Bốn khuyến cáo từ Hiệp hội đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam

14/03/2014 06:59
Xuân Trung (lược ghi)
(GDVN)- Sáng nay, tại Bộ GD&ĐT, diễn ra Hội nghị đánh giá 20 năm phát triển của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam
Sáng nay, 14/3, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá 20 năm phát triển mô hình giáo dục đại học ngoài công lập. Hội nghị này nhằm đánh giá toàn diện thực trạng quá trình hình thành và phát triển hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập trong 2 thập niên qua. 
Hai mươi năm phát triển vững chắc

Theo đánh giá của Hiệp hội, khối các cơ sở GDĐH ngoài công lập phát triển tương đối nhanh, góp phần đẩy mạnh xã hội hoá sự nghiệp giáo dục.

Năm 1997, cả nước mới chỉ có 15 cơ sở GDĐH ngoài công lập, đến hết 9/2009 con số này là 78 trường, tăng 5,2 lần, góp phần tăng quy mô đào tạo của khối trường ngoài công lập (NCL) lên 218.189 sinh viên vào năm học 2008 - 2009, chiếm 12,7% so với tổng quy mô đào tạo của cả nước. Đến hết năm 2012 cả nước có 54 trường đại học và 30 trường cao đẳng NCL, với quy mô sinh viên đại học, cao đẳng lên đến 336.998 sinh viên.

Trường Đại học Thăng Long, ngôi trường ngoài công lập đầu tiên của cả nước.
Trường Đại học Thăng Long, ngôi trường ngoài công lập đầu tiên của cả nước.

Các trường NCL chủ yếu được thành lập theo phương thức xây dựng mới hoàn toàn (52/58 trường thành lập mới hoàn toàn từ năm 1998 đến 2009 là trường NCL). Tuy các trường còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc tạo dựng cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giảng viên và kinh nghiệm tổ chức đào tạo nhưng phương thức này cho phép huy động được sự đóng góp của các nhà đầu tư để xây dựng trường, góp phần thực hiện xã hội hoá GDĐH, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và đào tạo nguồn nhân lực trong điều kiện ngân sách giáo dục của Nhà nước còn hạn hẹp. 

Phần lớn các cơ sở GDĐH NCL đều cố gắng thực hiện những cam kết trong đề án thành lập trường. Hội đồng quản trị các trường NCL đều thể hiện quyết tâm và xác định lộ trình cụ thể trong việc xây dựng và phát triển nhà trường về đất đai, cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và tuyển dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên. Theo thống kê của Hiệp hội, đến nay khoảng trên 30 trường đã có trường sở đàng hoàng, chỉ khoảng mười  trường còn có khó khăn về diện tích xây dựng và cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.

Kết quả khảo sát thực tế của  Đoàn giám sát Quốc hội 2010 cũng cho thấy tuy còn nhiều khó khăn nhưng các trường sau khi được thành lập đều hoạt động đúng mục tiêu, tôn chỉ mục đích, chưa có những sai sót nghiêm trọng; chưa có tình trạng xin đất sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng.

Cũng theo Hiệp hội, mô hình NCL đã huy động được nguồn lực lớn và đa dạng ngoài ngân sách Nhà nước cho GDĐH. Việc thành lập các cơ sở GDĐH NCL trong thời gian qua không chỉ tạo cơ hội cho hàng trăm nghìn người được tiếp nhận học vấn đại học, bảo đảm công ăn việc làm cho hàng nghìn giảng viên, mà còn huy động được nguồn lực tài chính khá lớn cho GDĐH. 

Tổng số vốn điều lệ đăng ký thành lập các trường này đến 9/2009 là 1.555 tỷ đồng. Năm 2008 tổng thu học phí từ các trường NCL là 1.850 tỷ đồng. Quy mô sinh viên là 218.200 người, đội ngũ giảng viên có 7.718 người. 

Theo ước tính của một số chuyên gia từ năm 2000 đến nay, chỉ với hơn 80 cơ sở GD ĐH NCL nhưng hàng năm đã có thêm trên 300.000 chỗ học mới cho con, em nhân dân lao động, tạo thêm hàng vạn chỗ làm việc cho người lao động; điều này không chỉ giải tỏa được áp lực căng thẳng đối với các trường công lập, mà còn cung cấp thêm  nhân lực bậc cao cho đất nước. 

Tổng số tiền đã huy động được trong 20 năm qua, tạm tính (mới chỉ tính về học phí) đã là gần 30 ngàn tỉ đồng, gấp 6 lần tổng số tiền phát hành trái phiếu giáo dục lần đầu. Có thể xem đấy là khoản tài chính mà các trường đại học và cao đẳng NCL đã gánh cho ngân sách nhà nước.

Mô hình NCL đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân

Với tư duy đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh được khuyến khích phát triển. Trên lĩnh vực giáo dục đào tạo,  “xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh; hệ thống giáo dục và đào tạo ngoài công lập đã góp phần đáng kể vào phát triển giáo dục và đào tạo chung của toàn xã hội” ( NQ TW 8).

