LTS: Sau câu chuyện hơn 500 giáo viên ở Đắk Lắk gửi tâm thư lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, thầy giáo Khánh Văn bày tỏ nỗi buồn trước sự bất lực của người thầy.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Theo từ điển Tiếng Việt thì “tâm thư” có nghĩa là tâm sự hoặc những lời tâm huyết - đây là một từ cũ nhưng thời gian qua, chúng ta đã thấy có nhiều tâm thư được gửi đi.
Mới đây nhất là một tâm thư đong đầy cảm xúc, đại diện cho hơn 500 giáo viên ở tỉnh Đắk Lắk gửi lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Có lẽ, những thầy cô dạy hợp đồng ở đây cũng đã không còn hy vọng và cũng không biết bấu víu vào đâu về việc đứng lớp của mình nên mới “đánh liều” gửi tâm thư đến người đứng đầu Chính phủ.
Ngược thời gian, chúng ta cũng đã từng chứng kiến nữ thủ khoa trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 là giáo sinh Bùi Thị Hà đã gửi tâm thư cho ông Triệu Tài Vinh, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang để hy vọng được đứng lên bục giảng tại quê hương của mình.
Nhưng, cuối cùng thì cô “thủ khoa chăn lợn” vẫn không có cơ hội giúp đỡ. Điều này cũng có cái lý của nó bởi tâm thư nào thì cũng phải căn cứ vào pháp luật, vào các văn bản hướng dẫn hiện hành để tuyển dụng nhân sự cho ngành giáo dục.
Đối với câu chuyện hơn 500 giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã kéo dài khá lâu và tốn không biết bao nhiêu là giấy mực của báo chí trong thời gian qua nhưng cuối cùng đã có một kết thúc… không có hậu.
Bởi theo thông báo của Uỷ ban nhân dân huyện Krông Pắk thì họ sẽ chấm dứt hợp đồng với tất cả giáo viên đang dạy hợp đồng trên toàn huyện trước ngày 30/10/2018.
Bức tâm thư được các giáo viên gửi lên Thủ tướng Chính phủ Nguyên Xuân Phúc. Ảnh: VOV |
Thông báo này cũng có nghĩa là dấu chấm hết cho hơn 500 thầy cô đã có nhiều năm cống hiến tuổi thanh xuân cho giáo dục huyện Krông Pắk, cũng như nhiều tháng nay đã cố gắng làm mọi cách có thể để duy trì công việc giảng dạy của mình.
Vì thế, bức tâm thư lần này gửi lên Thủ tướng Chính phủ cũng là sự bất lực nhưng có lẽ họ vẫn đặt một chút hy vọng mong manh vào người đứng đầu Chính phủ có thể giúp họ có cơ hội được tiếp tục đứng trên bục giảng.
Hình thức của bức thư rất đẹp, nét chữ chân phương, cẩn thận và nội dung thì rất thống thiết.
Đọc bức thư, ta thấy các thầy cô vẫn chan chứa hy vọng và có cả những bất bình về lãnh đạo địa phương, trong đó có đoạn:
“Từ năm 2010-2018, qua 3 đời chủ tịch huyện đã ký dôi dư hơn 500 giáo viên hợp đồng. Sau đó lại chính chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện lại ký quyết định thôi việc các giáo viên này.
Lỗi này không thuộc về giáo viên hợp đồng mà thuộc về người ra quyết định. Người ký sai chịu nhận quyết định cảnh cáo còn chúng cháu giờ đây chuẩn bị mất việc.
Có những giáo viên hợp đồng đang mang thai khi nghe tin đã không chịu được cú sốc dẫn đến sẩy thai rồi mất con 500 con người và 500 gia đình sẽ ra sao?
Hơn 1.200 giáo viên hợp đồng ở Hải Dương được trở lại làm việc |
Đây có phải là giải pháp nhân văn nhất của Uỷ ban nhân dân huyện và Uỷ ban nhân dân tỉnh đối với giáo viên hợp đồng chưa hay chỉ nhân văn đối với lãnh đạo Uỷ ban nhân dân huyện Krông Pắk?
