Mới đây, dư luận không khỏi bàng hoàng khi xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh của giáo viên trường mầm non Sen Vàng (Phường Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) dùng dép đập vào đầu, quát mắng, tát và dùng gối thúc vào bụng trẻ.
Trước đó, đã có không ít vụ bạo hành trẻ mầm non dã man xảy ra đã bị lên án.
Sau những vụ bạo hành, nhiều trẻ đã bị tổn hại cả tinh thần và thể xác, các giáo viên thì bị kỷ luật không được dạy học, ngành giáo dục chịu tai tiếng.
Tuy nhiên, câu hỏi khiến nhiều người day dứt là: “Tại sao tình trạng bạo hành trẻ vẫn tái diễn?”.
Hình ảnh cháu bé bị đánh đập thậm tệ tại cơ sở mầm non Sen Vàng (Hà Nội) (Ảnh cắt từ clip) |
Theo Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội - TS.Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, có 3 nguyên nhân lớn khiến vấn nạn này không thể dứt đó là áp lực công việc; trình độ giáo viên và lương tâm nghề nghiệp.
“Bởi giáo viên mầm non là nghề chịu nhiều áp lực chi phối nhất trong các cấp học. Áp lực từ môi trường sư phạm thiếu dân chủ, người quản lý… khiến giáo viên dễ bị động, lúng túng, dẫn đến làm bừa…”, thầy Tùng Lâm phân tích.
Ngoài ra, trẻ ở các nhóm lớp thường đông vượt quá mức quy định trong khi ở các trường tư thục, cơ sở vật chất chưa đáp ứng tiêu chuẩn.
Nhiều chủ trường, nhóm lớp thường chạy theo lợi nhuận, không chọn lọc giáo viên, tuyển cả những người không được đào tạo hay đào tạo không đến nơi đến chốn vào dạy trẻ.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Cô giáo dùng dép đánh trẻ là hành vi phản giáo dục(GDVN) - Việc cô giáo dùng dép đánh trẻ là hành vi phản giáo dục, vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc dư luận xã hội và gây hoang mang, lo lắng cho các bậc cha mẹ. |
Còn theo phân tích của TS.Vũ Thu Hương – giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, lý do lớn nhất khiến ngày lại có nhiều những hành động bạo hành trẻ là do việc quản lý giáo dục mầm non của chúng ta quá lỏng lẻo, để lọt vào những giáo viên có chuyên môn quá thấp, thậm chí chưa qua trường lớp mầm non, không có bằng cấp vẫn được vào dạy dỗ, chăm sóc trẻ.
Hơn nữa, nhiều bậc phụ huynh lại quan niệm trẻ nhỏ cần béo mới khỏe nên áp lực cho trẻ ăn càng nhiều càng tốt sẽ đè lên vai các giáo viên mầm non.
Đồng thời, với thái độ lười biếng, ngại xử lý khi trẻ đi vệ sinh, các giáo viên đã trút giận dữ lên người những đứa trẻ chưa biết nói mỗi khi cảm thấy áp lực.
Tất cả những điều này dễ gặp ở các giáo viên không có chuyên môn, việc chăm sóc trẻ họ chỉ làm theo bản năng. Vì thế, khi gặp khó khăn hay áp lực, họ không biết xử lý thế nào ngoài việc đánh đập, ra lệnh cho trẻ.
Tuy vậy, theo thầy Tùng Lâm, vẫn có những giáo viên đã được nhắc nhở, có nghiệp vụ, kỹ năng nghề nhưng vẫn mắc sai sót, sẵn sàng đóng cửa lớp, vứt trẻ bên ngoài hoặc đánh trẻ… Đó là những giáo viên thiếu lương tâm nghề nghiệp, thiếu tình thương và không có đạo đức nghề nghiệp.
Hơn 40 năm qua đi vấn đề bạo hành trẻ vẫn chưa thể có hồi kết
Từng là nạn nhân của các vụ bạo hành đến từ các cô giáo nên mỗi khi nghe, đọc thấy bạo hành trẻ đều khiến TS.Vũ Thu Hương vô cùng phẫn nộ và đau đớn.
Cô Thu Hương kể: “Ngày tôi học mầm non, chính tôi cũng là nạn nhân của các vụ bạo hành đến từ các thầy cô. Điều này đã in đậm trong tâm trí mặc dù khi đó tôi còn rất nhỏ.
Những vụ việc này cũng được cha mẹ tôi nhắc lại sau này vì nó đã gây ra tổn thương cho cả họ, khi phải chứng kiến con mình đau đớn.
Nên hơn ai hết, tôi thấu hiểu được những đau đớn và hoảng sợ của trẻ nhỏ khi bị chính những người chăm sóc mình hành hạ, đánh đập”.
Cô giáo trường mầm non Sen Vàng bạo hành trẻ(GDVN) - Chỉ vì bé trai đi tiểu không đúng chỗ nên đã bị cô giáo dùng dép đánh vào đầu kèm lời mắng, chửi khiến em bé khóc thét. |
Kể từ ngày cô Hương còn là đứa trẻ đi học mầm non tính đến nay đã hơn 40 năm, ngày đó, ngoài việc bị mắng thì có lần cô Hương còn bị đẩy ra ngoài vỉa hè đứng chờ bố mẹ 1 mình suốt gần 1 giờ đồng hồ khi các cô giáo khóa cửa bỏ về.
“Vụ việc kinh hoàng đó giờ còn hiển hiện trong tâm trí tôi. 40 năm qua, những tưởng mọi thứ đã khác, nhưng dường như chẳng khác là bao nhiêu.
Khi những vụ bạo hành trẻ cứ diễn ra năm này qua năm khác, nơi này rồi nơi khác khiến cho tôi tự hỏi: Phải chăng Bộ GD&ĐT không thể có cách nào bảo vệ được các cháu nhỏ?”, cô Hương băn khoăn.
Vậy làm sao để chấm dứt tình trạng bạo hành trẻ?
Là người trực tiếp giảng dạy tại cơ sở đào tạo giáo viên, TS.Vũ Thu Hương khuyên rằng: “Nếu ai không có sự kiên nhẫn và trái tim yêu trẻ thì đừng làm giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non. Thiếu hai phẩm chất này thì người đó nên chọn ngành nghề khác thay vì chọn ngành giáo.
Và khi đã chọn làm giáo viên mầm non thì cần liên tục bồi dưỡng, học thêm về tâm lý học.
Ngoài ra, khi có những bức xúc trong cuộc sống, giáo viên nên tìm cách giải tỏa bằng các liệu pháp.
Nếu có những bức xúc xảy ra với phụ huynh thì nên báo cáo với nhà trường để cùng nhà trường phối hợp giải quyết.
Tuyệt đối không nên tích tụ những bức xúc trong lòng, dễ dẫn đến những hành động thiếu kiểm soát”.
“Đối với các cơ sở mầm non cần đặc biệt chú trọng khâu tuyển dụng để tuyển được những giáo viên đứng lớp có bằng cấp, tính kiên nhẫn và lòng yêu trẻ”, TS.Thu Hương lưu ý.
Còn theo TS.Nguyễn Tùng Lâm, để chấm dứt bạo lực trẻ ở bậc học mầm non, ngoài việc tạo môi trường sư phạm tốt giảm áp lực cho giáo viên, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp còn cần phải mạnh tay sàng lọc những giáo viên không đủ năng lực phẩm chất.