Trong khi trẻ em thành phố sau giờ học chính là ngập đầu với học thêm, chơi game… thì các bạn cùng trang lứa của các em trên vùng cao Đồng Văn là đi tưới rau, nuôi lợn.
Đồng Văn đang vào mùa khô, đặc trưng của vùng đất này là thiếu đất sản xuất và đặc biệt thiếu nước vào mùa đông.
Tuy vậy, giữa mùa khô, giữa những bãi đất được tận dụng vẫn có những vườn rau học sinh, chuồng lợn do chính tay các em chăm sóc.
Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đồng Văn B nằm ngay sát dòng sông Nho Quế, nơi biên cương tự nhiên của Tổ Quốc.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Đồng Văn B. |
Trong trường, ngoài khuôn viên sân chơi, một trong những điểm nhấn khác của nhà trường chính là những vườn rau xanh mướt. Những vườn rau ngay trong trường, ngay dưới chân núi đá.
Nhiều năm qua, mô hình trồng rau, nuôi lợn của các em học sinh tại trường phổ thông dân tộc bán trú Đồng Văn B đã và đang góp phần cải thiện bữa ăn cho các em, đặc biệt, các em được giáo dục kỹ năng sống, ý thức kỷ luật lao động tốt.
Nói về mô hình này, Hiệu trưởng Bùi Văn Tuấn hào hứng chia sẻ thành tích trồng rau của các em, theo đó, trong năm học 2017 – 2018 dù triển khai chưa được quyết liệt nhưng các em học sinh cũng đã trồng được 6 tạ rau và 4 tạ lợn.
Sau giờ học, các bạn nhỏ trường Đồng Văn B lại tích cực hào hứng ra vườn nhổ cỏ bắt sâu, tưới nước cho vườn rau của lớp. |
Năm học 2018 – 2019, chỉ từ tháng 9 đến nay các em học sinh đã trồng được 7 tạ rau và 2 con lợn trên 70 kg.
Chỉ vào đôi lợn đang lớn, thầy Tuấn cho biết, sắp tới sẽ thịt lợn cho các em ăn tết sớm và sẽ bán một con để làm vốn quay vòng.
“Năm nay, trường sẽ mổ lợn và tổ chức gói bánh trưng để các em hưởng không khí ăn tết ngay tại lớp, tại trường.” Thầy giáo Tuấn chia sẻ
Được biết, nguồn rau, thịt lợn các em trồng tại vườn trường sẽ được nhà trường thu mua theo giá thị trường.
Số tiền được giáo viên chủ nhiệm và các em học sinh sử dụng vào trang trí lớp học, mua giống hoa, ghế đá sân trường...
Đôi lợn để các em trường Đồng Văn B ăn tết và quay vòng cho lứa sau. |
Từ đó, xây dựng khuôn viên nhà trường ngày càng khang trang, xanh- sạch- đẹp và thân thiện.
Theo thầy giáo Tuấn, việc trồng rau, nuôi lợn không chỉ nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục học sinh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn giúp học sinh có những thực phẩm sạch tại chỗ phục vụ đời sống sinh hoạt nên mô hình đang được ngành giáo dục Đồng Văn áp dụng rộng rãi tại các trường.
Tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Sủng Trái, thầy giáo Đinh Văn An, Hiệu Trưởng nhà trường cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của ngành giáo dục huyện Đồng Văn, việc triển khai mô hình trồng rau, nuôi lợn cũng được trường Sủng Trái áp dụng rất bài bản.
Tại trường Sủng Trái, đối với trồng rau, chia đất cho từng lớp, ngoài giờ học các em và giáo viên chủ nhiệm cùng trồng, chăm sóc.
Với học sinh ngoại trú, huy động các em tham gia phong trào bằng cách góp phân bón, cùng chăm sóc vườn rau của lớp.
Đồng thời, làm chuồng để nuôi lợn và giao cho 1 thầy giáo cùng với một số học sinh tham gia nuôi, chăm sóc.
Thức ăn cũng được tận dụng từ cơm, canh thừa sau mỗi bữa ăn của học sinh. Lợn khi được xuất và các loại rau sau khi thu hoạch sẽ được nhà trường mua lại bằng với giá ngoài thị trường để làm thức ăn phục vụ cho chính bữa ăn của các em hàng ngày.
Giữa mùa khô nhưng vườn rau của các em học sinh vẫn xanh, tốt. |
Thầy An cũng cho biết, mô hình trồng rau, nuôi lợn đã được các em học sinh toàn trường tham gia rất tích cực, hào hứng.
Hoạt động này vừa rèn kỹ năng sống, học sinh biết lao động tự phục vụ, độc lập trong ý thức lao động, rèn luyên tập thể.
Từ việc các em tham gia lao động tăng gia sản xuất giúp tạo ra nguồn thực phẩm sạch, cải thiện bữa ăn.
Đồng thời, số tiền các em nhận được từ nuôi lợn, trồng rau được sử dụng để gây quỹ lớp, tham gia các phong trào của nhà trường và mua đồ dùng phục vụ sinh hoạt...
Đến Sủng Trái, không khó để bắt gặp những vườn rau xanh tốt của học sinh dân tộc bán trú |
Đến Sủng Trái, dọc đường đi không khó để bắt gặp những vườn rau của học sinh ngay bên đường, giữa mùa khô, dưới chân núi đá những vườn rau cải vẫn xanh tốt mơn mởn.
Có thể thấy đây là mô hình kết hợp rất hiệu quả trong việc giáo dục học sinh.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục Đồng Văn đang chú ý và quan tâm hơn bao giờ hết đến việc chăm sóc chế độ dinh dưỡng cho học sinh.
Việc trồng rau, nuôi lợn đã giúp đời sống của các em học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Sủng Trái được cải thiện rõ rệt. |
Tất cả các trường học có cán bộ y tế, cấp dưỡng được trang bị đầy đủ kiến thức về An toàn thực phẩm; xây dựng thực đơn, khẩu phần ăn hợp lý, phù hợp với định mức dinh dưỡng...
Từ đó, nâng cao, đảm bảo sự phát triển về thể chất, chế độ dinh dưỡng cho học sinh, để các em có điều kiện tốt nhất để học tập.
Được biết, đến năm học 2018 - 2019, mô hình chăn nuôi, trồng rau sạch ở huyện Đồng Văn đã được áp dụng cho tất cả các trường, các cấp học.
Mô hình này đã mang lại những hiệu quả thiết thực đối với đời sống cũng như mở rộng kiến thức tự nhiên-xã hội, đạo đức, lối sống cho học sinh.