Sở Giáo dục Hà Nội khẳng định tuyển sinh đầu cấp phải theo kế hoạch thành phố

28/06/2017 11:48
Trinh Phúc
(GDVN) - Tuyển sinh ở bậc Trung học Cơ sở và Tiểu học theo kế hoạch của Ủy ban, ban hành theo ngày giờ và toàn thành phố. Công hay tư đều phải thực hiện đúng kế hoạch.

Vì sao trường công, trường tư ở Hà Nội lại tuyển sinh cùng thời điểm? làm như vậy có ảnh hưởng đến việc cạnh tranh lành mạnh giữa trường công và trường tư hay không? Điều này có trái luật hay không đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Thành ủy Thành phố Hà Nội vào 27/6, một lần nữa vấn đề này được báo chí đề cập chất vấn lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào Tạo Hà Nội.

Ông Phạm Văn Đại (từ thứ 2 bên phải sang) cho rằng: "Tuyển sinh ở Hà Nội không trái luật" - ảnh Trinh Phúc.
Ông Phạm Văn Đại (từ thứ 2 bên phải sang) cho rằng: "Tuyển sinh ở Hà Nội không trái luật" - ảnh Trinh Phúc.

Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao Hà Nội tuyển sinh cùng một thời điểm mà không cho tuyển sinh tự do, ông Phạm Văn Đại – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng:

“Tuyển sinh ở bậc trung học cơ sở và tiểu học theo kế hoạch của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành theo ngày giờ và toàn thành phố.

Ngày nào tuyển sinh thành phố đã có kế hoạch rất rõ ràng. Cho nên, tất cả trường công và trường tư và trường thuộc địa bàn Hà Nội đều phải thực hiện theo kế hoạch của Thành phố.

Không có nghĩa là, trường tư nằm ngoài kế hoạch của Thành phố được và chúng tôi nói rằng khi đọc lại các luật trong Luật giáo dục không có điều khoản nào nói về việc tuyển sinh và nói Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội làm trái luật”.

Tại cuộc họp báo,  có nhà báo cho rằng, điều báo chí quan tâm không phải là cách làm của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có phải trái luật hay không mà trong luật và thông tư không có quy định nào quy định tuyển sinh ở một thời điểm của các trường công lập và tư thục.

Hơn nữa, ở góc độ quyền lợi cha mẹ học sinh và học sinh xem xét, cần cố quy định phù hợp chứ không đứng ở góc độ của nhà quản lý, góc độ nhà trường.

“Ví như, khi phụ huynh và học sinh chọn trường ngoài công lập rồi thì họ muốn trường đó trả lời có nhận con họ hay không?

Không nhận thì họ mới quay về đúng tuyến công lập để học. Có nghĩa, các trường ngoài công lập tuyển sinh sớm thì tốt cho xã hội, tốt cho phụ huynh tránh trường hợp chạy trường nọ, chạy trường kia của phụ huynh” – một nhà báo đưa ra quan điểm.

Tuy nhiên, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn bảo lưu quan điểm của mình.

Sở Giáo dục Hà Nội khẳng định tuyển sinh đầu cấp phải theo kế hoạch thành phố ảnh 2Tôi không hiểu tại sao Hà Nội lại yêu cầu các trường tuyển sinh cùng thời điểm?

Trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết, "Sở Giáo dục Hà Nội "thừa giấy vẽ voi", các trường phổ thông khốn khổ tuyển sinh đã phân tích việc yêu cầu của Sở Giáo dục đặt ra khi thực hiện tuyển sinh 2017 - 2018 là chỉ diễn ra trong thời gian từ 1/7 đến 15/7 (trường nào tuyển không đủ thì đề xuất và được gia hạn thêm 2 ngày để tuyển sinh) là bất cập.

Việc chốt thời hạn tuyển sinh áp dụng chung cho cả các trường công lập và ngoài công lập đã gây ra nhiều phản ứng trong dư luận xã hội.

Cụ thể hơn, tại điều 13 Luật giáo dục số 44/2009/QH12 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục số 38/2005/QH11 được Quốc hội ban hành ngày 25 tháng 11 năm 2009, nêu rõ: “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Đầu tư trong lĩnh vực giáo dục là hoạt động đầu tư đặc thù thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện và được ưu đãi đầu tư.

Nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục; khuyến khích và bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư cho giáo dục. Ngân sách nhà nước phải giữ vai trò chủ yếu trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục".

Tiếp đó, tại Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường Trung học cơ sở, Trường Trung học Phổ thông và Trường Phổ thông nhiều cấp học có hiệu lực từ 15/5/2011 cụ thể hóa Luật giáo dục số 44/2009/QH12 không có bất kỳ điều khoản nào quy định các trường công lập và tư thục phải tuyển sinh cùng thời điểm.

Vì lẽ đó nên nhiều ý kiến đặt ra câu hỏi: Luật Giáo dục đã được Quốc hội thông qua, khuyến khích nhà đầu tư giáo dục thì liệu Công văn số 1646 có ảnh hưởng đến “quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư cho giáo dục”, gây khó khăn cho trường ngoài công lập?

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai (ảnh Giaoduc.net.vn).
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai (ảnh Giaoduc.net.vn).

Cũng liên quan đến vấn đề này, bên hành lang Quốc hội kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng:

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên xem lại cách quản lý, điều hành về vấn đề này, bởi vì qua một thời gian dài cho thấy các trường ngoài công lập đã phát huy được vai trò của họ, có những đóng góp tích cực cho nền giáo dục nói chung.

Sở Giáo dục Hà Nội khẳng định tuyển sinh đầu cấp phải theo kế hoạch thành phố ảnh 4Sở Giáo dục Hà Nội "thừa giấy vẽ voi", các trường phổ thông khốn khổ tuyển sinh

“Đương nhiên là cơ quan nhà nước quản lý thì họ phải thể hiện được vai trò quản lý, nhưng quản lý gì thì cũng phải đúng luật, đúng với tinh thần kiến tạo mà Chính phủ đang nỗ lực xây dựng.

Quản lý không có nghĩa là ngăn cản, cấm đoán, mà phải tạo ra sự bình đẳng để các trường phát huy được tốt hơn khả năng của họ.

Rõ ràng chúng ta cũng đã thấy các trường công lập đã bộc lộ những hạn chế so với trường tư, thí dụ đó là tính năng động, tính sáng tạo... yếu hơn.

Tôi cho rằng khi hiện tượng này đã được nêu ra thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm vào cuộc để giải quyết, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất để các trường phát triển, vì nền giáo dục Việt Nam tiên tiến hơn, hội nhập tốt hơn với thế giới”, ông Quốc nêu quan điểm.

Trinh Phúc