Tiếp theo bài viết Những ngộ nhận về "bỏ biên chế giáo viên" đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 17/6/2017, chúng tôi xin tiếp tục làm rõ vấn đề:
Tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại muốn chuyển giáo viên từ viên chức sang hợp đồng lao động? Và tính khả thi của chủ trương này đến đâu?
Trong bài viết trước, chúng tôi đã giải thích cách hiểu của mình về từ "biên chế" trong giáo dục và những phần hiểu còn chưa chuẩn xác về "biên chế giáo viên".
Người viết không nghĩ rằng lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo hiểu chưa đúng, nhưng phải chăng do cách diễn đạt của một số lãnh đạo ngành còn chưa thể hiện hết được điều Bộ này muốn truyền đạt?
Sở dĩ chúng tôi đặt câu hỏi như vậy là vì các dữ liệu công khai tới nay cho thấy Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ muốn thúc đẩy "tự chủ giáo dục phổ thông" với 2 mục tiêu chính:
Thứ nhất, cho các trường tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên, đánh giá cán bộ, và tiến tới thí điểm chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên thay vì do ủy ban nhân dân cấp huyện, hay do các sở đảm nhiệm theo kế hoạch biên chế chung, thậm chí tuyển gộp rồi phân về cho các trường.
Thứ hai, tạo ra một thị trường lao động thực sự, trong đó chất lượng là thước đo hàng đầu, năng lực của người giáo viên được thể hiện qua thu nhập.
Trong phần chia sẻ của mình trên cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo sau ồn ào về "bỏ biên chế giáo viên", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định:
"Mọi thay đổi hay đổi mới của ngành đều phải hướng tới mục đích tốt hơn hiện tại.
Vấn đề sâu xa chúng ta đang giải quyết là thu nhập, môi trường làm việc, tạo động lực tinh thần cho giáo viên để họ thấy lao động của mình được coi trọng xứng đáng.". [1]
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời trước Quốc hội, ảnh: quochoi.vn. |
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ một số góc nhìn về lý do tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn chuyển giáo viên từ viên chức sang hợp đồng lao động, cũng như tính khả thi của chủ trương này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo không nắm "nhân sự và tài chính" trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, nhưng đứng mũi chịu sào về chất lượng giáo dục
Người viết cho rằng, có lẽ đây là nguyên nhân chủ yếu khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương chuyển giáo viên từ viên chức sang hợp đồng lao động.
Sau những ồn ào về chủ trương thí điểm "không còn công chức, viên chức giáo viên", ngày 26/5/2017 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích trên cổng thông tin điện tử của Bộ:
"Về tổ chức bộ máy và nhân sự, đây là vấn đề “thiếu” tự chủ nhất hiện nay ở các nhà trường.
Rõ ràng, các trường mới là nơi có nhu cầu tuyển dụng, biết rõ số lượng giáo viên thừa thiếu ra sao nhưng lại bị động trong khâu tuyển dụng giáo viên.
Việc tuyển dụng thường do UBND huyện hay do các sở đảm nhiệm theo kế hoạch biên chế chung, thậm chí tuyển gộp rồi phân về cho các trường, dẫn đến hiện tượng vênh về chuyên môn, thừa thiếu cục bộ, gây ra khó khăn cho các trường.
Để nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên, muốn thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi cần có chế độ đãi ngộ lớn.
Nếu chúng ta cứ giữ mãi định biên như hiện nay sẽ khó tạo ra được động lực cho những người tâm huyết và lâu dài khó tạo được “đột phá” cho quá trình đổi mới giáo dục.
Đã tới lúc phải đẩy mạnh tiến trình cho các trường tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên, đánh giá cán bộ, và tiến tới thí điểm chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên.". [1]
Năm ngoái dư luận ngành giáo dục và toàn xã hội dậy sóng chuyện hàng trăm giáo viên "hợp đồng lao động" tại Thanh Hóa bị sa thải đồng loạt.
