Ngày 6/7 chúng tôi có bài viết Can thiệp thô bạo của Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội làm méo mó trường tư.
Trong bài viết trên, chúng tôi đã phân tích sự can thiệp thô bạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vào một thỏa thuận dân sự giữa Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh với một số cha mẹ học sinh đã nộp đơn xin nhập học cho con vào trường này, nhưng sau đó rút đơn và đòi lại tiền.
Đó là công văn số 2784/SGDĐT-QLT ngày 3/7/2018 do Phó giám đốc Sở, ông Phạm Văn Đại ký, yêu cầu trường Lương Thế Vinh "hoàn trả toàn bộ các khoản tiền, lệ phí đã thu khi học sinh rút hồ sơ".
Công văn số 2784/SGDĐT-QLT ngày 3/7/2018 do Phó giám đốc Sở, ông Phạm Văn Đại ký. |
Văn bản chỉ đạo này không đưa ra được bất kỳ căn cứ pháp lý nào, đồng thời trái với những phát biểu của các quan chức Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trước đó;
Giám đốc sở Chử Xuân Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Nguyễn Văn Cẩn, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng Phạm Quốc Toản đều khẳng định trường tư thục có quyền tự chủ tài chính, tự chủ tuyển sinh.
Thỏa thuận tài chính giữa cha mẹ học sinh xin nhập học cho con với các trường tư về khoản đặt cọc không có gì trái luật, trái quy định và nằm trong quyền tự chủ của nhà trường.
Giám đốc Sở cần xem lại năng lực chuyên môn của đội ngũ tham mưu
Cho đến hiện tại, chúng tôi chưa nhận được phản hồi nào từ phía quý thầy lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về các vấn đề chúng tôi đặt ra liên quan đến vụ việc trên.
Tuy nhiên, ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ngày 6/7 được một tờ báo dẫn lời nói rằng:
Ông Toản thừa nhận có hiện tượng xảy ra trong quá trình tuyển sinh vào lớp 10 ở một số trường ngoài công lập như báo chí nêu, có những chiêu trò mang tính chụp giật, khiến điểm chuẩn lên xuống bất thường để phụ huynh phải bỏ tiền mua điểm.
Tờ báo này còn lưu ý, đây là "quan điểm xử lý" của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Ông Phạm Quốc Toản, ảnh: VOV. |
Ông Toản phát biểu những nội dung này tại diễn đàn giáo dục “Tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội: Vai trò của cơ quan quản lý ở đâu?” do hệ VOV2 tổ chức ngày 6/7.
Thật là đáng tiếc, phát biểu này của ông Phạm Quốc Toản ngày 6/7 đã trái ngược lại hoàn toàn những gì chính ông đã khẳng định trước một phóng viên Báo Nhân Dân trong bài đăng ngày 26/6 trước những câu truy vấn ráo riết.
Thông tin ông Toản đưa ra ngày 6/7 rằng, việc nâng điểm chuẩn đột ngột như có trường ngoài công lập đã làm vừa qua là một hiện tượng lạ, chưa từng xảy ra bao giờ, lại trái ngược hoàn toàn với những gì lãnh đạo của ông cung cấp cho Báo Infonet.
Ngày 2/7, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng được Báo Infonet dẫn lời, khẳng định:
"Theo quy định, trường ngoài công lập tự chủ tài chính và được phép tự chủ tuyển sinh.
Nhà trường thay đổi điểm chuẩn là tùy quyết định của lãnh đạo ban giám hiệu sau khi căn cứ vào lượng hồ sơ nộp về.
Không chỉ trường Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu mà nhiều trường khác cũng làm như vậy.
Về nguyên tắc, nhà trường làm như thế không sai so với quy định hiện hành, nhưng nhà trường cũng nên cân nhắc cách thức tuyển sinh khoa học hơn, tránh gây xáo trộn cho phụ huynh.
Về phía các vị phụ huynh, nên cân nhắc trong việc nộp hồ sơ cho con em mình thật kỹ rồi hãy nộp, không nên nộp theo phong trào."
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng, ảnh: VA / Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. |
Chúng tôi cho rằng, phát biểu trên của Giám đốc Sở, thầy Chử Xuân Dũng rất hợp lý, hợp tình, đúng mực về các trường tư thục. Nó cho thấy thầy Dũng am hiểu và nắm chắc quyền tự chủ của trường tư;
Có điều dường như thày Chử Xuân Dũng cũng vẫn chưa thấy được nguyên nhân cực kỳ quan trọng từ cách điều hành của Sở mình, dẫn đến những xáo trộn không đáng có trong mùa tuyển sinh năm nay.
