Nơi nào giáo viên chủ nhiệm quan tâm nơi ấy sẽ giảm bạo lực học đường

11/06/2015 07:03
PHAN TUYẾT
(GDVN) - Thầy cô chủ nhiệm tận tâm, tận lực với học sinh, luôn gần gũi, quan tâm để chuyện trò sẽ nắm bắt được tâm tư những bất ổn trong quan hệ bạn bè của học sinh.

LTS: Cô giáo Phan Tuyết có hơn 20 năm kinh nghiệm làm chủ nhiệm, cô đã nêu ra vai trò của thầy cô trong việc hạn chế bạo lực học đường.

Đọc xong bài này, nhiều người chắc sẽ mong ước, giá như cô chủ nhiệm nào cũng làm được vậy thì bạo lực học đường đã không còn!

Tôi có đủ cơ sở để khẳng định điều này. Bởi vì bản thân tôi cũng đã làm công tác chủ nhiệm hơn 20 năm rồi. Có thể nói, giáo viên chủ nhiệm khác với giáo viên không làm công tác chủ nhiệm là phải có mặt thường xuyên trên lớp cùng các em sinh hoạt 15 phút đầu giờ mỗi ngày, kể cả hôm đó mình không có tiết dạy.

Nơi nào giáo viên chủ nhiệm quan tâm nơi ấy sẽ giảm bạo lực học đường ảnh 1

Thầy cô hãy thôi chỉ trích các em, mà phải thấy hổ thẹn

(GDVN) - Chúng ta phải biết hổ thẹn, phải biết nhận lỗi, nhận trách nhiệm chứ không phải tìm cách đổ lỗi cho gia đình hay xã hội.

Ngoài những tiết dạy, một tuần, giáo viên chủ nhiệm cùng lớp sinh hoạt 1 tiết vào cuối tuần.

Nhưng quy định là thế vẫn có một số giáo viên chủ nhiệm giao phó hoàn toàn việc điều khiển lớp cho các học sinh làm cán sự lớp.

Nếu giáo viên chủ nhiệm chỉ làm tròn vai trò chủ nhiệm như đến giờ vào lớp, hết giờ đi ra thì cũng chẳng khác gì những thầy cô không chủ nhiệm.

Thầy cô chủ nhiệm nào tận tâm, tận lực, sống hết lòng với học sinh, luôn gần gũi, quan tâm để chuyện trò sẽ nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng, cũng như sẽ biết được những bất ổn trong mối quan hệ bạn bè của học sinh trong lớp. Từ đó, thầy cô mới có biện pháp giúp đỡ, giải tỏa những nỗi niềm bức xúc trước khi nó bùng phát.

Thực tế thì nhiều thầy cô ngoài giờ học, rất gần gũi, thân thiết và hòa đồng với các em. Nhiều học sinh đã tin tưởng và không ngần ngại để bày tỏ những nỗi niềm, những khúc mắc cùng thầy cô.

Để hỗ trợ cho công tác chủ nhiệm của mình đạt hiệu quả, giáo viên chủ nhiệm cần bí mật thiết lập một “kênh thông tin” riêng. (Nếu làm tốt điều này sẽ rất hiệu quả, dù ngày hôm đó thầy cô không có tiết trên lớp vẫn nắm chắc tình hình lớp một cách cụ thể).

Đó có thể là những học sinh giỏi, chăm ngoan và gương mẫu (những học sinh này hạn chế tiếp xúc với giáo viên để tránh sự nghi ngờ của các em học sinh trong lớp, khi cần chỉ liên lạc bằng điện thoại với thầy cô) để các em bí mật thông báo cho thầy cô những diễn biến trên lớp khi thầy cô chủ nhiệm vắng mặt.

Nghe thế, tôi mới nhớ ra vào những giờ ra chơi, các bạn học sinh túm tụm chơi hết trò này đến trò khác mà Tùng chỉ ngồi một chỗ buồn buồn nhìn theo. Có hôm, tôi hỏi em: “Sao con không ra chơi với các bạn? Tùng nói nhỏ: Em không muốn chơi. Nghe thế, tôi cứ ngỡ là em không thích thật. Tôi còn nhớ, năm mình làm chủ nhiệm lớp 5.

Một lần, tôi nghe cô bé học sinh thông báo: “Cô ơi bạn Hùng lớp mình (Hùng là lớp trưởng) cấm các bạn trong lớp chơi với bạn Tùng, ai không nghe lời sẽ bị Hùng kêu anh học cấp 2 xuống đánh.

Sau thông tin nghe được, tôi đã gặp riêng Hùng, sau một hồi phủ nhận vòng vo, em đã xin lỗi tôi và hứa không như thế nữa. Từ hôm ấy, tôi để ý đến các em nhiều hơn, đặc biệt là những giờ trước khi vào lớp và giờ ra chơi mỗi ngày.

Lần khác, cũng nhờ một tin báo mật của một học sinh trong lớp, tôi biết được một số học sinh lớp tôi chủ nhiệm ngày nào cũng phải nộp cho mấy học sinh lớp bên cạnh 10 ngàn đồng.

Khi biết chuyện, tôi hỏi học trò của mình: “Sao không nói với cô”? Các em trả lời: “ Mấy bạn đó hăm dọa nếu nói với thầy cô và ba mẹ, sẽ bị chặn đường đánh nên tụi con sợ”. Tôi đã gặp cô chủ nhiệm lớp bên để mời phụ huynh lên làm việc. Sau lần ấy, chuyện ăn chặn tiền đã được chấm dứt.

Hay như việc cô bạn đồng nghiệp dạy cấp ba kể: “Cũng nhờ kênh thông tin riêng mà biết được trong lớp có những phe cánh nào, có những xích mích, mâu thuẫn nào đang ngấm ngầm chờ bùng phát. Nhờ vậy, đã ngăn chặn kịp thời một cuộc ‘sát phạt’ lẫn nhau vì ghen tuông".

Giáo viên chủ nhiệm phải tuyệt đối công bằng trong cách đánh giá nhận xét học sinh, nếu vì lý do gì đó các em thấy sự bất công thì niềm tin với thầy cô sẽ giảm xuống.

Có lần cháu gái tôi đang học lớp 8 kể chuyện bức xúc trong lớp… Tôi khuyên cháu nên nói với cô chủ nhiệm. Nó thẳng thừng phán một câu xanh rờn: “Nói làm gì hả bác, rồi cô vẫn bênh mấy bạn ấy thôi”.

Giáo viên chủ nhiệm phải tâm lý và nhẹ nhàng. Dùng tình cảm giải quyết các vấn đề nhiều hơn là mệnh lệnh. Nếu thầy cô lúc nào cũng lạnh lùng, nghiêm khắc, học sinh sẽ sợ và xa dần.

Một đồng nghiệp dạy cấp 2 cũng là giáo viên chủ nhiệm lớp 7 ở một trường trung học cơ sở kể: “Vì còn ở độ tuổi “dở người’ nên học sinh cấp 2 dễ xảy ra xung đột. Phần lớn chúng thường giấu thầy cô và gia đình để tự giải quyết mâu thuẫn với nhau. Lớp nào có bè cánh chỉ cần giáo viên chủ nhiệm quan tâm là phát hiện ra liền”.

Nếu thầy cô nào làm công tác chủ nhiệm giống như “cỡi ngựa xem hoa” thì sẽ còn nhiều tình trạng bạo lực học đường xảy ra như trong thời gian vừa rồi..

PHAN TUYẾT