Số liệu thống kê năm học 2010-2011 của Bộ GD&ĐT cho thấy trong lĩnh vực GDĐH, trên cơ sở bốn tiền đề được xây dựng để thích nghi với đổi mới cơ chế kinh tế xã hội lúc bấy giờ, một trong những ý tưởng đổi mới là việc chấp nhận sự tồn tại của các cơ sở GDĐH ngoài công lập, với sứ mạng là huy động thêm các nguồn lực ngoài ngân sách và biên chế nhà nước, đồng thời xây dựng các mô hình  đại học có độ tự chủ cao, quản lý năng động và hiệu quả, làm đối chứng với mô hình cũ được bao cấp và thụ động; hy vọng đây sẽ là yếu tố mới có hoạt tính cao để cùng với hệ thống các trường công lập phát triển nền GDĐH nước nhà, một lực lượng xung kích quan trọng trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Theo tinh thần đó, cuối năm 1988 Trung tâm đại học dân lập Thăng long được thành lập.

Cuối năm 1988 Trung tâm đại học dân lập Thăng Long được thành lập. Sau 5 năm thí điểm hoạt động của Trung tâm đại học dân lập Thăng Long, thì hơn mười trường đại học ngoài công lập khác ra đời trong những năm 90.
Cuối năm 1988 Trung tâm đại học dân lập Thăng Long được thành lập. Sau 5 năm thí điểm hoạt động của Trung tâm đại học dân lập Thăng Long, thì hơn mười trường đại học ngoài công lập khác ra đời trong những năm 90.

Sau 5 năm thí điểm hoạt động của Trung tâm đại học dân lập Thăng Long, hơn mười trường đại học ngoài công lập khác ra đời trong những năm 90.  Cho đến nay qua 20 năm cả nước đã có 54 trường đại học và 30 trường cao đẳng ngoài công lập đã góp phần thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và hội nhập quốc tế.

Cũng theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, trong 20 năm qua, hệ thống giáo dục NCL đã hình thành, số lượng các trường đại học, cao đẳng NCL đã phát triển nhanh chóng, thực hiện được chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước. 

Các trường đại học, cao đẳng NCL đã huy động được nguồn vốn khá lớn để xây dựng cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ, xây dựng chương trình đào tạo và phục vụ các hoạt động trong trường.

Phần lớn các cơ sở giáo dục đại học NCL đều cố gắng thực hiện cam kết trong đề án thành lập trường. Hội đồng quản trị nhiều trường đại học, cao đẳng NCL đã có lộ trình cụ thể trong việc xây dựng và phát triển nhà trường về đất đai, cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị; xây dựng chương trình, tuyển dụng và đào tạo đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý. 

Qua đó, hệ thống các trường đại học, cao đẳng NCL đã tạo điều kiện đáp ứng tốt hơn nhu cầu được tiếp cận giáo dục đại học của mọi tầng lớp nhân dân, mở rộng quy mô đào tạo, góp phần nâng cao năng lực đào tạo của giáo dục đại học và phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao cho đất nước.
Vẫn còn những phân biệt với các trường ngoài công lập?

Bất cập lớn nhất là sự phân biệt đối xử giữa sinh viên công lập và NCL về mặt đãi ngộ của nhà nước. Có người nói sinh viên NCL bị nhà nước đối xử như công dân loại hai. Trong khi sinh viên công lập được nhà nước đãi ngộ với nhiều mức khác nhau (được học bổng; được miễn toàn bộ chi phí đào tạo tức miễn học phí; chí ít cũng được miễn đến 60-70% chi phí đào tạo, chỉ đóng một mức học phí rất thấp so với chi phí đó) thì các sinh viên NCL, cũng  là những công đân có đầy đủ nghĩa vụ và quyền lợi như các sinh viên của trường công lập lại không được nhà nước đãi ngộ chút nào mặc dù họ không có lỗi gì mà phải chịu chế tài cả. 

Sinh viên trường công và ngoài công lập cần được đối xử như nhau. Ảnh minh họa
Sinh viên trường công và ngoài công lập cần được đối xử như nhau. Ảnh minh họa
Một việc nữa cũng cần đưa ra đây, đó việc ban hành các văn bản còn chậm, thiếu tính kế thừa, chưa đồng bộ; một số nội dung bất nhất; một số quy định thiếu cụ thể, kém khả thi, chưa đi vào cuộc sống, thậm chí gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động của các trường NCL.

Trong Luật Giáo dục 2005, nội dung ở Điều 20 (cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi) mâu thuẫn với Điều 66 (chấp nhận chia lãi suất cho thành viên góp vốn) và Điều 67 (chấp nhận sở hữu tư nhân). Điều này cũng mâu thuẫn với các nội dung ở Nghị quyết 05 của Chính phủ. Đề nghị nên viết lại Điều 20 của Luật Giáo dục là: Nhà nước khuyến khích các hoạt động giáo dục không vì lợi nhuận.

