LTS: “Muốn sang thì Bắc cầu kiều – Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.
Từ xưa truyền thống hiếu học đã ngấm sâu vào nếp sống của con người Việt Nam, trở thành một truyền thống, nét đẹp của con người Việt Nam góp phần xây dựng hình ảnh những con người nước mình “cần cù, chịu khó” trong mắt bạn bè thế giới.
Đằng sau những cô cậu học trò đang lớn từng ngày, trở thành những con người tài năng ấy, đương nhiên luôn có bóng dáng “lao lực” của những người thầy âm thầm nhưng vĩ đại dìu dắt họ nên người.
Nhớ về người thầy dạy Lý của mình, tác giả Hồ Tấn Nguyên Minh có bài viết xúc động như một lời tri ân, cảm tạ người thầy đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giáo dục, giờ đã “hóa kiếp mây bay” để lại bao nuối tiếc cho những thế hệ học trò của ông.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Tôi muốn mượn câu thơ ấy trong kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du để dành riêng tặng thầy Trần Hùng Anh – một trong những người thầy, người đồng nghiệp mà tôi quý mến nhất ở trường chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên.
Ngày thầy mất người thân, bạn bè, đồng nghiệp và học sinh đứng chật kín hai bên đường tiễn đưa thầy.
Thầy Trần Hùng Anh (trái) và tác giả (Ảnh tác giả cung cấp). |
Không ai cầm được nước mắt khi nghe những lời điếu văn cảm động và tha thiết ân tình của thầy Hiệu trưởng.
Từng giọt long lanh rơi xuống – ngậm ngùi, xót xa, nuối tiếc trước sự ra đi quá đột ngột của một con người cao quý. Không đợi ai nhắc bảo, các em học sinh trường Lương Văn Chánh mỗi em cầm một một đóa hoa tươi đặt lên mộ người thầy yêu quý của mình.
Với một nhà giáo, dành được tình cảm lớn như thế từ mọi người kể cũng hiếm, nhưng ân tình ấy không ngẫu nhiên mà có.
Cuộc đời này tựa một chiếc gương soi, soi vào tròn sẽ nhận được ảnh tròn, soi vào méo sẽ nhận ảnh méo.
Tình cảm mà thầy nhận được là kết quả của cả một đời dạy học bằng tất cả tài năng, tâm huyết và một tấm lòng trong sáng như nước từ khe suối tuôn ra; như loài hoa bình dị mà thanh tao làm say đắm lòng người.
Nói về thầy Trần Hùng Anh là nói tới một nhà giáo giỏi.
Môn Vật Lý khó như vậy mà qua tầm kiến thức sâu rộng và cách giảng bài cuốn hút của thầy, các em nhận ra từ đó biết bao điều thú vị.
Những thế hệ học sinh Lương Văn Chánh từng được học thầy Hùng Anh có lẽ sẽ không bao giờ quên được giọng giảng bài sang sảng, khúc chiết mà vô cùng lôi cuốn của thầy.
Là một trong những thầy giáo có uy tín hàng đầu ở Phú Yên, thầy là trụ cột trong phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi môn Vật Lý của tỉnh đồng thời là chỗ dựa về chuyên môn cho các đồng nghiệp trường Lương Văn Chánh.
Vì vậy mà tuy hầu như chẳng nhận một danh hiệu thi đua nào thầy vẫn được Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên và Bộ Giáo dục đánh giá cao.
Năm 2012, thầy được Bộ Giáo dục cử làm thành viên Ban ra đề thi đại học môn Vật Lý dành cho học sinh toàn quốc, trở thành niềm tự hào cho tập thể giáo viên nhà trường.
Những ai từng gặp thầy Hùng Anh dường như đều có chung một cảm nhận rằng con người đáng kính ấy khi mới gặp có vẻ lạnh lùng, nhưng khi tiếp xúc, làm việc với thầy mới nhận ra rằng ẩn bên trong cái vẻ ngoài gai góc ấy là một phong cách sống phóng khoáng, hóm hỉnh, hào hiệp; một tấm lòng độ lượng và dào dạt tình thương.
Với học trò, thầy dường như chẳng tiếc một điều gì.
Trong khả năng của mình, thầy làm tất cả để hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần cho các em.
Trước khi mất không bao lâu, dù biết sức khỏe của mình không được tốt, thầy vẫn lặn lội vào tận thành phố Hồ Chí Minh để vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ cho những học sinh nghèo của trường Lương Văn Chánh có điều kiện vươn lên trong học tập.
Bất cứ khi nào học trò cần giúp đỡ về kiến thức, dù là gặp gỡ trực tiếp hay qua điện thoại thầy đều rất sẵn lòng.
Nơi ấy cần nhiều tình thương |
Không chỉ với học trò, các giáo viên trong nhà trường – đặc biệt là giáo viên tổ Vật Lý – cũng tìm thấy nơi thầy một chỗ dựa vững chắc, một nơi chia sẻ chân thành trong giảng dạy cũng như trong cuộc sống.