Theo VTV, ngày 30/6/2016 Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Lộc "không ký lại hợp đồng lao động" với 376 giáo viên, nhân viên tại các trường trên địa bàn huyện, trong đó có những thày cô đã giảng dạy 15 năm. [2]
Hàng trăm giáo viên có nguy cơ thất nghiệp sau khi bị chấm dứt hợp đồng |
Theo Báo Lao Động, ngày 19/8/2016 Ủy ban Nhân dân huyện Yên Định ra Quyết định số 1251/QĐ - UBND thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với 647 giáo viên hiện đang công tác tại các trường trung học cơ sở, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung cấp nghề trên địa bàn huyện.
Trong tổng số 647 giáo viên, có 124 giáo viên hợp đồng không xác định thời hạn sẽ bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và 523 giáo viên hợp đồng có thời hạn (1 năm hoặc 6 tháng) sẽ không được tiếp tục ký lại hợp đồng lao động.
Lý do là Ủy ban Nhân dân huyện Yên Định không có nhu cầu sử dụng lao động hợp đồng tại thời điểm đó.
Còn tại huyện Vĩnh Lộc, điều tra của Lao Động cho thấy, lãnh đạo huyện này ký hợp đồng lao động với giáo viên không thông qua tổ chức thi tuyển, xét tuyển mà chủ yếu bằng con đường “cơm rượu, tình cảm” như chính sự xác nhận của ông Tuấn. [3]
(ông Lê Quang Tuấn - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Lộc giai đoạn 2008 - 2014, hiện là Bí thư Huyện uỷ Vĩnh Lộc, ngày 26/4/2017 vừa bị kỷ luật cảnh cáo vì ký sai hàng trăm hợp đồng lao động với giáo viên, nhân viên hành chính). [4]
Điều đáng nói là những câu chuyện như thế này không phải hi hữu, mà xuất hiện ở nhiều nơi như Yên Bái [5], Nghệ An [6], Bắc Ninh [7]...rải rác trong nhiều năm, và không ai dám chắc nó sẽ không tái diễn.
Những vụ việc đau lòng như thế này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều biết, nhưng "bất lực" vì nó nằm ngoài tầm với của Bộ.
4 năm trước, sự việc đột ngột cắt hợp đồng của hơn 300 giáo viên huyện Yên Phong, Bắc Ninh đã làm dậy sóng dư luận. Ảnh: VTV. |
Không tuyển dụng, không quản lý và không trả lương, nhưng chất lượng giáo dục và nghĩa vụ chăm lo đời sống giáo viên thì dường như dư luận chỉ thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo là đối tượng đứng mũi chịu sào.
Phiên trả lời chất vấn đầu tiên của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trước Quốc hội năm ngoái, dư luận đã một phen xôn xao về vụ hàng chục giáo viên ở Hà Tĩnh bị chính quyền địa phương điều đi tiếp khách.
Báo Tuổi trẻ tường thuật:
Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) nêu vụ việc hàng chục giáo viên bị huy động đi tiếp khách ở một trường học tại Hà Tĩnh gây bức xúc dư luận thời gian qua, đề nghị Bộ trưởng cho ý kiến. Làm thế nào để chấm dứt tình trạng điều giáo viên đi làm tiếp viên như vậy?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời:
"Vụ việc này tôi đã có ý kiến. Tôi đã có trao đổi với đồng chí Chủ tịch.
Tôi đánh giá rất cao đồng chí Chủ tịch đã có công văn yêu cầu giải thích rõ để xử lý.
Đây là vụ việc không chỉ ở một trường của Hà Tĩnh, mà trong thực tế cũng có nhiều trường hợp.
Cán bộ địa phương cũng là vì vui vẻ thôi, nhưng đôi khi làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo.
Cho nên đây là một hoạt động rất đáng tiếc. Chúng tôi nghĩ rằng cần rút kinh nghiệm. Để xã hội nóng lên về vấn đề này là không được.
Linh hoạt thì phải hợp lý, nếu linh hoạt mà để xã hội nóng lên như vậy là không được.
Trong trường hợp này tôi cũng nhận trách nhiệm của người đứng đầu ngành trong việc bảo vệ quyền lợi của thầy cô.".
Không hài lòng với trả lời của ông Nhạ, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) giơ bảng sử dụng quyền tranh luận.