Luật Giáo dục 2005 và Nghị quyết 05 công nhận cả hai loại hình trường dân lập và tư thục trong khi Nghị định 75 và cả Nghị định 31/2011/NĐ-CP ngày 11/5/2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 75/2006/NĐ-CP lại xoá đi loại hình trường dân lập, mặc cho loại hình này chứa đựng khá nhiều nhân tố "không vì lợi nhuận".

Ngoài ra, một số quy định cụ thể của Bộ GD&ĐT và nhiều Bộ, Ngành khác có khi còn gây khó khăn cho hoạt động của các cơ sở GDĐH NCL. Thí dụ như việc Bộ GD&ĐT quy định điểm sàn trong khi lại cho phép các trường công tuyển sinh nhiều lần hoặc tuyển hệ B (đóng học phí cao) cũng như chính sách tuyển sinh cao đẳng, đại học của Bộ từ năm 2012 ( mở rộng quá mức chỉ tiêu tuyển sinh của hệ thống trường công lập trong khi khống chế trần dưới bằng việc chọn điểm sàn khá cao) cũng làm cho các cơ sở GDĐH NCL gặp rắc rối trong khâu tuyển sinh, thậm chí không tuyển đủ chỉ tiêu vì cạn kiệt nguồn tuyển.

Tiếp nữa, hai quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2001 - 2010 và giai đoạn 2006 - 2020 còn mang tính hình thức.Tại quy hoạch thứ nhất, việc quy định chỉ cho mỗi tỉnh, thành phố được thành lập một trường đại học NCL là không hợp lý, không tính đến nhu cầu và khả năng mở trường ở từng địa phương. Ở cả hai quy hoạch đều có khe hở dẫn đến tình trạng "chạy" để được điền tên vào quy hoạch.

Một số vấn đề chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Vấn đề lớn nhất còn tồn tại ở cả Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH và nhiều văn bản quy phạm pháp luật là chưa làm rõ cơ chế sở hữu cũng như tính chất "không vì lợi nhuận” của các loại hình trường NCL. Từ đó dẫn đến hậu quả là cho tới nay vẫn chưa có được các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cách thức công nhận các cơ sở GDĐH NCL không vì lợi nhuận và những chính sách khuyến khích đặc biệt đối với loại trường này.

Hiệp hội cho rằng, một số văn bản quy phạm pháp luật đã không thể hiện sự khác biệt giữa một trường ĐH NCL với một doanh nghiệp. Đầu tiên là việc ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục tại Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 và Quyết định số 63/2011/QĐ-TTg ngày 10/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ để định hướng cho hoạt động của các trường ĐHTT. 

Quy chế được xây dựng theo mô hình tổ chức và hoạt động của một công ty cổ phần, hoàn toàn thuộc cơ chế vì lợi nhuận, một cơ chế không được Nhà nước ưu tiên khuyến khích như ở Nghị quyết 05 và Luật Giáo dục. Chỉ những người góp vốn vật chất mới được tham gia HĐQT, mới được biểu quyết các vấn đề lớn của nhà trường. Các giá trị phi vật chất như công lao sáng lập, xây dựng trường, thâm niên làm việc tại trường, giá trị thương hiệu cá nhân... đều không tính thành giá trị cổ phần nên các nhà giáo, các nhà khoa học , những người nhiều tâm huyết với giáo dục chỉ giữ vai trò thụ động.

Việc điều chỉnh tại Quyết định 63 và Luật Giáo dục đại học bằng cách bổ sung thêm thành phần đại diện nhà nước vào Hội đồng quản trị cũng như đưa vào khái niệm tài sản chung hợp nhất không phân chia càng làm cho tình hình thêm rắc rối.

Bốn khuyến cáo từ Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập

Thứ nhất, nội bộ nhà trường cần xử lý vấn đề tài chính với tầm nhìn dài hạn, biết lấy ngắn nuôi dài, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa các loại lợi ích, bảo đảm sự đoàn kết thống nhất trong các nhà đầu tư, trước hết là các cổ đông lớn, và chính ở đây người ta thường nhấn mạnh tới vai trò của những nhà đầu tư có tâm và có tầm. 

Thứ hai, phải tập xây dựng đội ngũ và môi trường sư phạm. Việc xây dựng đội ngũ đối với cơ sở GDĐH NCL đòi hỏi công sức và trí tuệ không những của các nhà lãnh đạo và quản lý cấp trường mà cả cấp khoa và bộ môn và phải được thực thi thống nhất và lâu dài. 

Thứ ba, phải chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo ngay từ khi bắt đầu hoạt động và từng bước phải được nâng lên ngang tầm quốc gia. Thực tế đây là đòi hỏi rất khó , và sự hơn kém giữa các trường chính là ở điểm này. Giải pháp liên quan đến vấn đề đó không chỉ nằm ở bản thân mỗi trường mà còn ở chính sách của nhà nước, đặc biệt là chính sách bảo đảm cho  trường thực hiện tốt quyền tự chủ để qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho mỗi trường

Thứ tư, phải từng bước xây dựng uy tín và thương hiệu cho trường một cách bài bản và phù hợp với văn hóa Việt...

Xuân Trung (lược ghi)