Tuy nhiên, thuộc cấp của ông là người trực tiếp phụ trách lĩnh vực quản lý thi và kiểm định chất lượng lại không nắm được thông tin lĩnh vực mình phụ trách, đâu phải hiện tượng nâng điểm chuẩn "chưa từng xảy ra".
Giám đốc Sở nắm vững và kiên định quan điểm của mình về các quy định xung quanh quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của trường tư thục bao nhiêu thì thuộc cấp của ông lại lơ mơ, thay đổi nhanh chóng theo dư luận bấy nhiêu.
Chưa kể, ông Phạm Quốc Toản chỉ nhìn thấy sự cố nâng điểm chuẩn của 1 trường ngoài công lập (trường Tạ Quang Bửu) là "thiếu khoa học", mà lờ đi sự bất thường, thiếu khoa học của Sở trong việc hạ điểm chuẩn trường công.
Chính quyết định hạ điểm chuẩn 35 trường trung học phổ thông công lập Hà Nội năm nay mà Sở đột ngột công bố, đã thúc đẩy cơn sốt rút hồ sơ từ trường tư về trường công sau những hiệu ứng truyền thông từ công văn chỉ đạo lạm quyền của Sở.
Ai đứng sau "cơn sốt tuyển sinh lớp 10 nhảy như chứng khoán" tại Hà Nội? |
Trong khi đó, mọi dữ liệu về thí sinh, học bạ, điểm thi và chỉ tiêu các trường công lập đều có trong mạng máy tính của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, mà Sở này còn không tính được chính xác điểm chuẩn trường công;
Vậy thì một trường tư thục làm sao cố định được điểm chuẩn trước làn sóng xin học cho con ở cổng trường mà không lấy gì đảm bảo họ hiểu và cam kết lâu dài với nhà trường mà chỉ tìm chỗ gá chân tạm thời chờ cơn may rủi từ quý Sở?
Bởi lúc khó khăn, đến xin học cho con ai cũng tỏ ra tử tế và cần một chỗ học, đọc hiểu quy định và ký vào cam kết lâu dài. Số tiền đặt cọc cho nhà trường để bảo đảm cho sự cam kết ấy.
Không ít người nài nỉ, nhà trường buộc phải dang tay đón nhận mà không thể tìm hiểu kỹ càng xem, vị đó muốn nhập học cho con thật sự hay đang gá chỗ tạm thời.
Thậm chí nếu không nâng điểm chuẩn như trường Tạ Quang Bửu, biết đâu lại xảy ra chuyện đạp đổ cổng trường như trường thực nghiệm năm nào?
Tại sao Sở đột ngột hạ điểm chuẩn trường công giữa lúc nước sôi lửa bỏng với nhiều gia đình có con thi vào lớp 10 năm nay để kích thích thêm làn sóng rút - nộp hồ sơ ấy?
Chúng tôi hy vọng các "cao nhân" trong ngành giáo dục Thủ đô cho một kiến giải thuyết phục được dư luận xã hội về sự kỳ lạ này.
Công văn can thiệp thô bạo có dấu hiệu lạm quyền cần được hủy bỏ/thu hồi
Quay trở lại công văn số 2784/SGDĐT-QLT ngày 3/7/2018 do Phó giám đốc Phạm Văn Đại ký;
Trong bài viết trước chúng tôi đã phân tích sự phi lý đến vô lối của "yêu cầu" trường Lương Thế Vinh phải "hoàn trả toàn bộ các khoản tiền, lệ phí đã thu khi học sinh rút hồ sơ", bằng chính khẳng định của Giám đốc Chử Xuân Dũng và 2 vị Trưởng phòng thuộc Sở.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại, ảnh: Báo Hà Nội Mới. |
Ở đây chúng tôi muốn lưu ý thêm một điều, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dường như đang đi quá chức năng, nhiệm vụ của mình khi đưa ra yêu cầu này.
Mục 7, Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội quy định tại Quyết định số 38/2016/QĐ-UBND ngày 8/9/2016 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký, ghi rõ:
Hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra, thanh tra các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở, các Phòng Giáo dục và Đào tạo về thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục, quy chế chuyên môn, việc thực hiện chính sách đối với người học, các điều kiện đảm bảo của các cơ sở giáo dục công lập;
Công tác tuyển sinh, thi, xét duyệt, cấp văn bằng, chứng chỉ, kiểm định chất lượng giáo dục; công tác phổ cập giáo dục, chống mù chữ, xây dựng xã hội học tập ở địa phương và các hoạt động giáo dục khác theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thứ nhất, nói về quy trình.