“Bộ trưởng nhận trách nhiệm, nhưng Bộ trưởng lại nói rằng chỉ vui vẻ thôi. Về góc độ giới, tôi thấy rất đau lòng” - bà Hiền bày tỏ. [8]
Chúng tôi không bàn đến sự lỡ lời của ông Bộ trưởng, nhưng rõ ràng trên cương vị của mình, những gì cần làm và có thể làm được, ông Phùng Xuân Nhạ cũng đều đã làm.
Ông chỉ có thể nêu vấn đề với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, chứ không thể "chỉ đạo".
Điều đáng buồn là trên nghị trường cũng như ngoài xã hội, người ta chỉ bàn tán về trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mà quên mất người phải chịu trách nhiệm chính trong vụ việc là lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng đang hiện diện tại Quốc hội thời điểm đó, thì không ai để ý đến.
Muốn thực hiện chủ trương "tự chủ giáo dục phổ thông", sẽ phải sửa rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật
Trong một bài viết gửi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam năm ngoái về vụ việc sa thải hàng loạt giáo viên hợp đồng ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết:
"Tiền chi cho giáo dục chiếm tới 20% ngân sách nhà nước, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ điều hành được khoảng 5%; các địa phương, bộ ngành chi tiêu cho lĩnh vực này thế nào thì cả Bộ Tài chính lẫn Bộ Giáo dục và Đào tạo đều không nắm được.
Tôi nhớ là đại biểu Quốc hội thời điểm đó đã chất vấn Chính phủ chuyện này; nhưng cả hai bộ đều báo cáo là không nắm được bởi theo Luật Ngân sách nhà nước, tiền ngân sách đã phân bổ cho các địa phương thì Hội đồng nhân dân các địa phương quyết chi, duyệt chi.
Tôi không rõ hiện nay đã có thay đổi gì trong chuyện quản lý ngân sách chưa; chứ nếu cái quan trọng hàng đầu là tiền mà không nắm được thì dù cho Bộ Giáo dục và Đào tạo có quản lý từ những việc nhỏ nhất như tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 trở đi, Bộ cũng không quản lý được việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Kiểu phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục địa phương hiện nay cũng không hợp lý vì phân bổ theo dân số.". [9]
Cá nhân người viết khi tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực giáo dục đào tạo và "biên chế sự nghiệp" của ngành này thì thấy rằng, muốn "tự chủ giáo dục phổ thông" như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong muốn, sẽ có nhiều văn bản quy phạm pháp luật phải sửa đổi.
Giấc mơ biên chế và chuyện "không thể lý giải" |
Bởi muốn tự chủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải nắm được "tài chính và nhân sự".
Về tài chính, ngân sách giáo dục hàng năm của các địa phương do Hội đồng Nhân dân địa phương ấy quyết định sau khi Trung ương đã phân bổ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo làm thế nào nắm được tổng ngân sách chi cho giáo dục mỗi năm đã là vấn đề khó và hiện nay vẫn chưa làm được.
Đòi hỏi các địa phương phải trả lương cho giáo viên như thế nào mới "xứng đáng", tuyển dụng và giữ chân người tài như ý tưởng của Bộ trưởng lại càng khó khăn hơn rất nhiều, nếu không muốn nói là bất khả thi.
Chuyển giáo viên từ viên chức sang hợp đồng lao động để tăng thu nhập cho giáo viên có năng lực, trình độ là ý tưởng có mục đích tốt. Và dù viên chức hay hợp đồng lao động, thì tiền lương giáo viên vẫn là từ ngân sách nhà nước.
Nhưng trong khi đó, quỹ lương từ ngân sách nhà nước để trả cho giáo viên không tăng, "biên chế sự nghiệp" của giáo dục không thể giảm nếu số lượng học sinh không giảm, quy định mức “chuẩn” sĩ số một lớp học không tăng.
Lúc này muốn tăng lương cho giáo viên, hay đơn giản là "trả lương theo năng lực" thì chỉ có nước tăng học phí.
Nhưng điều này trái với nguyên tắc, bởi dân đóng thuế là để Nhà nước đảm bảo giáo dục cơ bản, làm sao có thể tăng học phí tùy tiện?
Luật Giáo dục 2005 quy định:
Điều 11. Phổ cập giáo dục
1. Giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở là các cấp học phổ cập. Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước.
