môn Hóa nhiều nhất, do đó sẽ lấy điểm môn Hóa thi kỳ thi chung của bộ, xem thí sinh được bao nhiêu điểm. Nếu là điểm liệt thì không lấy, có thể lấy điểm Sinh học nhân hệ số hai và cộng với điểm liên quan thứ hai (hóa học) rồi chia lấy điểm trung bình để làm điểm tuyển đầu vào” PGS. Trần Xuân Nhĩ đặt giả thiết ông là hiệu trưởng một trường đại học.
PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay, việc xác định một bộ tiêu chí không có gì khó khăn để phải chờ thí sinh thi xong mới đưa ra. |
Do vậy, vấn đề này Bộ cần làm ngay được chứ không nhất thiết phải chờ thí sinh thi xong mới có thể ra được những tiêu chí trên. Có thể phương án của Bộ như vậy nhưng thi xong thì nhiều người không thể đối phó kịp.
Bộ không có sức mà ôm lấy kiểm định
Trong phần trả lời trên, ông Bùi Văn Ga cũng cho rằng, với hai Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tại hai ĐHQG sẽ làm nhiệm vụ kiểm định, đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục đại học, không chỉ đánh giá đầu vào mà con kiểm định chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất…
TS. Lê Viết Khuyến cho rằng chỉ hai trung tâm như trên là không đủ, và vẫn mang tính chất nhà nước. Hiện nay có rất nhiều các chuyên gia giỏi ở các trung tâm độc lập, họ nghỉ hưu – họ là những người tiền bối, những người dựng lên khung kiểm định cho nền giáo dục thì hiện họ đang ngồi chơi xơi nước.
“Tại sao lại gạt những người này ra?. Những người như PGS.TS Phương Nga (từng là Giám đốc Trung tâm đảm bảo chất lượng đào tạo và Nghiên cứu phát triển giáo dục, ĐHQG Hà Nội), tại sao lại gạt ra? Hay như TS. Vũ Phương Anh, PG.STS Lê Đức Ngọc...?. Bộ không làm nổi mà lại ôm vào, đó là cái bệnh” TS. Khuyến bày tỏ quan điểm.
Thay vào đó, PGS. Trần Xuân Nhĩ cảnh báo, với 480 trường mà chỉ có hai Trung tâm kiểm định chưa chắc có đủ sức để làm. PGS. Nhĩ quan niệm phải có nhiều trung tâm kiểm định hơn, đặc biệt là những trung tâm kiểm định khách quan, mỗi trung tâm chỉ phụ trách một số trường.
“Tôi đồng ý xếp loại các loại trường, từ xếp hạng đó để xem các trường có thực hiện đúng như các tiêu chí mà trung tâm đưa ra hay không. Nên không chỉ có hai trung tâm ở hai ĐHQG mà cần nhiều trung tâm hơn nữa, thậm chí phải đào tạo cán bộ làm việc ở các trung tâm kiểm định đó, những người đó phải có tư cách, phải có tâm, có tầm thì mới làm được” PGS. Nhĩ khẳng định.