10 giờ 30 phút sáng 3/7 Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang cùng 2 cán bộ của Sở xuống làm việc với lãnh đạo trường Lương Thế Vinh do có phản ánh của một số tờ báo;
11 giờ 30 phút cùng ngày, Hiệu trưởng trường này mới nhận được lệnh của Sở qua điện thoại: cử người lên Sở lấy công văn số 2784/SGDĐT-QLT ngày 3/7/2018.
Can thiệp thô bạo của Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội làm méo mó trường tư |
Đây là quy trình 2 lần ngược: thanh tra kiểm tra tuyển sinh trước, công văn đến sau; triệu lãnh đạo nhà trường lên Sở lấy công văn, chứ Sở không gửi đến nhà trường theo quy định, cũng như phép lịch sự tối thiểu.
Thứ hai, nói về nội dung.
Yêu cầu của lãnh đạo Sở buộc trường Lương Thế Vinh phải "hoàn trả toàn bộ các khoản tiền, lệ phí đã thu khi học sinh rút hồ sơ" là phạm vào điều "Sở không được quyền can thiệp", nằm ngoài chức năng quản lý nhà nước của Sở, lấn sân sang vai trò của một tòa án trước một thỏa thuận dân sự.
Do đó, chúng tôi cho rằng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên có quyết định thu hồi / hủy bỏ công văn số 2784/SGDĐT-QLT ngày 3/7/2018 để thể hiện tinh thần cầu thị, thượng tôn pháp luật.
Hơn nữa, chính công văn này đang là điểm tựa để một số bài báo kêu gọi một số cha mẹ học sinh đã nộp hồ sơ nhập học cho con vào trường tư giờ đây đòi rút hồ sơ và đòi lại tiền đặt cọc theo thỏa thuận công khai, minh bạch;
Không chỉ hai trường Lương Thế Vinh và Tạ Quang Bửu bị hành bởi công văn chỉ đạo kiểu này, nó đang kích thích lòng tham của nhiều vị cha mẹ học sinh đã nộp đơn nhập học vào trường tư thục khác đến gây áp lực lên các trường tư để lật kèo dưới sự yểm trợ của truyền thông và chỉ đạo của Sở.
Người ta đang nhân danh quyền lợi vị kỷ của một số cha mẹ học sinh "bắt cá hai tay" (cũng bởi cách điều hành thi cử của Sở), để cổ vũ và bảo vệ cho những hành động đi ngược lại cam kết tự nguyện của chính họ với các nhà trường.
Vô hình trung, sự lật lọng đang được cổ xúy nhân danh những điều tốt đẹp.
Chúng tôi được biết, có trường tư thục dù không nằm trong đối tượng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo hoàn trả các khoản đặt cọc cho cha mẹ học sinh rút hồ sơ, nhưng đã bị rút 191 hồ sơ nhập học, tương đương với 7 lớp, vì hiệu ứng đám đông này.
Đó là một trường khá có tiếng và dồi dào nguồn tuyển sinh. Sự cố này có nghĩa, 191 học sinh mong muốn được học dưới mái trường này với cam kết lâu dài, đã bị tước đi cơ hội vì 191 hồ sơ ảo của một nhóm người bắt cá hai tay.
Nhưng thiệt hại lớn hơn cả là nhà trường.
Kể cả có giữ lại tiền đặt cọc cũng không bù đắp lại được thiệt hại lớn về sĩ số như thế, khi nhà trường phải tự chủ, tức là tự lo mọi mặt, để gánh giúp Thủ đô một số lượng học sinh trong bối cảnh sĩ số trường công ngày càng quá tải.
Hơn nữa, với thương hiệu đã gây dựng được về chất lượng dạy và học, trường Lương Thế Vinh và một số trường tư thục khác đâu thiếu nguồn tuyển sinh để mà phải vơ bèo vạt tép?
Hiểu quy định của nhà trường và cam kết đi cùng nhà trường lâu dài mới là những học sinh được chào đón. Đó là sự thỏa thuận.
Còn hiểu quy định của nhà trường, dù không muốn nhưng bấm bụng ký vào cam kết để giữ chỗ cho con, thì chính những vị cha mẹ học sinh này đang lợi dụng lòng tốt của nhà trường trong lúc "tranh tối, tranh sáng".
Thiết nghĩ, với sự yếu kém của đội ngũ tham mưu giúp việc như thế này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng nên có hoạt động chấn chỉnh thuộc cấp;
Mong sao thầy Dũng yêu cầu và kiểm tra xem họ có nhận thức được chức năng nhiệm vụ của Sở và của mình hay không, có tinh thần phục vụ nhân dân và kiến tạo hay không, để tránh xảy ra những vụ việc lạm quyền đáng tiếc.