Điều 15. Vai trò và trách nhiệm của nhà giáo
....Nhà nước tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; có chính sách sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình; giữ gìn và phát huy truyền thống quý trọng nhà giáo, tôn vinh nghề dạy học.
Điều 48. Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân
1. Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình sau đây:
a) Trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên;
Bởi vậy, muốn "tự chủ giáo dục phổ thông" ngay cả khi "chưa bàn tự chủ tài chính" như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề cập, cũng không phải là bài toán đơn giản.
Về mặt nhân sự, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục khác về:
Mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục; quy chế thi, tuyển sinh và văn bằng, chứng chỉ; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; cơ sở vật chất và thiết bị trường học; bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Không những Bộ Giáo dục và Đào tạo không tuyển dụng, quản lý và trả lương giáo viên, mà ngay cả đội ngũ quản lý giáo dục các cấp từ hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục và đào tạo, giám đốc sở giáo dục và đào tạo cũng không phải do Bộ trực tiếp bổ nhiệm, quản lý hoặc phân quyền bổ nhiệm, quản lý.
Lực lượng này thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương (Hội đồng Nhân dân và Ủy ban nhân dân), trước đây là theo Luật số 11/2003/QH11 của Quốc hội: Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, hiện nay là Luật số 77/2015/QH13 của Quốc hội: Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn nắm được “ngành dọc”, có lẽ không có cách nào khác ngoài việc phải sửa những luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Thế nên mới có những chuyện khôi hài về đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp, ví dụ như:
"Bị tòa án nhân dân huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) tuyên án về tội đánh bạc, nhưng ông Lâm Anh Tuấn (sinh năm 1968), vẫn được bổ nhiệm làm Trưởng phòng GD&ĐT huyện này. [10]
Những ngộ nhận về "bỏ biên chế giáo viên" |
Hay chuyện "người đàn ông 17 năm làm Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo" ở huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang tiếp tục được bổ nhiệm thêm một nhiệm kỳ. [11]
Chuyện Thị ủy Cửa Lò tỉnh Nghệ An điều Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo về làm Bí thư phường Nghi Thu và ngược lại, Bí thư phường này về làm Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo. [12]
Rõ ràng đây là những bất cập cần phải thay đổi, và điều này nằm trong cải cách hệ thống hành chính chứ một mình ngành giáo dục không thể làm nổi.
Nó không còn đơn giản là câu chuyện tinh giản biên chế cán bộ, công chức hay sắp xếp lại bộ máy.
Năng lực quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Phần trên chúng tôi đã dẫn phân tích của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về ngân sách, tài chính cho giáo dục:
“Nếu cái quan trọng hàng đầu là tiền mà không nắm được thì dù cho Bộ Giáo dục và Đào tạo có quản lý từ những việc nhỏ nhất như tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 trở đi, Bộ cũng không quản lý được việc nâng cao chất lượng giáo dục.”,
Nhưng một vấn đề khác cũng nên được đặt ra, xuất phát từ thực tiễn. Đó là năng lực quản lý và sử dụng ngân sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến đâu?
Cho dù có sửa Luật Ngân sách nhà nước để Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý toàn bộ ngân sách cho giáo dục hàng năm, bao gồm tiền trả lương giáo viên, thì liệu Bộ có kham nổi công việc khổng lồ này và đảm bảo không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực?
Sở dĩ phải đặt câu hỏi này là vì, hiện nay ngoài khoản ngân sách chi thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn quản lý hàng loạt dự án vay vốn ODA, nhưng còn nhiều câu hỏi về tính hiệu quả, minh bạch.
Báo Đại biểu Nhân dân dẫn lời Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân, Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI cho biết: từ năm 2004 đến 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý 42 dự án, chương trình vay vốn ODA với tổng kinh phí 1,274 tỉ USD.
Tuy nhiên Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân cho biết:
"Rất khó đánh giá kết quả và hiệu quả của các dự án ODA trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Báo cáo của các bộ và các trường rất sơ lược, thậm chí không có, về nội dung này.". [13]
Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 11/5/2008 dẫn lời nhà văn Vũ Ngọc Tiến cho hay, liên quan đến (chương trình và) sách giáo khoa (hiện hành - Chương trình 2000): còn nguồn thu cực lớn khác là dự án do lãnh đạo Bộ làm chủ:
Dự án “Đổi mới chương trình sách giáo khoa tiểu học” trị giá 77 triệu USD do Thứ trưởng Lê Vũ Hùng (đã mất) quản lý; dự án “Đổi mới chương trình trung học cơ sở” trị giá 71,5 triệu USD do Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng quản lý.
