LTS: Trước những yêu cầu nhiệm vụ hiện nay của ngành giáo dục càng đòi hỏi phải tăng cường xây dựng đội ngũ giáo viên trong sạch, vững mạnh, nâng cao tính tiên phong, gương mẫu, phẩm chất, năng lực. Đó vừa là vấn đề mang tính nguyên tắc, vừa thể hiện trách nhiệm với công việc được giao phó.
Tuy nhiên, ở các nhà trường thì tinh thần ấy được thực hiện ra sao? Trong bài viết này, thầy giáo Nguyễn Cao chỉ ra điều đó. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Trong bất kì gia đình, cơ quan nào thì người đứng đầu phải luôn gương mẫu. Đối với gia đình thì ông, bà, cha, mẹ làm gương cho con cháu, trong các cơ quan thì người đứng đầu phải thể hiện được sự tiên phong trong công việc, chuẩn mực trong đạo đức lối sống mới có thể làm gương cho cấp dưới của mình, mới thúc đẩy được sự tiến bộ của đơn vị mình.
Đối với các đơn vị trường học thì lâu nay chúng ta thường mặc định, đây là môi trường chuẩn mực về đạo đức và thầy cô vẫn thường được mọi người ngưỡng mộ về tri thức, nhân cách và lối sống.
Sự gương mẫu giáo viên, lãnh đạo các nhà trường đang ở mức độ nào? (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Hình ảnh người thầy mẫu mực luôn là gương sáng cho học sinh noi theo. Hình ảnh người lãnh đạo gương mẫu, tận tụy với công việc luôn là gương sáng để đồng nghiệp trong trường học tập và phấn đấu. Sự đối xử công bằng, tuân thủ theo nội quy của nhà trường, của ngành sẽ tạo nên sự đồng thuận để thúc đẩy việc dạy và học của đơn vị đi lên.
Chúng ta đều không thể phủ nhận rằng, phải có thầy giỏi mới có trò giỏi, có những người thầy tận tụy, yêu thương học trò mới dạy dỗ và tạo cho các thế hệ học trò biết kính trọng, lễ phép, biết nhận thức đúng sai, phải trái.
Thầy giáo trực tiếp lên tiếng về tệ “vàng thau lẫn lộn” ở sáng kiến kinh nghiệm(GDVN) - Nhiều người năm nào cũng đăng ký các danh hiệu thi đua nhưng lại, không bao giờ có suy nghĩ, dành thời gian, công sức để làm sáng kiến kinh nghiệm. |
Trong Hội đồng sư phạm nhà trường, sự đoàn kết phấn đấu, quan hệ ứng xử đồng thuận, tuân theo những quy định, phải bắt đầu từ sự gương mẫu của Ban Giám hiệu.
Mọi sự áp đặt của cấp trên lên giáo viên, của thầy cô lên học trò không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả và có tác dụng giáo dục tốt.
Đôi lúc, sự áp đặt chỉ làm cho quan hệ giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp thêm căng thẳng, đối phó, mất đoàn kết nội bộ. Sự áp đặt của thầy cô lên học trò chỉ làm các em chán nản, thiếu tôn trọng thầy cô của mình.
Đặc biệt, khi đã áp dụng “luật” hay “nội quy” của nhà trường thì không thể nào người này phải thực hiện, còn người khác thì không cần tuân thủ…
Thầy cô thường dạy học trò phải trung thực, gương mẫu trong học tập, tu rèn phẩm chất đạo đức, không được vi phạm nội quy của trường.
Nếu học sinh vi phạm là trừ điểm thi đua của lớp như: đi muộn, không mặc đồng phục, không thuộc bài và làm bài, sơn móng tay, nhuộm tóc thì có lẽ nào thầy cô lại để tóc dài, được nhuộm tóc, sơn móng tay, được ăn mặc theo mốt và không cần đồng phục…
Vì thế mà có rất nhiều giáo viên chủ nhiệm lúng túng trong các câu hỏi của học trò: Tại sao trong trường thầy A để tóc tốt, cô B nhuộm tóc vàng, sơn móng tay… thì được, còn chúng em lại bị trừ điểm, phải đứng trước cờ và mời phụ huynh lên trường?
Rõ ràng, khi thầy cô có tác phong chững chạc, ăn mặc giản dị sẽ dễ chiếm được cảm tình của học trò mà không làm phân tán tư tưởng của học trò.
Ngược lại, thầy cô trưng diện những bộ áo quần không hợp với thuần phong mĩ tục thì gây cho học trò sự tò mò, chú ý và bình phẩm. Và, khi đó người thầy cũng sẽ mất tự tin khi đứng lớp. Bởi vậy, người xưa từng dạy: “Y phục xứng kì đức”.
Trong nhà trường, Ban giám hiệu là người đề ra của các nội quy, quy định của đơn vị, là người phổ biến các quy định, các thông tư, các bộ luật cho cán bộ nhân viên nhà trường mà lại có thể vắng mặt trong giờ hành chính để đi nhậu, đi dự tiệc chỗ này, chỗ khác.
Đội Cờ đỏ - "ngáo ộp" trá hình ở trường học(GDVN)-Cờ đỏ chỉ vì ghét một học sinh nào trong lớp mà sẵn sàng “cho lớp này đứng cuối luôn”, thậm chí, có cờ đỏ còn đòi bạn “hối lộ” đồ ăn nếu không sẽ ghi tên vào sổ. |
Nhiều vị trong Ban giám hiệu thường xuyên đi muộn, về sớm thì không sao mà giáo viên chỉ cần một sự cố hư xe hay gặp mưa giữa đường chậm vài phút là ghi tên nhắc nhở trong các cuộc họp, trừ điểm thi đua…?
Có những Hiệu trưởng bị đuối lý khi đồng nghiệp hỏi trong cuộc họp: “Tại sao Ban giám hiệu thường xuyên đi muộn, vậy giờ trực của Ban giám hiệu là từ mấy giờ đến mấy giờ trong ngày?”.
Hiệu trưởng trả lời: “Ban giám hiệu không cần đi đúng thời gian, miễn sao là thực hiện và hoàn thành công việc của nhà trường”.
Tất nhiên Ban giám hiệu không phải lên lớp đúng giờ như giáo viên đứng lớp nhưng Ban giám hiệu không gương mẫu thì nói ai, hoặc trong trường có sự cố xảy ra thì ai giải quyết, hoạt động của trường ai theo dõi. Nếu cấp trên về kiểm tra đột xuất thì ai đón tiếp?
Đã mấy năm nay, ngành giáo dục đang thực hiện chống bệnh thành tích nhưng ai “chống” khi mà cuối năm vẫn cứ "giấu” số liệu học sinh bỏ học trong năm, nhiều em đã bỏ học trước khi tổng kết hàng mấy tháng mà cuối năm Ban giám hiệu cứ chỉ đạo phải làm điểm cho những học sinh này khiến tỷ lệ học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt ở con số không thể đẹp hơn.
Rõ ràng, tính nêu gương là cần thiết đối với bất kì cơ quan, đơn vị nào. Đặc biệt trong các đơn vị trường học thì sự nêu gương càng trở nên cần thiết và có một vai trò vô cùng quan trọng.
Bởi môi trường giáo dục là nơi đào tạo nên thế hệ tương lai của đất nước. Vì thế, hơn lúc nào hết thầy cô trong nhà trường luôn luôn thể hiện được “tấm gương sáng” của mình trong mọi hoàn cảnh để học sinh noi theo.