Những ngày qua câu chuyện về cô giáo Nhung hiện đang công tác tại trường tiểu học Bình Chánh (Long An) bắt một số em học sinh vi phạm nội quy quỳ gối trong giờ học rồi bị phụ huynh ép quỳ xin lỗi đang gây bức xúc dư luận.
Đến nay, điều mà dư luận dành sự quan tâm nhất đó là cô giáo bị bắt quỳ đã rất mong muốn được giúp đỡ giải vây khỏi sức ép này, nhưng Hiệu trưởng bỏ đi dự giờ. Lúc đó, cô Nhung ở trong tình thế không còn đường lùi nên phải quỳ gối trong thời gian 40 phút.
Cũng là thủ trưởng một cơ sở giáo dục, chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng:
“Lúc sự việc diễn ra nếu vị hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Chánh đi công tác, không có mặt ở trường thì đã đành nhưng vị này có mặt ở đó mà vẫn bỏ đi.
Điều này thể hiện cách ứng xử của hiệu trưởng trong việc quản trị nhà trường là thiếu nhạy cảm, không quyết liệt”.
Thầy Khang nói: “Nếu tôi trong trường hợp của vị hiệu trường này, tôi sẵn sàng bỏ tiết dự giờ đó để ở lại nói chuyện và thay mặt nhà trường xin lỗi các vị phụ huynh”.
Theo thầy Nguyễn Xuân Khang, “nếu tôi trong trường hợp của vị hiệu trường này, tôi sẵn sàng bỏ tiết dự giờ đó để ở lại nói chuyện và thay mặt nhà trường xin lỗi các vị phụ huynh”. (Ảnh: Thùy Linh) |
Bởi lẽ theo thầy Khang, với vai trò là thủ trưởng đơn vị, hiệu trưởng nhà trường khi đứng trước tình huống này thì cần tỉnh táo kéo sự việc về phía mình, can thiệp quyết liệt để bảo vệ giáo viên và ngăn cản hành vi quá khích có thể có của phụ huynh khi bức xúc.
Theo thầy Khang, có thể giáo viên mắc lỗi thì phải sửa lỗi, rút kinh nghiệm, hình thức kỷ luật cũng sẽ phải bàn nhưng đó là việc của cơ quan đoàn thể, thậm chí cơ quan chức năng chứ không thể vì thế mà hiệu trưởng phải chấp nhận các yêu cầu mà phụ huynh đưa ra.
“Nếu tôi là hiệu trưởng của trường Bình Chánh, nếu phụ huynh muốn làm biên bản, tôi đồng ý nhưng nếu yêu cầu giáo viên phải quỳ thì chắc chắn tôi không bao giờ chấp nhận và nhất định không để giáo viên phải quỳ”, thầy Khang nhấn mạnh.
Tuy nhiên, khi nhìn nhận về việc cô giáo Nhung bắt một số em học sinh vi phạm nội quy quỳ gối trong giờ học, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng:
“Không được làm tổn thương đến tinh thần và thân thể người khác. Đó vừa là đạo lý vừa là luật pháp.
Ở mức nhẹ bị thiên hạ chê trách, mức nặng sẽ bị kỷ luật hành chính hoặc truy tố.
Tôi không đồng tình với việc cô giáo phạt học sinh bằng hình thức quỳ gối, dù thời gian bao lâu.
Cô giáo trẻ ở Bình Chánh ít kinh nghiệm, thiếu thận trọng... đã làm việc đó và dẫn đến bức xúc của các phụ huynh và dẫn đến bức xúc của các phụ huynh!”.
Thầy Khang cho rằng, nếu sự việc dừng ở đó, phụ huynh gặp cô giáo, gặp lãnh đạo trường góp ý chân thành thì chắc chắn cô giáo sẽ nhận thấy sai lầm và sửa đổi.
Cô giáo nên gặp trực tiếp các em học sinh bị phạt để có lời xin lỗi... Cô thật sự chân thành thì "vết thương tinh thần" của trò sẽ biến mất, cô trò trở nên thân thiết hơn.
Rất đáng tiếc sự việc đã không diễn ra như vậy!
Một số phụ huynh thì quá bức xúc không chỉ nhận lời xin lỗi của cô giáo mà "buộc cô phải quỳ gối" như cô đã phạt con họ.
Cô giáo bị bắt quỳ đã rất mong muốn được cứu giúp nhưng Hiệu trưởng bỏ đi |
“Có đúng như vậy không?”, thầy Khang băn khoăn.
“Nếu cô giáo chân thành nhận lỗi mà không làm vơi nỗi bức xúc của phụ huynh thì có thể, vì quá lo lắng, cô bột phát... quỳ xuống để bày tỏ lòng mình.
Một vài phụ huynh đỡ cô dậy vì không nỡ lòng nhìn cảnh đó. Được như vậy thì sự việc cũng chưa đến nỗi nào.
Nếu phụ huynh có biểu hiện "trả miếng", buộc cô phải quỳ gối trước nhiều người thì mới tha...
Sự việc đã đi quá xa, không thể chấp nhận được. Bởi đây là hành vi cố tình làm nhục người khác!”, thầy Khang nói.