Giáo sư Phạm Vũ Luận, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển và những siêu đề án ngàn tỉ |
Đi theo là các dự án “con” như “Bồi dưỡng giáo viên dạy theo sách mới của trường tiểu học” trị giá 145 triệu USD do Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai phụ trách;
Dự án “Bồi dưỡng giáo viên dạy theo cách mới của trung học cơ sở” trị giá 35 triệu USD do nguyên Thứ truởng Nguyễn Tấn Phát phụ trách. [14]
Nhưng khi còn chưa kịp triển khai đại trà sách giáo khoa lớp 12 của Chương trình 2000, thì trong báo cáo số 146/BC-BGDĐT ngày 26/5/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên kế hoạch nghiên cứu xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông mới để triển khai sau năm 2010. [15]
Chúng tôi cũng xin lưu ý rằng, Đề án Đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành, tiêu 80 triệu USD cũng hoàn toàn không có cam kết tuổi thọ của chương trình sách giáo khoa mới.
Nói cách khác, hiện tại dư luận mới chỉ biết Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiêu ít nhất 80 triệu USD cho chương trình, sách giáo khoa mới, nhưng không ai trả lời cho câu hỏi:
Chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được dùng ổn định trong bao nhiêu năm mà không phải làm lại, thay mới như Chương trình 2000?
Trong khi đó, ngay từ khi làm Tờ trình số 41/TTr-CP ngày 21/2/2014 về việc đề nghị ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Theo thông lệ quốc tế, sau một thời gian (chu kỳ) nhất định, chương trình giáo dục cần được xem xét, thay đổi.
Do sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ và đời sống hiện đại, chu kỳ của một chương trình giáo dục ngày càng rút ngắn:
Cuối thế kỷ XX thường là từ 7 đến 10 năm, đầu thế kỷ XXI rút xuống từ 5 đến 7 năm, và hiện nay ở nhiều nước chu kỳ này đã ngắn hơn (Chương trình và sách giáo khoa hiện hành của Việt Nam đã sử dụng 11 năm).
Vậy phải chăng khi kết thúc Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông vào năm 2023, sẽ lại có dự án khác về chương trình, sách giáo khoa, vì nó vừa hết “vòng đời” hay “chu kỳ” của một chương trình giáo dục?
Nêu ra một số vấn đề thực trạng của giáo dục nước nhà, chúng tôi không có mong muốn gì hơn ngoài việc đồng hành cùng Bộ làm tốt việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.
Từ câu chuyện đang được dư luận quan tâm như chủ trương chuyển giáo viên từ viên chức sang hợp đồng lao động, cho đến thực tế quản lý vĩ mô của nhà nước về lĩnh vực giáo dục và năng lực hoạch định chính sách, quản lý tài chính của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn nhiều vẫn đề phải bàn kỹ.
Bởi khi đã xác định phải đổi mới căn bản và toàn diện, cần có những đánh giá đúng bản chất vấn đề mới tìm ra giải pháp phù hợp và hiệu quả.
Nói như dân gian, bắt đúng bệnh mới mong bốc đúng thuốc. Và lẽ thường thuốc đắng mới giã tật.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dạy: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong.
Chúng tôi thiết nghĩ, sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà hoàn toàn có thể làm được nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo thực sự lắng nghe và cầu thị, đồng thời làm đúng chức năng và nhiệm vụ quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô, chủ động tham mưu chính sách cho Đảng, Nhà nước dựa trên những thực tế được tổng kết một cách khoa học, công khai, minh bạch và kiểm chứng được.
Chúng tôi đang đồng hành cùng ngành giáo dục trên tinh thần ấy và sẽ tiếp tục phân tích các vấn đề, cùng tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, dù biết rằng có thể sẽ động chạm đến ai đó.
Nhưng nếu thực tế mọi việc, mọi người đều tốt cả, thì cần gì phải đổi mới căn bản và toàn diện? Bởi vậy hy vọng những góp ý thẳng thắn, chân thành và xây dựng luôn được lắng nghe.
