Tháng 10 sẽ báo cáo Quốc hội có lùi chương trình sách giáo khoa hay không?

01/06/2017 08:37
Trinh Phúc
(GDVN) - "Ủy ban đánh giá cả quá trình chuẩn bị chương trình, chuẩn bị đội ngũ và trang thiết bị và cho rằng rất khó để triển khai giảng dạy vào năm 2018 - 2019".

Thông tin có thể lùi một năm đưa chương trình sách giáo khoa mới vào giảng dạy thí điểm ở các lớp đầu cấp so với Nghị quyết 88 của Quốc hội đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Ngày 31/5, bên hành lang kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã tiến hành trao đổi với ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.

Theo ông Phạm Tất Thắng, đối với để xuất này, cá nhân ông cũng như quan điểm của thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội với tư cách là cơ quan giám sát nội dung này là ủng hộ.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh quochoi.vn).
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh quochoi.vn).

Lý giải việc ủng hộ lùi chương trình, Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng cho rằng: "Rõ ràng thời điểm mà chúng ta quy định, áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới trong Nghị Quyết 88 của Quốc hội khóa 13 là năm học 2018 – 2019.

Nhưng, quá trình chuẩn bị của ngành Giáo dục đã gặp một số khó khăn nhất định như việc chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Chính phủ, qua đó là hai nhiệm kỳ lãnh đạo Bộ cũ và mới nên có sự gián đoạn nhất định.

Bản thân công việc chuẩn bị chương trình sách giáo khoa mới là một công việc rất là quan trọng, rất là khó và có nhiều việc nên chúng tôi quan điểm, việc chuẩn bị cần thiết phải kỹ lưỡng càng tốt.

Việc thay đổi chương trình sách giáo khoa liên quan đến cả một thế hệ của chúng ta, thế hệ tương lai đất nước sau này nên chúng ta không thể nóng vội.

Đặc biệt, chúng ta không thể chỉ căn cứ chỉ vào mốc thời gian mà trong các ưu tiên thì ưu tiên về chất lượng, ưu tiên về sự chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình mới quan trọng nhất”.

Tháng 10 sẽ báo cáo Quốc hội có lùi chương trình sách giáo khoa hay không? ảnh 2Chương trình phổ thông mới: Cần thiết là chất lượng không phải là thời gian

Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho biết thêm: “Chúng tôi rất ủng hộ Bộ với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này, là cơ quan trực tiếp chủ trì xây dựng, triển khai chương trình phổ thông tổng thể, cũng như chương trình sách giáo khoa mới nếu sự chuẩn bị chưa thật yên tâm, chưa thật thấu đáo nên lùi lại.

Đặc biệt, các điều kiện để thực hiện chương trình sách giáo khoa mới chưa thật kỹ lưỡng, chưa thật yên tâm thì căn cứ vào điều kiện cụ thể Bộ có thể đề xuất cho Chính phủ để Chính phủ đề xuất với Quốc hội xem điều chỉnh thời gian áp dụng thí điểm chương trình sách giáo khoa mới cho các lớp đầu cấp.

Tuy nhiên, đây đã là công việc xác định trong Nghị quyết 88 rồi, chúng ta mong muốn nếu việc chuẩn bị kỹ lưỡng, điều kiện cần thiết, để mà thực hiện chúng ta cũng xác định thời gian lùi phù hợp mà không đẩy chậm quá tiến độ Nghi quyết 88”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 30/5, bên hành lang kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh niên, Thiếu Niên, Nhi đồng – ông Phan Thanh Bình về thông tin lùi một năm thời gian đưa sách giáo khoa mới vào giảng dạy.

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh quochoi.vn).
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh quochoi.vn).

Ông Phan Thanh Bình cho biết: “Đến nay, Ủy ban vẫn chưa nhận được thông tin lùi thời gian từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Hôm thứ 7, ngày 27/5, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội có làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tại buổi làm việc đó, Ủy ban có đánh giá về các mặt cả về quá trình chuẩn bị chương trình, chuẩn bị đội ngũ và trang thiết bị, Ủy ban cho rằng rất khó để triển khai giảng dạy vào năm 2018 – 2019.

Khi làm việc vào thứ 7, Ủy ban có lưu ý nên cân nhắc thời gian áp dụng giảng dạy chương trình mới. Quyền quyết có lùi lại hay không là của Chính phủ, bên Ủy ban cho rằng với thời gian còn lại không kịp đâu, cần lùi lại đi.

Tất cả những thông tin này sẽ được báo cáo với Quốc hội vào tháng 10”.

Tháng 10 sẽ báo cáo Quốc hội có lùi chương trình sách giáo khoa hay không? ảnh 4

Chương trình giáo dục phổ thông mới có thể chưa áp dụng từ năm học 2018 - 2019

Trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin ngày 30/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo đổi mới chương trìnhsách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Phùng Xuân Nhạ - Trưởng ban chỉ đạo cho biết, đến nay công tác biên soạn và các công việc chuẩn bị điều kiện thực hiện chương trình, sách giáo khoa đang được triển khai tích cực.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Bộ trong triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa thời gian qua.

Tuy nhiên, đổi mới là vấn đề lớn, phức tạp với khối lượng công việc nhiều và liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân.

"Tinh thần là phải bảo đảm chất lượng trên hết. Chúng ta làm khẩn trương nhưng phải chắc chắn", Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý.

Sau khi nghe ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngành giáo dục đang tích cực, nỗ lực cao nhất để có thể triển khai chương trình, sách giáo khoa mới theo đúng thời gian Nghị quyết 88 của Quốc hội đưa ra.

Nếu trong trường hợp chưa thực sự yên tâm về chất lượng và điều kiện thực hiện thì Bộ sẽ báo cáo Chính phủ để Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội đề nghị điều chỉnh thời điểm bắt đầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới từ năm học 2019 - 2020 để có thêm thời gian chuẩn bị cho công tác biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các chương trình môn học và hoạt động giáo dục, biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa mới;

Đồng thời có thêm thời gian tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; huy động nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa, góp phần thực hiện tốt chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa.

Trinh Phúc