LTS: Quý độc giả đang theo dõi bài viết của tác giả Nguyễn Thị Lan Hương, một nghiên cứu sinh về giáo dục Hoa Kỳ.
Tác giả chia sẻ những suy nghĩ về tầm quan trọng của tiếng Anh trong giấc mơ biến cậu bé chăn bò thành kỹ sư công nghệ của Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam - Phó Chủ tịch HĐQT Đại học FPT.
Đồng thời, cũng chỉ ra một số giải pháp giúp "xóa giặc dốt tiếng Anh" của người Việt.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Ông Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng Đại học Trực tuyến FUNiX, hiện là Phó Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, đã chia sẻ về ước mơ của mình:
"Một chương trình đào tạo trong vòng 16-20 tháng với một chi phí đầu tư chấp nhận được cho gia đình, hoàn toàn có thể bắc cầu cho các cậu bé "chăn bò" từ miền Trung nghèo khổ và các vùng của đất nước có thể tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này” [1].
Có thể nhiều người sẽ mỉm cười với mơ ước chăn bò đi lập trình và tham gia vào nền tảng công nghệ 4.0 hiện nay.
Sáu chàng trai Việt là sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) có cơ hội đến Google làm việc. Ảnh: Zing.vn. |
Cá nhân tôi lại hoàn toàn tin vào ước mơ này của anh Nam, dù biết rằng để từ ước mơ đến hiện thực, chúng ta sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Một trong những thách thức hiện hữu mà được một dân IT (công nghệ thông tin) chuyên nghiệp, người đã lăn lộn với IT của World Bank trong nhiều năm đã chỉ ra, đó là thách thức về ngoại ngữ [2].
Theo tôi, chúng ta nên nói rất rõ ở đây là thách thức về những yếu kém của học sinh và nhiều người Việt về tiếng Anh.
Việc học tiếng Anh trong hơn 9 năm phổ thông với kết quả là hơn 90% học sinh dưới 5 điểm trong kết quả thi tốt nghiệp năm 2016 [3] là một ví dụ nhỏ minh chứng sự yếu kém về tiếng Anh trong giáo dục phổ thông.
Việc yếu kém về tiếng Anh ở cấp độ phổ thông đã làm sinh viên chúng ta “mất tự tin” trong suốt thời gian học đại học, học nghề hay đi làm ở bất kỳ đâu.
Để cải thiện tiếng Anh ở cấp phổ thông và như tác giả Hiệu Minh có chỉ ra, tiếng Anh là cách cửa cho “chăn bò” đi đến với lập trình và thế giới kiến thức, đòi hỏi những tư duy về chương trình và phương pháp dạy tiếng Anh mới, tạo thêm những môi trường và thời gian học tiếng Anh “thật” cho học sinh từ cấp 1 trở đi.
Cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng tại các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam |
Hiện nay, hầu như các học sinh học tiếng Anh tốt chỉ tập trung ở hai thành phố lớn và ở gia đình có điều kiện cho các em học thêm tiếng Anh ở trung tâm có giáo viên tiếng Anh (bản địa).
Chi phí cho các em học ở trung tâm tiếng Anh khá tốn kém (trung bình 16 triệu đồng/4 tháng và 3 tiếng/tuần).
Theo đó, khả năng học sinh đi học ở những trung tâm này rất giới hạn trong mấy chục nghìn học sinh ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh.
Vậy, đối mặt với gia cảnh của hầu hết học sinh “chăn bò” ở Đà Nẵng hay các khu vực kinh tế kém phát triển hơn ở các tỉnh thành, chúng ta không thể mong đợi hoàn toàn việc sẽ có học sinh học tốt tiếng Anh từ các trung tâm luyện tiếng Anh.
Cách có thể giúp đỡ các chăn bò này cần xuất phát từ các giáo viên tiếng Anh, tình nguyện viên, trung tâm xã hội về dạy và sinh hoạt tiếng Anh, cách tự học tiếng Anh qua các kênh học miễn phí.
Việc hướng dẫn và chia sẻ cách tự học tiếng Anh (miễn phí) cũng như các môn học cơ bản là một trong những việc cần làm ngay trong môi trường học tập, từ cấp 2 của Việt Nam.
Chúng ta đã có một đề án ngoại ngữ 2020 thất bại. Chúng ta sẽ có một đề án về cải cách giáo dục phổ thông đến 2020, đề án đào tạo giáo viên và nhiều đề án khác.