Mong muốn tột cùng của chúng cháu là hằng ngày được đứng trên bục giảng nhưng nếu đã không thể thì phải có giải pháp nhân văn để chúng cháu ổn định cuộc sống trong thời gian gần nhất”.
Đọc bức tâm thư, có lẽ ai cũng rưng rưng cảm xúc cho thân phận những người thầy sắp sửa mất đi công việc của mình mà họ đã tâm huyết theo đuổi, thậm chí phải mua bằng tiền.
Lỗi tại lãnh đạo địa phương, tại những người đã đặt bút ký nhận họ vào hợp đồng. Nhưng, những lãnh đạo đó bây giờ có người về hưu, có người ở vị trí cao hơn, có người đang tại vị ở vị trí cũ.
Tuy nhiên, những mức kỷ luật dành cho các vị này là cảnh cáo và khiển trách thì có tác dụng gì với những mất mát, đánh đổi của hơn 500 con người.
Nói thật, dù bức tâm thư này đến được với Thủ tướng thì cũng rất khó có thể giải quyết thấu đáo được công việc của hơn 500 giáo viên trong một huyện thuộc khu vực khó khăn của cả nước.
Làm sao có thể sắp xếp được công việc của chừng ấy con người, làm sao có kinh phí để trả lương cho chừng ấy nhân lực dôi dư hàng năm đây?
Bởi, những tháng ngày qua, giữa giáo viên và các cơ quan chủ quản ở địa phương cũng đã có nhiều cuộc đối thoại. Uỷ ban nhân dân tỉnh cũng đã cố gắng để giải quyết hậu quả nhưng cuối cùng cũng đành phải bất lực, bế tắc…
Giáo viên hợp đồng dôi dư quá nhiều trong một huyện cho thấy những sai phạm của các cơ quan tuyển dụng địa phương đã không làm tốt vai trò của mình.
Họ yếu chuyên môn, không dự báo được nguồn nhân lực cho ngành giáo dục địa phương hay họ cố tuyển vào để hưởng lợi cho bản thân mình?
Dù là nguyên nhân nào đi chăng nữa thì các cơ quan chức năng cũng cần kiên quyết, nghiêm khắc xử lý sai phạm của những người đã tham mưu, đã ký quyết định tuyển dụng sai phạm này.
Sự việc này không chỉ ảnh hưởng đến hơn 500 thầy cô giáo, hơn 500 gia đình mà nó còn dẫn đến nhiều hệ lụy cho địa phương và ngành giáo dục.
Bức tâm thư rõ ràng cho thấy các thầy cô đang đi vào ngõ cụt nhưng có lẽ nó cũng sẽ mở ra nhiều con đường cho những giáo viên nơi đây.
Bởi, phần lớn giáo viên bị mất việc làm ở đây vẫn đang còn trẻ, đang còn nhiều cơ hội để tìm một việc làm mới nhằm đảm bảo tương lai cho mình và cho gia đình.
Một khi, nhân lực ngành giáo dục ở đây dôi dư thì sớm muộn gì cũng dẫn đến tình trạng tinh giản hay thanh lý hợp đồng.
Thà rằng, sự việc diễn ra sớm hơn để tìm hướng đi mới cho mình vẫn còn hơn cứ mãi nhì nhằng mỗi tháng hưởng một số tiền lương hợp đồng ít ỏi mà cứ nơm nớp phải lo mất việc.
Vấn đề còn lại bây giờ là các cơ quan chức năng ở huyện Krông Pắk, cũng như tỉnh Đắk Lắk hãy cố gắng thu xếp những nguồn lực có thể để giải quyết chế độ hợp đồng cho các thầy cô một cách thỏa đáng, nhân văn.
Đừng để các thầy cô khi nghỉ dạy bị quá nhiều thua thiệt, mất mát với những tháng ngày đã đứng trên bục giảng làm thiên chức “trồng người”.