Một con người làm việc không mệt mỏi, được mọi người nể trọng như thế lại rất đỗi khiêm nhường, không thích phô trương bản thân mình.
Cả cuộc đời dạy học – dù có công rất lớn với sự nghiệp giáo dục của nhà trường, thầy hầu như chẳng xin một danh hiệu, một phần thưởng nào. Khi tôi hỏi, thầy chỉ cười mà đáp rằng: “Nên dành cho lớp trẻ”.
Câu nói ấy bình dị thôi nhưng đáng quý biết bao nhiêu, liệu có được bao nhiêu người biết nhường đường và nghiêng mình trước tương lai như thế?
Ngày thầy mất, không một tấm bằng khen, không một chiếc huy chương nào được treo lên nhưng nhìn những ánh mắt tiếc thương hướng về di ảnh của thầy tôi chợt nghĩ đến một chiếc huy chương khác – vô hình nhưng bất tử - được tạo nên từ tình cảm của biết bao người đã từng gắn bó với thầy.
Những người như thầy Hùng Anh người thương nhiều mà người ghét cũng lắm. Bởi tính cách của thầy vô cùng mạnh mẽ, cương trực “thẳng như một làn tên bắn, trong sáng như một chiếc gương soi”.
Thầy Trần Hùng Anh cùng các thầy cô giáo tổ Vật Lý đi thực tế ở Thủy điện Sông Ba Hạ (Ảnh tác giả). |
Thầy sống chân thật, yêu ghét rõ ràng, không hề biết luồn lách, đãi bôi.
Thầy là người mà nói như những câu thơ Phùng Quán là: “Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét”.
Những người trong sáng, thẳng ngay sẽ yêu quý thầy bởi họ tìm thấy ở thầy sự tri âm.
Còn những kẻ trí trá, ma mãnh, luồn cúi sẽ luôn xem thầy như cái gai trong mắt, cái đinh trong thịt mà lúc nào họ cũng muốn nhổ đi. Thầy biết thế nhưng không bao giờ sống khác, cốt cách ấy cao đẹp biết chừng nào!
Một lần cà phê chuyện phím, thầy đọc cho tôi nghe hai câu thơ “Ước gì có một dòng sông/ Cuốn phăng đi những đứa không là đời”.
Ban đầu tôi không hiểu ý thơ của thầy cho lắm, bởi cuộc đời này là một mớ hỗn tạp, đan xen nhiều chiều kích, tồn tại nhiều loại người, có người tốt cũng có người xấu, có người cao thượng cũng có kẻ thấp hèn, làm gì có “những đứa không là đời”.
Lâu dần tôi mới hiểu, một người như thầy sẽ chỉ chấp nhận sự trong sáng, thẳng ngay mà không bao giờ chấp nhận sự giả trá, ti tiện nên mới khao khát cuốn phăng đi những gì làm cho cuộc đời này trở nên xấu xí.
Thái độ của thầy với cái xấu mạnh mẽ, quyết liệt như vậy đấy.
Những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, cảm thấy sức khỏe của mình không được tốt, thầy một mình vào Sài Gòn khám bệnh. Và khi biết mình mắc căn bệnh ung thư quái ác, không thể nào qua khỏi, thầy giấu cô và các con, một mình âm thầm chịu đựng những cơn đau khủng khiếp.
Tấm gương “giỏi việc nước, đảm việc nhà” của ngành giáo dục Ninh Bình |
Thầy không muốn vợ con lo lắng; không muốn người thân, bạn bè phải xót xa; không muốn ai phải khổ vì mình.
Lúc nào gượng dậy được, thầy vẫn cố gắng truyền đạt kiến thức cho các em học sinh, vẫn góp ý chỉnh sửa từng cái đề thi, từng bài giảng cho đồng nghiệp.
Thầy là vậy: Sống thanh thoát, chết nhẹ nhàng tựa như cánh hạc ung dung vào cõi khác.
Ngày nhà trường làm lễ truy điệu cho thầy, nhìn di ảnh thầy, nghe những câu hát của Phạm Duy trong lời cảm ơn đầy xúc động của Trần Quang An – con trai thầy “Nghìn trùng xa cách/ Người đã đi rồi/ Còn gì đâu nữa/ Mà khóc với cười” tôi bất chợt nghĩ đến hình ảnh của những hạt bụi vàng.
Thầy chính là một hạt bụi vàng – nhỏ bé, bình dị nhưng vô cùng cao quý.
Chính những hạt bụi vàng như thế sẽ khiến cho cuộc đời này tỏa sáng những ánh vàng rực rỡ.
Nghĩ về thầy, lòng tôi bỗng nhiên chùng xuống, những hạt bụi vàng quý giá như thầy hình như càng ngày càng hiếm trong cõi đời này.