Tuy nhiên, để chờ đợi vào các đề án và hiệu quả chưa thể biết trước được, đây sẽ là một tiềm năng rủi ro cho các thế hệ học sinh Việt Nam hiện nay, khi chúng ta chờ đợi vào cải cách giáo dục.
Do vậy, cần lắm những chương trình và mô hình hướng dẫn cách học tiếng Anh miễn phí cho học sinh Việt Nam, giống như các chương trình học tiếng Anh từ mức “bắt đầu” lên đến “đại học” hay đi vào chuyên ngành như anh Nam mong ước, tiếng Anh cho lập trình.
Giáo dục là phải biến những cậu bé chăn bò thành kỹ sư công nghệ |
Từ những kinh nghiệm bản thân, cá nhân tôi tin tưởng vào những bước sau đây trong mô hình tự học tiếng Anh:
1. Tìm kiếm một phương pháp học tiếng Anh mà tự mình yêu thích. Mỗi người có thể có một sở thích, một cách học khác nhau.
Vậy nên, để tự học và tự phấn đấu theo đuổi tiếng Anh, cần tìm ra cách nào mà mình thích học hay học sinh mình thích học là điều rất quan trọng để tiếp cận việc cải thiện học tập.
2. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, chúng ta và bản thân học sinh không biết mình thích học kiểu gì sẽ có hiệu quả, hay thích học kiểu gì.
Với quan sát cá nhân, tôi nhận ra việc nếu chúng ta biết học sinh thích chơi gì thì sẽ khá gần với phương pháp học mà học sinh thích hoặc thấy phù hợp.
Hiện tại, chương trình nghiên cứu “gaming – learning” (chơi-học qua chương trình chơi game) để ứng dụng trong trường học đang khá phổ biến ở Mỹ.
Mặc dù đây chỉ là một phản ứng đối phó với hiện tượng việc học sinh đam mê học game nhiều hơn là học thực sự.
3. Tìm kiếm một người hay một nhóm bạn cùng học, cùng luyện tiếng Anh hay ít nhất, cùng thích xem phim, nghe nhạc bằng tiếng Anh.
Việc học nhóm trong tiếng Anh là một ứng dụng thú vị trong nghiên cứu việc học tiếng Anh ở trong các gia đình mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ thứ nhất.
Các em học sinh thực sự rất muốn nói, trao đổi, chia sẻ bằng tiếng Anh với bạn bè, với thầy cô, với cha mẹ, những người nước ngoài…
Nhiều khi chúng ta cười với nhau khi thấy người Việt nói tiếng Anh với người Việt và đều chả hiểu gì, nhưng xin đừng đùa, đấy là những bước đầu tiên để tự tin nói chuyện với người nước ngoài bằng tiếng Anh.
4. Hãy thiết lập lại chương trình học tiếng Anh trên truyền hình, trên đài phát thanh trên toàn quốc như chúng ta đã làm những năm 1990.
Những thầy giáo như Thầy Hùng, và nhiều thầy cô hãy dành thời gian nhiều hơn trên các làn sóng tivi, radio để hướng dẫn các em học sinh, cha mẹ và tất cả những ai mong muốn học tiếng Anh.
Những buổi này nên bao gồm cả dạy tiếng Anh và hướng dẫn các nguồn tài liệu để mọi người có thể tự học tiếng Anh.
Chúng ta hoàn toàn có thể phát động lại chương trình “Diệt giặc dốt tiếng Anh” cho cả đất nước, từ học sinh cho đến bác xe ôm, từ lãnh đạo cao cấp cũng học đến chị vợ ở nhà cũng học.
Một hình ảnh về một đất nước học tập như trên, tôi luôn tin rằng, sẽ là một đất nước có tương lai đẹp, không chỉ cho những chàng “chăn bò” như anh Nam mơ ước, mà cho tất cả mọi người, không phụ thuộc vào việc bạn là ai, bạn ở đâu và bạn có bao nhiêu tiền.
Tiếng Anh, không chỉ là cách để mở cửa cho chăn bò đi vào thế giới lập trình.
Tiếng Anh là cả thế giới, thế giới tri thức, thế giới du lịch, thế giới việc làm, thế giới của những gì chúng ta, người Việt cần học và hội nhập vào, trong lúc không quên xây dựng và làm đẹp thêm ngôn ngữ tiếng Việt trong thế giới toàn cầu.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/nong-dan-lap-trinh-3543525.html