Tài liệu tham khảo:
[1] Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Thí điểm chuyển dần viên chức sang hợp đồng lao động ở những nơi có điều kiện, moet.gov.vn, 26/5/2017, http://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=4761
[2] Thông báo trước... 2 ngày, gần 400 giáo viên tại Thanh Hóa bất ngờ mất việc, vtv.vn, 12/7/2016, http://vtv.vn/chuyen-dong-24h/thong-bao-truoc-2-ngay-gan-400-giao-vien-tai-thanh-hoa-bat-ngo-mat-viec-20160712110212325.htm
[3] Thanh Hóa: Thêm 647 giáo viên mất việc, laodong.com.vn, 14/9/2016, http://laodong.com.vn/cong-doan/thanh-hoa-them-647-giao-vien-mat-viec-592149.bld
[4] Hàng loạt cán bộ huyện Vĩnh Lộc bị khiển trách, cảnh cáo vì tuyển dụng sai, giaoduc.net.vn, 28/4/2017, http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Hang-loat-can-bo-huyen-Vinh-Loc-bi-khien-trach-canh-cao-vi-tuyen-dung-sai-post176159.gd
[5] Hàng trăm giáo viên bị sa thải, tuoitre.vn, 13/11/2012, http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20121113/hang-tram-giao-vien-bi-sa-thai/520168.html
[6] Tuyển dụng giáo viên ở Yên Thành (Nghệ An): Thượng bất chính, hạ tắc loạn, Báo Xây dựng, 11/6/2016, http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/tuyen-dung-giao-vien-o-yen-thanh-nghe-an-thuong-bat-chinh-ha-tac-loan.html
[7] Vụ sa thải giáo viên ở Bắc Ninh: Cú sốc với các nhà trường, vietnamplus.vn, 09/05/2014, http://www.vietnamplus.vn/vu-sa-thai-giao-vien-o-bac-ninh-cu-soc-voi-cac-nha-truong/258859.vnp
[8] Bộ trưởng Nhạ trả lời chất vấn vụ điều giáo viên đi tiếp khách, tuoitre.vn, 16/11/2016, http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20161116/tu-lenh-nganh-giao-duc-phung-xuan-nha-tra-loi-chat-van/1219996.html
[9] Bộ giáo dục đừng làm cô bảo mẫu, mà phải là chuyên gia hoạch định chiến lược, giaoduc.net.vn, 21/7/2016, http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-giao-duc-dung-lam-co-bao-mau-ma-phai-la-chuyen-gia-hoach-dinh-chien-luoc-post169566.gd
[10] Dính án đánh bạc vẫn được bổ nhiểm làm trưởng phòng giáo dục: Bổ nhiệm đúng quy trình?, giaoducthoidai.vn, 2/6/2017, http://giaoducthoidai.vn/ket-noi/dinh-an-danh-bac-van-duoc-bo-nhiem-lam-truong-phong-giao-duc-bo-nhiem-dung-quy-trinh-3372523.html
[11] Người đàn ông 17 năm làm Trưởng Phòng GD&ĐT, news.zing.vn, 4/6/2017, http://news.zing.vn/nguoi-dan-ong-17-nam-lam-truong-phong-gd-dt-post751829.html
[12] Thị ủy Cửa Lò lên tiếng việc bổ nhiệm trưởng phòng giáo dục, phapluatplus.vn, 9/12/2015, http://www.phapluatplus.vn/thi-uy-cua-lo-len-tieng-viec-bo-nhiem-truong-phong-giao-duc-d2023.html
[13] Nhìn lại ODA cho giáo dục và đào tạo, daibieunhandan.vn, 28/8/2015, http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=357111
[14] “Họ đã thao túng hàng ngàn tỷ đồng”, plo.vn, 11/5/2008, http://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/ho-da-thao-tung-hang-ngan-ty-dong-268098.html
[15] Cân nhắc lùi thời gian thực hiện Chương trình GDPT mới, tienphong.vn, 10/6/2017, http://www.tienphong.vn/giao-duc/can-nhac-lui-thoi-gian-thuc-hien-chuong-trinh-gdpt-moi-1157195.tpo